Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/2013/TT-BXD

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ PHƯƠNG TIỆN QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI

Căn cứ Luật Quảng cáo ngày 21/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường,

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Phương tiện quảng cáo ngoài trời”, mã số QCVN 17:2013/BXD.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Phương tiện quảng cáo ngoài trời”, mã số QCVN 17:2013/BXD.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2014.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng;
- Công báo, Website của Chính phủ, Website của Bộ Xây dựng;
- Lưu: VP, PC, KHCN&MT (10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Nghị

 

QCVN 17 : 2013/BXD

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG VÀ LẮP ĐẶT PHƯƠNG TIỆN QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI

National technical regulations on the construction and installation of outdoor advertising

Lời nói đầu

QCVN 17 : 2013/BXD do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BXD ngày 31 tháng 10 năm 2013

MỤC LỤC

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

1.2. Đối tượng áp dụng

1.3. Tài liệu viện dẫn

1.4. Giải thích từ ngữ

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Nguyên tắc quy hoạch xây dựng lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời

2.2. Yêu cầu kỹ thuật đối với bảng quảng cáo

2.2.1. Khu vực ngoài đô thị

2.2.2. Trong nội thành, nội thị

2.3. Yêu cầu kỹ thuật đối với màn hình điện tử

2.4. Yêu cầu kỹ thuật đối với biển hiệu, bảng quảng cáo đặt trên vỉa hè trong đô thị

2.5. Yêu cầu kỹ thuật đối với băng-rôn

2.6. Yêu cầu kỹ thuật đối với các bảng quảng cáo dạng chữ, hình, biểu tượng

2.7. Yêu cầu về kết cấu

2.8. Yêu cầu về vật liệu

2.9. Yêu cầu về chiếu sáng

3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Phụ lục A

Phụ lục B

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG VÀ LẮP ĐẶT PHƯƠNG TIỆN QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI

National technical regulations on the construction and installation of outdoor advertising

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

1.1.1. Quy chuẩn này quy định những yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng, lắp đặt các phương tiện quảng cáo ngoài trời.

1.1.2. Quy chuẩn này áp dụng đối với: Các phương tiện quảng cáo ngoài trời thể hiện trên các công trình quảng cáo, băng-rôn, đặt cố định hoặc di động; Không áp dụng với sản phẩm quảng cáo.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng các phương tiện quảng cáo ngoài trời trên lãnh thổ Việt Nam.

1.3. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn trong quy chuẩn này được áp dụng phiên bản được nêu ở dưới đây. Trường hợp tài liệu viện dẫn đã được thay thế bằng phiên bản khác, cần áp dụng phiên bản mới, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có):

Luật số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003, Luật Xây dựng;

Luật số 23/2004/QH04 ngày 15/6/2004, Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Luật số 28/2004/QH11 ngày 03/12/2004, Luật Điện lực;

Luật số 35/2005/QH11 ngày 14/6/2005, Luật Đường sắt;

Luật số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008, Luật Giao thông đường bộ;

Luật số 16/2012/QH13 ngày 21/6/2012, Luật Quảng cáo;

QCXDVN 01 : 2008/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;

QCVN 02 : 2009/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng;

QCVN 06 : 2010/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình;

QCVN 07 : 2010/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;

QCVN 41 : 2012/BGTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

1.4. Giải thích từ ngữ

Trong quy chuẩn này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.4.1. Quảng cáo

Việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi hoặc không có mục đích sinh lợi; các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu; trừ tin thời sự, chính sách xã hội, thông tin cá nhân.

1.4.2. Sản phẩm quảng cáo

Bao gồm nội dung và hình thức quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự.

1.4.3. Băng-rôn

Bao gồm băng-rôn ngang, băng-rôn dọc (phướn, cờ đuôi nheo) được treo tại các vị trí cụ thể trên các tuyến đường trục chính trong đô thị, trung tâm.

1.4.4. Công trình quảng cáo

Bao gồm các màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn (Xem Hình 1).

1.4.5. Màn hình chuyên quảng cáo

Phương tiện quảng cáo sử dụng công nghệ điện tử để truyền tải các sản phẩm quảng cáo, bao gồm màn hình LED, LCD và các hình thức tương tự.

1.4.6. Biển hiệu

Bảng dùng để viết tên của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch.

1.4.7. Bảng quảng cáo

Phương tiện để thể hiện các sản phẩm quảng cáo trên nhiều chất liệu và kích thước khác nhau, bao gồm: bảng, biển, panô, hộp đèn được treo, lắp đặt độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn.

1.4.8. Bảng quảng cáo cố định (đứng độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn)

Bảng quảng cáo được cố định xuống nền hoặc bề mặt gắn kết và có thể được chiếu sáng, kết nối với nguồn cung cấp điện.

1.4.9. Bảng quảng cáo di động

Bảng quảng cáo có thể di dời được, sử dụng dưới dạng treo hoặc đặt trên vỉa hè, lề đường và dải phân cách, được chiếu sáng hoặc không được chiếu sáng.

1.4.10. Diện tích quảng cáo

Phần thể hiện các sản phẩm quảng cáo trên công trình quảng cáo.

1.4.11. Bảng quảng cáo tấm lớn

Bảng quảng cáo có diện tích một mặt từ 40 m2 trở lên.

1.4.12. Bảng quảng cáo tấm nhỏ

Bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 40 m2.

1.4.13. Kết cấu bảng quảng cáo

Các thành phần (như móng, chân cột, kết cấu khung đỡ, mặt bảng quảng cáo,...) được lắp ráp với nhau để tạo nên một phương tiện quảng cáo ngoài trời.

1.4.14. Đường bộ

Bao gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.

1.4.15. Đất của đường bộ

Phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.

1.4.16. Hành lang an toàn đường bộ

Dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

1.4.17. Đường đô thị

Đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị.

1.4.18. Dải phân cách

Bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ.

CHÚ DẪN:

1. Biển hộp, bảng hộp;

2. Bảng quảng cáo tại các mặt công trình, nhà ở (gồm mặt tường bên, mặt tiền);

3. Bảng quảng cáo tạm thời trên tường rào công trình đang xây dựng;

4. Biển hiệu (treo ngang và treo dọc);

5. Bảng quảng cáo cố định đứng độc lập;

6. Bảng quảng cáo di động.

Hình 1 - Minh họa các loại hình phương tiện quảng cáo ngoài trời

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Nguyên tắc quy hoạch xây dựng lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời

2.1.1. Quy hoạch phương tiện quảng cáo ngoài trời phải xác định được địa điểm, kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng các phương tiện quảng cáo ngoài trời đặt trên các tuyến giao thông đô thị và ngoài đô thị; bên ngoài hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

2.1.2. Vị trí, địa điểm, khu vực lắp đặt và công tác quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân theo quy định trong Luật Quảng cáo; Luật Xây dựng; Luật Giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Điện lực; Luật Đường sắt; QCXDVN 01 : 2008/BXD và các yêu cầu sau:

- Đảm bảo mỹ quan đô thị;

- Đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, kết cấu xây dựng, trật tự an toàn xã hội, phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng địa phương;

- Đảm bảo các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân và an toàn sinh mạng;

- Đảm bảo tầm nhìn giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và không che khuất tầm nhìn biển báo giao thông;

- Không lắp đặt bảng quảng cáo trên các cột đèn chiếu sáng đô thị;

- Không lắp đặt bảng quảng cáo trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí giao lộ, vòng xoay;

- Không lắp đặt công trình quảng cáo trong hành lang an toàn đối với cầu, hầm đường bộ (Xem Phụ lục B);

- Không lắp đặt công trình quảng cáo trong phạm vi hành lang an toàn đường cao tốc;

- Không lắp đặt công trình quảng cáo trên đất của đường bộ khu vực ngoài đô thị.

2.1.3. Những trường hợp sau phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương:

- Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;

- Xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 m2 trở lên;

- Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 m2 trở lên.

Việc xin cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo phải tuân theo quy định về cấp phép và quản lý xây dựng theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng tại địa phương.

2.2. Yêu cầu kỹ thuật đối với bảng quảng cáo

2.2.1. Khu vực ngoài đô thị

2.2.1.1. Trên các tuyến đường ngoài đô thị được phép lắp đặt bảng quảng cáo tấm lớn có kiểu dáng phù hợp (một mặt hoặc nhiều mặt) và tuân theo các quy định trong Bảng 1.

Bảng 1 - Yêu cầu kỹ thuật đối với bảng quảng cáo tấm lớn đặt trên đường ngoài đô thị

Loại đường

Diện tích một mặt bảng quảng cáo

m2

Khoảng cách tối thiểu từ mép đường (vai đường) đến cạnh gần đường nhất của bảng

m

Chiều cao tối thiểu từ mặt đường tới mép dưới của bảng

m

Khoảng cách tối thiểu giữa hai bảng liền kề trên đoạn đường thẳng

m

Khoảng cách tối thiểu giữa hai bảng liền kề trên đoạn đường cong

m

Quốc lộ

Từ 120 đến 200

25

15

Từ 200 đến 250

Từ 150 đến 200

Tỉnh lộ

Từ 90 đến 120

20

13

Từ 150 đến 200

Từ 75 đến 100

Huyện lộ

Từ 40 đến 100

15

8

Từ 100 đến 150

Từ 75 đến 100

CHÚ THÍCH:

1) Tùy trường hợp cụ thể của từng địa phương và thực địa của tuyến đường, khoảng cách giữa hai bảng liền kề có thể thay đổi, nhưng không vượt quá:

- ±50 m đối với các tuyến đường quốc lộ;

- ±25 m đối các tuyến đường tỉnh lộ;

- ±20 m đối với các tuyến huyện lộ.

2) Mép đường (vai đường) tuân theo quy định tại Bảng 1, Điều 4.20, QCVN 41 : 2012/BGTVT

2.2.1.2. Trong khuôn viên các khu công nghiệp được phép lắp đặt bảng quảng cáo tấm nhỏ.

2.2.2. Trong nội thành, nội thị

2.2.2.1. Hai bên các tuyến đường đô thị, cầu vượt/đường hầm dành cho người đi bộ, trong các công viên, trên dải phân cách của đường đô thị được phép lắp đặt bảng quảng cáo tấm nhỏ và phải tuân theo các quy định sau:

a) Hai bên các tuyến đường đô thị:

- Hình thức: bảng quảng cáo đứng độc lập;

- Vị trí: tính từ mép đường đến cạnh gần đường nhất của bảng tối thiểu là 5,0 m;

- Chiều cao tối thiểu 5,0 m; chiều cao tối đa 10 m tính từ mặt đường đến mép dưới của bảng quảng cáo;

- Hai bảng quảng cáo liền kề trên cùng tuyến đường phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 100 m  theo chiều dọc tuyến đường.

b) Tại cầu vượt/đường hầm dành cho người đi bộ:

- Hình thức: treo, gắn trên tường, lan can cầu vượt/đường hầm dành cho người đi bộ;

- Vị trí: mặt phía trong cầu vượt/ đường hầm dành cho người đi bộ.

c) Trong các công viên:

- Hình thức: bảng quảng cáo đứng độc lập;

- Vị trí: trong khuôn viên của công viên;

- Chiều cao tối thiểu 5,0 m; chiều cao tối đa 10 m tính từ mặt đường đến mép dưới của bảng quảng cáo.

CHÚ THÍCH: Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương và địa hình cụ thể của khu vực có thể có quy định riêng.

d) Trên dải phân cách của đường đô thị:

- Hình thức: hộp đèn quảng cáo đứng độc lập;

- Yêu cầu kỹ thuật: tuân theo các quy định trong Bảng 2.

2.2.2.2. Bảng quảng cáo đặt tại các công trình/nhà ở riêng lẻ:

a) Bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường bên công trình/nhà ở phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Chiều cao tối đa 5 m, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng. Số lượng không quá 2 bảng;

- Đối với công trình/nhà ở 4 tầng trở xuống, chiều cao của bảng quảng cáo ốp vào mặt tường bên không được nhô lên quá sàn mái 1,5 m;

- Đối với công trình/nhà ở 5 tầng trở lên toàn bộ diện tích mặt bảng quảng cáo phải gắn, ốp vào mặt tường bên.

b) Bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền công trình/nhà ở phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Bảng quảng cáo ngang:

+ Mỗi tầng chỉ được đặt một bảng, chiều cao tối đa 2 m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền công trình/nhà ở; mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2 m;

+ Vị trí: ốp sát vào ban công, mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên.

- Bảng quảng cáo dọc:

+ Chiều ngang tối đa 1 m, chiều cao tối đa 4 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng công trình/nhà ở nơi đặt bảng quảng cáo, mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2 m;

+ Vị trí đặt: ốp sát vào mép tường đứng;

- Đối với công trình/nhà ở một tầng chỉ được đặt 1 bảng ngang và 1 bảng đứng.

CHÚ THÍCH: Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương và địa hình cụ thể của khu vực có thể có quy định riêng.

Bảng 2 - Yêu cầu kỹ thuật đối với hộp đèn đặt trên dải phân cách của đường đô thị

Chiều rộng dải phân cách

m

Diện tích tối đa mỗi mặt của hộp đèn

m2

Chiều cao tối đa từ mặt dải phân cách tới đỉnh hộp đèn

m

Khoảng cách tối thiểu giữa hai bảng liền kề

m

Lớn hơn 15

12

5

120

Từ 8 đến 15

8

5

100

Từ 6 đến 8

6

5

80

Từ 4 đến 6

4,5

5

60

Từ 2 đến 4

2

5

40

CHÚ THÍCH:

1) Với dải phân cách có chiều rộng lớn hơn 15 m: Được lắp dựng hộp đèn hai bên cạnh dải phân cách theo hình thức so le.

2) Chiều ngang bảng quảng cáo phải nhỏ hơn chiều rộng dải phân cách, khoảng cách mép ngoài của bảng quảng cáo đến bó vỉa làn phân cách tối thiểu là 0,5 m.

2.2.2.3. Bảng quảng cáo đặt tại mặt ngoài các tòa nhà cao tầng phải đảm bảo an toàn chịu lực, phòng chống cháy nổ, an toàn sinh mạng, thông gió, chiếu sáng.

Đối với các tòa nhà cao tầng là khách sạn, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính - ngân hàng, trung tâm hoạt động văn hóa đa năng, cao ốc trụ sở - văn phòng cho thuê, được phép lắp đặt thêm bảng quảng cáo hoặc biển hiệu tại tầng trên cùng.

2.2.2.4. Trong khuôn viên công trình đang xây dựng được lắp đặt hoặc thể hiện quảng cáo tạm thời vào mặt tường rào bao xung quanh công trình, nhưng không được gây ảnh hưởng đến công tác thi công, các hoạt động bình thường của các công trình lân cận và các hoạt động xung quanh khác.

2.2.2.5. Trong khuôn viên đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe, bãi đỗ xe, các công trình quảng cáo có diện tích tối đa là 40m2.

2.2.2.6. Trong các khu vực hạn chế xây dựng, các công trình quảng cáo bằng hộp đèn, đèn uốn chữ, bảng trivision (bảng lật 3 mặt), màn hình điện tử, có diện tích tối đa là 20 m2.

2.2.2.7. Tại tầng trên cùng của công trình được phép quảng cáo bằng hình thức quảng cáo dạng chữ. Không được quảng cáo bằng các hình thức khác đặt trên hoặc che lấp nóc nhà, mái nhà.

2.3. Yêu cầu kỹ thuật đối với màn hình điện tử

2.3.1. Màn hình điện tử dùng làm công trình quảng cáo đặt trong phạm vi lộ giới đường giao thông không được dùng âm thanh và phải tuân theo các quy định sau:

- Vị trí: từ mép đường (vai đường) đến cạnh gần đường nhất của màn hình, tối thiểu là 5,0 m;

- Diện tích tối đa một mặt màn hình: 100 m2;

- Chiều cao tối thiểu: 10 m tính từ mặt đường đến cạnh dưới của màn hình điện tử;

- Khoảng cách: tùy theo tình hình thực tế của địa phương và vị trí quy hoạch để quy định cụ thể cho phù hợp.

2.3.2. Màn hình điện tử đặt tại các khu vực công cộng phải tuân theo các quy định sau:

− Diện tích từ 40 m2 đến 60 m2;

− Không được đặt tại các nút giao thông, không được dùng âm thanh;

− Chiều cao tính từ mặt đường đến mép trên của màn hình tối thiểu 15 m.

2.4. Yêu cầu kỹ thuật đối với biển hiệu, bảng quảng cáo đặt trên vỉa hè trong đô thị

2.4.1. Việc đặt, treo, dán, dựng, lắp biển hiệu phải tuân theo các quy định sau:

- Vị trí: đặt ở cổng hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân;

- Kiểu dáng: biển hiệu ngang hoặc biển hiệu dọc;

- Kích thước:

+ Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2,0 m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt nhà;

+ Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1,0 m, chiều cao tối đa là 4,0 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

2.4.2. Chỉ được phép lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo trên vỉa hè, lề đường trong phạm vi cho phép sử dụng tạm thời (ngoài mục đích giao thông). Bề rộng lớn nhất của biển hiệu, bảng quảng cáo (đối với vỉa hè có bề rộng trên 3,0 m) là 1,5 m - tính từ mép tiếp giáp nhà bên trong vỉa hè (hay từ mốc chỉ giới đường đỏ) trở ra hoặc từ mép bó vỉa trở vào.

2.4.3. Việc lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo trên vỉa hè, lề đường phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

2.5. Yêu cầu kỹ thuật đối với băng-rôn

2.5.1. Băng-rôn ngang phải được gắn tại các vị trí cố định trên các tuyến đường trong đô thị, trung tâm.

2.5.2. Băng-rôn dọc (phướn, cờ đuôi nheo) được treo tại các cột đèn chiếu sáng.

2.5.3. Khoảng cách treo băng rôn phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể và vị trí quy hoạch để quy định phù hợp với từng địa phương.

2.5.4. Kích thước và chiều cao của băng-rôn được quy định trong Bảng 3.

Bảng 3 - Kích thước và chiều cao của băng-rôn

 

Kích thước (rộng x dài)

m

Chiều cao từ mặt đường đến cạnh đáy băng-rôn

m

Băng-rôn ngang

0,8 x 8,0

Không nhỏ hơn 3,5

Băng-rôn dọc

(Từ 0,6 đến 0,8) x (Từ 1,5 đến 2,5)

Không lớn hơn 1,4

CHÚ THÍCH: Tùy thuộc vào nội dung quảng cáo và yêu cầu thực tế, kích thước băng-rôn có thể điều chỉnh nhưng không vượt quá giới hạn ±20 % diện tích theo kích thước nêu trên.

2.6. Yêu cầu kỹ thuật đối với các bảng quảng cáo dạng chữ, hình, biểu tượng

Bảng quảng cáo dạng chữ, hình, biểu tượng phải tuân theo các quy định tại mục 2.2.

(Cách tính diện tích quy đổi xem Phụ lục A).

2.7. Yêu cầu về kết cấu

2.7.1. Kết cấu của các phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo an toàn, bền vững, đáp ứng được các yêu cầu sử dụng đã quy định, ổn định trong suốt thời gian thi công và khai thác sử dụng.

2.7.2. Kết cấu phải được tính toán, thiết kế phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật và theo mọi yếu tố bất lợi nhất tác động lên chúng.

CHÚ THÍCH: Tải trọng, điều kiện tự nhiên dùng trong thiết kế phải tuân theo quy định trong QCVN 02 : 2009/BXD.

2.7.3. Móng, cột, kết cấu khung đỡ, mặt bảng quảng cáo, vật liệu sử dụng phải đảm bảo không bị biến dạng, rung động và suy giảm các tính chất khác quá giới hạn cho phép.

2.8. Yêu cầu về vật liệu

2.8.1. Vật liệu được sử dụng để chế tạo công trình quảng cáo phải được làm bằng chất liệu bền, không bị biến dạng, đảm bảo thẩm mỹ, đạt được các yêu cầu về tuổi thọ và các yêu cầu kỹ thuật cụ thể của từng loại vật liệu.

2.8.2. Vật liệu sử dụng cho kết cấu công trình quảng cáo phải là vật liệu không cháy, phù hợp với các quy định trong QCVN 06 : 2010/BXD.

2.8.3. Tất cả các bề mặt và cạnh nhìn thấy của công trình quảng cáo phải là vật liệu ít bị ăn mòn và không bị ảnh hưởng bởi sự bị ăn mòn của bất cứ bộ phận nào xung quanh.

2.8.4. Các chất liệu sơn phủ, mực in, trang trí... trên bề mặt của công trình quảng cáo này phải phù hợp với tính chất của các vật liệu nền và phải tham khảo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất.

2.8.5. Trường hợp công trình quảng cáo được làm từ những vật liệu không đồng chất với độ giãn nở nhiệt khác nhau, phải chừa các khe co giãn giữa các cấu kiện không đồng chất này;

2.8.6. Các chất kết dính sử dụng trong công trình quảng cáo phải được lựa chọn phù hợp với các vật liệu được sử dụng và phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

2.9. Yêu cầu về chiếu sáng

2.9.1. Chiếu sáng quảng cáo phải đảm an toàn, tính thẩm mỹ đô thị, không được làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông và các hoạt động khác của đô thị. Chiếu sáng công trình quảng cáo phải được chiếu từ hướng quan sát chính, phù hợp với khu vực được chiếu sáng và tuân theo quy định trong QCVN 07: 2010/BXD.

2.9.2. Các phương tiện chiếu sáng có thể là một phần của công trình quảng cáo hoặc tách rời với công trình quảng cáo.

CHÚ THÍCH: Chiếu sáng công trình quảng cáo có thể là chiếu sáng bên ngoài hoặc chiếu sáng bên trong.

2.9.3. Các thiết bị chiếu sáng công trình quảng cáo phải sử dụng loại thiết bị có hiệu suất năng lượng chiếu sáng cao, an toàn trong quản lý, vận hành và sử dụng.

2.9.4. Khi sử dụng ánh sáng đèn hắt mạnh lên các công trình quảng cáo phải có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng do tác động môi trường như:

- Đảm bảo khoảng cách giữa nguồn chiếu sáng và bảng quảng cáo;

- Sử dụng các cảm biến ánh sáng;

- Sử dụng các lá chắn và nắp chụp.

2.9.5. Hệ thống dây dẫn nguồn cấp điện cho công trình quảng cáo phải có lớp vỏ cách điện để tránh bị gây chạm, chập điện từ dây nguồn, trong hộp đấu dây kỹ thuật do ảnh hưởng của thời tiết.

2.9.6. Khi lắp đặt, thi công các mối nối của hệ thống chiếu sáng bên trong công trình quảng cáo phải đảm bảo yêu cầu cách điện, giảm thiểu tác dụng nhiệt tỏa ra từ các loại đèn chiếu sáng làm bắt lửa, gây cháy lan sang các bộ phận liền kề khác.

2.9.7. Tính toán phụ tải hệ thống chiếu sáng công trình quảng cáo phải đảm bảo chọn đúng cấp bảo vệ của áptômát và tiết diện dây dẫn tránh sự cố do quá tải.

2.9.8. Công trình quảng cáo phải có hệ thống chống sét đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

3.1. Việc cấp phép xây dựng các công trình quảng cáo do cơ quan có thẩm quyền về xây dựng tại địa phương thực hiện.

3.2. Trường hợp thi công xây dựng công trình quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đang khai thác phải được cơ quan có thẩm quyền về ngành giao thông vận tải chấp thuận.

3.3. Đối với những công trình quảng cáo hiện hữu hoặc đã được cấp phép nhưng chưa xây dựng trước khi ban hành Quy chuẩn này:

3.3.1. Công trình quảng cáo đã được cấp phép nhưng chưa xây dựng không phù hợp với Quy chuẩn này phải điều chỉnh lại cho phù hợp mới được xây dựng.

3.3.2. Công trình quảng cáo hiện hữu có vị trí, kích thước không phù hợp với Quy chuẩn này chỉ được tồn tại hết thời hạn ghi trong giấy phép.

3.3.3. Chủ sở hữu công trình quảng cáo có trách nhiệm khảo sát kỹ thuật, báo cáo về hiện trạng công trình quảng cáo cho cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương. Với các công trình quảng cáo không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nêu tại các mục 2.7, 2.8 và 2.9 của Quy chuẩn này thì chậm nhất 06 tháng kể từ ngày Quy chuẩn có hiệu lực phải hoàn thành gia cố, sửa chữa lại cho phù hợp.

 

PHỤ LỤC A

CÁCH TÍNH DIỆN TÍCH CÁC PHƯƠNG TIỆN QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI

CHÚ DẪN:

H: Chiều cao                      S: Diện tích

B: Chiều rộng                    ∑S: Tổng diện tích

Hình A.1 - Cách tính diện tích của bảng quảng cáo

Hình A.2 - Cách tính diện tích quy đổi của các bảng quảng cáo dạng chữ và hình biểu tượng

 

PHỤ LỤC B

PHẠM VI KHÔNG ĐƯỢC LẮP ĐẶT CÔNG TRÌNH QUẢNG CÁO TRONG HÀNH LANG AN TOÀN ĐỐI VỚI CẦU, HẦM ĐƯỜNG BỘ

CHÚ DẪN:

A: Khoảng cách giới hạn hành lang an toàn đối với cầu, hầm đường bộ (theo Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ)

Hình B.1 - Phạm vi không được lắp đặt quảng cáo trong hành lang an toàn đối với cầu, hầm đường bộ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 19/2013/TT-BXD of October 31, 2013, promulgation of national technical regulation on construction and installation of outdoor advertising

  • Số hiệu: 19/2013/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản