Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 16/2011/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
Căn cứ Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Căn cứ Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các điểm c, d, g, h và i khoản 5 Điều 2 Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận); cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất; đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp tách thửa, hợp thửa đất; gia hạn sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; giao lại đất, thuê đất trong khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường và các cơ quan khác có liên quan; cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn.

2. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Chương 2.

NHỮNG NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Điều 3. Quy định bổ sung về thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất

1. Thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Nghị định số 88/2009/NĐ-CP) đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

a) Thời gian thực hiện các công việc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) là không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra;

b) Thời gian thực hiện các công việc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường là không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường thì thời gian thực hiện quy định tại điểm này không kể thời gian gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã để thẩm tra, xác nhận và công khai theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Thời gian thực hiện các công việc tại cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng, cơ quan quản lý nông nghiệp là không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu lấy ý kiến của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi đến;

d) Thời gian thực hiện việc ký Giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) là không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP đối với trường hợp của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài như sau:

a) Thời gian thực hiện các công việc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường là không quá hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

b) Thời gian thực hiện các công việc tại cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng, cơ quan quản lý nông nghiệp là không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu lấy ý kiến của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi đến;

c) Thời gian thực hiện việc ký Giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với trường hợp được ủy quyền) là không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Trường hợp thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất và trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà hồ sơ đề nghị đăng ký biến động chỉ có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì ngoài thời gian thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 19 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và khoản 2 Điều 147 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, còn được tính thêm thời gian không quá mười lăm (15) ngày làm việc để Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện việc thẩm tra, xác nhận điều kiện cấp Giấy chứng nhận.

4. Trường hợp trích đo địa chính thửa đất khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động đất đai ở nơi không có bản đồ địa chính hoặc do tách thửa, hợp thửa, chỉnh lý biến động ranh giới thửa đất thì thời gian thực hiện trích đo địa chính là không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Đối với địa phương thuộc khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và trường hợp phải trích đo địa chính nhiều thửa đất thì thời gian thực hiện không quá mười (10) ngày làm việc. Việc thực hiện trích đo địa chính phải được làm đồng thời với quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ ở các cấp; thời gian thực hiện công việc này không được tính vào tổng thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động đất đai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và Điều 21 của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT).

Điều 4. Quy định chi tiết trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận bị mất

1. Người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận nộp một (01) bộ hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận;

b) Giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất Giấy chứng nhận ba (03) lần trong thời gian không quá mười (10) ngày trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đối với hộ gia đình và cá nhân thì phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian mười lăm (15) ngày.

Trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn thì không phải có giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất, giấy niêm yết thông báo mất giấy nhưng phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

2. Việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận bị mất chỉ được thực hiện sau thời gian ba mươi (30) ngày kể từ ngày đăng tin lần đầu hoặc từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận hoặc ngày ký giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hồ sơ; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận mới; trao Giấy chứng nhận cho người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

Điều 5. Quy định bổ sung khi đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do đổi tên; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu chính, cấp (hạng) nhà, công trình; thay đổi thông tin về quyền sở hữu rừng cây quy định tại Điều 29 của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT

1. Loại giấy tờ tại điểm b khoản 1 Điều 29 của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT được quy định như sau:

a) Trường hợp cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình thay đổi họ, tên phải có bản sao văn bản công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp hộ gia đình thay đổi người đại điện là chủ hộ gia đình phải có bản sao sổ hộ khẩu của hộ đó; trường hợp thay đổi người đại diện là thành viên khác trong hộ thì phải có văn bản thỏa thuận của hộ gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

c) Trường hợp tổ chức đổi tên phải có bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép hay công nhận việc đổi tên tổ chức đó;

d) Trường hợp cộng đồng dân cư đổi tên phải có văn bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư đó, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

đ) Trường hợp giảm diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất do sạt lở tự nhiên thì phải có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về tình trạng sạt lở tự nhiên đó;

e) Trường hợp đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính ghi nợ trên Giấy chứng nhận thì phải có chứng từ về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính đó, trừ trường hợp người sử dụng đất được miễn giảm hoặc không phải nộp do thay đổi quy định của pháp luật đất đai;

g) Trường hợp thay đổi hạn chế về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên Giấy chứng nhận theo thỏa thuận giữa những người có quyền lợi liên quan phù hợp với quy định của pháp luật thì phải có văn bản thỏa thuận về việc thay đổi đó, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

h) Trường hợp thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu chính, cấp (hạng) nhà, công trình đã ghi trên Giấy chứng nhận mà phải xin phép theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có bản sao giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp thay đổi thông tin về quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng thì phải có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư) hoặc giấy tờ quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 10 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP (đối với trường hợp của tổ chức).

i) Các giấy tờ là bản sao quy định tại các điểm a, b, c và h khoản này phải có chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc không chứng thực nhưng phải xuất trình bản gốc để cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu.

2. Trường hợp trên Trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp không còn chỗ để xác nhận thay đổi thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp để quản lý và viết Giấy chứng nhận mới (theo nội dung thông tin đã thay đổi) để trình cơ quan có thẩm quyền ký cấp mà không phải làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận riêng và không được yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thêm bất cứ thủ tục hành chính nào.

Điều 6. Quy định bổ sung việc nộp Giấy chứng nhận khi thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc đăng ký thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Khi thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì phải nộp bản gốc Giấy chứng nhận đó.

Điều 7. Quy định chi tiết trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chia tách, sáp nhập tổ chức; chia tách hộ gia đình hoặc chia tách nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 140 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP

1. Người nhận quyền sử dụng đất nộp một (01) bộ hồ sơ gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai và giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại các điều 8, 9 và 10 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP (nếu có nhu cấu chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất);

c) Một trong các loại văn bản: quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc chia tách hoặc sáp nhập tổ chức; Sổ hộ khẩu đối với trường hợp chia tách hộ gia đình; văn bản thỏa thuận của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung về việc chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chung.

2. Trong thời gian không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, xác nhận tính pháp lý của hồ sơ và điều kiện cấp Giấy chứng nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận; làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất (đối với nơi chưa có bản đồ địa chính), trích sao hồ sơ địa chính (đối với trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận) và in Giấy chứng nhận chuyển cho cơ quan tài nguyên và môi trường.

Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận chỉ có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì thời gian thực hiện các công việc của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được tính thêm không quá mười lăm (15) ngày làm việc.

3. Trong thời gian không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm ký Giấy chứng nhận (đối với trường hợp được ủy quyền) hoặc trình Ủy ban nhân dân ký Giấy chứng nhận và chuyển cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

4. Trong thời gian không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ kèm theo Giấy chứng nhận đã ký, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm sao Giấy chứng nhận để lưu và gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đối với loại tài sản gắn liền với đất được chứng nhận; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi Ủy ban nhân dân xã, thị trấn để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại xã, thị trấn; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính.

Điều 8. Quy định bổ sung khi thực hiện thủ tục đăng ký hoặc xin phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 133 và Điều 134 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP

1. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất mà người sử dụng đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải nộp bản gốc Giấy chứng nhận đó.

2. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất mà người sử dụng đất có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai (chưa được cấp Giấy chứng nhận) thì ngoài việc thực hiện các công việc quy định tại điểm a khoản 3 Điều 133 hoặc các khoản 2 và 3 Điều 134 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện cấp Giấy chứng nhận để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo mục đích sử dụng đất mới.

Điều 9. Quy định bổ sung khi thực hiện thủ tục giao lại đất, cho thuê đất trong khu công nghệ cao, khu kinh tế quy định tại Điều 128 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện ký Giấy chứng nhận (nếu được ủy quyền) hoặc trình Ủy ban nhân dân cùng cấp ký Giấy chứng nhận cho tổ chức được Ban quản lý khu công nghệ cao, Ban quản lý khu kinh tế giao lại đất, cho thuê đất.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2011.

2. Bãi bỏ các quy định sau:

a) Bãi bỏ nội dung xác nhận của Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) trong mẫu Đơn xin giao đất làm nhà ở (Mẫu số 02/ĐĐ) ban hành kèm theo Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT;

b) Bãi bỏ các mẫu Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (Mẫu số 11/ĐK), mẫu Tờ khai đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất (Mẫu số 12/ĐK) và mẫu Đơn xin gia hạn sử dụng đất (Mẫu số 13/ĐK) ban hành kèm theo Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT để thay thế bằng mẫu Đơn đề nghị đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Mẫu số 03/ĐK-GCN) ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT, trong đó bổ sung thêm nội dung “III - Ý kiến của Cơ quan Tài nguyên và Môi trường” để sử dụng đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép và trường hợp gia hạn sử dụng đất;

c) Bỏ cụm từ “Trang bổ sung” tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 20/2010/TT-BTNMT ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định bổ sung về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 11. Trách nhiệm thực hiện

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện Thông tư này ở địa phương và rà soát, bãi bỏ các quy định của địa phương trái với quy định của Thông tư này.

2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện ở địa phương theo đúng quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Quốc hội; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Bộ TN&MT;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử CP, Website Bộ TN&MT;
- Lưu VT, PC, TCQLĐĐ, CĐKTK.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 16/2011/TT-BTNMT of May 20, 2011, amending and supplementing a number of provisions concerning land-related administrative procedures

  • Số hiệu: 16/2011/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/05/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/07/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 05/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản