Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1734/CTr-TLĐ | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2019 |
NÂNG CAO PHÚC LỢI, LỢI ÍCH CHO ĐOÀN VIÊN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2019 -2023”
Công tác chăm lo phúc lợi và lợi ích cho đoàn viên và người lao động của các cấp công đoàn thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần trực tiếp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn, thu hút người lao động tham gia và gắn bó với tổ chức Công đoàn, đóng góp chung vào kết quả hoạt động của Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhằm tiếp tục đổi mới việc chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động (ĐV và NLĐ) đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng và triển khai Chương trình “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ giai đoạn 2019-2023” như sau:
I. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ
1. Mục tiêu
Tạo bước đột phá trong việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ; phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống như một chính sách an sinh xã hội của công đoàn, xây dựng được các chương trình phúc lợi, lợi ích riêng có của đoàn viên công đoàn, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên với tổ chức Công đoàn Việt Nam, là giải pháp quan trọng để thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam.
2. Chỉ tiêu
2.1. Phúc lợi, lợi ích vật chất cho ĐV và NLĐ
- Từ nay đến năm 2023 thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, các thiết chế bao gồm: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, phòng y tế, khu văn hóa, thể thao, tư vấn pháp luật.
- Tiếp tục thực hiện Chương trình “Mái ấm Công đoàn”, hàng năm phấn đấu hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa từ 3.000 căn nhà trở lên cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
- Hàng năm, 100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”; hỗ trợ chăm lo Tết cho hơn 3 triệu người/năm.
- Hàng năm, phấn đấu hơn 200.000 đoàn viên công đoàn được tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định từ nguồn Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo tự tạo việc làm và Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.
- Phấn đấu 400.000 đoàn viên/năm được trợ giúp từ các Quỹ xã hội của Công đoàn.
- Hàng năm có từ 20% số đoàn viên công đoàn trở lên được hưởng các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi từ các đối tác đã ký kết chương trình phối hợp với các cấp công đoàn.
2.2. Lợi ích tinh thần, quyền lợi chính trị cho ĐV và NLĐ
- Phấn đấu hàng năm 100% đoàn viên công đoàn được thăm hỏi, động viên, tặng quà khi cá nhân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
- Hàng năm, có từ 70% trở lên đoàn viên công đoàn được tham gia học tập, quán triệt, tiếp nhận, thông tin về các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, quy định của địa phương, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động 60% trở lên đoàn viên công đoàn ở doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề.
- Hàng năm, phấn đấu 75% ĐV và NLĐ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, nghỉ mát, vui chơi, giải trí... do tổ chức Công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
- Phấn đấu hàng năm bình quân mỗi công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Đảng giới thiệu được ít nhất 01 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
2.3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ
Hàng năm, phấn đấu 70% trở lên các cuộc kiểm tra, giám sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương có nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ.
1. Chăm lo phúc lợi, lợi ích vật chất cho đoàn viên và người lao động
1.1. Chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ thông qua tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát kết quả thực hiện.
- Tham gia tích cực, kịp thời việc xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là chính sách, pháp luật có liên quan đến phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ như: Tiền lương, tiền thưởng, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, quan tâm đề xuất những quy định có lợi hơn cho ĐV và NLĐ.
- Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, báo cáo của các cấp công đoàn, để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn và pháp luật khác liên quan đến lợi ích của ĐV và NLĐ.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động và công đoàn nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, để người lao động hiểu, thực hiện, đưa ra kiến nghị, yêu cầu cũng như tự bảo vệ quyền lợi của mình.
- Tổ chức giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
1.2. Chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể
- Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo các nội dung thương lượng có lợi hơn cho đoàn viên và người lao động so với quy định của pháp luật, đáp ứng được nguyện vọng của ĐV và NLĐ, tập trung vào các nội dung: Tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, các chế độ phúc lợi vào dịp Lễ, Tết cho ĐV và NLĐ...
- Chỉ ký thỏa ước lao động tập thể khi thương lượng đạt được các nội dung về quyền, lợi ích của đoàn viên và người lao động cao hơn so với quy định của pháp luật hiện hành.
- Tiếp tục hoàn thiện, cập nhật, phân cấp, phân quyền, hướng dẫn, sử dụng dữ liệu TƯLĐTT để nâng cao chất lượng; đôn đốc, giám sát việc thực hiện các điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể đã ký kết, quan tâm thương lượng bổ sung, sửa đổi thỏa ước lao động tập thể khi cần. Đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT.
1.3. Chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ thông qua xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
- Chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng trong lãnh đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và hội nghị người lao động theo đúng quy định để phát huy cao nhất quyền dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo dân chủ công khai, công bằng trong thực hiện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động.
- Chủ động xác định nội dung đối thoại, đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại; lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của ĐV và NLĐ để chuẩn bị nội dung đối thoại; phân loại nội dung ưu tiên đối thoại và đề nghị người sử dụng lao động đối thoại đột xuất về những vấn đề bức xúc mà ĐV và NLĐ cần giải quyết.
- Công đoàn chủ động, tích cực tham gia xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là những quy chế trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động, như: Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Nội quy lao động, Quy chế tiền lương, tiền thưởng; Quy chế thi đua, khen thưởng; Quy chế sử dụng quy phúc lợi; Quy chế đào tạo nâng cao trình độ; Quy chế tuyển dụng...
1.4. Huy động nguồn lực xã hội chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ
- Tiếp tục lựa chọn, thương lượng, ký kết các thỏa thuận với các đối tác, nhằm mang đến cho đoàn viên công đoàn nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết yếu với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Các cấp công đoàn cần tập trung thương lượng, ký kết với các doanh nghiệp tại địa phương để gia tăng lợi ích thiết thực cho đoàn viên như: Các sản phẩm lương thực, thực phẩm; các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, hàng gia dụng, điện tử; các dịch vụ đi lại, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh, thể dục, thể thao, văn hóa, sản phẩm chăm sóc, giáo dục trẻ em...
- Huy động nguồn lực và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, hiệu quả trong hoạt động chăm lo phúc lợi, lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn trong thời gian tới.
- Thông tin, tuyên truyền đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung các hàng hóa, dịch vụ giảm giá, các chương trình phúc lợi, lợi ích để đông đảo ĐV và NLĐ hiểu, được tiếp cận.
1.5. Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của tổ chức công đoàn chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ
- Các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng của tổ chức Công đoàn áp dụng chương trình giảm giá từ 10% - 15% so với giá niêm yết cho đoàn viên công đoàn có thẻ đoàn viên khi sử dụng các dịch vụ.
- Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn xây dựng các chương trình học bổng để hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn hoặc con đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích tốt trong học tập.
- Các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật, khởi kiện miễn phí khi có yêu cầu của đoàn viên công đoàn có nội dung liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn.
- Các nhà trẻ, mẫu giáo của Công đoàn: Có chế độ nhận sớm, trả muộn đối với con đoàn viên công đoàn phù hợp với thời gian làm việc của người lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất; có chính sách giảm chi phí gửi trẻ đối với con đoàn viên công đoàn.
- Các thiết chế Công đoàn có chính sách cho người lao động là đoàn viên công đoàn được hưởng các ưu tiên về giá, quyền được ưu tiên sử dụng, được mua, được cung cấp trước so với các đối tượng khác chưa là đoàn viên công đoàn.
1.6. Đẩy mạnh hoạt động xã hội, từ thiện của Công đoàn chăm lo phúc lợi, lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện của công đoàn theo Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện để nâng cao phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ; đồng thời sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tổ chức và hoạt động Quỹ “Mái ấm Công đoàn” nhằm hỗ trợ ĐV và NLĐ nghèo, đang gặp khó khăn về chỗ ở; ĐV và NLĐ nghèo không có đất ở, nhà ở, đang phải đi thuê nhà ở hoặc có nhu cầu vay vốn để xây nhà, mua nhà ở.
- Tăng cường, bổ sung nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm cho đoàn viên và người lao động thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm và Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo tự tạo việc làm của công đoàn.
- Huy động từ nhiều nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà công vụ, thiết chế văn hóa cho các khu tập thể giáo viên ở những nơi có khó khăn, khu tập trung đông cán bộ công chức, viên chức và người lao động.
- Phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ nói chung, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, lao động nữ. Tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương và các bộ, ngành để chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ.
2. Chăm lo lợi ích tinh thần, quyền lợi chính trị cho đoàn viên
2.1. Chăm lo lợi ích tinh thần cho đoàn viên công đoàn
- Các cấp công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; hoạt động tham quan, nghỉ mát, vui chơi, giải trí, ưu tiên đối tượng là đoàn viên công đoàn, chồng, hoặc vợ và con đoàn viên công đoàn; có chương trình giảm giá đối với đoàn viên công đoàn.
- Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, chuyên môn, kỹ năng, ý thức, tác phong, thói quen tốt cho đoàn viên; đặc biệt quan tâm tổ chức các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về kiến thức tình bạn, tình yêu, giới tính, tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con và ứng xử nơi làm việc.
- Nhà văn hóa, Cung văn hóa, Trung tâm thể thao của Công đoàn ưu tiên cho đoàn viên công đoàn tham gia các hoạt động với giá thấp hơn so với đối tượng chưa là đoàn viên công đoàn.
- Xây dựng môi trường làm việc sạch đẹp, đoàn kết, hòa thuận, cởi mở để phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo, cống hiến của ĐV và NLĐ.
2.2. Chăm lo các quyền lợi chính trị cho đoàn viên công đoàn
- Chủ động đề xuất đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt các đoàn viên đủ tiêu chuẩn; quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên công đoàn.
- Công đoàn chủ động bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú để Đảng xem xét kết nạp.
- Tổ chức các chương trình (tập huấn, tọa đàm, nói chuyện thời sự), để nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, niềm tin đối với Đảng và chế độ của ĐV và NLĐ.
3. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức đối với toàn hệ thống về Chương trình
- Chỉ đạo hệ thống báo chí công đoàn xây dựng các chuyên trang, chuyên mục và thường xuyên đưa tin về Chương trình; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí ngoài hệ thống Công đoàn để tuyên truyền về Chương trình “Phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐM, giúp ĐV và NLĐ hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung, các lợi ích của Chương trình.
- Tăng cường tuyên truyền trực quan bằng việc in ấn pano, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu để căng treo tại các cơ quan, doanh nghiệp, khu nhà trọ; lồng ghép tuyên truyền về Chương trình thông qua các hoạt động như: Tháng Công nhân, Tết Sum vầy, Ngày hội công nhân, Phiên chợ nghĩa tình, các hoạt động tập thể khác có đông đoàn viên và người lao động tham gia.
- In ấn và phát hành tờ rơi, tờ gấp, các video giới thiệu cụ thể về Chương trình “Phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ", giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng với giá ưu đãi, giúp đông đảo ĐV và NLĐ tiếp cận và thụ hưởng.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả trang thông tin điện tử của các cấp công đoàn và của cơ quan, doanh nghiệp trong việc tuyên truyền về chương trình “Phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động”.
- Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, các buổi tập huấn về Chương trình; tiến hành tham quan và chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình triển khai hiệu quả. Tổ chức một số sự kiện lớn, tạo sự quan tâm của ĐV, NLĐ và toàn xã hội đối với Chương trình.
- Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia.
- Công đoàn chủ động phối hợp với người sử dụng lao động phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn” nhằm thu hút đông đảo ĐV và NLĐ tham gia từ đó phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, mở ra cơ hội thăng tiến cho đoàn viên công đoàn.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu trong trong thực hiện Chương trình phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ.
- Định kỳ hàng năm hoặc nhiều năm tổ chức biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu thực hiện chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ. Làm tốt công tác đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Chương trình. Triển khai có hiệu quả Bảng xếp hạng và Giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động”.
- Hàng năm phối hợp với các sở, ban, ngành từ trung ương đến địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách nói chung và phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động nói riêng tại các đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các hành vi vi phạm liên quan tới chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát các cấp công đoàn trực thuộc, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong việc thực hiện Chương trình phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ; kiến nghị xử lý kịp thời các vấn đề pháp sinh.
- Tăng cường trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện giữa các bên, để đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia.
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch và giải pháp thực hiện Chương trình gồm:
+ Xây dựng văn bản tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức toàn hệ thống Công đoàn về Chương trình.
+ Phân công cán bộ chuyên trách để triển khai, thực hiện Chương trình “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ”.
+ Phát huy hiệu quả của Hội đồng Tư vấn chính sách - pháp luật của Tổng Liên đoàn, tham gia xây dựng các chính sách có liên quan đến phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ.
+ Thực hiện hiệu quả Thư viện TƯLĐTT của hệ thống Công đoàn;
+ Đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các Thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
+ Thực hiện hiệu quả Đề án giao khoán lợi nhuận cho các đơn vị kinh tế của Công đoàn.
+ Nghiên cứu, ban hành, triển khai Đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Công đoàn.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn việc thành lập, quản lý, tổ chức và hoạt động Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện của công đoàn, Quỹ “Mái ấm Công đoàn”, Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao động.
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình do đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo họp 6 tháng và một năm để đánh giá kết quả hoạt động, định hướng nhiệm vụ thời gian tiếp theo; giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình, chuẩn bị báo cáo sơ kết, tổng kết, khen thưởng.
- Giao Ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng là đơn vị thường trực, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình; tham gia xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình; tham mưu xây dựng và triển khai các văn bản hướng dẫn cụ thể các giải pháp thực hiện của Chương trình theo từng nội dung, giai đoạn; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Chương trình.
2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương
- Xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung phù hợp thực hiện ở cấp mình và chỉ đạo thực hiện ở các cấp trực thuộc.
- Rà soát, sắp xếp Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện, Quỹ “Mái ấm công đoàn”, thuộc quyền quản lý, hoạt động chi nhánh Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao động để thành lập, quản lý, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn và Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao động.
- Thành lập tổ theo dõi triển khai, thực hiện Chương trình “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ”.
- Phổ biến nội dung Chương trình đến đội ngũ cán bộ chủ chốt và các cấp công đoàn trực thuộc.
- Định kỳ sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 6 tháng và một năm về Tổng Liên đoàn (qua Ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng) vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.
3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
- Căn cứ nội dung Chương trình và chỉ đạo, hướng dẫn của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương xây dựng kế hoạch hoặc hướng dẫn cụ thể và tổ chức thực hiện.
- Chủ động chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ công đoàn cơ sở trong thực hiện các nội dung Chương trình.
4. Công đoàn cơ sở
- Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên, cụ thể hóa và tổ chức các hoạt động liên quan đến công đoàn cơ sở vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm tại cơ sở, tổ chức triển khai tới cán bộ, đoàn viên công đoàn.
- Kịp thời thông tin, báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ trong quá trình thực hiện.
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động” giai đoạn 2019 - 2023. Quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo về Tổng Liên đoàn (qua Ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng) để giải quyết.
| TM. BAN CHẤP HÀNH |
- 1Nghị định 43/2013/NĐ-CP hướng dẫn Điều 10 của Luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
- 2Quyết định 1717/QĐ-TLĐ năm 2019 về Quy chế xét chọn và trao tặng Giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 3Công văn 5025/LĐTBXH-KHTC về đánh giá tình hình thực hiện năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 1Nghị định 30/2012/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện
- 2Nghị định 43/2013/NĐ-CP hướng dẫn Điều 10 của Luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
- 3Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng thiết kế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1717/QĐ-TLĐ năm 2019 về Quy chế xét chọn và trao tặng Giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 5Công văn 5025/LĐTBXH-KHTC về đánh giá tình hình thực hiện năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Chương trình 1734/Ctr-TLĐ năm 2019 về Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động giai đoạn 2019-2023 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 1734/Ctr-TLĐ
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 14/11/2019
- Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Đình Khang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/11/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra