Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2015/TT-BCA | Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2015 |
QUY ĐỊNH VỀ MẪU THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
Căn cứ Luật Căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân.
Thông tư này quy định cụ thể về hình dáng, kích thước, quy cách, ngôn ngữ khác, chất liệu, nội dung thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị trong việc sản xuất, quản lý mẫu thẻ Căn cước công dân.
1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
2. Công an các đơn vị, địa phương.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sản xuất, cấp và quản lý thẻ Căn cước công dân.
Điều 3. Hình dáng, kích thước, nội dung, quy cách và chất liệu thẻ Căn cước công dân
1. Hình dáng, kích thước
Thẻ Căn cước công dân hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm.
2. Nội dung
a) Mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin sau:
- Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp thẻ Căn cước công dân cỡ 20 mm x 30 mm; có giá trị đến;
- Bên phải, từ trên xuống: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; số; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú;
b) Mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin sau:
- Trên cùng là mã vạch hai chiều;
- Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải của người được cấp thẻ Căn cước công dân;
- Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ Căn cước công dân; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.
3. Quy cách
a) Hai mặt của thẻ Căn cước công dân in hoa văn màu xanh nhạt. Nền mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm: hình ảnh trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và các hoa văn, các họa tiết trang trí. Nền mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các hoa văn được kết hợp với các họa tiết đường cong vắt chéo đan xen;
b) Quốc huy và ảnh của công dân được in màu trực tiếp trên thẻ Căn cước công dân;
c) Màu sắc của các chữ trên thẻ Căn cước công dân
- Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; các thông tin cá nhân của người được cấp thẻ Căn cước công dân; ảnh vân tay ngón trỏ trái, ảnh vân tay ngón trỏ phải, ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; thông tin về đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ Căn cước công dân; họ, chữ đệm và tên, chữ ký của người có thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân màu đen;
- Dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”, số thẻ Căn cước công dân màu đỏ;
- Các chữ: Số; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; có giá trị đến; đặc điểm nhân dạng; ngón trỏ trái; ngón trỏ phải; ngày, tháng, năm; chức danh của người có thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân màu xanh;
d) Phoi bảo an được gắn ở mặt sau thẻ Căn cước công dân;
đ) Mã vạch hai chiều lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được cấp thẻ Căn cước công dân màu đen.
4. Chất liệu
Thẻ Căn cước công dân được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt.
5. Ngôn ngữ khác trên thẻ Căn cước công dân được quy định cụ thể khi Việt Nam ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Điều 4. Con dấu trên thẻ Căn cước công dân
Con dấu trên thẻ Căn cước công dân dùng mực màu đỏ, là con dấu có hình Quốc huy thu nhỏ của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.
Điều 5. Thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân
Thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân được tính theo độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân quy định tại Điều 21 Luật Căn cước công dân.
Điều 6. Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và thay thế Thông tư số 57/2013/TT-BCA ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu Chứng minh nhân dân.
2. Mẫu thẻ Căn cước công dân quy định tại Điều 3 Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Địa phương chưa có điều kiện triển khai cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo mẫu quy định tại Thông tư này thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 998/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 10 tháng 10 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành các biểu mẫu sử dụng trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội để cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân, chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 phải thực hiện thống nhất theo mẫu quy định tại Thông tư này.
1. Trách nhiệm của Tổng cục Cảnh sát
a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này;
b) Tháng 10 hàng năm, lập dự trù nhu cầu sử dụng thẻ Căn cước công dân trên toàn quốc cho năm tiếp theo gửi Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật để sản xuất mẫu thẻ Căn cước công dân;
c) Tiếp nhận mẫu thẻ Căn cước công dân do Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật bàn giao để sản xuất thẻ Căn cước công dân; quản lý mẫu thẻ Căn cước công dân chặt chẽ theo chế độ tài liệu nghiệp vụ của ngành Công an;
d) Thống nhất quản lý, kiểm tra thẻ Căn cước công dân trên toàn quốc;
đ) Mẫu thẻ Căn cước công dân bị hỏng trong quá trình sản xuất, bảo quản thì phải thống kê số lượng và định kỳ hàng năm phải lập biên bản tiêu hủy.
2. Trách nhiệm của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật
a) Sản xuất mẫu thẻ Căn cước công dân theo đề nghị của Tổng cục Cảnh sát bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, theo đúng hình dáng, kích thước, nội dung, quy cách, chất liệu, ngôn ngữ quy định tại Điều 3 Thông tư này;
b) Quản lý mẫu thẻ Căn cước công dân chặt chẽ theo chế độ tài liệu nghiệp vụ của ngành Công an;
c) Bàn giao kịp thời mẫu thẻ Căn cước công dân cho Tổng cục Cảnh sát.
d) Mẫu thẻ Căn cước công dân bị hỏng trong quá trình sản xuất, bảo quản thì phải thống kê số lượng và định kỳ hàng năm phải lập biên bản tiêu hủy.
3. Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tháng 9 hàng năm, lập dự trù nhu cầu sử dụng thẻ Căn cước công dân của địa phương mình cho năm tiếp theo gửi Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư để tổng hợp, báo cáo Tổng cục Cảnh sát.
4. Các Tổng cục trưởng, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Circular No. 61/2015/TT-BCA dated 16 November, 2015, providing for sample of citizen identity card
- Số hiệu: 61/2015/TT-BCA
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/11/2015
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Trần Đại Quang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra