Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 86/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2009

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM CỦA THÔNG TƯ SỐ 155/2007/TT-BTC NGÀY 20/12/2007 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 45/2007/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM VÀ THÔNG TƯ 156/2007/TT-BTC NGÀY 20/12/2007 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 46/2007/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM VÀ DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 155/2007/TT-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là "Thông tư 155") và Thông tư 156/2007/TT-BTC ngày 20/12/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (sau đây gọi tắt là “Thông tư 156”) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Thông tư 155

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 2.2, khoản 2, mục II về thẩm định năng lực tài chính như sau:

“2.2.1. Danh sách tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong đó nêu rõ các tổ chức, cá nhân là cổ đông (thành viên) sáng lập; mức vốn góp; số lượng cổ phần và loại cổ phần (đối với hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp cổ phần); phương thức góp vốn; thời hạn góp vốn tương ứng;

2.2.2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 50% vốn điều lệ ban đầu khi thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong thời hạn 3 năm (đối với hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp cổ phần);

2.2.3. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính xác nhận chủ đầu tư nước ngoài đang trong tình trạng tài chính lành mạnh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý tại nước nguyên xứ tính đến cuối năm tài chính liền kề năm xin cấp giấy phép;

2.2.4. Cơ cấu góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phù hợp với quy định tại Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Nghị định 46/2007/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành;

2.2.5. Bằng chứng chứng minh khả năng nộp đủ vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm của các chủ đầu tư:

a) Báo cáo tài chính cho 3 năm liền kề năm xin thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập đối với tổ chức là cổ đông (thành viên) sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ; báo cáo tài chính cho 3 năm liền kề năm xin thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đối với các chủ đầu tư pháp nhân không phải là cổ đông (thành viên) sáng lập hoặc góp dưới 10% vốn điều lệ;

b) Nguồn vốn góp thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải là nguồn hợp pháp; không sử dụng tiền vay hoặc uỷ thác đầu tư dưới bất cứ hình thức nào để góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

c) Đối với tổ chức Việt Nam tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm với tư cách là cổ đông sáng lập hoặc cổ đông góp từ 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm: Là doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, có vốn chủ sở hữu tối thiểu 150 (một trăm năm mươi) tỷ đồng, góp vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm với số tiền không quá 25% vốn chủ sở hữu của tổ chức đó, kinh doanh có lãi và được xác nhận tại báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 3 năm liên tục gần nhất.

d) Đối với tổ chức Việt Nam tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm dưới 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm: Là doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, có tình hình tài chính lành mạnh trong 3 năm tài chính liên tục gần nhất, vốn chủ sở hữu trừ đi các khoản đầu tư dài hạn lớn hơn số vốn dự kiến góp vào doanh nghiệp bảo hiểm.

2.2.6. Có tối thiểu 4 tổ chức tham gia góp vốn thành lập DNBH.

2. Bổ sung khoản 3, mục II về trình tự, thủ tục trước khi cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:

"3.1 Trên cơ sở hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chủ đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định, Bộ Tài chính sẽ có văn bản chấp thuận về nguyên tắc.

3.2. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày được chấp thuận về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đóng đủ vốn điều lệ và nộp Bộ Tài chính xác nhận của ngân hàng về số vốn điều lệ đã đóng vào tài khoản phong toả của từng tổ chức, cá nhân theo danh sách đã đăng ký tại hồ sơ xin cấp giấy phép.

3.3. Ngoài quy định tại điểm 3.2, doanh nghiệp bảo hiểm phải chứng minh đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:

- Các chức danh quản trị, điều hành như Tổng giám đốc (Giám đốc), Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng, Chuyên gia tính toán (bảo hiểm nhân thọ), Trưởng bộ phận khai thác, giám định, bồi thường, Trưởng bộ phận đầu tư, Chuyên gia tính toán dự phòng và biên khả năng thanh toán (bảo hiểm phi nhân thọ) đáp ứng điều kiện theo quy định tại Thông tư 155/2007/TT-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ Tài chính và Thông tư này;

- Chứng minh đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin đối với hoạt động nghiệp vụ, kế toán- tài chính, đầu tư, cán bộ thông tin và đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng.

3.4. Sau khi doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng tất cả các điều kiện triển khai nêu tại điểm 3.1, 3.2 và 3.3, Bộ Tài chính sẽ chính thức trao giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm. Trong trường hợp quá thời hạn 6 tháng mà doanh nghiệp bảo hiểm không đáp ứng một trong các điều kiện nêu tại điểm 3.2 hoặc 3.3, văn bản chấp thuận về nguyên tắc nêu tại điểm 3.1 sẽ không còn hiệu lực.

3.5. Ngoài quy định tại điểm 3.2 nêu trên, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải chứng minh đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:

- Các chức danh quản trị, điều hành như Tổng giám đốc (Giám đốc), Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng đáp ứng điều kiện theo quy định tại Thông tư 155/2007/TT-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ Tài chính và Thông tư này;

- Toàn bộ nhân viên tại các phòng nghiệp vụ có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về lĩnh vực công tác do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được công nhận trong nước hoặc quốc tế cấp;

- Đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin đối với hoạt động nghiệp vụ, kế toán- tài chính, đầu tư, cán bộ thông tin và đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng.

3.6. Sau khi doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đáp ứng tất cả các điều kiện triển khai nêu tại điểm 3.1, 3.2 và 3.5, Bộ Tài chính sẽ chính thức trao giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Trong trường hợp quá thời hạn 6 tháng mà doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng một trong các điều kiện nêu tại điểm 3.2 hoặc 3.5, văn bản chấp thuận về nguyên tắc nêu tại điểm 3.1 sẽ không còn hiệu lực".

3. Sửa đổi khoản 3, mục II về thủ tục trước khi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm chính thức hoạt động thành khoản 4.

4. Sửa đổi, bổ sung điểm 3.1.3, khoản 3, mục II về thủ tục trước khi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm chính thức hoạt động như sau:

"4.1.3. Họp bầu Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch và Tổng giám đốc (Giám đốc) theo quy định tại Điều lệ phù hợp với quy định pháp luật; hoàn tất thủ tục xin phê chuẩn Chủ tịch, Tổng Giám đốc (Giám đốc)".

5. Bổ sung điểm 2.5, khoản 2, mục III về tăng hoặc giảm mức vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:

"2.5. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc tăng hoặc giảm mức vốn điều lệ, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải hoàn thành việc tăng hoặc giảm mức vốn điều lệ theo phương án đã được chấp thuận và báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện để xem xét cấp Giấy phép điều chỉnh. Trường hợp không thực hiện được kế hoạch tăng vốn đã được chấp thuận, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính để xem xét giải quyết".

6. Sửa đổi điểm 4.3, khoản 4, mục III về thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:

"4.3. Bằng chứng về quyền sử dụng địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện (thuê hoặc sở hữu)".

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, mục IV về tiêu chuẩn người quản trị, điều hành doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:

7.1. Bổ sung điểm 1.1.5 và 1.1.6 về tiêu chuẩn chung như sau:

"1.1.5. Trong 3 năm liên tục trước thời điểm được bổ nhiệm là người quản trị, điều hành doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:

- Chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm với hình thức bị buộc bãi nhiệm chức danh quản trị, điều hành đã được Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc buộc đình chỉ chức danh đã được doanh nghiệp bổ nhiệm;

- Chưa từng bị xử lý kỷ luật dưới hình thức cách chức, buộc thôi việc (sa thải) do vi phạm quy trình nội bộ về khai thác, giám định, bồi thường, kiểm soát nội bộ, quản lý tài chính và đầu tư, quản lý chương trình tái bảo hiểm trong doanh nghiệp bảo hiểm hay quy trình nghiệp vụ môi giới bảo hiểm, kiểm soát nội bộ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong doanh nghiệp môi giới bảo hiểm".

"1.1.6. Tại thời điểm được bổ nhiệm là người quản trị, điều hành doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, không trực tiếp liên quan đến vụ việc đang bị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh".

7.2. Sửa đổi điểm 1.4.2 và 1.4.3 về tiêu chuẩn của Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc người đại diện trước pháp luật như sau:

" 1.4.2. Có bằng đại học hoặc trên đại học;

1.4.3. Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về lĩnh vực dự kiến phụ trách do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được công nhận trong nước hoặc quốc tế cấp;

1.4.4. Trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng ít nhất 5 năm;

1.4.5. Đã giữ chức vụ ít nhất là trưởng phòng, ban nghiệp vụ tại trụ sở chính hay giám đốc chi nhánh tối thiểu 3 năm của doanh nghiệp bảo hiểm (trường hợp đảm nhận chức vụ trong doanh nghiệp bảo hiểm), của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (trường hợp đảm nhận chức vụ trong doanh nghiệp môi giới bảo hiểm);

1.4.6. Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm".

7.3. Sửa đổi lại điểm 1.5 về tiêu chuẩn Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Giám đốc chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện, Kế toán trưởng, Trưởng ban kiểm soát như sau:

"1.5.1. Các tiêu chuẩn chung quy định tại điểm 1.1 nêu trên;

1.5.2. Có bằng đại học hoặc trên đại học;

1.5.3. Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về lĩnh vực dự kiến phụ trách do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được công nhận trong nước hoặc quốc tế cấp;

1.5.4. Trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc lĩnh vực chuyên môn sẽ đảm nhiệm tối thiểu 3 năm".

7.4. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.6 về tiêu chuẩn đối với người đứng đầu bộ phận khai thác nghiệp vụ bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, tái bảo hiểm và đầu tư như sau:

"1.6. Tiêu chuẩn đối với người đứng đầu bộ phận khai thác nghiệp vụ bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, tái bảo hiểm và đầu tư:

1.6.1. Các tiêu chuẩn chung quy định tại điểm 1.1 nêu trên;

1.6.2. Có bằng đại học hoặc trên đại học;

1.6.3. Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về lĩnh vực dự kiến phụ trách do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được công nhận trong nước hoặc quốc tế cấp;

1.6.4. Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dự kiến phụ trách ít nhất 3 năm".

7.5. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.7 về nguyên tắc phân công đảm nhiệm chức vụ trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:

a. Điểm 1.7.1 và 1.7.2: Bỏ cụm từ "trừ trường hợp là công ty trực thuộc".

b. Bổ sung điểm 1.7.3 và 1.7.4 Mục IV như sau:

"1.7.3. Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), không được kiêm nhiệm giám đốc chi nhánh, trưởng văn phòng đại diện của quá một chi nhánh, văn phòng đại diện.

Giám đốc chi nhánh, trưởng các bộ phận nghiệp vụ tại trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được đồng thời làm Giám đốc chi nhánh, trưởng văn phòng đại diện tại chi nhánh, văn phòng đại diện khác của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đó.

1.7.4. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm không được đồng thời là chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm đó".

8. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2, mục IV về kiểm tra, kiểm soát nội bộ như sau:

Bỏ điểm 2.1, 2.2 và 2.3 khoản này và thay thế bằng quy định dưới đây:

"2.1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải xây dựng quy trình và tổ chức kiểm tra, kiểm soát nội bộ, với điều kiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ độc lập với các hoạt động điều hành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và đảm bảo đánh giá, phát hiện kịp thời mọi rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả và mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp, phản ánh ngay lập tức với cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm để có biện pháp xử lý thích hợp.

2.2. Người làm công việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ phải có bằng đại học hoặc trên đại học; có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tối thiểu ba năm".

9. Bổ sung khoản 4, mục IV về chuyên gia tính dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ như sau:

"4. Chuyên gia tính dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

4.1. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải sử dụng chuyên gia để thực hiện các nhiệm vụ sau:

4.1.1. Lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

4.1.2. Đánh giá tình hình chi bồi thường và mức trích lập dự phòng nghiệp vụ trong các năm tài chính trước, so sánh với mức đã trích lập và thực hiện báo cáo Bộ Tài chính theo mẫu đính kèm Thông tư này.

4.1.3. Định kỳ tính toán khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và xác nhận vào báo cáo khả năng thanh toán gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.

4.2. Tiêu chuẩn về chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán trong doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

4.2.1. Có bằng đại học hoặc trên đại học;

4.2.2. Có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm trong lĩnh vực tài chính kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm;

4.2.2. Có tư cách đạo đức tốt, chưa từng bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm;

4.3. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải đăng ký với Bộ Tài chính chuyên gia tính dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký bao gồm các thông tin cơ bản sau:

- Văn bản đăng ký chuyên gia tính dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán có chữ ký của Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp.

- Văn bằng, chứng chỉ, lý lịch về năng lực, trình độ và kinh nghiệm chuyên môn của người dự kiến được bổ nhiệm làm chuyên gia tính dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán.

4.4. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể yêu cầu chuyên gia tính dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán hoặc người dự kiến được bổ nhiệm làm chuyên gia tính dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán thuyết minh trước Bộ Tài chính về năng lực chuyên môn đáp ứng được các nhiệm vụ quy định tại điểm 4.1, khoản 4, Điều 1 Thông tư này".

10. Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm 3.3.3, khoản 3, mục V về khai thác bảo hiểm như sau:

"3.3.3. Nghiêm cấm việc doanh nghiệp bảo hiểm tranh thủ uy tín, ảnh hưởng và chỉ đạo dưới mọi hình thức của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản cấp trên và chủ góp vốn đầu tư để cung cấp dịch vụ bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm".

11. Sửa đổi quy định tại điểm 2.3, khoản 2, mục VI về mức giữ lại như sau:

"2.3. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép giữ lại mức trách nhiệm tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 5% vốn chủ sở hữu".

12. Sửa đổi quy định tại điểm 4.2, khoản 4, mục VI về điều kiện của các doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài như sau:

"4.2. Doanh nghiệp đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải được xếp hạng tối thiểu "BBB" theo Standard & Poor's, “B++” theo A.M.Best, “Baa” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm giao kết hợp đồng tái bảo hiểm.

Trường hợp tái bảo hiểm cho công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty trong tập đoàn mà không có đánh giá xếp hạng tín nhiệm theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản báo cáo Bộ Tài chính".

13. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, mục VII như sau:

13.1. Sửa lại tên khoản 1, mục VII như sau:

"Quy định về đào tạo, thi cấp chứng chỉ và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm"

13.2. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.1, khoản 1, mục VII như sau:

"1.1. Cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm muốn đào tạo đại lý bảo hiểm cần có văn bản đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 45/2007/NĐ-CP kèm theo các quy trình đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo, quy trình tổ chức thi cấp chứng chỉ đào tạo đại lý (trong trường hợp được Bộ Tài chính uỷ quyền tổ chức thi), quy trình cấp và quản lý chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm".

 13.3. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.3.1, khoản 1, mục VII như sau:

"1.3.1. Chỉ những cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm được Bộ Tài chính chấp thuận hoạt động mới có quyền cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm. Người được cấp chứng chỉ phải hoàn thành chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm tổ chức và thi đỗ trong kỳ thi cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do Bộ Tài chính tổ chức hoặc cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm được Bộ Tài chính uỷ quyền tổ chức".

14. Bổ sung quy định tại khoản 5, mục VIII về môi giới bảo hiểm như sau:

"5.5. Sử dụng cộng tác viên để thực hiện một hay nhiều công đoạn của quá trình môi giới bảo hiểm".

Điều 2: Sửa đổi, bổ sung Thông tư 156

1. Sửa đổi điểm 3.4.1.c, khoản 3, mục III về cơ sở tính dự phòng như sau:

"c) Cơ sở tính dự phòng: doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ sử dụng các cơ sở sau đây để tính dự phòng toán học:

+ Bảng tỷ lệ tử vong quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 156 (bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980).

+ Lãi suất kỹ thuật tối đa bằng 80% lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tại thời điểm gần nhất trước thời điểm trích lập dự phòng. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được điều chỉnh giảm lãi suất kỹ thuật để tuân thủ quy định này. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ muốn điều chỉnh tăng lãi suất kỹ thuật thì phải được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định tại điểm 3.3, khoản 3, mục III Thông tư 156".

2. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.2.1, khoản 1, mục VI về doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sau:

"1.2.1. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là số tiền phải thu phát sinh trong kỳ được xác định theo nguyên tắc sau:

- Doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán khoản thu phí bảo hiểm gốc vào thu nhập khi phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm, cụ thể như sau:

+ Khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.

+ Có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.

+ Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và doanh nghiệp bảo hiểm có thoả thuận cho bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.

++ Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm gia hạn nợ phí bảo hiểm thì phải lập thành phụ lục hợp đồng bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực và trước ngày xảy ra tổn thất.

++ Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thoả thuận với bên mua bảo hiểm việc đóng phí bảo hiểm theo kỳ thì doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập tương ứng với kỳ hoặc các kỳ phí bảo hiểm đã phát sinh, không hạch toán vào thu nhập phần phí bảo hiểm chưa đến kỳ bên mua bảo hiểm phải nộp phí theo thoả thuận.

++ Trong mọi trường hợp, thời gian nợ phí bảo hiểm không được vượt quá thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm. Riêng trường hợp bảo hiểm hàng hóa vận chuyển cho khách hàng có nhiều chuyến hàng tham gia bảo hiểm trong năm, nếu doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có ký hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc (hay hợp đồng bảo hiểm bao) về cách thức tham gia bảo hiểm và phương thức thanh toán, thì thời hạn thanh toán phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm ký kết trong tháng này không được chậm sau ngày 15 tháng sau.

++ Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực bảo hiểm vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

++ Doanh nghiệp bảo hiểm ghi giảm doanh thu tương ứng với thời gian hợp đồng bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không thực hiện đóng phí bảo hiểm theo đúng thoả thuận nợ phí.

Đối với các hợp đồng bảo hiểm không có thoả thuận thời hạn đóng phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm không được hạch toán vào doanh thu.

- Trường hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán vào thu nhập tiền thu phí bảo hiểm gốc được phân bổ theo tỷ lệ đồng bảo hiểm.

- Doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán thu phí nhận tái bảo hiểm, thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác phát sinh từ hoạt động nhượng tái bảo hiểm khi bản thanh toán về tái bảo hiểm được xác nhận.

Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận với bên nhượng tái bảo hiểm việc đóng phí bảo hiểm theo kỳ thì sẽ hạch toán vào thu nhập tương ứng với kỳ hoặc các kỳ phí nhận tái bảo hiểm đã phát sinh, không hạch toán vào thu nhập phần phí bảo hiểm chưa đến kỳ bên nhượng tái bảo hiểm phải thanh toán theo như đã thoả thuận.

- Đối với các khoản thu còn lại: doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán vào thu nhập ngay khi hoạt động kinh tế phát sinh, có bằng chứng chấp thuận thanh toán của các bên, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Đối với các khoản phải chi để giảm thu: doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán vào giảm thu nhập ngay khi hoạt động kinh tế phát sinh, có bằng chứng chấp thuận của các bên, không phân biệt đã chi tiền hay chưa chi tiền".

Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ hạch toán doanh thu theo quy định tại Thông tư số 156/2007 ngày 20/12/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính Phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

3. Sửa đổi điểm 2.1, khoản 2, mục VI về chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sau:

"2.1. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm:

2.1.1. Chi bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm gốc (chi bồi thường bảo hiểm gốc đối với bảo hiểm phi nhân thọ, trả tiền bảo hiểm đối với bảo hiểm nhân thọ), hợp đồng tái bảo hiểm sau khi đã trừ đi các khoản phải thu để giảm chi như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý, bồi thường 100%;

Nguyên tắc chi bồi thường bảo hiểm gốc đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: Theo đúng phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm quy định tại hợp đồng bảo hiểm đã được thoả thuận giữa các bên và có bằng chứng chứng minh thiệt hại xảy ra.

2.1.2. Trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Mục III Thông tư này;

2.1.3. Chi hoa hồng bảo hiểm, hoa hồng môi giới bảo hiểm theo quy định tại Mục V Thông tư số 155/2007/TT-BTC ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/2007/NĐ-CP;

2.1.4. Chi giám định tổn thất theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 45/2007/NĐ-CP;

2.1.5. Chi phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;

2.1.6. Chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%;

2.1.7. Chi quản lý đại lý bảo hiểm:

- Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, chi quản lý đại lý bảo hiểm bao gồm chi đào tạo và thi cấp chứng chỉ đại lý, chi đào tạo nâng cao kiến thức cho đại lý, chi tuyển dụng đại lý và chi khen thưởng đại lý.

- Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi quản lý đại lý bảo hiểm bao gồm chi đào tạo và thi cấp chứng chỉ đại lý, chi đào tạo nâng cao kiến thức cho đại lý. Không được chi hỗ trợ đại lý bảo hiểm dưới mọi hình thức ngoài mức hoa hồng bảo hiểm đại lý được hưởng theo quy định của Bộ Tài chính.

2.1.8. Chi đề phòng, hạn chế tổn thất, mức chi không quá 2% số phí bảo hiểm thực tế thu trong năm tài chính để chi cho các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Nghị định 45/2007/NĐ-CP;

Chi đề phòng hạn chế tổn thất phải đúng mục đích theo quy định của pháp luật, đảm bảo có đầy đủ hoá đơn, chứng từ hoặc bằng chứng chứng minh.

2.1.9. Chi đánh giá rủi ro của đối tượng bảo hiểm bao gồm các khoản chi cho công tác thu thập thông tin, điều tra, thẩm định về đối tượng bảo hiểm;

2.1.10. Trích 5% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thu được hàng năm đóng góp kinh phí cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy; trích tối thiểu 2% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hàng năm để đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; các khoản trích kinh phí về nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật;

2.1.11. Các khoản chi, trích khác theo quy định của pháp luật".

4. Sửa đổi điểm 2.1.1, khoản 2, mục VII về chi phí của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:

"2.1.1. Chi phí hoạt động môi giới bảo hiểm: chi hoạt động môi giới bảo hiểm; chi mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được phép chi cộng tác viên hay bất kỳ hình thức nào khác để thực hiện một hay nhiều công đoạn môi giới bảo hiểm".

5. Sửa đổi điểm 2.3.1, khoản 2, mục XI về báo cáo thống kê, báo cáo nghiệp vụ đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ như sau:

"2.3.1. Báo cáo kết quả hoạt động tháng: Theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này".

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính;
- Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam;
- Các DNBH, DNMGBH;
- Lưu: VT, QLBH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà


MẪU SỐ 1-NT

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG THÁNG

(Ban hành kèm theo Thông tư số 86/2009/TT-BTC ngày 28 tháng 04 năm 2009 của Bộ Tài chính)

- Tên doanh nghiệp bảo hiểm:   

- Báo cáo tháng:...................................... Từ ....................... đến         

Đơn vị: triệu đồng

STT

Nghiệp vụ bảo hiểm/hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng khai thác mới

Số lượng hợp đồng có hiệu lực

Tổng doanh thu phí bảo hiểm

Số lượng hợp đồng hủy bỏ lũy kế từ đầu năm

Số lượng hợp đồng

Phí bảo hiểm

Trong tháng

Lũy kế

Cùng kỳ năm trước

Trong tháng

Lũy kế

Cùng kỳ năm trước

Cuối tháng

Cùng kỳ năm trước

Luỹ kế

Cùng kỳ năm trước

 

 

 

1. Nghiệp vụ bảo hiểm:

+ Bảo hiểm trọn đời

+ Bảo hiểm sinh kỳ

+ Bảo hiểm tử kỳ

+ Bảo hiểm hỗn hợp

+ Bảo hiểm trả tiền định kỳ

+ Bảo hiểm liên kết đầu tư

2. Hợp đồng bảo hiểm:

+ Hợp đồng chính

+ Hợp đồng bổ trợ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thực.


Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)

....., ngày ...... tháng ....... năm .......
Tổng giám đốc (Giám đốc)
( Ký và đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 86/2009/TT-BTC of April 28, 2009, amending and supplementing a number of provisions of the Finance Ministry''s Circular No. 155/2007/TT-BTC of December 20,2007, guiding the implementation of the Government''s Decree No. 45/2007/ND-CP of March 27, 2007, detailing the implementation of the Law on Insurance Business, and the Finance Ministry''s Circular No. 156/ 2007/TT-BTC of December 20, 2007, guiding the implementation of the Government''s Decree No. 46/2007/ND-CP of March 27, 2007, on financial regulations applicable to insurance enterprises and insurance brokerage enterprises.

  • Số hiệu: 86/2009/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/04/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản