Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2011/TT-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như sau:

Chương 1.

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 1. Nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo Điều 12 Luật Người cao tuổi và các nội dung như sau:

1. Khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú thực hiện theo các quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế.

Khám bệnh, chữa bệnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi theo hướng dẫn Thông tư số 50/2010/TT-BYT ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh.

2. Phòng bệnh cho người cao tuổi.

3. Đào tạo cán bộ y tế về lão khoa.

4. Nghiên cứu khoa học, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào việc phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe người cao tuổi.

5. Chỉ đạo tuyến: Chỉ đạo, hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên cho tuyến dưới.

6. Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ về chuyên ngành lão khoa với các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới và các cá nhân nước ngoài.

Điều 2. Trách nhiệm thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi quy định tại Điều 1 Thông tư này, cụ thể như sau:

1. Bệnh viện Lão khoa Trung ương:

a) Là tuyến cuối về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi.

b) Chỉ đạo, hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới trong phạm vi cả nước.

c) Nghiên cứu khoa học về lão khoa cơ bản, lão khoa lâm sàng và lão khoa xã hội.

d) Tổ chức thực hiện đào tạo liên tục, đào tạo nâng cao về chuyên ngành lão khoa; Phối hợp với các cơ sở giáo dục quốc dân chuyên ngành y tế trong việc biên soạn tài liệu và hướng dẫn thực hành lão khoa.

đ) Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Y tế về xây dựng, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong phạm vi cả nước.

2. Các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh kế hoạch trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh. Căn cứ vào nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người cao tuổi, khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Lão khoa khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực.

3. Trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Trạm y tế xã):

a) Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi phù hợp với chuyên môn và chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế.

b) Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi cô đơn theo quy định Khoản 2 Điều 13 Luật Người cao tuổi.

4. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và điều kiện thực tế để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Chương 2.

CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CAO TUỔI TẠI CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ CÁC BỆNH MẠN TÍNH

Điều 3. Nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng

1. Tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi để người cao tuổi tự phòng bệnh. Tùy theo điều kiện của từng địa phương để lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp như tài liệu, sách, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, hội thảo, nói chuyện và các phương tiện truyền thông tin đại chúng.

2. Hướng dẫn người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe.

3. Tổ chức khám sức khỏe để lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi. Khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi.

4. Khám sức khỏe định kỳ người cao tuổi được thực hiện ít nhất một lần một năm (01 lần/năm).

5. Khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và tại nơi cư trú của người cao tuổi.

6. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng người cao tuổi bị tàn tật để phòng ngừa và phục hồi các di chứng do chấn thương, tai nạn hoặc do các bệnh tai biến mạch máu não, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp và các bệnh khác.

Điều 4. Trách nhiệm thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

a) Hỗ trợ chi phí đi lại từ trạm y tế xã đến nơi ở của người cao tuổi (đi và về) cho cán bộ y tế để đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi đối với trường hợp người cao tuổi cô đơn bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b) Hỗ trợ chi phí hoặc phương tiện đi lại cho người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của trạm y tế xã, phường, thị trấn.

c) Định mức hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này được thực hiện theo Thông tư số 21/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18 tháng 02 năm 2011 Quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi.

2. Trách nhiệm của Trạm y tế xã

a) Triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

b) Cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c) Hằng năm, lập kế hoạch, dự trù kinh phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại địa phương, bao gồm cả khám sức khỏe định kỳ quy định tại Khoản 4, Điều 3 Thông tư này, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 21/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18 tháng 02 năm 2011, quy định quản lý sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi.

3. Người nhà, người thân của người cao tuổi có trách nhiệm chủ động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phối hợp với tình nguyện viên và cán bộ y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

4. Người cao tuổi có trách nhiệm tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; phối hợp với tình nguyện viên và cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

5. Khuyến khích cán bộ y tế nghỉ hưu tham gia tình nguyện viên hoặc tham gia tập huấn cho tình nguyện viên về kiến thức cần thiết trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Điều 5. Phối hợp với Hội người cao tuổi xã, phường, thị trấn

Đề nghị Hội người cao tuổi xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban nhân dân và trạm y tế cùng cấp trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng, với nội dung cụ thể như sau:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và phối hợp với trạm y tế xã tổ chức mạng lưới tình nguyện viên để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà.

b) Tổ chức các hình thức câu lạc bộ người cao tuổi như: Câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời. Tùy điều kiện và yêu cầu của người cao tuổi, Hội người cao tuổi xã, phường, thị trấn phối hợp với trạm y tế xã tổ chức các câu lạc bộ của những người mắc các bệnh mạn tính thường gặp như bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh sa sút trí tuệ và một số bệnh thường gặp khác.

Điều 6. Quản lý các bệnh mạn tính cho người cao tuổi

1. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các bệnh viện khác lập sổ theo dõi các bệnh mạn tính cho người cao tuổi trong hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi.

2. Trạm y tế xã có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe, quản lý bệnh mạn tính cho người cao tuổi tại địa phương theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm phối hợp với các Cục, Vụ chức năng, Thanh tra Bộ Y tế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương và các đơn vị liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và thanh tra việc thực hiện Thông tư này.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong toàn tỉnh theo quy định của Thông tư này và chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

2. Hằng năm, xây dựng dự toán kinh phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và Hội Người cao tuổi triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã được phê duyệt.

Điều 9. Trách nhiệm của Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe trung ương

Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe trung ương phối hợp với Bệnh viện Lão khoa trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi.

Điều 10. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2011.

2. Thông tư số 02/2004/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 20 tháng 01 năm 2004 hướng dẫn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, các địa phương phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để được hướng dẫn, xem xét, giải quyết hoặc bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng VP (Công báo, Cổng thông tin điện tử);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng BYT;
- Cơ quan TW của các Đoàn thể;
- Trung ương Hội người cao tuổi;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, VP Bộ, Thanh tra Bộ Y tế;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế ngành;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc TW;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế, Website Cục QLKCB;
- Lưu: VT, PC, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 35/2011/TT-BYT dated October 15, 2011, guidance on healthcare for old people

  • Số hiệu: 35/2011/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/10/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản