Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2011/TT-BTC | Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2011 |
Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Căn cứ Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,
Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:
Điều 1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (sau đây gọi tắt là vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán) là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (sau đây gọi tắt là Nghị định 85) phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 2. Áp dụng các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
1. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán phải được tiến hành kịp thời, công khai, minh bạch và triệt để. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán gây ra phải được khắc phục theo quy định của pháp luật.
2. Khi ra quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại Điều 8, Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 (sau đây gọi tắt là Nghị định 128) và một số quy định cụ thể sau đây:
a) Một hành vi vi phạm do cùng một cá nhân, tổ chức thực hiện ở cùng một thời điểm thì chỉ xử phạt một lần. Trường hợp đã bị xử phạt về một hành vi vi phạm, nhưng chưa hết 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó thì áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 128 khi ra quyết định xử phạt;
b) Nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi cá nhân, tổ chức vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó. Người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ ra quyết định xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
c) Một cá nhân hoặc tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Khi quyết định xử phạt một cá nhân hoặc tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung.
3. Trường hợp hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là hệ quả của một hành vi vi phạm khác trong cùng lĩnh vực chứng khoán thì chỉ xử phạt đối với hành vi vi phạm có chế tài xử phạt nặng hơn.
4. Trong trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm bị chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự mà trước đó đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt; nếu chưa ra quyết định xử phạt thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó.
Điều 3. Cách tính thời hạn, thời hiệu xử phạt
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thời hiệu xử phạt là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.
Thời điểm xác định một số hành vi vi phạm được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt được hướng dẫn cụ thể như sau:
- Đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại khoản 4 và khoản 5 Điều 8 Nghị định 85, thời điểm xác định hành vi vi phạm được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc đăng ký mua chứng khoán; trường hợp đã thu tiền mua chứng khoán thì thời điểm để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc thu tiền mua chứng khoán.
- Đối với hành vi vi phạm về nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quy định tại khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 85, thời điểm xác định hành vi vi phạm được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt là ngày nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không đúng thời hạn theo quy định;
b) Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nhưng hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính về chứng khoán thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, cơ quan đã ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Trong trường hợp này, thời hiệu xử lý vi phạm là 03 tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ án đến ngày ra quyết định xử lý;
c) Trong thời hiệu quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này mà tổ chức, cá nhân vi phạm lại thực hiện vi phạm mới trong lĩnh vực chứng khoán hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu tại điểm a và b khoản 1 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Ngày chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt là ngày người vi phạm tự giác đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán trình báo và nhận thực hiện các biện pháp xử phạt. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán phải lập biên bản ghi nhận việc này và lưu một bản vào hồ sơ vi phạm và một bản giao cho người vi phạm.
2. Cách xác định thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán:
a) Thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được quy định theo tháng hoặc theo năm thì khoảng thời gian đó được tính theo tháng hoặc theo năm dương lịch, bao gồm cả ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động;
b) Thời hạn được quy định theo ngày thì khoảng thời gian đó được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.
1. Hình thức xử phạt chính:
a) Cảnh cáo:
Hình thức phạt cảnh cáo được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính mà Nghị định 85 quy định hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi đó và khi có tình tiết giảm nhẹ;
b) Phạt tiền:
Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tiền phạt tối thiểu và mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Khi xác định mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc hai tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ theo nguyên tắc trên, nếu còn một tình tiết tăng nặng và một tình tiết giảm nhẹ thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thái độ khắc phục hậu quả của người vi phạm, người có thẩm quyền xử lý xem xét áp dụng mức phạt tiền áp dụng đối với trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc trường hợp không có tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Việc tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 85 được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Tổ chức, cá nhân có các khoản thu trái pháp luật từ việc thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước;
b) Khoản thu trái pháp luật bị tịch thu không bao gồm các khoản thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư và các khoản thuế, phí phải nộp theo quy định;
c) Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng phương pháp tính các khoản thu trái pháp luật phù hợp với tình hình thực tế và trường hợp cụ thể.
HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT
Điều 5. Vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng
1. Quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 85 được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Một hoặc một số tài liệu trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật có thông tin không chính xác. Những thông tin này gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoặc sự đánh giá, quyết định đầu tư của nhà đầu tư;
b) Không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng liên quan đến hồ sơ hoặc phát sinh những sự kiện mới ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp.
2. Quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 85 được áp dụng đối với hành vi cố ý vi phạm nhằm che giấu sự thật về những nội dung liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
3. Hành vi “Lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có sự giả mạo” tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 85 là hành vi tạo dựng hoặc xác nhận các tài liệu giả mạo để đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Khi phát hiện hành vi quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 85, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải lập biên bản thu giữ giấy tờ thuộc hồ sơ giả mạo. Trường hợp các giấy tờ này là giấy phép thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép biết.
Điều 6. Vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng
1. Hành vi "Sử dụng thông tin ngoài Bản cáo bạch để thăm dò thị trường" tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 85 là việc sử dụng những thông tin không có hoặc không chính xác với nội dung tại Bản cáo bạch trong hồ sơ đăng ký để thăm dò thị trường trước khi được phép thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng.
2. Quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 85 được áp dụng trong trường hợp tổ chức đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng trong khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang xem xét hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức đó.
3. Mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 85 được tính trên cơ sở khoản thu trái pháp luật từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Khoản thu trái pháp luật là khoản tiền chênh lệch giữa tổng số tiền thu được từ đợt phát hành và tổng giá trị tính theo giá trị sổ sách của số cổ phần đã phát hành tại thời điểm phát hành. Trường hợp đã áp dụng mức phạt tối đa là 05 lần khoản thu trái pháp luật mà mức phạt vẫn thấp hơn mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quy định tại điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 85 thì áp dụng mức phạt tối đa được quy định đối với hành vi này để xử phạt. Tổ chức vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng mà tổ chức phát hành mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm bị xử phạt vi phạm hành chính, trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.
Điều 7. Vi phạm quy định về nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng
1. Mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 85 được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 12 tháng đến 18 tháng;
b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 18 tháng.
2. Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định 85 được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Lập hồ sơ đăng ký công ty đại chúng có thông tin không chính xác về một hoặc một số nội dung quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Chứng khoán năm 2006;
b) Đã được hướng dẫn bổ sung thông tin hoặc sửa đổi thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký công ty đại chúng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Điều 8. Vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán
1. Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 và khoản 2 Điều 16 Nghị định 85 được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Một hoặc một số tài liệu trong hồ sơ đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật có thông tin không chính xác. Những thông tin này gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến việc ra quyết định chấp thuận niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc sự đánh giá, quyết định đầu tư của nhà đầu tư;
b) Không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán khi phát hiện có thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng liên quan đến hồ sơ hoặc phát sinh những sự kiện mới ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp.
2. Quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 3 Điều 16 Nghị định 85 được áp dụng đối với hành vi cố ý vi phạm nhằm che giấu sự thật về những nội dung liên quan đến hồ sơ đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán.
3. Hành vi “Lập, xác nhận hồ sơ giả mạo để niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán” tại khoản 3 Điều 11 và khoản 4 Điều 16 Nghị định 85 là hành vi tạo dựng hoặc xác nhận các tài liệu giả mạo để đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán.
Khi phát hiện hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11, khoản 3 và khoản 4 Điều 16 Nghị định 85, Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán phải lập biên bản thu giữ giấy tờ thuộc hồ sơ đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán giả mạo, báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý theo quy định. Trường hợp các giấy tờ này là giấy phép thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép biết.
4. Biện pháp xử phạt bổ sung “Huỷ bỏ niêm yết” tại khoản 4 Điều 11 và “Buộc huỷ bỏ đăng ký giao dịch” tại khoản 5 Điều 16 Nghị định 85 chỉ áp dụng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán có thông tin cố ý làm sai sự thật, che giấu sự thật hoặc lập, xác nhận hồ sơ giả mạo để niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán trong trường hợp Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán đã chấp thuận niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán cho tổ chức vi phạm.
Điều 9. Vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán
1. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 85 được áp dụng đối với trường hợp tổ chức bất kỳ một địa điểm hoặc một hình thức trao đổi thông tin nào để thực hiện khớp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán ngoài Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán được tính trên cơ sở toàn bộ các khoản thu mà cá nhân, tổ chức có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp đã áp dụng mức phạt tiền tối đa là 05 lần khoản thu trái pháp luật mà mức phạt vẫn thấp hơn mức phạt quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 85 thì người có thẩm quyền xử phạt áp dụng mức phạt quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 85 để xử phạt.
Điều 10. Vi phạm quy định về thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán
1. Hành vi “Sử dụng tên gọi của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch không đúng quy định” tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 85 là việc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam sử dụng tên gọi không đúng tên được ghi trong giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chấp thuận mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc phòng giao dịch.
2. Hành vi “Lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin sai lệch” tại điểm đ khoản 4 Điều 17 Nghị định 85 là việc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam lập hồ sơ, cung cấp thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng liên quan đến hồ sơ hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát sinh những sự kiện mới ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp.
3. Hành vi “Không tuân thủ các quy định về quản trị công ty theo quy định của pháp luật” tại điểm d khoản 1 Điều 18 Nghị định 85 là việc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Điều lệ về quản trị công ty hoặc các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
4. “Thực hiện những hành vi làm cho khách hàng và nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán” tại điểm e khoản 3 Điều 18 Nghị định 85 là việc công ty chứng khoán cố ý cung cấp cho khách hàng và nhà đầu tư thông tin, đưa ra những nhận định, tư vấn hoặc khuyến cáo không chính xác, không đầy đủ, che giấu sự thật về giá hoặc các yếu tố ảnh hưởng tới giá của một hoặc nhiều loại chứng khoán dẫn đến khách hàng và nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán và có quyết định không đúng trong đầu tư.
5. Hành vi “Làm trái lệnh của nhà đầu tư” tại điểm b khoản 4 Điều 18 Nghị định 85 là việc công ty chứng khoán cố ý không thực hiện đúng lệnh giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trừ trường hợp nhà đầu tư ra các lệnh không đúng quy định pháp luật.
Điều 11. Vi phạm quy định về Văn phòng đại diện của tổ chức kinh doanh chứng khoán
Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 85 được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
1. Một hoặc một số tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện có thông tin không chính xác. Những thông tin này ảnh hưởng đến việc ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng khi phát hiện có thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng liên quan đến hồ sơ hoặc phát sinh những sự kiện mới ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp.
Điều 12. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định thành lập quỹ thành viên
Hành vi “Lập, xác nhận hồ sơ thành lập quỹ thành viên có thông tin sai lệch” tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 85 là việc công ty quản lý quỹ, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ, cung cấp thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng liên quan đến hồ sơ hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát sinh những sự kiện mới ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp.
Điều 13. Vi phạm quy định về giao dịch nội bộ và thao túng giá chứng khoán
1. Quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 85 được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
b) Một người hay một nhóm người thông đồng với nhau đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
2. Ngoài hình thức xử phạt chính bằng tiền, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 26 và khoản 2 Điều 27 Nghị định 85. Khoản thu trái pháp luật là khoản lợi nhuận phát sinh từ việc thực hiện hành vi giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí phải nộp. Trường hợp một người dùng nhiều tài khoản để giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán thì khoản thu trái pháp luật được tính trên tổng các tài khoản được sử dụng để giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán. Trường hợp một nhóm người thông đồng, cấu kết giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán thì khoản thu trái pháp luật được tính trên từng tài khoản được sử dụng để giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán.
3. Khi xem xét tính các khoản thu trái pháp luật đối với hành vi giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán, nếu giá trị khoản thu trái pháp luật hoặc mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét để xử lý hình sự theo quy định của khoản 1 Điều 16 Thông tư này.
Điều 14. Vi phạm quy định về đăng ký hoạt động lưu ký
Hành vi “Lập hồ sơ đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán, chi nhánh hoạt động lưu ký có thông tin sai lệch” tại điểm a khoản 2 Điều 30 Nghị định 85 là việc công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại lập hồ sơ, cung cấp thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng liên quan đến hồ sơ hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát sinh những sự kiện mới ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp.
THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 15. Phân định thẩm quyền xử phạt
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại khoản 1 và 2 Điều 37 Nghị định 85 là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung phạt tiền quy định cho mỗi hành vi vi phạm hành chính.
Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán thì thẩm quyền xử phạt được xác định như sau:
a) Nếu hình thức xử phạt, mức phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt quy định tại khoản 1 và 2 Điều 37 Nghị định 85 thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
b) Trường hợp mức tiền phạt hoặc một trong các hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc đó đến người có thẩm quyền xử phạt.
2. Khi phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, người có thẩm quyền xử phạt cần đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự để xác định đó là vi phạm hành chính hay tội phạm hình sự.
Điều 16. Chuyển hồ sơ để xử lý hình sự
1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xem xét khởi tố vụ án.
2. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thông báo về quyết định khởi tố vụ án hình sự, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải chuyển hồ sơ gốc vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
3. Quá thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chưa nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc khởi tố hay không khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 37 Nghị định 85 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan tố tụng hình sự biết về việc đã xử phạt vi phạm hành chính.
4. Việc tính lại thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 85 thực hiện như sau:
a) Nếu vụ việc vi phạm đã được gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trước khi chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày được tính lại thời hạn ra quyết định xử phạt; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày làm việc và không được gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt;
b) Nếu vụ việc vi phạm mà trước khi chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự người có thẩm quyền xử phạt chưa xin gia hạn thời hạn xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt được tính lại theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và được gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
1. Quyết định xử phạt phải do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ký và đóng dấu cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó.
2. Trong trường hợp một tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chỉ ra một quyết định xử phạt. Trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của từng tổ chức, cá nhân để ra quyết định xử phạt riêng đối với từng đối tượng này.
3. Trong trường hợp hình thức, mức xử phạt vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu về hành vi vi phạm lên người có thẩm quyền xử phạt cao hơn trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất hồ sơ vi phạm.
Hồ sơ vi phạm bao gồm:
- Biên bản vi phạm hành chính (bản gốc);
- Dự thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm đó;
- Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có);
- Các tài liệu cần thiết khác.
4. Quyết định xử phạt được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và đăng công khai trên trang điện tử của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong ngày làm việc tiếp theo, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Điều 18. Đình chỉ hành vi vi phạm
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện có hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thì Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra phải ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 39 Nghị định 85 và báo cáo ngay bằng văn bản cho Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Chánh Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Điều 19. Chuyển giao vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các cá nhân, tổ chức nếu phát hiện có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nhưng không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và đề xuất xử lý bằng văn bản tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để giải quyết.
Hồ sơ bao gồm: Biên bản về việc vi phạm hành chính (bản gốc), các chứng từ tài liệu, dữ liệu, tang vật... có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán thu thập được trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra.
2. Đối với vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán do các cơ quan quản lý Nhà nước chuyển đến, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu về vụ việc vi phạm hành chính đó và xử lý như sau:
a) Trường hợp hồ sơ tài liệu, biên bản vụ việc vi phạm hành chính chuyển đến không đúng thủ tục quy định tại Thông tư hướng dẫn này thì chuyển trả lại hồ sơ, tài liệu cho cơ quan lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu sửa đổi, bổ sung đầy đủ. Thời hạn chuyển trả hồ sơ đối với những hồ sơ phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung là 15 ngày làm việc, kể từ ngày ký công văn chuyển hồ sơ;
b) Trường hợp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính thì thanh tra, kiểm tra xác minh, bổ sung chứng cứ;
c) Trường hợp hồ sơ tài liệu, biên bản vụ việc vi phạm hành chính chuyển đến đúng thủ tục quy định và có đủ cơ sở chứng minh, kết luận về hành vi vi phạm hành chính thì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Điều 20. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 128, Nghị định 85 và các hướng dẫn trong Thông tư này.
Các mẫu biên bản, quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được quy định tại danh mục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 22. Căn cứ ra quyết định cưỡng chế
Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có trách nhiệm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã quá thời hạn chấp hành quyết định này mà không tự nguyện chấp hành hoặc có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn và phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Điều 23. Thẩm quyền quyết định cưỡng chế
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới của mình ban hành.
1. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền quy định tại Điều 23 của Thông tư này. Quyết định cưỡng chế bao gồm những nội dung sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; biện pháp cưỡng chế; thời gian, địa điểm thực hiện; cơ quan chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm phối hợp; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.
2. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được lập theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 25. Trường hợp ra quyết định cưỡng chế
1. Đối với các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và hình thức xử phạt bổ sung:
a) Quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và hình thức xử phạt bổ sung ghi trong quyết định mà cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành;
b) Cá nhân, tổ chức chưa chấp hành quyết định hành chính trong lĩnh chứng khoán mà có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.
2. Đối với các quyết định áp dụng hình thức phạt tiền: quá 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành.
3. Cá nhân, tổ chức không bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong thời gian được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 85.
Điều 26. Các biện pháp cưỡng chế
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm:
1. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng.
2. Kê biên phần tài sản, chứng khoán có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
3. Áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác để thực hiện tịch thu khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Điều 27. Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế
1. Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ của nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương để quyết định áp dụng lần lượt các biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 26 Thông tư này.
2. Không được tổ chức cưỡng chế trong các ngày nghỉ theo quy định của pháp luật lao động và ngoài giờ hành chính, 15 ngày trước và sau Tết Nguyên đán, trừ trường hợp cần ngăn chặn đối tượng bị cưỡng chế có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành quyết định cưỡng chế.
Điều 28. Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế
1. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai các biện pháp nhằm thực hiện cưỡng chế.
2. Trường hợp nếu thấy cần thiết phải có lực lượng Công an nhân dân trong quá trình thi hành cưỡng chế thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải có văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan Công an liên quan 05 ngày làm việc, trước khi thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng. Khi có yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình cưỡng chế, lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm bố trí lực lượng ngăn chặn kịp thời hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế.
Điều 29. Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế
1. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định.
2. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh, trì hoãn được chấm dứt.
Điều 30. Theo dõi, đôn đốc thu khoản thu trái pháp luật, tiền phạt
1. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, quản lý các đối tượng phải nộp khoản thu trái pháp luật, tiền phạt để đôn đốc, thu nợ đến trước thời điểm áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
2. Hình thức đôn đốc, thu khoản thu trái pháp luật, tiền phạt:
a) Gửi thông báo yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm nộp đủ khoản thu trái pháp luật, tiền phạt;
b) Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về đối tượng nợ khoản thu trái pháp luật, tiền phạt; số khoản thu trái pháp luật, tiền phạt phải nộp.
Thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện quyết định, chi phí cưỡng chế, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và xử lý vi phạm liên quan đến cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán phải tuân thủ trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Luật Chứng khoán, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều 32. Trách nhiệm thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2011. Bãi bỏ Thông tư số 97/2007/TT-BTC ngày 8/8/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
2. Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo việc xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC MẪU BIÊN BẢN VÀ QUYẾT ĐỊNH
SỬ DỤNG TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC CHỨNG KHOÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 37 /2011/TT-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tài chính)
1. Mẫu BB1: Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
2. Mẫu BB2: Biên bản làm việc.
3. Mẫu BB3: Biên bản niêm phong, mở niêm phong.
4. Mẫu BB4: Biên bản kê biên tài sản.
5. Mẫu BB5: Biên bản giao bảo quản tài sản kê biên.
6. Mẫu BB6: Biên bản cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
7. Mẫu QĐ1: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
8. Mẫu QĐ2: Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
9. Mẫu QĐ3: Quyết định đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt.
10. Mẫu QĐ4: Quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
11. Mẫu QĐ5: Quyết định hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
12. Mẫu QĐ6: Quyết định sửa đổi quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
13. Mẫu QĐ7: Quyết định hoãn chấp hành quyết định phạt tiền đối với cá nhân.
14. Mẫu QĐ8: Quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trích nộp tiền gửi nộp ngân sách nhà nước.
15. Mẫu QĐ9: Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.
16. Mẫu QĐ10: Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.
17. Mẫu QĐ11: Quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác.
18. Mẫu QĐ12: Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Circular No. 97/2007/TT-BTC of August 8, 2007, guiding implementation of Decree 36/2007/ND-CP of The Government of March 08th, 2007 on penalties for administrative offences in securities and securities market sector.
- 2Circular No. 217/2013/TT-BTC dated December 31, 2013, guiding the sanction of administrative violations in domain of securities and securities market
- 3Circular No. 217/2013/TT-BTC dated December 31, 2013, guiding the sanction of administrative violations in domain of securities and securities market
- 1Circular No. 190/2013/TT-BTC dated detailing Decree No. 127/2013/ND-CP stipulating the handling of administrative violations and the coercive implementation of administrative decisions in customs
- 2Decree No. 85/2010/ND-CP of August 02, 2010, on sanctioning of administrative violations in the field of securities and securities market
- 3Decree No. 118/2008/ND-CP of November 27, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance.
- 4Ordinance No. 04/2008/PL-UBTVQH12 of April 02, 2008 amending and supplementing a number of articles of The Ordinance on handling of administrative violations
- 5Law No.70/2006/QH11 of June 29, 2006 on securities
- 6Decree of Government No. 37/2005/ND-CP, stipulating the procedures for application of coercive measures for execution of administrative violation-sanctioning decisions.
- 7Ordinance No. 44/2002/PL-UBTVQH10 of July 02, 2002 on handling of administrative violations
Circular No.37/2011/TT-BTC of March 16, 2011 guiding the implementation of a number of articles of the Decree No.85/2010/ND-CP Dated August 02, 2010 of the Government on Administrative sanctions in the domain of securities and stocks market
- Số hiệu: 37/2011/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/03/2011
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trần Xuân Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra