Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN-TW HỘI
CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CTr-BCA-HCCB

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2014

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

GIỮA BỘ CÔNG AN VÀ TRUNG ƯƠNG HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ CỦA ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể; lực lượng Công an và Hội Cựu chiến binh Việt Nam các cấp đã tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là: đông đảo cán bộ, hội viên Cựu chiến binh đã gương mẫu tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng; tham gia lực lượng an ninh ở cơ sở, cung cấp thông tin, hỗ trợ lực lượng Công an phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; cảm hóa, giúp đỡ những người lầm lỗi, hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở các địa bàn dân cư, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, việc phối hợp triển khai các nội dung chưa đồng bộ, có nơi, có lúc phong trào còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, thiếu sức lôi cuốn cán bộ, hội viên Cựu chiến binh tham gia.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự của đất nước trong tình hình hiện nay, Bộ Công an và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam thống nhất ban hành Chương trình phối hợp về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của đất nước trong tình hình hiện nay, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của các cấp hội, cán bộ, hội viên Cựu chiến binh, lực lượng Công an các cấp trong phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên cựu chiến binh và nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào hội viên Cựu chiến binh và Công an nhân dân phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự gắn kết với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành phát động.

3. Hai lực lượng phối hợp giúp đỡ nhau với tinh thần đoàn kết, tình đồng chí gắn bó, phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, truyền thống Công an nhân dân, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, nghiêm túc lắng nghe ý kiến của nhân dân, xây dựng tổ chức của hai lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự

- Tổ chức Hội Cựu chiến binh và Công an các cấp thường xuyên phối hợp tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28- NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 48-CT/TW, Chỉ thị 21-CT/TW, Chỉ thị 09-CT/TW của Đảng, Nghị quyết số 37, số 63 của Quốc hội và các Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người để nâng cao trách nhiệm bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm của cán bộ, hội viên và nhân dân.

- Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nhân dân về truyền thống cách mạng, dựng nước và giữ nước của dân tộc; về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; âm mưu, thủ đoạn chống phá, kích động của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất; phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm...

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với tuyên truyền vận động cá biệt đối với những người có quá khứ lầm lỗi, các đối tượng có nguy cơ phạm tội tại cơ sở.

2. Phát động phong trào hội viên Cựu chiến binh tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội

- Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, nắm tình hình về an ninh trật tự ở từng địa bàn, khu dân cư; phối hợp các ngành, các cấp giải quyết các vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở.

- Thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an làm tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền có các chủ trương, biện pháp xây dựng, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc tập trung vào các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng tập trung đồng bào theo tôn giáo, các nhà trường, khu kinh tế tập trung, các đô thị lớn.

- Vận động hội viên, nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những tư tưởng, âm mưu và hành động chống phá chế độ, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới và lợi ích quốc gia; hoạt động của các loại tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

- Tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ngành, các lực lượng thực hiện tốt biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến hoặc vi phạm pháp luật; những người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã; những người chấp hành các hình phạt không giam giữ tại địa phương; người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tái hòa nhập cộng đồng.

- Động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm.

3. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có hiệu quả, tăng cường các hoạt động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự từ cơ sở.

- Tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình trong công tác phòng, chống tội phạm như: mô hình "1+ 2", "1+ 3" (01 gia đình Cựu Chiến binh gương mẫu phối hợp với 02 hoặc 03 hộ liền kề tạo thành 01 cụm điểm tựa về phòng, chống tội phạm); mô hình "Tổ an ninh tự quản"... góp phần phòng ngừa tội phạm từ cơ sở.

- Động viên hội viên Cựu chiến binh tích cực tham gia lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, dân phòng, cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm ở phường, xã và động viên hội viên nhận trách nhiệm Tổ trưởng các Tổ an ninh nhân dân, Tổ tuần tra, Tổ tự quản, Tổ hòa giải... tại cơ sở. Qua đó, chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm; tham gia ngăn chặn các hành vi phạm tội; kịp thời phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chủ động vận động, thuyết phục không để xảy ra sự việc phức tạp gây tác động xấu đến an ninh trật tự ở địa phương.

4. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường năng lực phòng, chống tội phạm cho các cấp hội, hội viên.

- Bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật, phương thức, thủ đoạn của tội phạm; kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Xây dựng, củng cố tổ chức Hội Cựu chiến binh, lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, phát huy truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt, thực sự là nòng cốt trong tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Hội Cựu Chiến binh Việt Nam các cấp

- Phối hợp với lực lượng Công an và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền, động viên hội viên, nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Chỉ đạo các cấp hội tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình tốt, thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm nhân rộng và xây dựng các mô hình mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế ở địa phương.

- Làm tốt công tác giáo dục, vận động hội viên, người thân và gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội.

- Thông báo kịp thời cho lực lượng công an những nghi vấn hoạt động phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; phạm tội về hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy; những đối tượng truy nã đang lẩn trốn và các hành vi vi phạm khác.

- Khuyến khích, động viên hội viên tham gia và nhận quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, người bị áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc, những người đang thi hành án các hình phạt ngoài tù theo quyết định của Tòa án nhân dân, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật...; tích cực tham gia thực hiện quy định của Nhà nước về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Tham gia xây dựng củng cố các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp; củng cố, duy trì hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm. Đồng thời tích cực tham gia góp ý kiến để xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.

2. Lực lượng Công an các cấp

- Thường xuyên thông báo với Hội Cựu chiến binh và các ngành, đoàn thể về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự; tình hình, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các loại tội phạm. Phối hợp với Cựu chiến binh phát hiện, ngăn chặn kịp thời và đề xuất biện pháp giải quyết tại chỗ các vụ việc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và các vấn đề phức tạp khác.

- Phối hợp, giúp đỡ Hội Cựu chiến binh xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng nòng cốt ở cơ sở, tổ chức quần chúng làm công tác giữ gìn an ninh, trật tự; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong tham gia phong trào phòng, chống tội phạm. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời chế độ, chính sách và nguyện vọng chính đáng cho những người bị tai nạn, thương tích, có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm.

- Chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin liên quan đến an ninh, trật tự do Hội Cựu chiến binh và nhân dân cung cấp, thông báo kết quả giải quyết để khích lệ phong trào. Tổ chức các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương.

- Thông báo với Hội Cựu chiến binh ở xã, phường về danh sách, thái độ cải tạo, nguyện vọng của những người đã có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định về giáo dục tại xã, phường, thị trấn; những người đang thi hành án các hình phạt ngoài tù theo quyết định của Tòa án nhân dân; những người chấp hành xong án phạt tù, hết hạn giáo dục tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương.

- Tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Hội Cựu chiến binh về kiến thức, kỹ năng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát hiện, ngăn chặn các hành vi phạm tội.

- Xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình hiện nay.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để thực hiện tốt những nội dung công tác phối hợp trên, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Bộ Công an thống nhất quy định:

1. Hội Cựu chiến binh và Công an các cấp nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể hóa để triển khai thực hiện cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện từng địa phương và báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp để chỉ đạo. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các cơ quan tuyên truyền của hai ngành phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chương trình phối hợp đến cơ sở.

2. Chương trình phối hợp này thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2020.

Năm 2014, Hội Cựu chiến binh và Công an các cấp tổ chức quán triệt, triển khai Chương trình phối hợp và ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện ở địa phương.

Hàng năm, Hội Cựu chiến binh và Công an các cấp tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và xây dựng “Kế hoạch hoạt động phối hợp” cho năm tiếp theo; tùy tình hình có thể xây dựng các phương án chuyên đề trọng điểm để tập trung hoạt động. Việc tổ chức sơ, tổng kết định kỳ hàng năm do hai bên luân phiên chủ trì.

Kinh phí thực hiện chủ yếu từ kinh phí các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, ma túy ở địa phương và các nguồn xã hội hóa khác.

3. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam giao cho Ban Tuyên giáo và Bộ Công an giao cho Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là các cơ quan thường trực ở Trung ương, chịu trách nhiệm giúp lãnh đạo Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình phối hợp này.

4. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Bộ Công an yêu cầu Hội Cựu chiến binh và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Chương trình phối hợp; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả về Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam (qua Ban Tuyên giáo), Bộ Công an (qua Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc)./.

 

TM. BAN CHẤP HÀNH TW HỘI CCBVN
CHỦ TỊCH




Thượng tướng Nguyễn Văn Được

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN





Đại tướng Trần Đại Quang


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/cáo);
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/cáo);
- Ban Dân vận Trung ương;
- Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Hội CCB Việt Nam;
- Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục trực thuộc BCA;
- Các Ban, đơn vị thuộc Hội CCB Việt Nam;
- BCĐ 138 các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Hội CCB và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: HCCB, BCA (V11, C41).

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình phối hợp 04/CTr-BCA-HCCB năm 2014 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trong tình hình hiện nay giữa Bộ Công an - Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam

  • Số hiệu: 04/CTr-BCA-HCCB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/04/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Hội Cựu chiến binh Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Được, Trần Đại Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản