Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO HỘ CÔNG DÂN VÀ PHÁP NHÂN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại;

Thực hiện Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng

- Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là “Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”), đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài;

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 2. Nội dung chi thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

1. Các nội dung chi không hoàn lại

a) Chi cho các hoạt động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm:

- Chi phí cho cán bộ của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đi công tác phục vụ nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; đi thăm lãnh sự để tìm hiểu tình hình đối với các trường hợp công dân bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị xét xử, tù đày các khoản sau: Tiền vé máy bay, tàu xe đi lại, tiền xăng dầu, tiền công tác phí theo chế độ quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

- Chi cước phí thông tin liên lạc, cước phí bưu điện gửi tài liệu bảo hộ công dân; chi mời cơm, tặng quà cho cơ quan, tổ chức của chính quyền nước sở tại nhằm giải quyết thuận lợi các vụ việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

b) Chi trợ giúp những trường hợp công dân đặc biệt khó khăn, bị mắc bệnh hiểm nghèo, trợ giúp các khoản chi phí đưa công dân là nạn nhân của tội phạm mua bán người về nước:

- Trợ giúp những trường hợp công dân đặc biệt khó khăn, khi tự họ và gia đình họ không có khả năng tài chính để khắc phục, các khoản chi phí: Chi phí di chuyển tại nước sở tại; chi phí lương thực, thực phẩm, nơi ở tạm thời và nhu yếu phẩm cần thiết khác theo chứng từ chi thực tế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Căn cứ hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác định trường hợp công dân đặc biệt khó khăn và quyết định mức hỗ trợ phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4 Thông tư này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Đối với những trường hợp công dân bị mắc bệnh hiểm nghèo (danh mục các bệnh hiểm nghèo theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam), bị tử vong, bị tai nạn nghiêm trọng nguy cơ đến tính mạng, khi tự họ và gia đình họ không có khả năng tài chính để khắc phục; hoặc các trường hợp gặp rủi ro nghiêm trọng cần bảo hộ (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố), ngoài các chi phí nêu tại gạch đầu dòng thứ nhất, Điểm b, Khoản 1, Điều này, nếu cần trợ giúp thêm chi phí phương tiện về nước và các chi phí khác có liên quan thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài để báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Chi hỗ trợ nạn nhân trong thời gian chờ thu xếp về nước do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và nội dung, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người.

2. Các nội dung chi tạm ứng, công dân có trách nhiệm hoàn lại

Chi tạm ứng tiền mua vé phương tiện về nước, chi trả các khoản chi phí về đảm bảo y tế (bao gồm viện phí và các chi phí khác liên quan đến đảm bảo y tế), chi phí cư trú tạm thời và các chi phí khác cho công dân trong các trường hợp:

a) Đương sự có đặt cọc hoặc bảo lãnh của gia đình, thân nhân, tổ chức trong nước, chủ tàu đưa ngư dân, người lao động đi làm việc và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

b) Trường hợp đặc biệt khẩn cấp, nếu đương sự không có đặt cọc hoặc bảo lãnh của gia đình, thân nhân, tổ chức trong nước, chủ tàu đưa ngư dân, người lao động đi làm việc, thì đương sự phải có cam kết hoàn trả các chi phí tạm ứng cho đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, căn cứ theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, xem xét quyết định chi tạm ứng đối với từng trường hợp đặc biệt khẩn cấp cụ thể.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ được chi tạm ứng sau khi đương sự có các biện pháp đặt cọc, bảo lãnh, cam kết quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 3. Đặt cọc, bảo lãnh, thu hồi tạm ứng

1. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong nước, chủ tàu đưa ngư dân, người lao động đi làm việc:

a) Cá nhân, gia đình, thân nhân trong nước thực hiện đặt cọc hoặc cam kết bảo lãnh hoàn trả các khoản chi phí mua vé phương tiện, các chi phí khác để đưa công dân về nước và có trách nhiệm hoàn trả cho đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đúng thời hạn đã cam kết.

b) Cá nhân trực tiếp cam kết với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc hoàn trả các chi phí mua vé phương tiện, các chi phí khác để về nước và có trách nhiệm hoàn trả chi phí tạm ứng cho đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đúng thời hạn đã cam kết.

c) Tổ chức trong nước, chủ tàu đưa ngư dân, người lao động đi làm việc thực hiện đặt cọc hoặc cam kết bảo lãnh hoàn trả các khoản chi phí mua vé phương tiện, các chi phí khác để đưa người lao động, ngư dân về nước và có trách nhiệm hoàn trả cho đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đúng thời hạn đã cam kết.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ có văn bản gửi Bộ Ngoại giao (đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài) xác nhận đặt cọc hoặc cam kết bảo lãnh trong việc hoàn trả chi phí tạm ứng, với các nội dung xác nhận theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện xác nhận việc đặt cọc hoặc cam kết bảo lãnh trong việc hoàn trả chi phí tạm ứng cho đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và có trách nhiệm đôn đốc, thu hồi khoản tạm ứng hoặc yêu cầu cá nhân, tổ chức trong nước, chủ tàu hoàn trả theo đúng thời hạn đã cam kết cho đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

3. Trách nhiệm của đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài:

Đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm theo dõi và thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh đôn đốc thu hồi công nợ. Trường hợp đến hạn thu hồi công nợ nhưng cá nhân, tổ chức trong nước, chủ tàu đưa ngư dân, người lao động đi làm việc vẫn chưa hoàn trả, thì đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài phải có trách nhiệm ra thông báo đòi nợ gửi cho đương sự, Ủy ban nhân dân các tỉnh, các tổ chức, cá nhân bảo lãnh.

4. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong việc bảo lãnh và chi trả chi phí hồi hương thuyền viên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên.

5. Xử lý chậm nộp

a) Trường hợp cá nhân trực tiếp cam kết hoàn trả chi phí tạm ứng và cá nhân, tổ chức trong nước, chủ tàu đưa ngư dân, người lao động đi làm việc cam kết bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả đúng thời hạn đã cam kết, thì ngoài việc phải hoàn trả chi phí đã tạm ứng, cá nhân, tổ chức đã cam kết còn phải nộp khoản tiền chậm nộp theo văn bản xác định của đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Mức tính tiền chậm nộp áp dụng theo mức tính tiền chậm nộp quy định tại Luật Quản lý thuế.

b) Trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 3 Thông tư này, thì cá nhân, tổ chức đã cam kết sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguồn kinh phí, việc lập dự toán, phân bổ, quyết toán và cơ chế sử dụng

Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

1. Nguồn kinh phí

a) Nguồn ngân sách nhà nước cấp trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Ngoại giao;

b) Nguồn đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Việc lập dự toán, phân bổ dự toán

a) Lập dự toán

Hàng năm, căn cứ tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đến thời điểm lập dự toán, ước thực hiện năm hiện hành, kế hoạch nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài năm kế hoạch và nội dung chi quy định tại Thông tư này, Bộ Ngoại giao lập dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của Bộ Ngoại giao, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

b) Phân bổ dự toán

Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Ngoại giao phân bổ và giao dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài cho đơn vị trực thuộc.

3. Thẩm quyền duyệt chi và quản lý sử dụng

a) Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có quyền duyệt chi với mức tối đa 3.000 USD (ba nghìn đôla Mỹ) cho mỗi vụ việc. Các vụ việc chi trên mức 3.000 USD, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài xem xét quyết định phù hợp theo thẩm quyền.

b) Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có quyền duyệt chi với mức trên 3.000 USD (ba nghìn đôla Mỹ) đến tối đa 10.000 USD (mười nghìn đôla Mỹ) cho mỗi vụ việc. Các vụ việc chi trên mức 10.000 USD (mười nghìn đôla Mỹ) và các khoản chi quy định tại gạch đầu dòng thứ hai, Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Thông tư này, Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét quyết định.

c) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng của vụ việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; xem xét quyết định các vụ việc chi trên mức 10.000 USD (mười nghìn đôla Mỹ) và các khoản chi quy định tại gạch đầu dòng thứ hai, Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Thông tư này.

d) Đối với các địa bàn cụ thể có số lượng công dân được bảo hộ hàng năm lớn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định việc phân cấp thẩm quyền, mức quyết định duyệt chi cho Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hoặc Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

đ) Trên cơ sở dự toán hàng năm đã được phân bổ, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm hướng dẫn đơn vị trực thuộc quản lý và sử dụng kinh phí phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, pháp luật quốc tế, tuân thủ các quy định về quản lý tài chính hiện hành và các quy định tại Thông tư này.

e) Bộ Ngoại giao không được sử dụng kinh phí được cấp cho các hoạt động không đúng mục đích và quy định tại Thông tư này.

4. Hạch toán, quyết toán

a) Việc hạch toán, quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.

Trong đó, đối với nội dung chi hoàn lại quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư này phải quyết toán chi tiết theo các chỉ tiêu: Dự toán được giao, số kinh phí đã tạm ứng, số kinh phí đã thu hồi được, số kinh phí tạm ứng chưa thu hồi, nguyên nhân chưa thu hồi và tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm của Bộ Ngoại giao.

b) Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước căn cứ trên chứng từ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về, đảm bảo kiểm soát chi hồ sơ đúng quy định.

c) Đồng tiền hạch toán: Hạch toán, quyết toán bằng tiền Việt Nam đồng. Trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

d) Bộ Ngoại giao tổ chức hạch toán riêng để theo dõi các khoản đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

đ) Việc xử lý số dư kinh phí cuối năm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

5. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm về việc chi tiêu theo đúng chính sách, chế độ và quy định tại Thông tư này.

6. Bộ Ngoại giao chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về kiểm tra, thanh tra các hoạt động tài chính theo quy định.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2022.

Thông tư số 92/2013/TT-BTC ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

2. Đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Thông tư này là Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Khi cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hướng dẫn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị trực thuộc có liên quan thực hiện quy định tại Thông tư này.

4. Khi các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó TTCP;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- VP TW Đảng và các ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan trung ương của các hội, đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Vụ HCSN (120b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 110/2021/TT-BTC dated December 10, 2021 on prescribing estimation, management, use and settlement of expenditures on performing the tasks of protecting Vietnamese citizens and legal persons abroad

  • Số hiệu: 110/2021/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Võ Thành Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản