Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 105/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ TÀI NGUYÊN VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 50/2010/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ TÀI NGUYÊN

Căn cứ Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Dầu khí năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dầu khí số 19/2000/QH10, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 10/2008/QH12;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn về người nộp thuế; đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên và tổ chức thực hiện các quy định tại Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12.

Hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu thô, condensat (sau đây gọi chung là dầu thô) và khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than (sau đây gọi chung là khí thiên nhiên) tại Việt Nam theo qui định của pháp luật về dầu khí do các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là nhà thầu) thực hiện, có khai thác tài nguyên đều thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế tài nguyên theo quy định tại Thông tư này là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm:

1. Khoáng sản kim loại;

2. Khoáng sản không kim loại;

3. Dầu thô theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Dầu khí năm 1993;

4. Khí thiên nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Dầu khí năm 1993;

5. Khí than theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008;

6. Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ;

7. Hải sản tự nhiên, gồm động vật và thực vật biển;

8. Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất;

9. Yến sào thiên nhiên;

10. Tài nguyên thiên nhiên khác do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 3. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 2 Thông tư này bao gồm: Công ty Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, Hợp tác xã, Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác, không phân biệt ngành nghề, quy mô, hình thức hoạt động, có khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam là đối tượng nộp thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế tài nguyên.

2. Người nộp thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

2.1. Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế;

2.2. Bên Việt Nam và bên nước ngoài cùng tham gia thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; Trường hợp trong hợp đồng hợp tác kinh doanh không xác định cụ thể bên có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên thì các bên tham gia hợp đồng đều phải kê khai nộp thuế tài nguyên hoặc phải cử ra người đại diện nộp thuế tài nguyên của hợp đồng hợp tác kinh doanh.

2.3. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai nộp thay thuế tài nguyên cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

Tổ chức, cá nhân đầu mối thu mua phải lập bảng kê tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ do đơn vị mình khai, nộp thay thuế tài nguyên và gửi cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế tài nguyên cùng với hồ sơ khai thuế nộp thay của tháng đầu tiên phát sinh hoạt động thu mua gom tài nguyên để theo dõi quản lý thuế các kỳ tiếp theo; Khi có thay đổi tổ chức, cá nhân nộp thay thuế tài nguyên thì lập khai bổ sung kèm theo hồ sơ khai thuế tài nguyên của tháng có thay đổi; Khi chấm dứt việc uỷ thác nộp thuế thay thì hai bên phải lập văn bản chấm dứt việc nộp thuế thay và bên nộp thuế thay gửi cho cơ quan thuế trong tháng kết thúc việc nộp thuế thay.

2.4. Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công, không có giấy phép tài nguyên, nhưng trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên khai thác tiêu thụ (như nhận thầu nạo vét kênh, mương, hồ, đầm có phát sinh sản lượng cát, đất, bùn bán ra; khai thác đá dùng chế biến làm vật liệu xây dựng thi công công trình) thì đều phải khai, nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế địa phương khai thác tài nguyên.

2.5. Tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là nhà thầu) tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu thô và khí thiên nhiên tại Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí thì người nộp thuế được xác định từng trường hợp như sau:

a. Đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm, người nộp thuế là người điều hành thực hiện hợp đồng.

b. Đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng điều hành chung, người nộp thuế là công ty điều hành chung.

c. Đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng liên doanh, người nộp thuế là doanh nghiệp liên doanh.

d. Đối với trường hợp Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam hoặc các Tổng công ty, Công ty thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tự tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, người nộp thuế là Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam hoặc các Tổng công ty, Công ty thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.

2.6. Tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi được đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc có một phần vốn ngân sách nhà nước để phát điện là đơn vị phải nộp thuế tài nguyên và tiền sử dụng nước theo quy định.

2.7. Đối với tài nguyên thiên nhiên cấm khai thác hoặc khai thác trái phép bị bắt giữ, tịch thu thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên và được phép bán ra thì tổ chức được giao bán phải nộp thuế tài nguyên trước khi trích các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bắt giữ, bán đấu giá, trích thưởng theo chế độ quy định.

Phần II

CĂN CỨ TÍNH THUẾ THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 4. Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế đơn vị tài nguyên, thuế suất thuế tài nguyên, trong đó giá tính thuế đơn vị tài nguyên được áp dụng tương ứng với loại tài nguyên chịu thuế của kỳ tính thuế.

Số thuế tài nguyên phải nộp được tính như sau:

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ

=

Sản lượng tài nguyên tính thuế

x

Giá tính thuế đơn vị tài nguyên

x

Thuế suất thuế tài nguyên

Trường hợp được cơ quan nhà nước ấn định mức thuế tài nguyên phải nộp trên một đơn vị tài nguyên khai thác thì số thuế tài nguyên phải nộp được xác định như sau:

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ

=

Sản lượng tài nguyên tính thuế

x

Mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác

Việc ấn định thuế tài nguyên được thực hiện căn cứ vào cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế, phù hợp với các quy định về ấn định thuế đối với doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ hoặc các quy định xử lý vi phạm về thuế và giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 4, Điều 6 Thông tư này.

Điều 5. Sản lượng tài nguyên tính thuế

Sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế tài nguyên và được xác định như sau:

1. Đối với tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

Đối với loại tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tính thuế được phân loại theo sản lượng tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy đổi ra đơn vị sản lượng tài nguyên để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác.

Ví dụ 1: Đơn vị khai thác đá sau nổ mìn, khai thác thu được đá hộc, đá dăm các ly khác nhau thì được phân loại theo từng cấp độ, chất lượng từng loại đá thu được để xác định sản lượng đá tính thuế của mỗi loại. Trường hợp, sau khai thác bán một phần sản lượng đá hộc, số đá hộc, đá dăm còn lại được đưa vào nghiền để sản xuất xi măng thì phải quy đổi sản lượng đá dăm ra đá hộc để xác định sản lượng đá hộc thực tế khai thác chịu thuế tài nguyên.

2. Đối với tài nguyên khai thác chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau thì sản lượng tài nguyên được xác định trong một số trường hợp như sau:

a. Đối với tài nguyên khai thác phải chuyển qua khâu sàng tuyển, phân loại mới bán thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại. Tài nguyên qua sàng tuyển, phân loại vẫn ở trạng thái quặng, chưa thành sản phẩm khác. Đối với đất, đá, phế thải, bã xít ... thu được qua sàng tuyển nếu bán ra thì xác định sản lượng tính thuế tài nguyên theo từng loại chất tương ứng.

Ví dụ 2: Đối với than khai thác từ mỏ chứa tạp chất, đất, đá phải vận chuyển đến khâu sàng tuyển, phân loại mới bán thì sản lượng than thực tế khai thác để tính thuế tài nguyên là sản lượng đã qua sàng tuyển, phân loại.

Trường hợp khai thác quặng phải sàng tuyển một khối lượng đất, đá lớn (không thể xác định được cụ thể sản lượng) để thu được 2 kg vàng cốm, 100 tấn quặng sắt thì thuế tài nguyên được tính trên số lượng vàng cốm và quặng sắt thu được này. Đồng thời xác định sản lượng loại tài nguyên khác có khai thác sử dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản, như nước khai thác sử dụng cho hoạt động sàng, tuyển.

b. Đối với tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau nhưng không qua sàng, tuyển, phân loại và không xác định được sản lượng từng chất khi bán ra thì sản lượng tài nguyên tính thuế của từng chất được xác định theo sản lượng tài nguyên thực tế khai thác và tỷ lệ của từng chất có trong tài nguyên đã được kiểm định theo mẫu quặng tài nguyên khai thác.

Ví dụ 3: Đơn vị khai thác quặng tại mỏ đồng, với sản lượng quặng đồng khai thác trong tháng là 1000 tấn, có lẫn nhiều chất khác nhau. Theo Giấy phép khai thác và hồ sơ thiết kế khai thác tài nguyên đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và tỷ lệ tài nguyên đã được kiểm định đối với từng chất trong quặng đồng khai thác là: đồng: 60%; bạc: 0,2%; thiếc: 0,5%.

Sản lượng tài nguyên tính thuế của từng chất được xác định như sau:

- Quặng đồng: 1.000 tấn x 60% = 600 tấn.

- Quặng bạc : 1.000 tấn x 0,2% = 2 tấn.

- Quặng thiếc: 1.000 tấn x 0,5% = 5 tấn

Căn cứ sản lượng của từng chất trong quặng đồng đã xác định để áp dụng giá tính thuế đơn vị tài nguyên của từng chất tương ứng khi tính thuế tài nguyên theo hướng dẫn tại điểm 2.2, khoản 2, Điều 6 Thông tư này.

3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm.

Định mức sử dụng tài nguyên phải tương ứng với tiêu chuẩn công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm đang ứng dụng và được người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế vào kỳ khai thuế đầu tiên. Trường hợp mức tiêu hao tài nguyên để sản xuất một đơn vị sản phẩm cao hơn 5% so với tiêu chuẩn công nghệ thiết kế thì cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan để thẩm định làm cơ sở ấn định sản lượng tài nguyên khai thác chịu thuế.

Ví dụ 4: Để sản xuất ra 1.000 viên gạch mộc (chưa nung) thì phải sử dụng 1 m3 đất sét. Trong tháng, cơ sở khai thác đất sét sản xuất được 100.000 viên gạch thì sản lượng đất sét khai thác chịu thuế tài nguyên là 100.000 viên chia (:) 1.000 viên = 100 m3.

4. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện giao nhận trong trường hợp không có hợp đồng mua bán điện được xác định theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, có xác nhận của bên mua, bên bán hoặc bên giao, bên nhận.

5. Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.

Người nộp thuế tài nguyên phải lắp đặt thiết bị đo đếm sản lượng nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên khai thác để làm căn cứ tính thuế. Thiết bị lắp đặt phải có giấy kiểm định của cơ quan quản lý đo lường chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam và thông báo lần đầu với cơ quan thuế kèm theo hồ sơ khai thuế tài nguyên trong kỳ khai thuế gần nhất kể từ ngày lắp đặt xong thiết bị.

Trường hợp do điều kiện khách quan không thể lắp đặt được thiết bị đo đếm sản lượng nước khai thác sử dụng và không trực tiếp xác định được sản lượng tính thuế thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo kỳ tính thuế. Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan có liên quan ở địa phương xác định sản lượng tài nguyên khai thác được khoán để tính thuế tài nguyên theo hướng dẫn tại khoản 6 điều này.

6. Đối với tài nguyên được khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên, sản lượng tài nguyên khai thác dự kiến trong một năm có giá trị dưới 200.000.000 đồng thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo mùa vụ hoặc định kỳ để tính thuế. Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan có liên quan ở địa phương xác định sản lượng tài nguyên khai thác được khoán để tính thuế.

Việc khoán thuế phải căn cứ vào tình hình khai thác thực tế, quy trình công nghệ sử dụng khai thác, sản xuất sản phẩm theo hồ sơ thiết kế, định mức tiêu chuẩn kỹ thuật ngành hoặc sản lượng khai thác sử dụng của tổ chức, cá nhân khác tương đương.

Cơ quan Thuế căn cứ hồ sơ đăng ký thuế tài nguyên, hồ sơ thiết kế kỹ thuật công nghệ khai thác tài nguyên, hồ sơ khai thuế tài nguyên, mức độ hạn chế về điều kiện khai thuế tài nguyên để phân tích, phối hợp với các cơ quan quản lý ngành liên quan xác định sản lượng và giá trị tài nguyên khai thác trong năm để xác định thuộc diện khoán sản lượng tài nguyên chịu thuế.

7. Trường hợp tổ chức, cá nhân ký hợp đồng thu mua tài nguyên từ các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ lẻ và tổ chức, cá nhân đầu mối thu mua cam kết bằng văn bản chấp thuận kê khai nộp thuế thay thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế thu mua.

Điều 6. Giá tính thuế tài nguyên

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP và phải được thể hiện trên chứng từ bán hàng, nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; trường hợp giá bán tài nguyên khai thác thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định. Giá tính thuế tài nguyên được xác định đối với từng trường hợp như sau:

1. Trường hợp xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên.

1.1. Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (không phân biệt địa bàn tiêu thụ) và được áp dụng làm giá tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng có cùng phẩm cấp, chất lượng, không phân biệt một phần vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ hoặc đưa vào sản xuất, chế biến, sàng tuyển, phân loại; Giá bán của một đơn vị tài nguyên được tính bằng tổng doanh thu (chưa có thuế GTGT) của loại tài nguyên bán ra chia cho tổng sản lượng loại tài nguyên tương ứng bán ra trong tháng.

Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên cho Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty để tập trung một đầu mối tiêu thụ theo hợp đồng thoả thuận giữa các bên thì áp dụng giá tính thuế đơn vị tài nguyên do UBND cấp tỉnh tại địa phương khai thác tài nguyên quy định theo khoản 4, Điều 6 Thông tư này.

1.2. Trường hợp trong tháng có phát sinh sản lượng tài nguyên khai thác, nhưng không phát sinh doanh thu bán tài nguyên thì giá tính thuế đơn vị tài nguyên được xác định theo giá tính thuế đơn vị tài nguyên bình quân gia quyền của tháng trước liền kề, nhưng nếu tính thuế bình quân gia quyền của tháng trước liền kề thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 4, Điều 6 Thông tư này thì tính thuế tài nguyên theo giá UBND cấp tỉnh quy định.

2. Trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán tài nguyên khai thác theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều này thì giá tính thuế tài nguyên được xác định theo một trong những căn cứ sau:

2.1. Giá bán thực tế trên thị trường khu vực của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại, có giá trị tương đương, nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều này.

2.2. Trường hợp tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau thì giá tính thuế xác định theo giá bán đơn vị của từng chất và hàm lượng của từng chất trong tài nguyên khai thác, nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Ví dụ 5: Trường hợp đơn vị khai thác 1.000 tấn quặng tại mỏ đồng (tiếp theo ví dụ 3). Theo Giấy phép khai thác, hồ sơ thiết kế khai thác tài nguyên, hồ sơ kiểm định được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và tỷ lệ tài nguyên đã được kiểm định đối với từng chất trong quặng đồng khai thác như sau: đồng: 60%; bạc: 0,2%; thiếc: 0,5%. Giá tính thuế đơn vị tài nguyên nguyên chất do UBND cấp tỉnh quy định như sau: Đồng 8.000.000 đồng/tấn; bạc: 600.000.000 đồng/ tấn; thiếc 40.000.000 đồng/tấn.

Căn cứ giá tính thuế đơn vị tài nguyên nguyên chất do UBND cấp tỉnh quy định và sản lượng của từng chất để xác định giá tính thuế tài nguyên của từng chất, cụ thể:

- Quặng đồng là: 600 tấn x 8.000.000 đồng/tấn = 4.800.000.000 đồng

- Quặng bạc là: 2 tấn x 600.000.000 đồng/tấn = 1.200.000.000 đồng

- Quặng thiếc là: 5 tấn x 40.000.000 đồng/tấn = 200.000.000 đồng

Căn cứ giá tính thuế tài nguyên của từng chất có trong quặng đồng để áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên của từng chất tương ứng.

Trường hợp tài nguyên khai thác đưa vào chế biến, sản xuất sản phẩm và thu được sản phẩm tài nguyên đồng hành thì áp dụng giá tính thuế đơn vị tài nguyên theo từng trường hợp cụ thể nêu tại Điều này.

Ví dụ 6: Trường hợp trong quá trình luyện quặng sắt thu được 0,05 tấn tinh quặng đồng trên 01 tấn gang và giá bán đồng là 8.500.000 đồng/tấn thì giá tính thuế tài nguyên đối với 0,05 tấn quặng đồng là: 0,05 x 8.500.000 đồng = 425.000 đồng. Trường hợp không bán ra thì áp dụng giá tính thuế đơn vị tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định.

2.3. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thông báo với cơ quan thuế việc áp dụng phương pháp xác định giá tính thuế đối với từng loại tài nguyên có khai thác theo quy định tại khoản 2, Điều này và được gửi một lần kèm theo hồ sơ đăng ký thuế hoặc hồ sơ khai thuế tài nguyên của tháng đầu tiên có khai thác. Trường hợp có thay đổi phương pháp xác định giá tính thuế thì gửi thông báo lại với cơ quan thuế trong tháng có thay đổi phương pháp xác định giá tính thuế.

3. Giá tính thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

3.1. Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân.

Giá bán điện thương phẩm bình quân để tính thuế tài nguyên đối với các cơ sở sản xuất thủy điện do Bộ Tài chính công bố.

3.2. Đối với gỗ là giá bán tại bãi giao (kho, bãi nơi khai thác); trường hợp chưa xác định được giá bán tại bãi giao thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo hướng dẫn tại khoản 4, Điều này.

3.3. Đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là giá xuất khẩu đơn vị sản phẩm tài nguyên (theo giá FOB); trường hợp tài nguyên khai thác vừa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thì đối với phần tiêu thụ nội địa là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, đối với phần xuất khẩu là giá xuất khẩu.

Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên phải kê riêng sản lượng tài nguyên tiêu thụ nội địa, sản lượng tài nguyên xuất khẩu để khai thuế tài nguyên phải nộp trong tháng, khai quyết toán thuế tài nguyên theo quy định.

3.4. Đối với dầu thô, khí thiên nhiên là giá bán được xác định theo hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư này.

3.5. Đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng vào sản xuất sản phẩm, kinh doanh dịch vụ, mà không có giá bán ra thì giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 4, Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhưng không bán ra; hoặc không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, chứng từ kế toán theo chế độ quy định; tổ chức, cá nhân nộp thuế tài nguyên theo phương pháp ấn định hoặc trường hợp loại tài nguyên xác định được sản lượng ở khâu khai thác nhưng do mô hình tổ chức, khai thác, sàng tuyển, tiêu thụ qua nhiều khâu độc lập nên không có đủ căn cứ để xác định giá bán tài nguyên khai thác thì áp dụng giá bán đơn vị tài nguyên do UBND cấp tỉnh tại địa phương có khai thác tài nguyên quy định cho từng thời kỳ để tính thuế tài nguyên.

Đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên khai thác không có căn cứ xác định giá tính thuế đơn vị tài nguyên thì giá tính thuế đơn vị tài nguyên được áp dụng giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định theo quy định tại khoản này.

Căn cứ đặc điểm, yêu cầu về xây dựng giá tính thuế tài nguyên tại địa phương, UBND cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án giá tính thuế tài nguyên trình UBND cấp tỉnh quyết định.

Việc xây dựng giá tính thuế tài nguyên phải đảm bảo phù hợp với hàm lượng, chất lượng, sản lượng của loại tài nguyên, tỷ lệ thu hồi tài nguyên, giá tài nguyên bán ra trên thị trường địa phương có tài nguyên khai thác và tham khảo thêm giá bán tài nguyên trên thị trường của địa phương lân cận.

Khi giá bán của loại tài nguyên có biến động tăng hoặc giảm 20% trở lên thì phải điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên. Sở Tài chính tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát tình hình về giá bán tài nguyên trên thị trường địa phương và lập phương án điều chỉnh giá tính thuế trình UBND cấp tỉnh quyết định và báo cáo về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).

Cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế tài nguyên niêm yết công khai giá tính thuế đơn vị tài nguyên tại trụ sở cơ quan thuế.

Điều 7. Thuế suất thuế tài nguyên

Thuế suất thuế tài nguyên làm căn cứ tính thuế tài nguyên đối với từng loại tài nguyên khai thác được quy định tại Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Riêng việc áp dụng thuế suất thuế tài nguyên đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên khai thác, sử dụng tại Mục V Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 trong một số trường hợp được xác định như sau:

- Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp (kể cả đóng bình, đóng thùng có thể chiết ra thành chai, thành hộp) đều áp dụng cùng mức thuế suất thuế tài nguyên như loại được đóng chai, đóng hộp.

- Mức thuế suất thuế tài nguyên áp dụng đối với nước thiên nhiên khai thác dùng cho sản xuất thuỷ điện tại điểm 2, Mục V; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất kinh doanh tại điểm 3, Mục V, có lẫn nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, nhưng căn cứ hồ sơ thiết, quy trình công nghệ sản xuất, cung ứng dịch vụ được cơ quan thẩm quyền phê duyệt xác định không thuộc diện sản xuất sản phẩm nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, nước tinh lọc đóng chai, đóng hộp thì áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên theo mục đích sử dụng tương ứng.

Phần III

ĐĂNG KÝ, KHAI THUẾ, NỘP THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ

Điều 8. Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế.

1. Việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.

2. Riêng đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong một số trường hợp được bổ sung như sau:

2.1. Trường hợp một tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo nhiều hợp đồng dầu khí khác nhau thì việc thực hiện qui định về thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện riêng rẽ theo từng hợp đồng dầu khí.

2.2. Trường hợp các bên nhà thầu tham gia một hợp đồng dầu khí dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm hoặc hợp đồng điều hành chung, nhận các phần chia theo hợp đồng bằng dầu thô, khí thiên nhiên và chịu trách nhiệm tiêu thụ phần dầu thô, khí thiên nhiên được chia thì mỗi bên phải khai và nộp các loại thuế tài nguyên theo sản lượng được chia.

Phần IV

MIỄN, GIẢM THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 9. Miễn, giảm thuế tài nguyên

1. Các trường hợp được miễn, giảm thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, bao gồm:

1.1. Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

1.2. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên.

1.3. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt.

1.4. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt.

1.5. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.

1.6. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác đất và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều. Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất khai thác không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình; kể cả trường hợp đất đào lên từ khuôn viên đất được giao, được thuê bắt buộc phải xúc bỏ đi; nếu đưa đi trao đổi, bán thu tiền thì tổ chức, cá nhân khai thác phải kê khai nộp thuế tài nguyên theo quy định.

1.7. Trường hợp khác được miễn, giảm thuế tài nguyên, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Trình tự, thủ tục kê khai miễn, giảm thuế tài nguyên, thẩm quyền miễn, giảm thuế tài nguyên được thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II, Phần E Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/7/2007 của Bộ Tài chính; ngoài ra một số trường hợp được miễn thuế tài nguyên dưới đây không phải khai sản lượng tài nguyên khai thác, số tiền thuế được miễn giảm và thực hiện như sau:

2.1. Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác hải sản trên biển thuộc diện miễn thuế tài nguyên không phải lập tờ khai thuế tài nguyên hàng tháng và quyết toán thuế thuế tài nguyên năm.

2.2. Miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt thì không phải lập tờ khai thuế tài nguyên tháng và tờ khai quyết toán thuế tài nguyên năm.

2.3. Thủ tục miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước thiên nhiên tự sản xuất thuỷ điện sản xuất phục vụ sinh hoạt phải có đơn đề nghị miễn thuế, kèm theo bản giải trình về thiết bị sản xuất thuỷ điện phục vụ cho sinh hoạt gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã. Khi bắt đầu đi vào hoạt động hộ gia đình phải khai báo lần đầu với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để hưởng miễn thuế tài nguyên.

2.4. Thủ tục miễn thuế đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê:

Tổ chức, cá nhân khai thác đất (kể cả đơn vị nhận thầu thực hiện) phải có văn bản đề nghị miễn thuế, kèm theo bản sao có đóng dấu chứng thực quyết định giao đất, cho thuê đất và hồ sơ liên quan đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về việc xây dựng công trình tại địa phương của chủ đầu tư và gửi bộ hồ sơ cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý nơi khai thác để biết và theo dõi việc miễn thuế.

Phần V

THUẾ TÀI NGUYÊN ĐỐI VỚI DẦU THÔ, KHÍ THIÊN NHIÊN

I. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 10. Địa điểm đăng ký thuế, khai, nộp thuế

1. Địa điểm đăng ký thuế, khai, nộp thuế (trừ thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu) là Cục thuế địa phương nơi người nộp thuế đặt văn phòng điều hành chính.

2. Đối với các hợp đồng dầu khí đã tiến hành khai thác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, địa điểm khai, nộp thuế thực hiện theo các văn bản hướng dẫn trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 11. Kỳ tính thuế

Kỳ tính thuế tài nguyên là năm dương lịch.

- Kỳ tính thuế tài nguyên đầu tiên bắt đầu từ ngày khai thác dầu thô, khí thiên nhiên đầu tiên cho đến ngày kết thúc năm dương lịch.

- Kỳ tính thuế tài nguyên cuối cùng bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm dương lịch đến ngày kết thúc khai thác dầu thô, khí thiên nhiên.

Điều 12. Đồng tiền nộp thuế tài nguyên

Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên được bán bằng đô la Mỹ hoặc tiền ngoại tệ tự do chuyển đổi thì đồng tiền nộp thuế tài nguyên là đô la Mỹ hoặc tiền ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên, được bán bằng tiền đồng Việt Nam thì đồng tiền nộp thuế tài nguyên là đồng Việt Nam.

Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên, được bán vừa bằng đô la Mỹ hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi, vừa bằng đồng Việt Nam thì đồng tiền nộp thuế tài nguyên là đồng Việt Nam.

Việc quy đổi từ đô la Mỹ hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi sang đồng Việt Nam để nộp thuế được thực hiện theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nộp thuế.

Trường hợp dầu thô khai thác được bán cho các đơn vị lọc dầu trong nước đã có văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính thực hiện theo các văn bản đó.

II. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ, KHAI NỘP THUẾ

Điều 13. Sản lượng tính thuế tài nguyên

1. Là toàn bộ sản lượng dầu thô và khí thiên nhiên khai thác và giữ được từ diện tích hợp đồng dầu khí, được đo tại điểm giao nhận (sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên thực tế khai thác).

2. Trường hợp Chính phủ Việt Nam sử dụng khoản khí đồng hành của người nộp thuế loại bỏ, không trao đổi, bán thu tiền thì người nộp thuế không phải nộp thuế tài nguyên đối với khoản khí đồng hành này.

3. Trường hợp trong quá trình khai thác dầu thô và khí thiên nhiên, người nộp thuế được phép khai thác tài nguyên khác, thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên thì thực hiện nộp thuế tài nguyên đối với từng trường hợp cụ thể theo qui định tại Thông tư này.

Điều 14. Giá tính thuế tài nguyên

1. Giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên là giá bán tại điểm giao nhận. Điểm giao nhận là điểm được thoả thuận trong hợp đồng dầu khí mà ở đó dầu thô, khí thiên nhiên được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí.

2. Xác định giá tính thuế dầu thô, khí thiên nhiên trong trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên không được bán theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng.

Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên không được bán theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng, cơ quan quản lý thuế (cơ quan thuế và cơ quan hải quan) sẽ xác định giá tính thuế theo nguyên tắc sau:

- Đối với dầu thô: Giá tính thuế là giá bán trung bình cộng của dầu thô cùng loại trên thị trường quốc tế của 3 tuần liên tục: Tuần trước, tuần bán và tuần tiếp theo tuần bán dầu thô. Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin về thành phần, chất lượng của dầu thô đang khai thác. Khi cần thiết, cơ quan quản lý thuế tham khảo giá bán trên thị trường Mỹ (WTI), thị trường Anh (Brent) hay thị trường Singapore (Plátt’s) hoặc tham khảo ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định giá dầu thô đang khai thác của người nộp thuế.

- Đối với khí thiên nhiên: Giá tính thuế là giá bán khí thiên nhiên cùng loại trên thị trường, tại địa điểm giao nhận và các yếu tố liên quan khác. Khi cần thiết, cơ quan quản lý thuế có thể tham khảo ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định giá khí thiên nhiên đang khai thác của người nộp thuế.

Điều 15. Xác định số thuế tài nguyên phải nộp

1. Thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên được xác định trên cơ sở luỹ tiến từng phần của tổng sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên thực khai thác trong mỗi kỳ nộp thuế tính theo sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên bình quân mỗi ngày khai thác được của hợp đồng dầu khí, thuế suất thuế tài nguyên và số ngày khai thác trong kỳ tính thuế.

2. Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô hoặc khí thiên nhiên phải nộp:

Thuế tài nguyên bằng dầu thô, hoặc khí thiên nhiên phải nộp

=

Sản lượng dầu thô, hoặc khí thiên nhiên, chịu thuế tài nguyên bình quân/ngày trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế tài nguyên

x

Số ngày khai thác dầu thô, hoặc khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế

Trong đó:

- Sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân/ngày trong kỳ tính thuế là toàn bộ sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên khai thác trong kỳ tính thuế chia cho số ngày khai thác trong kỳ tính thuế.

- Thuế suất thuế tài nguyên: Quy định tại mục 2, Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Việc xác định dự án khuyến khích đầu tư dầu khí để làm căn cứ áp dụng thuế suất thuế tài nguyên dựa vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quy định.         

- Số ngày khai thác dầu thô hoặc khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế là số ngày tiến hành hoạt động khai thác dầu thô hoặc khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế, trừ các ngày ngừng sản xuất do mọi nguyên nhân.           

Ví dụ 7: Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp đối với trường hợp khai thác dầu thô:

Giả sử:

+ Tổng sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên, khai thác trong kỳ nộp thuế: 72.000.000 thùng

+ Số ngày sản xuất trong kỳ nộp thuế: 360 ngày

+ Sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ nộp thuế: 200.000 thùng/ngày (72.000.000 thùng: 360 ngày)

+ Dầu thô được khai thác từ hợp đồng không thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư (trường hợp dầu thô được khai thác từ hợp đồng thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư thì tính tương tự với thuế suất thuế tài nguyên áp dụng đối với dự án khuyến khích đầu tư)

Thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ nộp thuế:

{(20.000 x 10%) + (30.000 x 12%) + (25.000 x 14%) + (25.000 x 19%) + (50.000 x 24%) + (50.000 x 29%)} x 360 ngày = 14.526.000 thùng.

Ví dụ 8: Xác định thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên, phải nộp đối với trường hợp khai thác khí thiên nhiên:

Giả sử:

+ Tổng sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên, khai thác trong kỳ nộp thuế: 3.960.000.000 m3

+ Số ngày sản xuất trong kỳ tính thuế: 360 ngày.

+ Sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ nộp thuế: 11.000.000 m3/ngày (3.960.000.000 m3: 360 ngày).

+ Khí thiên nhiên được khai thác từ hợp đồng không thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư (trường hợp khí thiên nhiên được khai thác từ hợp đồng thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư thì tính tương tự với thuế suất thuế tài nguyên áp dụng đối với dự án khuyến khích đầu tư).

Thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ nộp thuế:

{(5.000.000 x 2%) + (5.000.000 x 5%) + (1.000.000 x 10%)} x 360 ngày = 162.000.000 m3

Điều 16. Khai, nộp thuế tài nguyên tạm tính

1. Xác định số tiền thuế tài nguyên tạm tính:

Số tiền thuế tài nguyên tạm tính

=

Sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên thực tế bán

x

Giá tính thuế tài nguyên tạm tính

x

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính

Trong đó:

- Sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên thực tế bán là sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên đã bán.

- Giá tính thuế tài nguyên tạm tính là giá bán dầu thô hoặc khí thiên nhiên tại điểm giao nhận của từng lần bán theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng, không bao gồm thuế giá trị gia tăng.

- Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính được xác định như hướng dẫn dưới đây:

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính

=

Thuế tài nguyên bằng dầu thô, khí thiên nhiên, dự kiến phải nộp trong kỳ tính thuế Sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế

x 100%

+ Thuế tài nguyên bằng dầu thô, khí thiên nhiên dự kiến phải nộp trong kỳ tính thuế được xác định theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư này, trên cơ sở sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế, số ngày dự kiến khai thác.

+ Sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế là sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên, dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế.

Căn cứ sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên dự kiến khai thác hàng năm và Biểu thuế tài nguyên đối với dầu thô và khí thiên nhiên người nộp thuế xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính hàng năm và thông báo cho cơ quan thuế địa phương nơi đăng ký thuế biết và gửi kèm theo hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày 01 tháng 12 của kỳ tính thuế tài nguyên năm trước liền kề.

Trong kỳ tính thuế, trường hợp dự kiến sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên khai thác, dự kiến số ngày khai thác dầu khí 6 tháng cuối năm thay đổi dẫn đến tăng hoặc giảm tỷ lệ tạm nộp thuế tài nguyên từ 15% trở lên so với tỷ lệ tạm nộp thuế tài nguyên tạm tính đã thông báo với cơ quan thuế thì người nộp thuế có trách nhiệm xác định và thông báo tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính mới cho cơ quan thuế biết và gửi kèm theo hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày 01 tháng 5 năm đó.

Ví dụ 9: Xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính:

- Xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính đối với dầu thô:

Giả định:

+ Tổng sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên, dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế: 72.000.000 thùng.

+ Số ngày dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế: 360 ngày.

+ Sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ tính thuế: 200.000 thùng/ngày (72.000.000 thùng : 360 ngày).

+ Thuế tài nguyên dự kiến phải nộp trong kỳ tính thuế (xác định như hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư này): 14.526.000 thùng.

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính từ khai thác dầu thô là:

14.526.000

x

100%

=

20,18%

72.000.000

- Xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính đối với khí thiên nhiên:

Giả định:

+ Tổng sản lượng khí thiên chịu thuế tài nguyên, khai thác trong kỳ nộp thuế: 3.960.000.000 m3

+ Số ngày sản xuất trong kỳ nộp thuế: 360 ngày.

+ Sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ tính thuế: 11.000.000 m3/ ngày (3.960.000.000 m3: 360 ngày).

+ Thuế tài nguyên dự kiến phải nộp trong kỳ tính thuế (xác định như hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư này): 162.000.000 m3 .

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính từ khai thác khí thiên nhiên là:

162.000.000

x

100%

=

4,09%

3.960.000.000

2. Khai, nộp thuế tài nguyên tạm tính:

2.1. Đối với khai thác dầu thô:

2.1.1. Hồ sơ khai thuế tài nguyên là Tờ khai thuế tài nguyên tạm tính theo mẫu số 01/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

2.1.2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên tạm tính: chậm nhất là ngày thứ 35 kể từ ngày xuất bán (đối với dầu thô bán tại thị trường nội địa) hoặc ngày cơ quan hải quan xác nhận dầu thô xuất khẩu. Trường hợp ngày thứ 35 là ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết (sau đây gọi chung là ngày nghỉ) thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.

2.1.3. Thời hạn nộp thuế tài nguyên tạm tính: như thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên tạm tính.

2.2. Đối với khai thác khí thiên nhiên:

2.2.1. Hồ sơ khai thuế tài nguyên là Tờ khai thuế tài nguyên tạm tính theo mẫu số 01/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

2.2.3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên tạm tính: chậm nhất là ngày thứ 20 hàng tháng. Trường hợp ngày thứ 20 là ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết (gọi chung là ngày nghỉ) thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên là ngày tiếp theo của các ngày nghỉ đó.

2.2.4. Thời hạn nộp thuế tài nguyên tạm tính: như thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên tạm tính.

Điều 17. Quyết toán thuế tài nguyên

1. Đối với khai thác dầu thô:

1.1. Xác định số tiền thuế tài nguyên phải nộp:

1.1.1.Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế:

Thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế

=

Sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên bình quân/ ngày trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế tài nguyên

x

Số ngày khai thác dầu thô trong kỳ tính thuế

1.1.2.Xác định tỷ lệ thuế tài nguyên bằng dầu thô so với sản lượng dầu thô khai thác trong kỳ tính thuế:

Tỷ lệ thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế

=

Thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế Sản lượng dầu thô khai thác trong kỳ tính thuế

x

100%

1.1.3.Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế:

Thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế

=

Sản lượng dầu thô bán

x

Tỷ lệ thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế

1.1.4.Xác định số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế:

Số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế

=

Thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế

x

Giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô

Trong đó:

+ Thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế xác định như hướng dẫn tại điểm 1.1.3, khoản 1, Điều này;

+ Giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô: là giá bình quân gia quyền của dầu thô được bán tại điểm giao nhận theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng trong kỳ tính thuế, không bao gồm thuế giá trị gia tăng.

1.1.5.Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô chưa bán trong kỳ tính thuế để làm cơ sở quyết toán thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp cho kỳ tính thuế tiếp theo:

Thuế tài nguyên bằng dầu thô chưa bán trong kỳ tính thuế

=

Thuế tài nguyên bằng dầu thô chưa bán trong kỳ tính thuế trước

+

Thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế

-

Thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế

Trường hợp dầu thô không được bán theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng thì giá tính thuế tài nguyên xác định như hướng dẫn tại khoản 2, Điều 14 Thông tư này.

Ví dụ 10: Xác định giá tính thuế tài nguyên:

Giả sử: sản lượng dầu thô được bán trong kỳ tính thuế là (4.000.000 thùng) được bán thành 3 lô: lô 1 có sản lượng là 2.000.000 thùng, bán với giá 65 USD/ thùng; lô 2 có sản lượng là 1.000.000 thùng, bán với giá 68 USD/ thùng; lô 3 có sản lượng là 1.000.000 thùng, bán với giá 70 USD/ thùng.

Giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô

=

(2.000.0000 x 65) + (1.000.0000 x 68) + (1.000.0000 x 70)

=

67 USD/ thùng

4.000.000

1.1.6. Xác định số tiền nộp thiếu (hoặc thừa) từ bán thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế:

Số tiền nộp thiếu (hoặc thừa) từ bán thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế

=

Số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế

-

Số tiền thuế tài nguyên tạm tính đã nộp trong kỳ tính thuế

Trong đó:

+ Số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế: xác định như hướng dẫn tại điểm 1.1.4, khoản 1, Điều này.

+ Số tiền thuế tài nguyên tạm tính đã nộp trong kỳ tính thuế: là tổng số thuế tài nguyên tạm tính đã nộp theo Bảng kê số tiền thuế tài nguyên tạm tính đã nộp (theo Mẫu số 02-2/TAIN-DK ban hành kèm theo Thông tư này).

1.2.Khai, nộp thuế theo hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên:

1.2.1. Hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên gồm:

- Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên theo mẫu số 02/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê sản lượng và doanh thu bán dầu thô hoặc khí thiên nhiên khai thác trong kỳ tính thuế theo mẫu số 02-1/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê số tiền thuế tài nguyên tạm tính trong kỳ tính thuế theo mẫu số 02-2/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

1.2.2.Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên:

- Chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

- Chậm nhất là ngày thứ 45, kể từ ngày kết thúc hợp đồng dầu khí.

Trường hợp ngày thứ 90 hoặc ngày thứ 45 là ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết (gọi chung là ngày nghỉ) thì thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.

1.2.3.Nộp thuế theo hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên:

Căn cứ hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên, người nộp thuế xác định:

- Nếu số thuế tài nguyên tạm tính trong kỳ tính thuế lớn hơn số thuế phải nộp thì số thuế nộp thừa được trừ vào số thuế phải nộp của lần nộp thuế tài nguyên tạm tính tiếp theo hoặc làm thủ tục hoàn thuế tài nguyên nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế hiện hành, nếu không có kỳ nộp thuế tài nguyên tiếp theo.

- Nếu số thuế tài nguyên tạm tính trong kỳ tính thuế ít hơn số thuế phải nộp thì người nộp thuế phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào Kho bạc Nhà nước cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên.

2. Đối với khai thác khí thiên nhiên:

2.1.Xác định số tiền thuế tài nguyên phải nộp:

2.1.1.Xác định thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế:

Thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế

=

Sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân/ ngày trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế tài nguyên

x

Số ngày khai thác khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế

2.1.2.Xác định số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế:

Số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế

=

Thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế

x

Giá tính thuế tài nguyên đối với khí thiên nhiên

Trong đó:

+ Thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế: xác định như hướng dẫn tại điểm 2.1.1, khoản 2, Điều này.

+ Giá tính thuế tài nguyên đối với khí thiên nhiên: là giá bán theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng tại điểm giao nhận trong kỳ tính thuế, không bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp khí thiên nhiên không được bán theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng thì giá tính thuế tài nguyên xác định như hướng dẫn tại khoản 2, Điều 14 Thông tư này.

2.1.3.Xác định số tiền nộp thiếu (hoặc thừa) từ bán thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế:

Số tiền nộp thiếu (hoặc thừa) từ bán thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế

=

Số tiền xuất bán thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế

-

Số tiền thuế tài nguyên tạm tính đã nộp trong kỳ tính thuế

Trong đó:

+ Số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế: xác định như hướng dẫn tại điểm 2.1.3, khoản 2, Điều này.

+ Số tiền thuế tài nguyên tạm tính đã nộp trong kỳ tính thuế: là tổng số thuế tài nguyên tạm tính đã nộp theo Bảng kê số tiền thuế tài nguyên tạm tính đã nộp (theo Mẫu số 02-2/TAIN-DK ban hành kèm theo Thông tư này).

2.2.Khai, nộp thuế theo hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên:

2.2.1.Hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên gồm:

- Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên theo mẫu số 02/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê sản lượng và doanh thu bán dầu thô hoặc khí thiên nhiên khai thác trong kỳ tính thuế theo mẫu số 02-1/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê số tiền thuế tài nguyên tạm tính đã nộp trong kỳ tính thuế theo mẫu số 02-2/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

2.2.2.Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên:

- Chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

- Chậm nhất là ngày thứ 45, kể từ ngày kết thúc hợp đồng dầu khí.

Trường hợp ngày thứ 90 hoặc ngày thứ 45 là ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết (gọi chung là ngày nghỉ) thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.

2.2.3.Nộp thuế theo hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên:

Căn cứ hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên, người nộp thuế xác định:

- Nếu số thuế tài nguyên tạm tính trong kỳ tính thuế lớn hơn số thuế phải nộp thì số thuế nộp thừa được trừ vào số thuế phải nộp của lần nộp thuế tài nguyên tạm tính tiếp theo hoặc làm thủ tục hoàn thuế tài nguyên nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế hiện hành nếu không có kỳ nộp thuế tài nguyên tiếp theo.

- Nếu số thuế tài nguyên tạm tính trong kỳ tính thuế ít hơn số thuế phải nộp thì người nộp thuế phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào Kho bạc Nhà nước cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên.

Phần VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực áp dụng kể từ kỳ khai thuế tài nguyên tháng 7 năm 2010 trở đi, thay thế Thông tư số 124/2009/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành hành Nghị định số 05/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên, bãi bỏ các quy định về thuế tài nguyên tại Thông tư số 32/2009/TT-BTC ngày 19 tháng 2 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện qui định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo qui định của Luật Dầu khí.

Đối với sản lượng tài nguyên khai thác phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2010, nhưng chưa tiêu thụ hoặc đưa vào quy trình sản xuất, chế biến tiếp theo thì vẫn thực hiện khai thuế tài nguyên theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế tài nguyên có hiệu lực trước ngày 01 tháng 7 năm 2010.

2. Đối với dự án đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 mà trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí có quy định về thuế tài nguyên thì thực hiện theo quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí đã ký kết. Trường hợp ưu đãi về thuế tài nguyên quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí thấp hơn ưu đãi về thuế tài nguyên quy định tại Luật này thì áp dụng ưu đãi về thuế theo quy định của Luật này cho thời gian còn lại;

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được nghiên cứu giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng TƯ Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát NDTC;
- Văn phòng BCĐ phòng chống tham nhũng;
- Toà án NDTC;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, TP;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCT (VT,CS).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 105/2010/TT-BTC of July 23, 2010, guiding a number of articles of the law on royalties and guiding the Government''s Decree No 50/2010/ND-CP of May 14, 2010, which details and guides a number of articles of the law on Royalties

  • Số hiệu: 105/2010/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/07/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản