Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2015/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2015 |
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm,
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Thông tư này hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng áp dụng của Thông tư này là đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây được viết tắt là Nghị định số 28/2015/NĐ-CP).
THAM GIA VÀ ĐÓNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Điều 3. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
1. Người sử dụng lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.
2. Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động có hiệu lực đầu tiên thì khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp theo quy định của pháp luật lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động nêu trên. Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong trường hợp nêu trên nộp cùng với hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.
3. Trường hợp trước ngày 01/01/2015 người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng với người lao động và đang thực hiện hợp đồng lao động này, tính đến ngày 01/01/2015 thời hạn hợp đồng lao động nêu trên còn ít nhất 03 tháng trở lên thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kể từ ngày 01/01/2015 trở đi.
Điều 4. Đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định mà mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức tiền lương bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2015 trở đi.
2. Trình tự, thủ tục đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
HỖ TRỢ TƯ VẤN, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM
Điều 5. Trình tự, thủ tục tư vấn, giới thiệu việc làm theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
1. Người lao động ghi đầy đủ các thông tin cá nhân, nhu cầu tư vấn, nhu cầu giới thiệu việc làm vào phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này và nộp trực tiếp cho trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là trung tâm dịch vụ việc làm).
2. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm và căn cứ vào nhu cầu, khả năng của người lao động, nhu cầu tuyển lao động của người sử dụng lao động để kết nối việc làm phù hợp với người lao động.
3. Trung tâm dịch vụ việc làm gửi cho người lao động Phiếu giới thiệu việc làm theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để người lao động tham gia dự tuyển lao động.
4. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm theo dõi kết quả dự tuyển lao động để kịp thời hỗ trợ người lao động.
Điều 6. Từ chối nhận việc làm theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định là từ chối nhận việc làm mà không có lý do chính đáng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ được đào tạo mà người lao động đã ghi theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
2. Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm mà người lao động đó đã từng làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
3. Người lao động đã tham gia dự tuyển lao động theo giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và có thông báo trúng tuyển của người sử dụng lao động nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển lao động của người sử dụng lao động.
Điều 7. Người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm gửi lại hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vào ngày trả kết quả theo phiếu hẹn trả kết quả.
Điều 8. Mức hưởng và tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được xác định như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng | = | Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp |
| x | 60% |
a) Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng với trường tiểu học E với mức lương như sau: từ ngày 01/9/2013 đến ngày 31/8/2014 là 2.000.000 đồng/tháng, từ ngày 01/09/2014 đến 31/8/2015 là 4.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 01/1/2015 đến ngày 30/6/2015, bà A nghỉ hưởng chế độ thai sản. Sau đó, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động vì vậy bà A đã làm đơn xin nghỉ việc theo quy định của pháp luật lao động và ngày 01/7/2015 trường tiểu học E ban hành quyết định nghỉ việc cho bà A, quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Như vậy, mức tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà A là bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi bà nghỉ việc mà có đóng bảo hiểm thất nghiệp (tháng 7, 8, 9, 10, 11, 12/2014). Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của bà A là (2.000.000 đồng x 2 tháng + 4.000.000 đồng x 4 tháng)/6 x 60% = 2.000.000 đồng/tháng.
Ví dụ 2: Ông Đào Văn B có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục 38 tháng (từ ngày 01/01/2012 đến ngày 28/02/2015), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp 06 tháng cuối trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015) là 8.000.000 đồng/tháng, ông B được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng (thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông B tính từ ngày 05/4/2015 đến ngày 04/7/2015). Ngày 02/5/2015, ông B giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp X (mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 7.000.000 đồng/tháng) và thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định. Ông B bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 02/5/2015 và được bảo lưu 26 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Do ốm đau cần phải điều trị dài ngày nên ngày 28/7/2015 ông B thỏa thuận với doanh nghiệp X để chấm dứt hợp đồng lao động và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lần hai. Sáu tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp để làm căn cứ tính mức trợ cấp thất nghiệp của ông B là các tháng sau: tháng 12/2014 và tháng 01, 02, 5, 6, 7/2015. Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông B là (8.000.000 đồng x 3 tháng + 7.000.000 đồng x 3 tháng)/6 x 60% = 4.500.000 đồng/tháng.
b) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Ví dụ 3: Ngày 01/01/2015, ông Trịnh Xuân C giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp F với mức lương là 70.000.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp F hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 3.100.000 đồng/tháng. Do đó, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông C là: 20 lần x 3.100.000 đồng = 62.000.000 đồng/tháng.
Ngày 28/9/2015, ông C thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp F và chuyển sang giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 03 tháng với doanh nghiệp G (từ ngày 01/10/2015 đến 31/12/2015) với mức lương là 80.000.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp G có trụ sở chính hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 2.150.000 đồng/tháng nhưng ông C không làm việc tại trụ sở chính mà làm việc tại chi nhánh, chi nhánh này hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 2.400.000 đồng/tháng. Do đó, ông C tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tại tổ chức bảo hiểm xã hội nơi chi nhánh hoạt động với mức lương là: 20 lần x 2.400.000 đồng = 48.000.000 đồng/tháng.
Hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp G, ông C nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, 60% mức tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi ông C chấm dứt hợp đồng lao động là: (62.000.000 đồng x 3 tháng + 48.000.000 đồng x 3 tháng)/6 x 60% = 33.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông C tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm ông chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông C là 12.000.000 đồng/tháng (2.400.000 đồng x 5 lần = 12.000.000 đồng/tháng).
2. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày.
Ví dụ 4: Ông Cao Văn D được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D tính từ ngày 11/3/2015 đến ngày 10/6/2015. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D được xác định như sau:
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 11/3/2015 đến hết ngày 10/4/2015;
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 11/4/2015 đến hết ngày 10/5/2015;
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 11/5/2015 đến hết ngày 10/6/2015.
3. Trình tự, thủ tục, hình thức chi trả trợ cấp thất nghiệp theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 9. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được xác định như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu | = | Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp | - | Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp |
2. Các trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu, bao gồm:
a) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
Sau khi có quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện trả hồ sơ cho người lao động. Trường hợp sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn trả kết quả mà người lao động không đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận lại sổ bảo hiểm xã hội thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của 03 tháng nêu trên, trung tâm dịch vụ việc làm chuyển sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đó đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để quản lý.
Ví dụ 5: Ông Trần Văn Đ có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Ngày trả kết quả ghi trong phiếu hẹn trả kết quả của ông Đ là ngày 16/3/2015. Tuy nhiên đến hết ngày 18/3/2015 (tức là sau 02 ngày làm việc) ông Đ không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Do vậy, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ông Đ không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông Đ. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông Đ được bảo lưu là 36 tháng.
b) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ví dụ 6: Ông Trần Văn S có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông S tính từ ngày 20/02/2015 đến ngày 19/5/2015. Tuy nhiên, đến ngày 19/8/2015 (tức là sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp) ông S vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà ông S được bảo lưu là 12 tháng (tương ứng với 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ông S không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp).
Ví dụ 7: Bà Lê Thị T có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà T tính từ ngày 06/7/2015 đến ngày 05/10/2015. Tuy nhiên, đến hết ngày 05/01/2016 (tức là sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp) bà T vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai và thứ ba. Như vậy, bà T đã nhận trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà T không còn để bảo lưu.
Ví dụ 8: Bà Bùi Xuân H có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 29 tháng, bà được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà tính từ ngày 09/3/2015 đến ngày 08/6/2015. Bà H đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên và bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ hai. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba bà đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định nên bà được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ ba. Tuy nhiên, đến hết ngày 08/9/2015 (tức là sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp), bà H vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba. Như vậy, bà H đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và bị tạm dừng 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của bà H là 05 tháng.
c) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ví dụ 9: Ngày 24/3/2015, ông Trần Quang P chấm dứt hợp đồng lao động. Ông P có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 47 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp). Do đó, thời gian ông P được bảo lưu là 11 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông P giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 03 tháng với doanh nghiệp F (từ ngày 05/9/2015 đến ngày 04/12/2015) và tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp F, ông P nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lần hai. Như vậy, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông P là 14 tháng. Nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì ông P được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng.
Ví dụ 10: Ông Đỗ Văn G có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 35 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng và không được bảo lưu tháng lẻ có đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
d) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ví dụ 11: Ông Nguyễn Văn V có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 38 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng và được bảo lưu 02 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông V tính từ ngày 02/3/2015 đến ngày 01/6/2015 (tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 02/3/2015 đến ngày 01/4/2015; tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 02/4/2015 đến ngày 01/5/2015; tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 02/5/2015 đến ngày 01/6/2015). Tuy nhiên, ngày 25/4/2015 ông V thực hiện nghĩa vụ quân sự nên bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do đó không được nhận 01 tháng trợ cấp thất nghiệp cuối cùng mà được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng. Như vậy, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của ông V là 12 tháng + 2 tháng = 14 tháng.
Ví dụ 12: Ông Nguyễn Văn L có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 36 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông L tính từ ngày 10/3/2015 đến ngày 09/6/2015. Ngày 12/5/2015, ông L thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc đã tìm được việc làm để trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, thực tế ngày 08/4/2015 ông đã thực hiện giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp P, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký. Như vậy, ngày chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông L là ngày 08/4/2015.
Ví dụ 13: Ông Đỗ Văn X có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 13 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông X tính từ ngày 03/3/2015 đến ngày 02/6/2015. Tuy nhiên, ngày 25/3/2015 ông X có việc làm, như vậy ông X đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên (từ 03/3/2015 đến ngày 02/4/2015) tương ứng với 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông X được bảo lưu là 01 tháng.
3. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được bảo lưu theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 18 và Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP là khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tính từ tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cuối cùng trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
4. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định có trách nhiệm thực hiện thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 10. Thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm
1. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 16 ban hành kèm theo Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
2. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;
b) Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;
d) Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề;
đ) Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp tại các Điểm b, c, d, đ của Khoản này thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo Mẫu số 17 ban hành kèm theo Thông tư này và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.
Ví dụ 14: Bà Trần Thị T có quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp 06 tháng kể từ ngày 02/3/2015 đến ngày 01/9/2015 (ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng cụ thể như sau: Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất là ngày nhận trả kết quả, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 03 đến ngày 07/4, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 04 đến ngày 06/5, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ tư từ ngày 03 đến ngày 05/6, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ năm từ ngày 02 đến ngày 06/7, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ sáu từ ngày 03 đến ngày 07/8). Bà T có quyết định về việc hỗ trợ học nghề của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian học nghề của bà là 03 tháng tính từ ngày 15/4/2015 đến ngày 15/7/2015. Như vậy, chậm nhất vào ngày 20/4/2015 (sau 03 ngày làm việc kể từ ngày bà T được hỗ trợ học nghề), bà T phải gửi giấy xác nhận của cơ sở dạy nghề về việc đang học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba, thứ tư, thứ năm bà T không phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, đến tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ sáu bà T phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.
3. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
d) Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Các trường hợp không trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thì chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.
4. Ngày người lao động thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm được ghi cụ thể trong phụ lục quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như sau:
a) Ngày của tháng thứ nhất hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả;
b) Từ tháng thứ hai trở đi người lao động thực hiện ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
5. Trường hợp ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm của người lao động nằm trong khoảng thời gian làm thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì người lao động không phải thực hiện việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm.
Ví dụ 15: Bà Nguyễn Lan Y có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 02/7/2015 đến ngày 01/8/2015, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 02/8/2015 đến ngày 01/9/2015, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 02/9/2015 đến ngày 01/10/2015. Sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên, ngày 28/7/2015 bà Y làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai của bà Y là ngày 03 đến ngày 05/8/2015. Như vậy, bà Y không phải thực hiện việc thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng với trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi cũng như nơi chuyển đến mà không bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
6. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được coi là đã thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm khi đã ghi đúng và đầy đủ các nội dung trong thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm và chịu trách nhiệm về nội dung thông báo.
Điều 11. Nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề
Người lao động có nhu cầu học nghề phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ 16: Bà Mai Thị K đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tỉnh Hải Dương. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp bà K có nhu cầu học nghề. Như vậy, bà K phải nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương để Trung tâm xem xét, tư vấn học nghề, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương quyết định việc hỗ trợ học nghề cho bà K.
2. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có nhu cầu học nghề thì nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cùng với hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề.
Ví dụ 17: Ông Nguyễn Văn M làm việc tại tỉnh Bình Dương, có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục là 11 tháng. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, ông M có nhu cầu học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh thì ông M nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cùng với hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 12. Giải quyết hỗ trợ học nghề
1. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề của người lao động để xác định cụ thể nghề, thời gian học nghề, thời điểm bắt đầu học nghề, mức hỗ trợ học nghề, cơ sở đào tạo nghề để trình Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động. Thời điểm bắt đầu học nghề của người lao động sau khi ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
2. Sau thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hỗ trợ học nghề thì được coi là không có nhu cầu hỗ trợ học nghề trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến nhận quyết định về việc hỗ trợ học nghề theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề của người lao động.
Quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để không thực hiện chi trả tiền hỗ trợ học nghề cho cơ sở dạy nghề; 01 bản đến cơ sở dạy nghề để không thực hiện việc dạy nghề cho người lao động; 01 bản đến người lao động. Quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề thực hiện theo Mẫu số 20 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận quyết định hỗ trợ học nghề, người lao động vẫn được nhận hoặc ủy quyền cho người khác nhận quyết định hỗ trợ học nghề nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
4. Sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn trả kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này nếu người lao động không đến trung tâm dịch vụ việc làm để nhận lại sổ bảo hiểm xã hội thì trung tâm dịch vụ việc làm chuyển sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đó đến bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để quản lý.
5. Hằng tháng, cơ sở dạy nghề lập danh sách và có chữ ký của người lao động đang học nghề chuyển tổ chức bảo hiểm xã hội để thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo tháng và thời gian thực tế người lao động tham gia học nghề.
6. Trình tự, thủ tục, hình thức chi trả hỗ trợ học nghề theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ ĐỂ DUY TRÌ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Thông tin chung về đơn vị: Tên; địa chỉ; ngày thành lập; ngành, nghề hoặc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, người đại diện.
2. Tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
3. Tổng số lao động của đơn vị, số lao động có nguy cơ bị cắt giảm tại thời điểm đề nghị hỗ trợ (không bao gồm người lao động có giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng), số lao động đề nghị được hỗ trợ.
4. Nguyên nhân buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh.
5. Tổng kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động (có dự toán chi tiết kèm theo bao gồm các chi phí để thực hiện phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động).
6. Cam kết tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và sử dụng lao động theo đúng phương án đã được phê duyệt.
Điều 14. Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm
Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Thông tin chung về đơn vị: Tên; địa chỉ trụ sở; ngày thành lập; ngành, nghề hoặc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, người đại diện.
2. Danh sách lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm tại đơn vị và nêu rõ ngành, nghề đào tạo; thời gian đào tạo; địa điểm đào tạo của từng người lao động.
3. Cơ sở đào tạo (ghi rõ cơ sở đào tạo thuộc đơn vị hay liên kết đào tạo, nếu liên kết đào tạo đề nghị kèm theo hợp đồng liên kết đào tạo, cơ sở đào tạo phải có đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật về dạy nghề).
4. Hình thức tổ chức đào tạo và dự kiến thời gian khai giảng và bế giảng của khóa học.
5. Phương án duy trì việc làm cho người lao động sau khi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề bao gồm các nội dung sau:
a) Số lao động được tiếp tục làm việc hoặc thay đổi vị trí việc làm phù hợp với phương án chuyển đổi công nghệ sản xuất kinh doanh;
b) Cam kết của người sử dụng lao động về việc sử dụng lao động theo đúng phương án. Nếu người lao động không được bố trí việc làm thì người sử dụng lao động sẽ phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
6. Dự toán chi tiết kinh phí thực hiện.
Điều 15. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
1. Đối với trường hợp khóa đào tạo được thực hiện tại cơ sở dạy nghề thì mức hỗ trợ kinh phí cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của người lao động được tính theo tháng, thời gian học thực tế, mức thu học phí của từng nghề hoặc từng khóa đào tạo nghề theo quy định của cơ sở dạy nghề nhưng không quá mức hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
2. Đối với trường hợp khóa đào tạo do người sử dụng lao động thực hiện thì mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cụ thể của người lao động được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa đào tạo nhưng không quá mức hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
3. Đối với trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì mức hỗ trợ được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là ½ tháng, từ đủ 15 ngày trở lên thì tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Ví dụ 18: Doanh nghiệp N được hỗ trợ kinh phí để đào tạo lắp ráp thiết bị điện tử cho 100 người lao động. Khóa đào tạo bắt đầu từ ngày 05/3/2015 đến ngày 15/5/2015 với mức hỗ trợ là 600.000 đồng/tháng/người (trong đó: Tháng thứ nhất được tính từ ngày 05/3/2015 đến ngày 04/4/2015; tháng thứ hai được tính từ ngày 05/4/2015 đến ngày 04/5/2015). Do đó, khóa đào tạo này có số ngày lẻ được tính từ ngày 05/5/2015 đến ngày 15/5/2015. Số ngày lẻ này dưới 15 ngày nên được tính là ½ tháng. Như vậy, thời gian doanh nghiệp N được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề là 2,5 tháng với tổng số kinh phí được hỗ trợ là: 600.000 đồng x 100 người x 2,5 tháng = 150.000.000 đồng.
Điều 16. Thông báo tình hình biến động lao động
1. Người sử dụng lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về số lao động đang làm việc tại thời điểm ngày 01 tháng 10 năm 2015 theo Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn 30 ngày, kể từ thời điểm nêu trên.
Đối với các đơn vị thành lập sau ngày 01 tháng 10 năm 2015 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về số lao động làm việc tại đơn vị theo Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trước ngày 03 hằng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
3. Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Điều 17. Báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp
1. Báo cáo định kỳ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
Định kỳ 06 tháng, trước ngày 31 tháng 7; định kỳ hằng năm trước ngày 31 tháng 01, báo cáo về Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn theo Mẫu số 30 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Báo cáo định kỳ của trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
a) Trước ngày 03 hằng tháng, báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn theo Mẫu số 31 ban hành kèm theo Thông tư này (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm báo cáo);
b) Định kỳ 06 tháng, trước ngày 15 tháng 7; định kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 01, báo cáo về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn theo Mẫu số 32 ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hoặc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan ban hành quyết định về việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp phải ban hành quyết định thu hồi số tiền đã chi sai.
2. Căn cứ quyết định thu hồi theo quy định tại Khoản 1 Điều này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện.
3. Tiền thu hồi theo quy định tại các Khoản 2 Điều này được chuyển vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 19. Các mẫu biểu ban hành kèm theo Thông tư
1. Phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm của người lao động thực hiện theo Mẫu số 01.
2. Phiếu giới thiệu việc làm cho người lao động thực hiện theo Mẫu số 02
3. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động thực hiện theo Mẫu số 03.
4. Phiếu hẹn trả kết quả của trung tâm dịch vụ việc làm khi người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề được thực hiện theo Mẫu số 04.
5. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 05.
6. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 06.
7. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động đang bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 07.
8. Đề nghị của người lao động về việc không hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 08.
9. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 09.
10. Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 10.
11. Giấy giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 11.
12. Thông báo của trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đi với Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh về việc thực hiện chấm dứt chi trả trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động thực hiện theo Mẫu số 12.
13. Đề nghị của trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến hưởng trợ cấp thất nghiệp với Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi người lao động chuyển đến về việc tiếp tục thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 13.
14. Thông báo của Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp với trung tâm dịch vụ việc làm về việc người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 14.
15. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 15.
16. Thông báo về việc tìm việc làm hằng tháng của người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo Mẫu số 16.
17. Đề nghị không thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo Mẫu số 17
18. Đề nghị hỗ trợ học nghề thực hiện theo Mẫu số 18.
19. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ học nghề đối với người lao động thực hiện theo Mẫu số 19.
20. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề đối với người lao động thực hiện theo Mẫu số 20.
21. Xác nhận của trung tâm dịch vụ việc làm về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề thực hiện theo Mẫu số 21.
22. Thông báo của trung tâm dịch vụ việc làm về việc người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề thực hiện theo Mẫu số 22.
23. Thông báo của người lao động với trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định thực hiện theo Mẫu số 23.
24. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động thực hiện theo Mẫu số 24.
25. Biên bản bàn giao sổ bảo hiểm xã hội thực hiện theo Mẫu số 25.
26. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm của người sử dụng lao động thực hiện theo Mẫu số 26.
27. Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động thực hiện theo Mẫu số 27.
28. Thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại đơn vị theo Mẫu số 28.
29. Thông báo về tình hình biến động lao động của người sử dụng lao động thực hiện theo Mẫu số 29.
30. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm, 01 năm thực hiện theo Mẫu số 30.
31. Trung tâm dịch vụ việc làm báo cáo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng thực hiện theo Mẫu số 31.
32. Trung tâm dịch vụ việc làm báo cáo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm, 01 năm thực hiện theo Mẫu số 32.
33. Người sử dụng lao động báo cáo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp hằng năm thực hiện theo Mẫu số 33.
34. Quyết định thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 34.
35. Quyết định thu hồi tiền hỗ trợ học nghề theo Mẫu số 35.
36. Quyết định thu hồi kinh phí hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Mẫu số 36.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
2. Các Thông tư sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:
a) Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp;
b) Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2010.
3. Những trường hợp tính thời hạn theo dương lịch tại Thông tư này mà ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội để hướng dẫn, bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Decree No. 31/2015/ND-CP dated March 24, 2015, detailing a number of articles of the Law on employment regarding assessment and grant of certificates of National occupational skills
- 2Decree No. 05/2015/ND-CP dated January 12, 2015, defining and providing guidance on the implementation of a number of contents of the labor code
- 3Decree No. 119/2014/ND-CP dated 17 December 2014,
- 1Circular No. 32/2010/TT-BLDTBXH of October 25, 2010, guiding a number of articles of the Government''s Decree No. 127/2008/ND-CP of December 12,2008, detailing and guiding a number of articles of the social insurance law regarding unemployment insurance
- 2Circular No. 04/2013/TT-BLDTBXH of March 01, 2013, amending the Circular No. 32/2010/TT-BLDTBXH dated October 25th 2010 of the Ministry of Labor, war invalids and social affairs, guiding the implementation of the Government''s Decree No. 127/2008/ND-CP dated December 12th 2008, elaborating and guiding the implementation of a number of articles of the Law on social insurance applicable to unemployment insurance
- 3Circular No. 04/2013/TT-BLDTBXH of March 01, 2013, amending the Circular No. 32/2010/TT-BLDTBXH dated October 25th 2010 of the Ministry of Labor, war invalids and social affairs, guiding the implementation of the Government''s Decree No. 127/2008/ND-CP dated December 12th 2008, elaborating and guiding the implementation of a number of articles of the Law on social insurance applicable to unemployment insurance
- 1Decree No. 31/2015/ND-CP dated March 24, 2015, detailing a number of articles of the Law on employment regarding assessment and grant of certificates of National occupational skills
- 2Decree No. 28/2015/ND-CP dated March 12, 2015, detailing the implementation of a number of articles on unemployment insurance of the Law on employment
- 3Decree No. 05/2015/ND-CP dated January 12, 2015, defining and providing guidance on the implementation of a number of contents of the labor code
- 4Decree No. 119/2014/ND-CP dated 17 December 2014,
- 5Law No. 38/2013/QH13 of 16 November 2013, on employment
- 6Decree No. 106/2012/ND-CP of December 20, 2012, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the ministry of labor, war invalids and social affairs
- 72012 Labor code
Circular No. 28/2015/TT-BLDTBXH dated July 31st 2015, on guidelines for Article 52 of the Law on employment and Decree No. 28/2015/NĐ-CP on guidelines for the Law on employment in terms of unemployment insurance
- Số hiệu: 28/2015/TT-BLDTBXH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 31/07/2015
- Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Doãn Mậu Diệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra