Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2022/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, TRUY XUẤT NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường.

2. Hồ sơ lâm sản hợp pháp, quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

3. Đánh dấu mẫu vật các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây gọi tắt là CITES), trừ loài thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ quan Kiểm lâm sở tại là Cơ quan Kiểm lâm cấp huyện hoặc Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh ở những địa phương không có Cơ quan Kiểm lâm cấp huyện.

2. Gỗ tròn là gỗ nguyên khai, gỗ lóc lõi còn nguyên hình dạng sau khai thác chưa cắt khúc hoặc đã cắt khúc có kích thước thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Gỗ có đường kính đầu nhỏ từ 10 centimét (cm) đến dưới 20 cm và chiều dài từ 01 mét (m) trở lên;

b) Gỗ có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên và chiều dài từ 30 cm trở lên;

c) Gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên và chiều dài từ 01 m trở lên.

3. Gỗ xẻ, gỗ đẽo là gỗ đã bị tác động thành gỗ có hình dạng thanh, tấm, hộp, tròn, khối trụ đa giác hoặc hình thù khác.

4. Thực vật rừng ngoài gỗ, bao gồm: Các loại thuộc họ song, mây, tre, nứa, cau, dừa, sim, mua; thực vật rừng thân thảo; nấm, củi, dẫn xuất, bộ phận khác của cây gỗ.

5. Chủ lâm sản là tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có quyền sở hữu hợp pháp đối với lâm sản theo quy định của pháp luật.

6. Chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

7. Khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên là hoạt động lấy cá thể động vật rừng thông thường, trứng, ấu trùng của chúng ra khỏi nơi cư trú tự nhiên.

8. Sản phẩm gỗ hoàn chỉnh là sản phẩm chế biến từ gỗ được lắp ráp đầy đủ các bộ phận theo công dụng của sản phẩm hoặc các chi tiết tháo rời của sản phẩm đó, khi lắp ráp có thể sử dụng được ngay theo công dụng của sản phẩm.

9. Thực vật rừng thông thường là những loài không thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và không thuộc Phụ lục CITES.

Điều 4. Xác định số lượng, khối lượng lâm sản

1. Phương pháp đo, tính khối lượng gỗ tròn:

a) Chiều dài: Đo khoảng cách ngắn nhất giữa mặt cắt ngang ở hai đầu của lóng gỗ. Nếu mặt cắt ngang của đầu gỗ bị nghiêng, bị lõm thì đo ở vị trí có chiều dài ngắn nhất giữa hai đầu lóng gỗ. Đơn vị tính là m, lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

b) Đường kính: Đo ở hai đầu lóng gỗ (trừ phần vỏ cây); mỗi đầu lóng gỗ đo ở hai vị trí có đường kính lớn nhất và nhỏ nhất sau đó tính trị số trung bình cộng để xác định đường kính của mỗi đầu lóng gỗ; đường kính trung bình của lóng gỗ được tính bằng trị số trung bình cộng đường kính của hai đầu lóng gỗ; đơn vị đo là cm; lấy số nguyên và một số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

c) Khối lượng được xác định theo thể tích gỗ:

V= π/4 x (Dtb)2 x l

Trong đó:

V: Thể tích mét khối (m3), lấy số nguyên và ba số hàng thập phân sau số hàng đơn vị

π: Hằng số pi (π = 3,14)

Dtb: Đường kính trung bình của lóng gỗ (m)

l: Chiều dài ngắn nhất giữa hai mặt cắt (m)

d) Sai số tính thể tích gỗ trong mỗi lần đo đối với từng khúc, lóng gỗ tròn, gỗ khối trụ tròn là mười phần trăm (±10%).

2. Phương pháp đo, tính khối lượng gỗ xẻ, gỗ đẽo thành hình dạng thanh, tấm, hộp (mặt cắt ngang, mặt cắt dọc có hình vuông hoặc hình chữ nhật):

a) Chiều dài: Đo khoảng cách ngắn nhất giữa mặt cắt ngang ở hai đầu của từng thanh, tấm, hộp gỗ. Đơn vị tính là m, lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

b) Chiều rộng và chiều dày: Đo khoảng cách giữa hai mặt cắt dọc đối diện của từng thanh, tấm, hộp gỗ. Trường hợp các mặt gỗ bị chéo, lượn sóng thì đo tại vị trí có kích thước lớn nhất, nhỏ nhất và tính trị số trung bình cộng; đơn vị đo là cm, lấy số nguyên và một số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

c) Khối lượng được xác định theo thể tích gỗ:

V = l x a x b

Trong đó:

V: Thể tích (m3), lấy số nguyên và ba số hàng thập phân sau số hàng đơn vị

l: Chiều dài ngắn nhất giữa hai mặt cắt (m)

a: Chiều rộng của hộp gỗ (m)

b: Chiều dày của hộp gỗ (m)

d) Sai số tính thể tích gỗ trong mỗi lần đo đối với từng thanh, tấm, hộp gỗ xẻ, đẽo là năm phần trăm (± 5%).

3. Phương pháp đo, tính khối lượng gỗ xẻ, gỗ đẽo thành hình dạng khối trụ đa giác:

a) Chiều dài: Đo khoảng cách ngắn nhất giữa mặt cắt ngang ở hai đầu của gỗ khối trụ đa giác. Đơn vị tính là m, lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

b) Tính tiết diện mặt cắt ngang: Là trị số trung bình cộng của mặt cắt có diện tích lớn nhất và nhỏ nhất của gỗ khối trụ đa giác. Đơn vị tính là mét vuông (m2), lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

c) Khối lượng được xác định theo thể tích gỗ:

V = l x S

Trong đó:

V: Thể tích (m3), lấy số nguyên và ba số hàng thập phân sau số hàng đơn vị

l: Chiều dài ngắn nhất giữa hai mặt cắt ngang (m)

S: Tiết diện mặt cắt ngang của khối gỗ đa giác (m2)

d) Sai số tính thể tích gỗ trong mỗi lần đo đối với từng khối gỗ trụ đa giác là năm phần trăm (± 5%).

4. Phương pháp đo, xác định khối lượng cây thân gỗ còn cả gốc, rễ, thân, cành, lá:

a) Chiều cao: Đo chiều dài toàn thân tính từ vị trí gốc cây sát mặt đất đến ngọn chính của cây gỗ. Đơn vị tính là m, lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

b) Đường kính: Đo chu vi để xác định đường kính ở vị trí 1,3 m tính từ mặt cắt ngang của gốc cây; đơn vị đo là cm; lấy số nguyên và một số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

c) Khối lượng được xác định theo thể tích cây gỗ:

V = (C21.3/4π) x Hvn x f

Trong đó:

V: Khối lượng gỗ được tính bằng thể tích (m3) lấy số nguyên và ba số hàng thập phân sau số hàng đơn vị

C1.3: Chu vi tại vị trí 1,3 m của cây (m)

π: Hằng số pi (π=3,14)

Hvn: Chiều dài toàn cây đo từ gốc đến ngọn (m)

f: Hình số thân cây (đối với cây rừng trồng giá trị của f bằng 0,5; đối với cây rừng tự nhiên giá trị của f bằng 0,45).

d) Sai số tính thể tích gỗ trong mỗi lần đo đối với từng cây là mười phần trăm (± 10%).

5. Trường hợp gỗ rỗng ruột, gỗ mục phải ghi khối lượng rỗng ruột, khối lượng mục trong Bảng kê lâm sản.

6. Đối với gỗ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư này; cây gỗ không xác định được đường kính tại vị trí 1,3 m; gỗ gốc, rễ, gỗ có hình thù phức tạp, không đồng nhất; gỗ lạng, gỗ bóc, dăm gỗ không thể đo được kích thước thì cân, đơn vị tính là kilogam (kg) hoặc tính theo ster; quy đổi từ kg ra m3 gỗ tròn thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12619-2:2019 về tính chất vật lý và cơ học gỗ; trường hợp gỗ không được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12619-2:2019 thì quy đổi 1000 kg bằng 01 m3 gỗ tròn hoặc quy đổi 01 ster bằng 0,7 m3 gỗ tròn.

7. Đơn vị tính đối với động vật là số lượng cá thể, trứng động vật là số lượng quả; trường hợp không xác định được số lượng thì cân, đơn vị tính là kg.

8. Đơn vị tính đối với thực vật rừng ngoài gỗ, bộ phận của động vật rừng là kg; lâm sản thuộc họ song, mây, tre, nứa, cau dừa, sim, mua được xác định bằng số lượng cây hoặc cân, đơn vị tính là kg.

9. Dẫn xuất của động vật, thực vật được xác định bằng kg, m3, lít hoặc mililít (ml).

Điều 5. Bảng kê lâm sản

1. Đối tượng lập Bảng kê lâm sản:

a) Chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền lập sau khi khai thác;

b) Chủ lâm sản lập khi bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản;

c) Người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến lâm sản;

d) Cơ quan được giao xử lý tài sản sau xử lý tịch thu lập khi bán đấu giá.

2. Lập Bảng kê lâm sản:

a) Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này lập Bảng kê lâm sản tương ứng theo các Mẫu số 01, 02, 03, 04 và 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này:

Ghi chi tiết đối với khúc, lóng gỗ tròn, gỗ đẽo tròn có kích thước theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư này; gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp có chiều dài từ 1m trở lên, chiều rộng từ 20 cm trở lên, chiều dày từ 5 cm trở lên; gỗ xẻ, gỗ đẽo thành hình dạng khối trụ đa giác khác.

Ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng đối với gỗ tròn không đủ kích thước quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư này; gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp có chiều dài dưới 1m, chiều rộng dưới 20 cm, chiều dày dưới 5 cm; gỗ rừng trồng.

Ghi chi tiết hoặc ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng đối với từng loại lâm sản ngoài gỗ phù hợp với thực tế.

Tại cuối mỗi trang của Bảng kê lâm sản ghi tổng khối lượng lâm sản;

b) Tổ chức, cá nhân lập bảng kê lâm sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung kê khai và nguồn gốc lâm sản hợp pháp tại Bảng kê lâm sản.

3. Lâm sản phải xác nhận Bảng kê lâm sản, gồm:

a) Gỗ loài thông thường khai thác tận dụng, tận thu từ rừng tự nhiên;

b) Lâm sản sau xử lý tịch thu;

c) Gỗ, thực vật ngoài gỗ có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc trồng cấy thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc Phụ lục CITES;

d) Động vật rừng và bộ phận, dẫn xuất, sản phẩm của động vật rừng có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc gây nuôi; động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, trừ loài thủy sản;

đ) Lâm sản không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, và d khoản này hoặc gỗ cây công nghiệp hoặc sản phẩm gỗ hoàn chỉnh theo đề nghị của chủ lâm sản.

4. Sản phẩm gỗ hoàn chỉnh hoặc lâm sản của doanh nghiệp Nhóm I theo quy định tại Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển không phải xác nhận Bảng kê lâm sản.

5. Sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất, chế biến từ cá sấu, loài thuộc nhóm IIB theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, loài thuộc Phụ lục II, III CITES đã được đánh dấu mẫu vật có số lượng dưới 05 sản phẩm khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển không phải lập Bảng kê lâm sản.

6. Cơ quan có thẩm quyền xác nhận Bảng kê lâm sản: Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

7. Hồ sơ:

a) Bản chính Đơn đề nghị xác nhận Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Bảng kê lâm sản được lập theo quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Bản sao Phương án khai thác theo quy định tại Điều 6 hoặc Điều 7 Thông tư này đối với trường hợp đề nghị xác nhận sau khai thác;

d) Bản sao hồ sơ lâm sản nhập khẩu quy định tại Điều 16 Thông tư này đối với trường hợp chủ lâm sản nhập khẩu bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu;

đ) Bản sao hồ sơ lâm sản sau xử lý tịch thu theo quy định tại Điều 17 Thông tư này đối với trường hợp chủ lâm sản mua trực tiếp từ cơ quan được giao xử lý tài sản, bán, chuyển giao quyền sở hữu lần kế tiếp;

e) Bản sao Bảng kê lâm sản mua bán, chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó;

g) Bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản đối với trường hợp xác nhận theo đề nghị của tổ chức, cá nhân quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;

h) Bản chính Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản đối với chủ lâm sản là tổ chức, hộ kinh doanh xuất bán lâm sản theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Trình tự thực hiện:

a) Chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ tương ứng với từng loại lâm sản đề nghị xác nhận theo quy định tại khoản 7 Điều này đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại. Trường hợp chủ lâm sản tạo mã phản hồi nhanh (QR) chứa đựng hồ sơ lâm sản trong Bảng kê lâm sản thì không phải nộp hồ sơ quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 7 Điều này. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (sau đây gọi là Nghị định số 45/2020/NĐ-CP).

b) Thời gian trả lời tính hợp lệ của thành phần hồ sơ:

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính hợp lệ của thành phần hồ sơ cho chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền.

Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại xem xét tính hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận Bảng kê lâm sản; xác nhận lâm sản tồn trong Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản đối với trường hợp quy định tại điểm h khoản 7 Điều này. Trường hợp cần xác minh nguồn gốc lâm sản, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại thông báo cho chủ lâm sản về việc xác minh; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, Cơ quan Kiểm lâm sở tại tiến hành xác minh, lập Biên bản xác minh theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và hoàn thành xác nhận Bảng kê lâm sản; xác nhận lâm sản tồn vào Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản; trường hợp có nhiều nội dung phức tạp, việc xác minh và xác nhận được thực hiện không quá 07 ngày. Trường hợp không xác nhận thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Sau khi xác nhận Bảng kê lâm sản, Cơ quan Kiểm lâm sở tại trả bản chính Bảng kê lâm sản và Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản đã xác nhận cho chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền.

9. Cơ quan Kiểm lâm sở tại chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xác nhận Bảng kê lâm sản; lập và cập nhật xác nhận vào Sổ theo dõi xác nhận Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; lưu giữ bản sao của Bảng kê lâm sản đã xác nhận và hồ sơ lâm sản theo quy định tại khoản 7 Điều này.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHAI THÁC THỰC VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG

Mục 1. PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC

Điều 6. Phê duyệt Phương án khai thác thực vật rừng thông thường

1. Trường hợp phê duyệt Phương án khai thác:

a) Khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên;

b) Khai thác tận thu gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên;

c) Khai thác thực vật rừng ngoài gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên là rừng đặc dụng;

d) Thu thập mẫu vật thực vật rừng thông thường phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ từ rừng đặc dụng;

đ) Khai thác gỗ rừng trồng loài thực vật rừng thông thường do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu;

e) Khai thác gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng trồng phòng hộ do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư.

2. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Phương án khai thác đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này đối với diện tích rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Phương án khai thác đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư; khai thác tận dụng, tận thu gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý;

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Phương án khai thác đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

3. Hồ sơ:

a) Bản chính Đơn đề nghị phê duyệt Phương án khai thác theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Phương án khai thác theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc bản sao quyết định phê duyệt dự án lâm sinh hoặc tài liệu chứng minh việc thực hiện các biện pháp lâm sinh hoặc chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều này.

4. Trình tự thực hiện:

a) Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân được chủ rừng ủy quyền nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này đến Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.

b) Thời gian trả lời tính hợp lệ của thành phần hồ sơ:

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính hợp lệ của thành phần hồ sơ cho chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân được chủ rừng ủy quyền.

Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan phê duyệt xem xét tính hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Phương án khai thác lâm sản và trả kết quả cho chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân được chủ rừng ủy quyền; trường hợp không phê duyệt thì thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Phương án khai thác gửi bản sao Phương án khai thác được phê duyệt đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại nơi khai thác để theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Điều 7. Phê duyệt Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên

1. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

2. Hồ sơ:

a) Bản chính Đơn đề nghị phê duyệt Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trình tự thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP;

b) Thời gian trả lời tính hợp lệ của thành phần hồ sơ:

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính hợp lệ của thành phần hồ sơ cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại xem xét tính hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại phê duyệt Phương án khai thác và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư; trường hợp không phê duyệt thì thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục II. TRÌNH TỰ KHAI THÁC THỰC VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG

Điều 8. Khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên

1. Hồ sơ:

a) Khai thác trong phạm vi giải phóng mặt bằng: Bản sao quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; bản sao Phương án khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên được phê duyệt;

b) Khai thác trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác: Bản sao quyết định phê duyệt dự án lâm sinh hoặc bản sao tài liệu chứng minh việc thực hiện các biện pháp lâm sinh; bản sao Phương án khai thác tận dụng gỗ loài thông thường rừng tự nhiên được phê duyệt.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản chính Bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại để xác nhận theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 9. Khai thác tận thu gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên

1. Hồ sơ: Bản sao Phương án khai thác tận thu gỗ loài thông thường rừng tự nhiên được phê duyệt.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản chính Bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại để xác nhận theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 10. Khai thác thực vật rừng ngoài gỗ đối với loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên

1. Hồ sơ:

a) Bản sao Phương án khai thác được phê duyệt đối với trường hợp khai thác thực vật rừng ngoài gỗ, dẫn xuất của thực vật rừng đối với loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên là rừng đặc dụng.

b) Bản sao Phương án khai thác do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác lập theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp khai thác thực vật rừng ngoài gỗ, dẫn xuất của thực vật rừng loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên là rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp.

Điều 11. Khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng phòng hộ là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư

1. Hồ sơ:

a) Bản sao Phương án khai thác được phê duyệt đối với trường hợp khai thác gỗ hoặc bản sao Phương án khai thác do chủ rừng lập theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp khai thác thực vật rừng ngoài gỗ, bộ phận, dẫn xuất từ thực vật rừng;

b) Bản sao quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với trường hợp khai thác tận dụng gỗ trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hoặc bản sao quyết định phê duyệt dự án lâm sinh hoặc bản sao tài liệu chứng minh việc thực hiện các biện pháp lâm sinh đối với khai thác tận dụng trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp.

Điều 12. Khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư; cây trồng phân tán, cây vườn nhà có tên trùng với cây gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên

1. Hồ sơ: Bản chính Phiếu thông tin khai thác lâm sản do chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền lập theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền gửi bản sao hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp.

Điều 13. Thu thập mẫu vật thực vật rừng thông thường phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong rừng đặc dụng

1. Hồ sơ:

a) Bản sao chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Bản sao Phương án thu thập mẫu vật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp.

Điều 14. Khai thác động vật rừng thông thường, bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng thông thường từ tự nhiên

1. Hồ sơ: Bản sao Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên được phê duyệt theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản chính Bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại để xác nhận theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Chương III

HỒ SƠ LÂM SẢN HỢP PHÁP

Mục 1. HỒ SƠ NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Điều 15. Hồ sơ nguồn gốc lâm sản sau khai thác

1. G khai thác từ rừng tự nhiên: Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

2. Gỗ khai thác từ rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; rừng trồng phòng hộ do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư:

a) Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập; bản sao Phương án khai thác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với trường hợp chủ lâm sản đề nghị xác nhận theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

3. Gỗ khai thác từ rừng sản xuất là rừng trồng, gỗ có tên trùng với cây gỗ rừng tự nhiên, cây trồng phân tán, cây vườn nhà do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư: Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với trường hợp chủ lâm sản đề nghị xác nhận theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

4. Thực vật rừng ngoài gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, rừng trồng:

a) Đối với thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại;

b) Đối với thực vật rừng ngoài gỗ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này: Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với trường hợp chủ lâm sản đề nghị xác nhận theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

5. Động vật rừng: Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

Điều 16. Hồ sơ nguồn gốc lâm sản nhập khẩu

1. Gỗ nhập khẩu: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

2. Lâm sản ngoài gỗ nhập khẩu:

a) Đối với loài thuộc Phụ lục CITES: Tờ khai hải quan theo quy định pháp luật; bản chính hoặc bản sao hoặc bản điện tử giấy phép CITES nhập khẩu;

b) Đối với loài không thuộc Phụ lục CITES: Tờ khai hải quan theo quy định pháp luật; bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc packing-list/log-list do tổ chức, cá nhân lập theo quy định của nước xuất khẩu.

3. Sau thông quan, Cơ quan Hải quan trả lại hồ sơ cho chủ lâm sản để lưu giữ theo quy định.

Điều 17. Hồ sơ nguồn gốc lâm sản sau xử lý tịch thu

1. Gỗ sau xử lý tịch thu:

a) Đối với trường hợp cơ quan được giao xử lý tài sản sau xử lý tịch thuCơ quan Kiểm lâm: Bản chính Bảng kê lâm sản do Cơ quan Kiểm lâm được giao xử lý tài sản lập;

b) Đối với trường hợp cơ quan được giao xử lý tài sản sau xử lý tịch thu không phải là Cơ quan Kiểm lâm: Bản chính Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

2. Lâm sản sau xử lý tịch thu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: Bản chính Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

Mục 2. HỒ SƠ LÂM SẢN KHI MUA BÁN, CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU, VẬN CHUYỂN TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU

Điều 18. Hồ sơ lâm sản khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển trong nước

1. Đối với lâm sản thuộc đối tượng phải xác nhận Bảng kê lâm sản theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 5 Thông tư này:

a) Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại;

b) Bản sao hồ sơ mua bán, chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc sử dụng mã phản hồi nhanh (QR) chứa đựng hồ sơ quy định tại điểm này trên Bảng kê lâm sản.

2. Đối với lâm sản không phải là sản phẩm gỗ hoàn chỉnh và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 5 Thông tư này:

a) Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản bán, chuyển giao quyền sở hữu lập hoặc bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với lâm sản quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này;

b) Bản sao hồ sơ mua bán, chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc sử dụng mã phản hồi nhanh (QR) chứa đựng hồ sơ quy định tại điểm này trên Bảng kê lâm sản.

3. Đối với lâm sản sau khai thác do chủ lâm sản vận chuyển về kho, bãi trong cùng một lần và cùng một phương tiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

4. Đối với lâm sản nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu đến kho hàng của tổ chức, cá nhân nhập khẩu: Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

5. Đối với lâm sản mua trực tiếp từ Hội đồng đấu giá, sau đó lâm sản vận chuyển về kho hàng của tổ chức, cá nhân mua: Thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

6. Đối với sản phẩm gỗ hoàn chỉnh: Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

Điều 19. Hồ sơ lâm sản khi xuất khẩu

1. Đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, sản phẩm gỗ, hồ sơ gồm một trong các tài liệu sau:

a) Bản chính Bảng kê lâm sản hoặc bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với lâm sản quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này;

b) Bản chính hoặc bản sao hoặc bản điện tử Giấy phép CITES xuất khẩu đối với gỗ, sản phẩm gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES.

2. Đối với lâm sản ngoài gỗ, hồ sơ gồm một trong các tài liệu sau:

a) Bản chính hoặc bản sao hoặc bản điện tử giấy phép CITES đối với mẫu vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES;

b) Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với động vật rừng thông thường;

c) Bản chính Bảng kê lâm sản đối với thực vật rừng ngoài gỗ thuộc loài thực vật rừng thông thường.

3. Sau khi thông quan, Cơ quan Hải quan trả lại hồ sơ cho chủ lâm sản để lưu giữ theo quy định.

Mục 3. HỒ SƠ LÂM SẢN TẠI CƠ SỞ CHẾ BIẾN, KINH DOANH, CẤT GIỮ, NUÔI, TRỒNG THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG

Điều 20. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở chế biến, kinh doanh, cất giữ gỗ, thực vật rừng, động vật rừng, các loài thuộc Phụ lục CITES

1. Bản chính hồ sơ nguồn gốc lâm sản sau khai thác, nhập khẩu, gây nuôi hoặc sau xử lý tịch thu đối với trường hợp chủ cơ sở trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc mua lâm sản sau xử lý tịch thu.

2. Bản chính Bảng kê lâm sản và bản sao hồ sơ lâm sản chuyển giao quyền sở hữu từ tổ chức, cá nhân liền kề trước đó.

3. Bản sao hồ sơ lâm sản khi xuất bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân.

4. Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản đối với tổ chức, hộ kinh doanh theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Chủ lâm sản có trách nhiệm cập nhật các thông tin vào Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản khi nhập, xuất lâm sản.

5. Đối với các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; loài thuộc Phụ lục CITES: Các loại sổ theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

6. Chủ lâm sản có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ lâm sản tương ứng với từng giai đoạn của chuỗi cung ứng lâm sản, bao gồm: Hồ sơ nguồn gốc lâm sản sau khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, mua bán, chuyển giao quyền sở hữu nhập khẩu, lâm sản sau xử lý tịch thu theo quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở nuôi, trồng

1. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở nuôi các loài động vật rừng; động vật thuộc Phụ lục CITES:

a) Mã số cơ sở nuôi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đối với cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES;

b) Bản chính hồ sơ nguồn gốc động vật được khai thác trong nước, nhập khẩu hoặc gây nuôi đối với chủ cơ sở đồng thời là tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc gây nuôi; Bản sao hoặc bản điện tử hồ sơ nguồn gốc khai thác, nhập khẩu hoặc gây nuôi đối với chủ cơ sở không trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc gây nuôi;

c) Bản chính hồ sơ lâm sản khi nhận chuyển giao quyền sở hữu từ tổ chức, cá nhân liền kề trước đó;

d) Bản sao hồ sơ lâm sản khi xuất bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân;

đ) Các loại sổ theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

2. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thực vật thuộc Phụ lục CITES:

a) Mã số cơ sở trồng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Bản chính hồ sơ nguồn gốc lâm sản khai thác trong nước, nhập khẩu hoặc trồng cấy nhân tạo đối với chủ cơ sở đồng thời là tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc trồng cấy nhân tạo; bản sao hoặc bản điện tử hồ sơ nguồn gốc khai thác, nhập khẩu hoặc trồng cấy nhân tạo đối với chủ cơ sở không trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc trồng cấy nhân tạo;

c) Bản chính hồ sơ lâm sản khi nhận chuyển giao quyền sở hữu từ tổ chức, cá nhân khác trước đó;

d) Bản sao hồ sơ lâm sản khi xuất bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác;

đ) Các loại sổ theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Chương IV

ĐÁNH DẤU MẪU VẬT

Điều 22. Đối tượng đánh dấu

1. Sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất, chế biến từ cá sấu, loài thuộc Nhóm IIB theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, loài thuộc Phụ lục II, III CITES khi mua, bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển.

2. Mẫu vật của loài thuộc các Phụ lục CITES xuất khẩu mà CITES đã có quy định đánh dấu thì thực hiện theo quy định của CITES.

Điều 23. Hình thức, phương pháp, trách nhiệm đánh dấu mẫu vật

1. Việc đánh dấu mẫu vật có thể thực hiện bằng tem, mã số, mã vạch, mã QR, hoặc vật liệu khác (sau đây gọi chung là nhãn đánh dấu) có chứa đựng đầy đủ thông tin quy định tại Điều 24 Thông tư này để quản lý và truy xuất nguồn gốc.

2. Chủ mẫu vật tự quyết định chất liệu, kích thước, hình thức của nhãn đánh dấu, phù hợp với tính chất, chủng loại của mẫu vật và đảm bảo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

3. Một sản phẩm được đánh dấu bằng một nhãn đánh dấu. Nhãn đánh dấu mẫu vật được gắn trực tiếp lên sản phẩm hoặc trên bao bì, vật dụng lưu giữ, đảm bảo có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường hoặc thiết bị đọc và tránh làm giả.

4. Nhãn đánh dấu gắn trực tiếp lên mẫu vật phải đảm bảo khi bóc nhãn đánh dấu sẽ bị rách, bị hỏng và không thể sử dụng lại. Trường hợp các mẫu vật được chứa đựng cùng một bao bì, vật dụng lưu giữ, nhãn lâm sản phải gắn ở những vị trí mà khi mở bao bì, vật dụng đó thì nhãn đánh dấu sẽ bị rách, bị hỏng và không thể sử dụng lại.

5. Chủ mẫu vật thực hiện đánh dấu mẫu vật trước khi vận chuyển, mua bán, chuyển giao quyền sở hữu mẫu vật.

6. Sau khi hoàn thành đánh dấu mẫu vật, trong thời hạn 01 ngày làm việc, chủ lâm sản ghi đủ các thông tin đánh dấu vào Sổ theo dõi đánh dấu mẫu vật bằng sổ giấy hoặc sổ điện tử theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin của nhãn đánh dấu; gửi Thông báo đánh dấu mẫu vật theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý.

Điều 24. Thông tin và đăng ký nhãn đánh dấu

1. Thông tin của nhãn đánh dấu:

a) Tên mẫu vật;

b) Tên loài: Tên phổ thông và tên khoa học. Trường hợp mẫu vật được sản xuất từ nhiều loài động vật, thực vật khác nhau, phải ghi đầy đủ tên phổ thông và tên khoa học của từng loài;

c) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân bán, chuyển giao quyền sở hữu mẫu vật và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân mua, nhận chuyển giao quyền sở hữu mẫu vật;

d) Định lượng mẫu vật: Là lượng mẫu vật được thể hiện bằng đơn vị đo lường hoặc theo số đếm tùy theo đặc điểm của từng loại mẫu vật;

đ) Số Sê-ri của nhãn, gồm: Số của nhãn đánh dấu, tên viết tắt của tỉnh, mã số đơn vị hành chính cấp huyện, tên viết tắt của chủ mẫu vật, viết tắt 2 số của năm cấp mã số. Trong đó:

Số của nhãn đánh dấu: Được ghi bằng chữ số Ả-rập, theo số thứ tự tăng dần từ số 01 trở đi đến khi kết thúc năm.

Tên viết tắt của tỉnh tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Tên viết tắt của chủ mẫu vật: Do chủ mẫu vật tự quyết định và thông báo với Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh. Trường hợp chủ mẫu vật thay đổi tên, chủ mẫu vật lựa chọn tên viết tắt mới và thông báo cho Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh để biết và quản lý.

Mã số đơn vị hành chính cấp huyện là mã số tương ứng với từng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được mã hóa bằng 3 chữ số theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân đánh dấu mẫu vật gửi thông báo kèm với mẫu nhãn đánh dấu mẫu vật cho Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh để tổng hợp theo dõi.

Chương V

KIỂM TRA, TRUY XUẤT NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Điều 25. Đối tượng, hình thức kiểm tra

1. Đối tượng được kiểm tra: Tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, mua bán, chuyển quyền sở hữu lâm sản, xuất khẩu, nhập khẩu, cất giữ lâm sản, nuôi động vật rừng, trồng thực vật rừng và đánh dấu mẫu vật.

2. Hình thức kiểm tra:

a) Kiểm tra theo kế hoạch;

b) Kiểm tra đột xuất.

Điều 26. Nội dung kiểm tra

1. Đối với khai thác lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác lâm sản theo Quy chế quản lý rừng và quy định tại Chương II Thông tư này và lâm sản khai thác thực tế tại hiện trường.

2. Đối với lâm sản khi nhập khẩu, xuất khẩu: Kiểm tra hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 16 và Điều 19 Thông tư này và lâm sản thực tế tại cửa khẩu.

3. Đối với vận chuyển lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản trong quá trình vận chuyển theo quy định tại Điều 18 Thông tư này và lâm sản trên phương tiện vận chuyển.

4. Đối với cơ sở chế biến, kinh doanh, cất giữ gỗ, lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 20 Thông tư nàylâm sản hiện có tại cơ sở.

5. Đối với cơ sở nuôi động vật rừng, động vật thuộc Phụ lục CITES; cơ sở trồng các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc thực vật thuộc Phụ lục CITES: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 21 Thông tư này và động vật, thực vật đang nuôi, trồng tại cơ sở.

6. Đối với nơi cất giữ lâm sản: Kiểm tra hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này và lâm sản hiện có.

 Điều 27. Nguyên tắc kiểm tra

1. Hoạt động kiểm tra của Cơ quan Kiểm lâm do Tổ kiểm tra hoặc Đoàn kiểm tra (sau đây gọi tắt là Tổ kiểm tra) thực hiện khi có quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền quy định tại Điều 30 Thông tư này, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này.

2. Hoạt động kiểm tra của Kiểm lâm phải đảm bảo kịp thời, khách quan, chính xác, đúng nhiệm vụ, quyền hạn và tuân thủ quy định của pháp luật.

3. Hoạt động kiểm tra phải thực hiện đúng trình tự quy định tại Điều 31 Thông tư này và phải lập Biên bản kiểm tra theo Mẫu số 16 hoặc Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 28. Kiểm tra theo kế hoạch

1. Kế hoạch kiểm tra hằng năm:

a) Trước ngày 30 tháng 11 hằng năm, Thủ trưởng Cơ quan Kiểm lâm quy định tại Điều 30 Thông tư này có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra năm sau, trình cấp trên trực tiếp phê duyệt;

b) Trường hợp có ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc có nội dung cần quản lý phát sinh ngoài kế hoạch kiểm tra hằng năm thì điều chỉnh kế hoạch kiểm tra và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Căn cứ kế hoạch kiểm tra được duyệt, Cơ quan Kiểm lâm thông báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trước ngày 31 tháng 12 hằng năm hoặc sau khi phê duyệt điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.

2. Kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề: Căn cứ tình hình quản lý lâm sản trên địa bàn cần phải kiểm tra ngăn chặn và xử lý, Thủ trưởng Cơ quan Kiểm lâm chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề.

Điều 29. Kiểm tra đột xuất

1. Căn cứ kiểm tra đột xuất:

a) Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng;

b) Thông tin từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân;

c) Thông tin từ đơn đề nghị xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân;

d) Thông tin từ phát hiện hoặc trường hợp phát hiện vi phạm quả tang của công chức Kiểm lâm quản lý địa bàn hoặc công chức Kiểm lâm được giao nhiệm vụ theo dõi, phát hiện vi phạm;

đ) Văn bản chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

e) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Công chức Kiểm lâm thu thập, tiếp nhận thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo ngay Thủ trưởng Cơ quan Kiểm lâm trực tiếp để xử lý thông tin.

3. Căn cứ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm xử lý thông tin, chỉ đạo kiểm tra, chịu trách nhiệm về quyết định của mình; chỉ đạo việc lập Sổ theo dõi thông tin và tổ chức quản lý theo chế độ quản lý tài liệu mật.

Điều 30. Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra của Kiểm lâm

1. Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm ban hành quyết định kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có thể ủy quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trình tự kiểm tra

1. Công bố và giao quyết định kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra hoặc người đại diện của đối tượng được kiểm tra; thông báo về thành phần Tổ kiểm tra và người chứng kiến (nếu có).

2. Yêu cầu đối tượng được kiểm tra hoặc người đại diện của đối tượng được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với Tổ kiểm tra. Trường hợp những người này không có mặt tại nơi kiểm tra thì Tổ kiểm tra mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an nơi kiểm tra, người chứng kiến để công bố quyết định kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo quy định.

3. Tổ chức kiểm tra theo đúng nội dung của quyết định kiểm tra đã công bố. Trường hợp có nội dung phát sinh trong quá trình kiểm tra vượt quá thẩm quyền, Tổ kiểm tra phải báo cáo ngay với người ban hành quyết định kiểm tra để kịp thời xử lý.

4. Kiểm tra vận chuyển lâm sản: Tổ kiểm tra chỉ được dừng phương tiện giao thông đang lưu thông để kiểm tra lâm sản khi có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này. Hiệu lệnh dừng phương tiện có thể sử dụng một loại hoặc sử dụng kết hợp còi, cờ hiệu Kiểm lâm, đèn pin.

5. Kiểm tra lâm sản nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu: Cơ quan Kiểm lâm phối hợp với cơ quan Hải quan cửa khẩu tổ chức kiểm tra lâm sản theo quy định tại Thông tư này.

6. Đối tượng được kiểm tra phải chấp hành các yêu cầu kiểm tra của Tổ kiểm tra; xuất trình ngay hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này và các tài liệu liên quan khác theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Lâm nghiệp:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên phạm vi cả nước;

b) Trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Phương án khai thác đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

2. Cục Kiểm lâm:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành pháp luật về khai thác, quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Thông tư này;

b) Xây dựng mô hình thí điểm về mã vùng trồng rừng nguyên liệu phục vụ truy xuất gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng;

c) Xây dựng mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản;

d) Tổng hợp, báo cáo tình hình chấp hành quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản trong phạm vi toàn quốc tại Thông tư này.

3. Chi cục Kiểm lâm vùng:

a) Tổ chức kiểm tra nguồn gốc lâm sản theo quy định của Thông tư này theo chỉ đạo của Cục Kiểm lâm trên địa bàn được phân công;

b) Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này trên địa bàn được phân công khi cấp có thẩm quyền yêu cầu.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh.

5. Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh:

a) Tổng hợp, lưu giữ thông tin về tình hình khai thác; nhập, xuất lâm sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của Thông tư này;

b) Quản lý hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này;

c) Báo cáo tình hình quản lý, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản; cơ sở nuôi động vật, trồng thực vật trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này.

6. Cơ quan Kiểm lâm sở tại:

a) Tổng hợp, lưu giữ thông tin về tình hình khai thác; nhập, xuất lâm sản trên địa bàn quản lý; tổ chức kiểm tra, xác minh, giám sát, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của Thông tư này;

b) Quản lý hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này;

c) Lưu giữ hồ sơ do chủ rừng, chủ lâm sản nộp theo quy định tại Chương II, III Thông tư này; quản lý Sổ theo dõi xác nhận Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Tổng hợp báo cáo theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này về tình hình nhập, xuất lâm sản trên địa bàn gửi về Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của tổ chức, hộ kinh doanh theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều này.

7. Chủ rừng:

a) Lưu giữ đầy đủ hồ sơ nguồn gốc lâm sản theo quy định tại Thông tư này;

b) Thực hiện báo cáo trước và sau khi khai thác theo quy định tại Thông tư này.

8. Tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, công đồng dân cư:

a) Lưu giữ đầy đủ hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này;

b) Chịu trách nhiệm về tính chính xác và chấp hành quy định kiểm tra, truy xuất của cơ quan chức năng có thẩm quyền;

c) Đối với tổ chức, hộ kinh doanh: Lập Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; cập nhật đầy đủ, kịp thời tình hình nhập xuất lâm sản và xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; báo cáo tình hình nhập, xuất lâm sản cho Cơ quan Kiểm lâm sở tại theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này theo định kỳ sáu tháng trước ngày 15 tháng 7 và định kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 01. Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6; thời gian chốt số liệu báo cáo hằng năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo.

Điều 33. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.

2. Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Quy định chuyển tiếp

a) Trường hợp chủ lâm sản cất giữ gỗ có nguồn gốc hợp pháp khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu, gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, gỗ thuộc Phụ lục CITES trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Chủ lâm sản thực hiện thống kê gỗ có nguồn gốc hợp pháp khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu, gỗ thuộc Phụ lục CITES cất giữ tại cơ sở, lập Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận, quản lý, thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2023.

b) Trường hợp hồ sơ khai thác lâm sản đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa khai thác hoặc đang khai thác thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Hồ sơ lâm sản sau khai thác thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Công báo Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Ủy ban nhân dân, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tổng cục Hải Quan;
- Bộ NN&PTNT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ, Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT.TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Trị

 

Phụ lục

(Ban hành kèm theo Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Mẫu số

Mẫu biểu

Mẫu số 01

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, cây thân gỗ

Mẫu số 02

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với sản phẩm gỗ hoàn chỉnh

Mẫu số 03

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với thực vật rừng ngoài gỗ hoặc bộ phận, dẫn xuất của thực vật rừng ngoài gỗ

Mẫu số 04

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng

Mẫu số 05

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với trường hợp lâm sản là tang vật vụ vi phạm

Mẫu số 06

Đơn đề nghị xác nhận Bảng kê lâm sản

Mẫu số 07

Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản

Mẫu số 08

Biên bản xác minh

Mẫu số 09

Sổ theo dõi xác nhận Bảng kê lâm sản

Mẫu số 10

Đơn đề nghị phê duyệt Phương án khai thác thực vật rừng thông thường/động vật rừng thông thường từ tự nhiên/thu thập mẫu vật loài thông thường

Mẫu số 11

Phương án khai thác gỗ loài thực vật rừng thông thường/thực vật rừng ngoài gỗ đối với loài thực vật rừng thông thường/thu thập mẫu vật loài thực vật rừng thông thường

Mẫu số 12

Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên

Mẫu số 13

Phiếu thông tin khai thác lâm sản

Mẫu số 14

Sổ theo dõi đánh dấu mẫu vật

Mẫu số 15

Thông báo đánh dấu mẫu vật

Mẫu số 16

Biên bản kiểm tra lâm sản

Mẫu số 17

Biên bản kiểm tra khai thác lâm sản

Mẫu số 18

Báo cáo tình hình nhập, xuất lâm sản

 

Mẫu số 01: Bảng kê lâm sản áp dụng đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, cây thân gỗ

…………………………
…………………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1): ……/……/BKLS

Tờ số(2): …………… Tổng số tờ: ……………

 

 

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, cây thân gỗ)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chủ lâm sản:

- Tên chủ lâm sản(4): ………………………………………………………………………………

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

2. Thông tin tổ chức, cá nhân mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu:

- Tên tổ chức, cá nhân(4): ………………………………………………………………………..

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

3. Thông tin vận chuyển (nếu có): Biển kiểm soát/số hiệu phương tiện: ……………; thời gian vận chuyển: …… ngày; từ ngày …… tháng …… năm ……… đến ngày …… tháng …… năm ………; Vận chuyển từ: …………… đến: …………………………

4. Thông tin về nguồn gốc:

Khai thác trong nước

Nhập khẩu

Sau xử lý tịch thu

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- Số Tờ khai hải quan: ………

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; cơ quan lập.

- …… n

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

TT

Số hiệu gỗ

Tên thông thường

Tên khoa học

Nhóm loài
(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

Số lượng

Kích thước

Khối lượng (m3)

Ghi chú

Dài (m)

Rộng (cm)

Đường kính/chiều dày (cm)

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong bảng kê này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin./.

 

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN
KIỂM LÂM SỞ TẠI(8)
Vào sổ số: …/…(9)
(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên,
đóng dấu)

 

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu
đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là năm xác nhận.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Mã phản hồi nhanh (QR) tích hợp vào Bảng kê lâm sản chứa đựng thông tin Hồ sơ lâm sản mua bán/chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc Phương án khai thác gỗ (nếu có).

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Liệt kê đầy đủ số Bảng kê lâm sản sau khai thác hoặc số Bảng kê gỗ nhập khẩu và số tờ khai hải quan sau thông quan hoặc số Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

(8) Cơ quan Kiểm lâm sở tại thực hiện xác nhận đối với bảng kê lâm sản theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp Bảng kê không thuộc đối tượng phải xác nhận, chủ rừng hoặc chủ lâm sản không phải thể hiện nội dung này trong Bảng kê lâm sản.

(9) Cơ quan xác nhận ghi rõ số thứ tự bảng kê đã xác nhận/năm xác nhận. Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã xác nhận; 2023 là năm xác nhận.

 

Mẫu số 02. Bảng kê lâm sản đối với sản phẩm gỗ

…………………………
…………………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1): ……/……/BKLS

Tờ số(2): …………… Tổng số tờ: ……………

 

 

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với sản phẩm gỗ)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chủ lâm sản:

- Tên chủ lâm sản(4): ………………………………………………………………………………

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

2. Thông tin tổ chức, cá nhân mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu:

- Tên tổ chức, cá nhân(4): ………………………………………………………………………..

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

3. Thông tin vận chuyển (nếu có): Biển kiểm soát/số hiệu phương tiện: ……………; thời gian vận chuyển: …… ngày; từ ngày …… tháng …… năm ……… đến ngày …… tháng …… năm ………; Vận chuyển từ: …………… đến: …………………………

4. Thông tin về nguồn gốc:

Khai thác trong nước

Nhập khẩu

Sau xử lý tịch thu

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- Số Tờ khai hải quan: ………

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; cơ quan lập.

- …… n

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

TT

Tên sản phẩm gỗ

Số hiệu/ nhãn đánh dấu
(nếu có)

Đơn vị tính

Tên gỗ nguyên liệu

Số lượng sản phẩm

Khối lượng (m3)

Ghi chú

Tên phổ thông

Tên khoa học

Nhóm loài
(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng:

 

 

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong bảng kê này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin./.

 

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN
KIỂM LÂM SỞ TẠI(8)
Vào sổ số: …/…(9)
(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên,
đóng dấu)

 

……, ngày ……… tháng ……… năm ……
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu
đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là năm xác nhận.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Mã phản hồi nhanh (QR) tích hợp vào Bảng kê lâm sản chứa đựng thông tin Hồ sơ lâm sản mua bán/chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc Phương án khai thác gỗ (nếu có).

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Liệt kê đầy đủ số Bảng kê lâm sản sau khai thác hoặc số Bảng kê gỗ nhập khẩu và số tờ khai hải quan sau thông quan hoặc số Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

(8) Cơ quan Kiểm lâm sở tại thực hiện xác nhận đối với bảng kê lâm sản theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp Bảng kê không thuộc đối tượng phải xác nhận, chủ rừng hoặc chủ lâm sản không phải thể hiện nội dung này trong Bảng kê lâm sản.

(9) Cơ quan xác nhận ghi rõ số thứ tự bảng kê đã xác nhận/năm xác nhận. Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã xác nhận; 2023 là năm xác nhận.

 

Mẫu số 03: Bảng kê lâm sản áp dụng đối với thực vật rừng ngoài gỗ; bộ phận, dẫn xuất của thực vật rừng ngoài gỗ

…………………………
…………………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1): ……/……/BKLS

Tờ số(2): …………… Tổng số tờ: ……………

 

 

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với thực vật rừng ngoài gỗ hoặc bộ phận, dẫn xuất của thực vật rừng ngoài gỗ)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chủ lâm sản:

- Tên chủ lâm sản(4): ………………………………………………………………………………

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

2. Thông tin tổ chức, cá nhân mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu:

- Tên tổ chức, cá nhân(4): ………………………………………………………………………..

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

3. Thông tin vận chuyển (nếu có): Biển kiểm soát/số hiệu phương tiện: ……………; thời gian vận chuyển: …… ngày; từ ngày …… tháng …… năm ……… đến ngày …… tháng …… năm ………; Vận chuyển từ: …………… đến: …………………………

4. Thông tin về nguồn gốc:

Khai thác trong nước

Nhập khẩu

Sau xử lý tịch thu

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- Số Tờ khai hải quan: ………

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; cơ quan lập.

- …… n

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

TT

Vị trí (8)

Tên lâm sản

Nhóm loài
(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

Số lượng

Khối lượng

Ghi chú

Khoảnh

Tiểu khu

Tên thông thường

Tên khoa học

01

 

 

 

 

 

 

 

 

 

02

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong bảng kê này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin./.

 

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN
KIỂM LÂM SỞ TẠI(9)
Vào sổ số: …/…(10)
(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

……, ngày ……… tháng ……… năm ……
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là năm xác nhận.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Mã phản hồi nhanh (QR) tích hợp vào Bảng kê lâm sản chứa đựng thông tin Hồ sơ lâm sản mua bán/chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc Phương án khai thác gỗ (nếu có).

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Liệt kê đầy đủ số Bảng kê lâm sản sau khai thác hoặc số Bảng kê lâm sản nhập khẩu và số tờ khai hải quan sau thông quan hoặc số Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

(8) Trường thông tin chỉ thể hiện trong trường hợp chủ rừng lập Bảng kê lâm sản sau khai thác.

(9) Cơ quan Kiểm lâm sở tại thực hiện xác nhận đối với bảng kê lâm sản theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp Bảng kê không thuộc đối tượng phải xác nhận, chủ rừng hoặc chủ lâm sản không phải thể hiện nội dung này trong Bảng kê lâm sản.

(10) Cơ quan xác nhận ghi rõ số thứ tự bảng kê đã xác nhận/năm xác nhận. Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã xác nhận; 2023 là năm xác nhận.

 

Mẫu số 04: Bảng kê lâm sản áp dụng đối với động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng

…………………………
…………………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1): ……/……/BKLS

Tờ số(2): …………… Tổng số tờ: ……………

 

 

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chủ lâm sản:

- Tên chủ lâm sản(4): ………………………………………………………………………………

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

2. Thông tin tổ chức, cá nhân mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu:

- Tên tổ chức, cá nhân(4): ………………………………………………………………………..

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

3. Thông tin vận chuyển (nếu có): Biển kiểm soát/số hiệu phương tiện: ……………; thời gian vận chuyển: …… ngày; từ ngày …… tháng …… năm ……… đến ngày …… tháng …… năm ………; Vận chuyển từ: …………… đến: …………………………

4. Thông tin về nguồn gốc:

Khai thác trong nước

Nhập khẩu

Sau xử lý tịch thu

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- Số Tờ khai hải quan: ………

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; cơ quan lập.

- …… n

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

TT

Tên loài

Nhóm loài
(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

Ký hiệu nhãn đánh dấu
(nếu có)

Số lượng

Đơn vị tính

Khối lượng

Ghi chú

Tên thông thường

Tên khoa học

1

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong bảng kê này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin./.

 

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN
KIỂM LÂM SỞ TẠI
Vào sổ số: …/…(8)
(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên,
đóng dấu)

 

……, ngày ……… tháng ……… năm ……
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là năm xác nhận.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Mã phản hồi nhanh (QR) tích hợp vào Bảng kê lâm sản chứa đựng thông tin Hồ sơ lâm sản mua bán/chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc Phương án khai thác gỗ (nếu có).

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Liệt kê đầy đủ số Bảng kê lâm sản sau khai thác hoặc số Bảng kê lâm sản nhập khẩu và số tờ khai hải quan sau thông quan hoặc số Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

(8) Cơ quan xác nhận ghi rõ số thứ tự bảng kê đã xác nhận/năm xác nhận. Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã xác nhận; 2023 là năm xác nhận.

 

Mẫu số 05: Bảng kê lâm sản áp dụng đối với trường hợp lâm sản là tang vật vụ vi phạm

........................
........................
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1):..../..../BKLS

Tờ số(2):............. Tổng số tờ:............

 

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với trường hợp lâm sản là tang vật vụ vi phạm)

(Kèm theo (3)..............................)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Người lập Bảng kê lâm sản:

- Họ và tên:................................................; Chức vụ:...........................................

- Cơ quan/đơn vị:..................................................................................................

- Địa chỉ:...............................................................................................................

2. Tổ chức/cá nhân vi phạm:

- Tên tổ chức/cá nhân (4):......................................................................................

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (5):.....................................

- Địa chỉ (6):...........................................................................................................

3. Người chứng kiến (7):......................................................................................

II. THÔNG TIN CHI TIẾT(8)

1. Ghi thông tin theo mẫu và hướng dẫn trong Mục II Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với tang vật là gỗ tròn, gỗ xẻ, cây thân gỗ.

2. Ghi thông tin theo mẫu và hướng dẫn trong Mục II Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với tang vật là sản phẩm gỗ.

3. Ghi thông tin theo mẫu và hướng dẫn trong Mục II Mẫu số 03 Phụ lục tại Thông tư này đối với tang vật là thực vật rừng ngoài gỗ hoặc bộ phận, dẫn xuất của thực vật rừng ngoài gỗ.

4. Ghi thông tin theo mẫu và hướng dẫn trong Mục II Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng.

Tổng số lượng, khối lượng đối với từng loại lâm sản có trong bảng kê: ............................................................................................................................../.

 


TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LIÊN QUAN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu
đối với tổ chức)




......, ngày....... tháng....... năm 20....
NGƯỜI LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(Ký, ghi rõ họ tên)



 

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là lập trong năm 2023.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Ghi theo từng trường hợp cụ thể, ví dụ: Kèm theo Biên bản vi phạm hành chính/Biên bản làm việc/Biên bản kiểm tra.... số... ngày... tháng... năm của đơn vị/cơ quan có thẩm quyền.

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Ghi đầy đủ họ tên cá nhân; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu; địa chỉ thường trú theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(8) Người có thẩm quyền lập Bảng kê lâm sản ghi thông tin phù hợp với từng loại lâm sản.

 

Mẫu số 06: Đơn đề nghị xác nhận Bảng kê lâm sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN BẢNG KÊ LÂM SẢN

Kính gửi (1):.........................................................

1. Thông tin về chủ lâm sản/chủ rừng

a) Tên chủ lâm sản/chủ rừng (2):..........................................................................;

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (3):......................................

- Địa chỉ (4):..........................................................................................................;

- Số điện thoại:..........................., Địa chỉ Email:..................................................

2. Thông tin về lâm sản

a) Loại lâm sản (5):.................................................................................................

b) Số lượng, khối lượng (6):...................................................................................

3. Tài liệu kèm theo

a) Bảng kê lâm sản (7):...........................................................................................

b) Hồ sơ kèm theo (8):............................................................................................

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong đề nghị này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin.

Đề nghị (1)................... xem xét kiểm tra, xác nhận Bảng kê lâm sản./.

 

 

......,ngày....... tháng....... năm....
CHỦ RỪNG/CHỦ LÂM SẢN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

 

Ghi chú:

(1) Cơ quan Kiểm lâm sở tại nơi khai thác, cất giữ lâm sản.

(2) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(3) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(4) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(5) Ghi rõ chủng loại lâm sản: Gỗ tròn/gỗ xẻ/sản phẩm gỗ/thực vật rừng ngoài gỗ/động vật rừng/sản phẩm, bộ phận dẫn xuất của động vật rừng.

(6) Ghi số lượng, khối lượng, đơn vị tính theo từng loại lâm sản quy định tại Điều 4 Thông tư này.

(7) Căn cứ loại lâm sản, chủ rừng/chủ lâm sản lập Bảng kê lâm sản theo một trong các Mẫu số 01, 02, 03 hoặc 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

(8) Kê khai hồ sơ kèm theo khi đề nghị xác nhận.

 


Mẫu số 07: Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản

TÊN ĐƠN VỊ LẬP SỔ
................................................

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     Số sổ:....... /Năm lập:....

SỔ THEO DÕI NHẬP, XUẤT LÂM SẢN

Lâm sản có đầu kỳ (1)

Lâm sản nhập trong kỳ

Lâm sản xuất ra trong kỳ

Lâm sản tồn cuối kỳ (2)

Ghi chú

Xác nhận khối lượng lâm sản tồn(3)

Ngày, tháng, năm

Tên lâm sản

Số hiệu, nhãn đánh dấu

Đơn vị tính

Khối lượng

Hồ sơ kèm theo  lâm sản nhập

Ngày, tháng, năm

Số bảng kê lâm sản xuất ra

Khối lượng

Hồ sơ xuất lâm sản kèm theo

Ước tính nguyên liệu tiêu hao  (nếu có)

Tên thông thường

Tên khoa học

Loài nguy cấp, quý, hiếm; CITES

Loài thông thường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHỦ ĐƠN VỊ LẬP SỔ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

 

NGƯỜI GHI SỔ (4)

Ghi chú:

(1) Ghi thông tin lâm sản có ở đầu kỳ theo dõi;

(2) Ghi thông tin lâm sản có ở cuối kỳ theo dõi;

(3) Đại diện Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối chiếu khối lượng lâm sản tồn; ghi ngày, tháng, năm xác nhận và ký, ghi rõ họ tên.

(4) Ngày cuối của tháng, của năm: ghi tổng hợp số lượng, khối lượng từng loại lâm sản nhập, xuất, tồn kho trong tháng, trong năm và người ghi sổ, chủ đơn vị lập sổ ký xác nhận. Chủ lâm sản lưu theo dõi, quản lý.


Mẫu số 08: Biên bản xác minh nguồn gốc lâm sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN XÁC MINH NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Căn cứ Thông tư số.../2022/TT-BNNPTNT ngày...../12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản;

Căn cứ hồ sơ kèm theo Đơn đề nghị xác nhận Bảng kê lâm sản ngày... tháng…

năm......, của (1)...........................................................................,

Hôm nay, hồi...... giờ......, ngày........ tháng....... năm.........., tại(2).........................

...............................................................................................................................

I. THÀNH PHẦN

1. Đại diện cơ quan có thẩm quyền xác nhận Bảng kê lâm sản:

- Ông (bà)......................................................; chức vụ:........................................

- Ông (bà)....................................................; chức vụ:..........................................

2. Đại diện (1)...........................................:

- Ông (bà)....................................................; chức vụ:..........................................

- Ông (bà)....................................................; chức vụ:..........................................

3. Đại diện tổ chức/cá nhân liên quan (3):

- Ông (bà):....................... Đại diện cơ quan:........................................................

- Ông (bà):....................... Đại diện cơ quan:........................................................

II. NỘI DUNG XÁC MINH

Tiến hành xác minh về nguồn gốc lâm sản, cụ thể như sau:................................

1. Tính hợp pháp của lâm sản:

Hợp pháp: □                 Không hợp pháp: □

Lí do:.....................................................................................................................

2. Phù hợp lâm sản thực tế và hồ sơ đề nghị xác nhận:

Phù hợp: □                   Không phù hợp: □

Lí do:.....................................................................................................................

- Tài liệu thu thập kèm theo (nếu có):

...............................................................................................................................

Việc xác minh nguồn gốc lâm sản được thực hiện theo đúng quy định, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của (1).............................................................

III. KẾT LUẬN

(4)............................................................................................................................

Biên bản lập xong hồi…..... giờ.... phút, ngày..../..../......, gồm.... tờ, được lập thành.... bản có nội dung và giá trị như nhau. Sau khi đọc lại biên bản, những người có tên nêu trên cùng nghe, công nhận là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã ghi và kết luận nêu trên, cùng thống nhất, ký và ghi rõ họ tên vào biên bản; giao mỗi bên 01 bản./.

 

ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC XÁC MINH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LIÊN QUAN (nếu có)

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

Ghi chú:

(1) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(2) Ghi cụ thể địa danh nơi chủ lâm sản cất giữ lâm sản (ghi chi tiết đến thôn/xóm/đội, xã/phường/thị trấn, tỉnh/thành phố).

(3) Ghi tên tổ chức/cá nhân tham gia xác minh và lập biên bản.

(4) Kết luận đủ điều kiện xác nhận Bảng kê lâm sản hay không.


Mẫu số 09: Sổ theo dõi xác nhận Bảng kê lâm sản

TÊN ĐƠN VỊ LẬP SỔ
..............................

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số sổ:......./Năm: 20.....

SỔ THEO DÕI XÁC NHẬN BẢNG KÊ LÂM SẢN

TT

Số vào sổ

Ngày, tháng, năm xác nhận

Tên chủ lâm sản

Địa chỉ của chủ lâm sản

Xác nhận

Ghi chú

Tổng lâm sản xác nhận (1)

Tên, chức danh người xác nhận

Người xác nhận ký tên

1

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

 

 

NGƯỜI GHI SỔ (2)

Ghi chú:

(1) Ghi tổng số lượng và khối lượng, đơn vị tính từng loại lâm sản ghi trong Bảng kê lâm sản theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

(2) Cuối năm người ghi sổ ký, ghi rõ họ tên và trình Thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu để lưu sổ theo quy định.


Mẫu số 10. Đơn đề nghị phê duyệt phương án khai thác thực vật rừng thông thường/động vật rừng thông thường/thu thập mẫu vật loài thông thường

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN (*)

(1).......................

Kính gửi (2):.....................................................................

1. Thông tin chủ rừng:

a) Tên chủ rừng (3):................................................................................................

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (4):.....................................................

c) Địa chỉ chủ rừng (5):..........................................................................................

d) Số điện thoại:......................................; Địa chỉ Email:.....................................

2. Nội dung đề nghị phê duyệt: Phương án khai thác (1) .....................................................................................................................................

3. Tài liệu gửi kèm:

- Bản chính Phương án (1).....................................................................................

- Tài liệu khác (nếu có).........................................................................................

 

 

.........., ngày...... tháng....... năm.....
CHỦ RỪNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

 

Ghi chú:

(*) Mẫu này do chủ rừng lập khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Phương án khai thác gỗ/thực vật rừng thông thường/động vật rừng thông thường từ tự nhiên/thu thập mẫu vật loài thực vật rừng thông thường.

(1) Ghi trường một trong các trường hợp khai thác cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này hoặc trường hợp khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên.

(2) Ghi rõ tên cơ quan phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 6 hoặc khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

(3) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc ghi đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(4) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(5) Ghi rõ địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động với tổ chức; địa chỉ thường trú trên chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân.

 

Mẫu số 11: Phương án khai thác gỗ loài thực vật rừng thông thường/thực vật rừng ngoài gỗ đối với loài thực vật rừng thông thường/thu thập mẫu vật loài thực vật rừng thông thường

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHƯƠNG ÁN

 (1)..................................

I. Thông tin chủ rừng:

1. Tên chủ rừng (2):................................................................................................

2. Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (3):...................................................

3. Địa chỉ chủ rừng (4):..........................................................................................

4. Số điện thoại:.....................................; Địa chỉ Email:......................................

II. Nội dung phương án

1. Căn cứ xây dựng phương án (5):........................................................................

2. Đối tượng (6):.....................................................................................................

3. Địa danh, diện tích khai thác (7):.......................................................................

4. Sản lượng dự kiến khai thác (8):........................................................................

5. Các biện pháp bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng:.......................................

6. Giải pháp phục hồi rừng sau khai thác (đối với thực hiện dự án lâm sinh):.....

 

 

.........., ngày.... tháng...... năm.....
CHỦ RỪNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

 

Phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền(9)

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

........., ngày... tháng... năm 20...

(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Ghi chú:

(1) Ghi trường một trong các trường hợp khai thác cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

(2) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc ghi đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(3) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(4) Ghi rõ địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; địa chỉ thường trú trên chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân.

(5) Ghi thông tin các văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu liên quan.

(6) Ghi đối tượng khai thác tại quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

(7) Ghi thông tin khu vực dự kiến khai thác (lô, khoảnh, Tiểu khu).

(8) Đối với gỗ: Ghi số lượng cây, khối lượng (m3, kg, ster)/thực vật rừng ngoài gỗ (kg, m3, ster)/số lượng mẫu vật...

(9) Thủ trưởng cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này phê duyệt.

 

Mẫu số 12: Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHƯƠNG ÁN

KHAI THÁC ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG TỪ TỰ NHIÊN

I. THÔNG TIN VỀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHAI THÁC

1. Tên và địa chỉ (1):.............................................................................................

2. Mục đích khai thác (2):....................................................................................

II. HIỆN TRẠNG KHU VỰC KHAI THÁC, LOÀI KHAI THÁC, PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC

1. Tổng quan chung khu vực khai thác

1.1. Điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, thủy văn), kinh tế, xã hội.

1.2. Hiện trạng khu vực khai thác (3):....................................................................

2. Mô tả thông tin loài đề nghị khai thác (4):.....................................................

3. Phương án khai thác (5):..................................................................................

4. Tài liệu kèm theo:

- Bản sao Quyết định thành lập nếu chủ thể khai thác là tổ chức (nếu có);

- Bản đồ hiện trạng rừng (nếu có), bản đồ khu vực khai thác.

- Bản sao tài liệu có liên quan khác (nếu có).

 

 

......., ngày...... tháng...... năm...
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHAI THÁC
(Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

 

 

Phê duyệt của cơ quan Kiểm lâm sở tại nơi khai thác

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

.........,ngày... tháng... năm 20...

(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Ghi chú:

(1) Ghi thông tin chủ thể lập phương án khai thác:

- Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc ghi đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

- Ghi rõ địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; địa chỉ thường trú trên chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân. Trường hợp chủ rừng liên kết với tổ chức, cá nhân khác để khai thác, đề nghị nêu rõ tất cả các thông tin của chủ rừng/tổ chức/cá nhân khai thác, trong đó làm rõ tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm khai thác chính.

(2) Ghi rõ mục đích khai thác: Vì mục đích thương mại/ không vì mục đích thương mại.

(3) Ghi thông tin hiện trạng khu vực khai thác:

- Diện tích khu vực khai thác:

- Nếu khu vực khai thác có rừng: Diện tích rừng; loại rừng; trạng thái rừng, diện tích từng trạng thái; mô tả khu hệ động vật, thực vật của khu vực khai thác. Vị trí khu vực khai thác: thuộc lô:... , khoảnh:... , tiểu khu

- Nếu khu vực khai thác không có rừng: Mô tả sinh cảnh khu vực khai thác (hiện trạng thực vật, diện tích khu vực trên cạn và khu vực dưới nước nếu có...); mô tả hệ động vật, thực vật khu vực dự kiến khai thác.

- Ranh giới: mô tả rõ ranh giới tự nhiên, kèm bản đồ khu vực dự kiến khai thác tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000.

- Tên chủ rừng (nếu khai thác tại khu vực có rừng): địa chỉ, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao, cho thuê đất rừng (trường hợp có 2 chủ rừng trở lên thì lập bảng kèm theo).

(4) Ghi thông tin hiện trạng loài đề nghị khai thác, gồm:

a) Mô tả về loài: Đặc tính sinh học của loài; độ tuổi sinh sản và mùa sinh sản.

b) Mô tả hiện trạng của loài tại khu vực đề nghị khai thác: Kích thước quần thể, phân bố theo sinh cảnh, mật độ/trữ lượng; tăng trưởng số lượng (số lượng sinh sản trung bình hàng năm, tỷ lệ sống sót); số lượng con trưởng thành (số con cái và đực); số lượng con non (số con đực và cái nếu phân biệt được); số lượng con già (không còn khả năng sinh sản); đánh giá sự biến đổi của quần thể sau khi khai thác trong thời gian tới.

c) Tài liệu kèm theo: Bản đồ điều tra, phân bố loài đề nghị khai thác tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000; các tài liệu khác nếu có.

(5) Ghi thông tin phương án khai thác, bao gồm:

a) Loài khai thác: Tên loài (gồm tên thông thường và tên khoa học); loại mẫu vật khai thác; số lượng (tổng số lượng) và đơn vị tính; tổng số lượng cá thể đực, số lượng cá thể cái; độ tuổi (con non, con trưởng thành).

b) Thời gian khai thác: từ ngày…... tháng…... năm…... đến ngày……. tháng……. năm….... (tối đa không quá 03 tháng).

c) Mục đích khai thác:

d) Phương pháp khai thác: Phương tiện, công cụ sử dụng trong khai thác: tên, số lượng...; phương thức khai thác (săn, bắn, bẫy, lưới,...)

đ) Danh sách những người thực hiện khai thác.

 

Mẫu số 13: Phiếu thông tin khai thác lâm sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHIẾU THÔNG TIN KHAI THÁC LÂM SẢN

1. Thông tin chung

- Tên chủ rừng (1):..................................................................................................

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (2):......................................

- Địa chỉ chủ rừng (3):............................................................................................

- Số điện thoại:....................................; Địa chỉ Email:.........................................

- Địa danh khai thác (4):.........................................................................................

- Diện tích khai thác (5):.......... ha; Thời gian khai thác: Từ......... đến.......

2. Thông tin lâm sản khai thác

a) Đối với gỗ:

TT

Vị trí

Mã số vùng trồng (nếu có)

Tên thông thường của cây gỗ

Số lượng

(Cây)

Đường kính trung bình (cm)

Chiều cao trung bình

(m)

Khối lượng (m3/kg/ster)

Ghi chú

Khoảnh

Tiểu khu

01

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

02

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

b) Đối với thực vật rừng ngoài gỗ:

TT

Vị trí

Tên lâm sản

Số lượng

Khối lượng

Ghi chú

Khoảnh

Tiểu khu

Tên thông thường

Tên khoa học

01

 

 

 

 

 

 

 

 

02

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHỦ RỪNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

 

Ghi chú:

(1) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc ghi đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(2) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(3) Ghi rõ địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động với tổ chức; địa chỉ thường trú trên chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu đối với cá nhân.

(4) Ghi địa danh hành chính khu vực có hoạt động khai thác (xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).

(5) Ghi diện tích khu vực dự kiến khai thác, trừ trường hợp khai thác tận thu, cây trồng phân tán, cây vườn nhà.


Mẫu số 14: Sổ theo dõi đánh dấu mẫu vật

SỔ THEO DÕI ĐÁNH DẤU MẪU VẬT

1. Họ và tên chủ mẫu vật:.........................................................................................................

2. Địa chỉ:..................................................................................................................................

TT

Ngày đánh dấu

Số Sê-ri của nhãn đánh dấu mẫu vật

Mẫu vật đánh dấu

Ghi chú

Xác nhận của cơ quan Kiểm lâm (7)

 

Tên loài động vật, thực vật

Loại mẫu vật (1)

Kích thước (2)

Khối lượng (3)

Số lượng mẫu vật đánh dấu (4)

Đơn vị tính (5)

Nguồn gốc mẫu vật(6)

 

Tên phổ thông

Tên khoa học

Chiều dài (cm)

Chiều rộng (cm)

Chiều cao (cm)

 

01

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

02

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Mô tả loại mẫu vật, ví dụ như túi, ví, da khô, v.v.

(2) Mô tả kích thước của từng mẫu vật, trừ mẫu vật là dẫn xuất. Trường hợp vật tương tự nhau về kích thước, khối lượng và được chứa đựng trong cùng một bao bì, dụng cụ đựng thì ghi mẫu vật có kích thước nhỏ nhất và mẫu vật có kích thước lớn nhất. Ví dụ: 20-30.

(3) Ghi khối lượng của từng mẫu vật; đơn vị tính của dẫn xuất là ml hoặc lít; đơn vị tính của mẫu vật khác là kg. Trường hợp vật tương đồng nhau về kích thước, khối lượng và được chứa đựng trong cùng một bao bì, dụng cụ chứa đựng thì ghi tổng khối lượng mẫu vật.

(4) Mẫu vật được ghi chi tiết về khối lượng của từng mẫu vật thì phải ghi số lượng là 1; những mẫu vật tương đồng kích thước đã ghi tổng khối lượng và được chứa đựng trong cùng một bao bì, dụng cụ đựng thì phải ghi tổng số lượng của các mẫu vật đó.

(5) Ghi đơn vị tính của mẫu vật, ví dụ: cái, chiếc, v.v.

(6) Mô tả nguồn gốc mẫu vật, ví dụ: khai thác từ tự nhiên trong nước, nhập khẩu, mua từ cơ sở A, v.v.

(7) Cơ quan Kiểm lâm ký xác nhận, ghi rõ họ tên, đóng dấu khi tiến hành kiểm tra.


Mẫu số 15: Thông báo đánh dấu mẫu vật

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

THÔNG BÁO

Về việc đánh dấu mẫu vật

Kính gửi (1):................................................................

Ngày...... tháng.... năm..., chúng tôi thực hiện đánh dấu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm/mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES/ sản phẩm gỗ hoàn chỉnh để bán như sau (2):

1. Tên chủ mẫu vật(3):............................................................................................

2. Địa chỉ(4):...........................................................................................................

3. Tên mẫu vật(5):..................................................................................................

4. Đơn vị tính mẫu vật(6):......................................................................................

5. Nguồn gốc, xuất xứ mẫu vật:............................................................................

6. Các thông tin khác thể hiện nguồn gốc của mẫu vật (nếu có)..........................

7. Số sê-ri của nhãn(7):..........................................................................................

Trân trọng thông báo tới (1).............................................................. được biết./.

 

 

......., ngày.... tháng... năm...
CHỦ MẪU VẬT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

 

Ghi chú:

(1) Tên Cơ quan Kiểm lâm sở tại;

(2) Trường hợp có nhiều mẫu vật được đánh dấu, chủ mẫu vật lập thành bảng theo số thứ tự và mỗi mẫu vật phải chứa đầy đủ thông tin từ mục 1 đến mục 7.

(3) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(4) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(5) Ghi tên phổ thông và tên khoa học của mẫu vật.

(6) Ghi theo đơn vị đo lường hoặc theo số đếm tùy theo đặc điểm của từng loại mẫu vật.

(7) Ghi thông tin theo quy định tại đ khoản 1 Điều 24 Thông tư này.

 

Mẫu số 16: Biên bản kiểm tra lâm sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN KIỂM TRA LÂM SẢN

Hôm nay, ngày....... tháng...... năm......, hồi..... giờ... Tại:....................................

1. Chúng tôi gồm:

- Ông (bà):..............................., chức vụ:....................., đơn vị:...........................

- Ông (bà):..............................., chức vụ:....................., đơn vị:...........................

2. Tiến hành kiểm tra lâm sản của (tổ chức, cá nhân):.....................................

- Địa chỉ:............................................., nghề nghiệp:...........................................

- Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh/mã số doanh nghiệp số/.........................................; ngày cấp .................................................., nơi cấp .............................................................................................. (đối với tổ chức).

- Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/Hộ chiếu:....................; ngày cấp.................., nơi cấp ................................................................. (đối với cá nhân).

3. Người chứng kiến (nếu có):

- Họ tên.................................................................................................................

- Địa chỉ:...............................................................................................................

- Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu:..................................; ngày cấp: ................................, nơi cấp:.......................................................................

4. Nội dung kiểm tra:

...............................................................................................................................

Hồ sơ lâm sản kèm theo gồm có:..........................................................................

5. Kết luận sau kiểm tra:....................................................................................

Việc kiểm tra kết thúc vào hồi...... giờ..... ngày.... tháng... năm..............., quá trình kiểm tra thực hiện theo đúng quy định, không làm hư hỏng, mất mát tài sản của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

Sau khi đọc lại biên bản, những người có tên nêu trên cùng nghe, công nhận đúng, ký và ghi rõ họ tên vào biên bản. Biên bản lập thành.... bản có giá trị pháp lý như nhau, giao cho cá nhân/tổ chức được kiểm tra một bản./.

 

CÁ NHÂN/TỔ CHỨC ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

ĐẠI DIỆN
TỔ KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(nếu có, ký, ghi rõ họ tên)

 

Mẫu số 17: Biên bản kiểm tra khai thác lâm sản

.....................
..................
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM TRA KHAI THÁC LÂM SẢN

Hôm nay, ngày....... tháng...... năm...., hồi..... giờ.... Tại:.....................................

Chúng tôi gồm:

1) Ông (bà)...................................., chức vụ:.........................., đơn vị:................

2) Ông (bà)...................................., chức vụ:.........................., đơn vị:................

3) Ông (bà)...................................., chức vụ:.........................., đơn vị:................

Tiến hành kiểm tra khai thác lâm sản của (tổ chức, cá nhân):........................

- Địa chỉ:.........................................................., nghề nghiệp:...............................

- Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh/mã số doanh nghiệp số/.........................................; ngày cấp .........................................................., nơi cấp ............................................................................................ (đối với tổ chức).

- Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/Hộ chiếu:.............................; ngày cấp.................., nơi cấp .......................................................... (đối với cá nhân).

Người chứng kiến (nếu có):

- Họ tên.................................................................................................................

- Địa chỉ:................................................................................................................

- Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu:..............................; ngày cấp:.................., nơi cấp: .....................................................................................

Nội dung kiểm tra:

1) Kiểm tra hồ sơ khai thác:

...............................................................................................................................

2) Kiểm tra hiện trường khai thác:

...............................................................................................................................

3) Kiểm tra lâm sản sau khai thác:

...............................................................................................................................

4) Kết luận sau kiểm tra:

...............................................................................................................................

Biên bản lập xong hồi.... giờ.... phút, ngày..../..../......, gồm.... tờ, được lập thành.... bản có nội dung và giá trị như nhau. Sau khi đọc lại biên bản, những người có tên nêu trên cùng nghe, công nhận là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã ghi và kết luận nêu trên, cùng thống nhất, ký và ghi rõ họ tên vào biên bản; giao mỗi bên 01 bản./.

 

CÁ NHÂN/TỔ CHỨC ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN
TỔ KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI LÀM CHỨNG
(Nếu có, ký ghi rõ họ tên)


Mẫu số 18: Báo cáo nhập, xuất lâm sản

ĐƠN VỊ BÁO CÁO
.....................................
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BÁO CÁO NHẬP, XUẤT LÂM SẢN

(Tháng...... năm 20.....)

TT

Tên lâm sản

Nhóm loài

(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

Đơn vị tính

LÂM SẢN NHẬP VÀO

LÂM SẢN XUẤT RA

Tồn kho cuối kỳ

Tồn kho đầu kỳ

Nhập trong kỳ

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Ngày........ tháng........ năm 20.......
NGƯỜI LẬP BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên)

 


 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 26/2022/TT-BNNPTNT dated December 30, 2022 on management and tracing of forest products

  • Số hiệu: 26/2022/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Quốc Trị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản