Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH - ỦY BAN DÂN TỘC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 252/CTPH-BVHTTDL-UBDT

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2011

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH VÀ GIA ĐÌNH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ - MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Căn cứ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 60/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Để tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Dân tộc thống nhất Chương trình phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2015 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

a) Tăng cường phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Dân tộc nhằm tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong giai đoạn mới và hội nhập quốc tế.

b) Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy khả năng sáng tạo, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

c) Tuyên truyền, phổ biến, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển rộng rãi phong trào tập luyện và thi đấu thể thao, nâng cao sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

2. Yêu cầu

Việc phối hợp công tác nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình cùng dân tộc thiểu số và miền núi phải đảm bảo kịp thời, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm đúng quy định của pháp luật.

II. PHẠM VI CHƯƠNG TRÌNH:

Chương trình này quy định việc phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Dân tộc để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên các lĩnh vực: tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển rộng rãi phong trào tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

III. NGUYÊN TẮC PHỐI HỢP THỰC HIỆN:

1. Việc phối hợp hai Ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi Ngành trong khuôn khổ quy định của pháp luật và nội dung Chương trình phối hợp này.

2. Bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đề cao sự hợp tác trong giải quyết công việc trên tinh thần dân chủ, có hiệu quả cao.

IV. NỘI DUNG PHỐI HỢP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI BÊN:

1. Hai Ngành cùng phối hợp tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình nhằm nâng cao về nhận thức, vai trò, ý nghĩa của văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình cho cán bộ, đồng bào dân tộc. Thông qua đó vận động cán bộ, đồng bào dân tộc tích cực tham gia các hoạt nêu trên tại cơ sở, địa phương mình đang sinh sống.

2. Hai Ngành phối hợp thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”, thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 16 tháng 6 năm 2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; các chiến lược quốc gia về chính sách dân tộc; Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; các đề án xã hội hóa, đề án phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2020. Tiếp tục phối hợp thực hiện Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Gia đình Việt Nam; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 – 2010, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Đề án Phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020.

3. Hai Ngành cùng phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân thuộc các dân tộc thiểu số; tập trung tuyên truyền mục đích ý nghĩa các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch và gia đình trong thời điểm các ngày truyền thống, các sự kiện trọng đại của đất nước.

4. Hai Ngành cùng phối hợp tuyên truyền vận động đồng bào giừ gìn môi trường, cảnh quan, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và các nghề truyền thống để phục vụ cho phát triển du lịch bền vững.

5. Hai Ngành cùng phối hợp tổ chức các hoạt động trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

a) Tổ chức hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc, đặc biệt là dân tộc ít người (3 năm/1 lần); Hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 (3 năm/1 lần).

b) Tổ chức các nội dung, hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19 tháng 4) theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc ở các vùng, miền dựa trên kế hoạch công tác từng năm đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có văn bản đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức thực hiện.

d) Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc các năm 2011, 2013 và 2015, gồm: Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực I (từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra, bao gồm 31 tỉnh); Hội Thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II (từ thành phố Đà Nẵng trở vào, gồm 32 tỉnh thành).

e) Tổ chức tuần du lịch sinh thái tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi (2 năm/1 lần); Tổ chức bình chọn làng (thôn, bản, ấp) có điểm thu hút khách du lịch tiêu biểu ( 2 năm/1 lần).

6. Hai Ngành cùng phối hợp vận động, bổ sung nguồn kinh phí, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia xây dựng cơ sở vật chất như: nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao; tham gia các hội thi, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc ở các vùng miền.

7. Hai Ngành phối hợp xây dựng các khu du lịch sinh thái, các điểm du lịch, tổ chức các lễ hội, ngày hội giừ gìn bản sắc, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, đặc sắc để phục vụ cho du lịch. Tập trung xây dựng một số mô hình du lịch sinh thái ở những nơi có lợi thế về hoạt động du lịch, các đội và hướng dẫn viên du lịch sinh thái trên cơ sở điểm đã có dự án của ngành du lịch; từ đó phát triển rộng ra các hình thức đào tạo nghề trong du lịch.

8. Hai Ngành cùng hướng dẫn địa phương thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” nhằm xây dựng thiết chế văn hóa vùng dân tộc thiểu số mỗi làng (thôn, bản, ấp) có ít nhất một điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tập trung; có sân chơi thể thao đa năng (dạng sân thể thao đơn giản); có dụng cụ đáp ứng nhu cầu tập luyện vui chơi, giải trí; có đội văn nghệ quần chúng; có 01 đội đại biểu thể thao làm nòng cốt. Trước mắt tập trung xây dựng sân chơi, dụng cụ tập luyện luyện thể thao quần chúng đang phổ biến nhưng chi phí ít tốn kém; đầu tư cơ sở vật chất về văn hóa, bảo tồn và phát triển văn hóa của từng dân tộc; khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian mang bản sắc của từng dân tộc. Có kế hoạch điều tra cơ bản về nhu cầu tập luyện thể thao để có quy hoạch xây dựng các thiết chế như: Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, thôn, bản; dành quỹ đất xây dựng sân thể thao đơn giản phù hợp với từng địa phương , phù hợp địa hình, phong tục, tập quán của dân tộc thiểu số ở các vùng, miền và khu vực. Tiếp tục thực hiện Chương trình “Xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch cộng đồng” cho đồng bào các dân tộc.

9. Hai Ngành phối hợp mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn hóa, thể thao du lịch và gia đình cho lực lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số và miền núi. Hai bên chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao.

V. PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Hai Ngành có kế hoạch triển khai rộng rãi trong hệ thống của mình từ trung ương đến địa phương một cách có hiệu quả. Giao cho Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ Gia đình-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vụ Tuyên truyền-Ủy ban Dân tộc là những cơ quan đầu mối thường trực của hai Ngành. Căn cứ vào nội dung Chương trình phối hợp, chủ động xây dựng kế hoạch về từng lĩnh vực của mỗi bên, trình Lãnh đạo Bộ để triển khai thực hiện.

2. Hai Ngành lấy địa bàn cơ sở làm địa bàn thực hiện Chương trình phối hợp này. Lãnh đạo đầu mối của hai ngành có trách nhiệm tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin, góp ý kiến về các vấn đề có liên quan đến nội dung phối hợp, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, triển khai các hoạt động và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng của các bên về kết quả thực hiện Chương trình.

3. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Dân tộc các cấp quán triệt nội dung chương trình phối hợp, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hàng năm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện.

4. Hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và khen thưởng Cuối năm 2015 hai bên có trách nhiệm tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác triển khai tổ chức Chương trình và xây dựng chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Trên cơ sở các nội dung trong Chương trình phối hợp này, kinh phí để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình do mỗi bên tự đảm bảo theo quy định hiện hành.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Chương trình phối hợp có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung, Bộ trưởng hai ngành sẽ trao đổi, thống nhất cách giải quyết./.

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
ỦY BAN DÂN TỘC




Giàng Seo Phử

BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH




Hoàng Tuấn Anh

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- VPTW Đảng, VP Chính phủ, VP Quốc hội;
- Ban dân vận TW, Ban Tuyên giáo TW;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;
- Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;
- Các Thứ trưởng, Bộ VHTTDL;
- Sở VHTTDL 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc ngành;
- Các cơ quan thông tấn báo chí 2 ngành;
Lưu: TCTDTT, UBDT

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình phối hợp 252/CTPH-BVHTTDL-UBDT về đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 252/CTPH-BVHTTDL-UBDT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/01/2011
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Hoàng Tuấn Anh, Giàng Seo Phử
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản