Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/2009/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN PHỤ CẤP KHU VỰC ĐỐI VỚI NGƯỜI HƯỞNG LƯƠNG HƯU, BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN, TRỢ CẤP MẤT SỨC LAO ĐỘNG VÀ TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP HÀNG THÁNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 122/2008/NĐ-CP NGÀY 04 THÁNG 12 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ thực hiện chế độ phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 122/2008/NĐ-CP). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Người lao động nghỉ việc đủ Điều kiện hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực.

2. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 đang hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú có phụ cấp khu vực.

II. CHẾ ĐỘ HƯỞNG VÀ CÁCH TÍNH

1. Đối tượng quy định tại Khoản 1 Mục I Thông tư này ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

a) Mức trợ cấp một lần đối với người nghỉ hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính như sau:

Trong đó:

M: Mức trợ cấp một lần đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực;

Hi: hệ số phụ cấp khu vực i nơi người lao động đóng bảo hiểm xã hội. Hệ số phụ cấp khu vực i với 7 mức là 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 được quy định tại Phụ lục Mức phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05 tháng 01 năm 2005 của liên Bộ Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính và Ủy ban dân tộc và các văn bản sửa đổi, bổ sung của Bộ Nội vụ;

Tj: số tháng đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực hệ số Hi;

15%: tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động;

Lmin: mức lương tối thiểu chung tại tháng bắt đầu hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần.

Ví dụ: Ông A nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần vào tháng 5/2008, trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực như sau:

Thời gian đóng BHXH bao gồm phụ cấp khu vực (Tj)

Hệ số phụ cấp khu vực nơi tham gia BHXH (Hi)

- Từ tháng 01/1998 đến tháng 12/1999 (24 tháng)

0,5

- Từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2001 (24 tháng)

0,7

Mức lương tối thiểu chung tại thời Điểm tháng 5/2008 là 540.000 đồng.

Mức trợ cấp một lần đối với ông A được tính như sau:

{(0,5 x 24 x 15%) + (0,7 x 24 x 15%)} x 540.000 = 2.332.800 đồng

b) Trường hợp người lao động thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Mục 1 Thông tư này có thời gian là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm thì mức hưởng trợ cấp một lần đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực được tính theo công thức sau:

Trong đó:

N: mức trợ cấp một lần đối với thời gian là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân đóng bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực;

Hi: hệ số phụ cấp khu vực nơi hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân đóng bảo hiểm xã hội thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm;

Tj: số tháng đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực hệ số Hi cho thời gian là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân;

0,4: hệ số phụ cấp quân hàm binh nhì;

Lmin­­: mức lương tối thiểu chung tại tháng bắt đầu hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần.

2. Đối tượng quy định tại Khoản 2 Mục I Thông tư này được hưởng phụ cấp khu vực như sau:

a) Phụ cấp khu vực được xác định, chi trả theo nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và được trả cùng thời Điểm chi trả lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

b) Mức phụ cấp khu vực hiện hưởng quy định như sau:

Nơi đăng ký thường trú có hệ số phụ cấp khu vực

Mức hưởng phụ cấp khu vực thực hiện từ ngày 01/01/2008 trở đi (đồng/tháng)

0,1

54.000

0,2

108.000

0,3

162.000

0,4

216.000

0,5

270.000

0,7

378.000

1,0

540.000

Mức hưởng phụ cấp khu vực quy định tại Điểm này không Điều chỉnh khi thay đổi mức lương tối thiểu chung.

c) Trường hợp thay đổi nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu ở nơi có phụ cấp khu vực thì hưởng phụ cấp khu vực theo mức tương ứng với hệ số phụ cấp khu vực tại nơi mới đến quy định tại Điểm b Khoản này; nếu nơi mới đến không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2008/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện chế độ phụ cấp khu vực theo quy định tại Nghị định số 122/2008/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

Thực hiện truy trả trợ cấp một lần đối với đối tượng nghỉ việc đủ Điều kiện hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 trở đi mà chưa được hưởng trợ cấp theo quy định tại Khoản 1 Mục II Thông tư này; trường hợp người đã nghỉ hưu hoặc nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần nêu trên đã chết, mức trợ cấp một lần được truy trả cho thân nhân theo quy định.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành; các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

2. Các quy định nêu tại Thông tư này thay thế những quy định trước đây về phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để kịp thời nghiên cứu, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP TƯ Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo: Website Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Lưu VT, PC, BHXH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đàm Hữu Đắc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 03/2009/TT-BLDTBXH of January 22, 2009, guiding the implementation of weighting for pensioners, people receiving lump-sum social insurance, labor health loss allowance and labor accident, occupational disease monthly benefits by the Decree No.122/2008/ND -CP dated December 04, 2008 the Government

  • Số hiệu: 03/2009/TT-BLDTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/01/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đàm Hữu Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản