Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1687/CTr-UBND

Kon Tum, ngày 02 tháng 6 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 57/NQ-CP NGÀY 21 THÁNG 4 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN THỂ CHẾ LIÊN KẾT VÙNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Chương trình để triển khai thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành, tạo sự thống nhất để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nội dung được lãnh đạo, chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa tỉnh Kon Tum nhằm góp phần thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững.

- Chương trình phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương, gắn với việc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Kế hoạch số 4661/KH-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh); Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kon Tum (ban hành theo Quyết định số 43/2020/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Nhiệm vụ chung của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Văn bản số 3392/UBND-KTTH ngày 09 tháng 9 năm 2020 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

b) Rà soát các quy hoạch liên quan (trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình) phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng mới hoặc điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng và Luật quy hoạch 2017.

c) Chủ động đề ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng và chủ động triển khai liên kết vùng; đồng thời kịp thời tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách vùng.

d) Chủ động phối hợp, tham mưu trong xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của ngành, địa phương và thông tin vùng nhằm hướng tới tăng cường chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm đạt được mục tiêu chung và thúc đẩy phát triển bền vững của các vùng.

đ) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tham gia công tác liên quan tới phát triển vùng và liên kết vùng.

e) Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng và các hệ lụy do thiếu hợp tác đối với nền kinh tế quốc gia, vùng và địa phương.

g) Thường xuyên nắm bắt thông tin, trao đổi với các bộ, ngành và địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quản lý xây dựng và triển khai chính sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.

2. Nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Khẩn trương hoàn thành xây dựng và tham mưu trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tiến độ đã đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 911/UBND-KTTH ngày 01 tháng 4 năm 2022 (Lập xong quy hoạch: Tháng 6 năm 2022; Thẩm định Quy hoạch: Tháng 8 năm 2022; Phê duyệt quy hoạch: Tháng 10 năm 2022).

- Chủ động tham mưu huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh.

b) Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế phân chia lợi ích, chia sẻ tài chính và các nguồn thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng; tham mưu đề xuất, kiến nghị Trung ương khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn dưới luật tạo cơ chế thuận lợi cho việc phối hợp nguồn lực giữa các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu chung của vùng, sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án “Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan”.

- Tham mưu kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh Kon Tum trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách vùng.

c) Sở Giao thông vận tải:

- Tập trung hoàn thiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các khu vực tập trung nhu cầu vận chuyển lớn.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành, Chính phủ sớm triển khai đường Cao tốc kết nối từ Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đi thành phố PleiKu tỉnh Gia Lai; đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn đèo Lò Xo, huyện Đăk Glei đến Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum; các đoạn còn lại của Quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum, Quốc lộ 40, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B.

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với tạo việc làm, đáp ứng yêu cầu khi tham gia liên kết vùng.

đ) Sở Nội vụ: Chủ trì đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Văn bản số 3392/UBND-KTTH ngày 09 tháng 9 năm 2020 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực; Định kỳ 6 tháng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ theo chỉ đạo Chính phủ tại điểm a, khoản 1, mục III, Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 nêu trên.

e) Các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng quản lý Nhà nước được phân công nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, trong đó ưu tiên nghiên cứu rà soát và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình. Trước ngày 10 tháng 12 hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chương trình.

2. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu VT, KTTH.PHD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Sâm

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình 1687/CTr-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 1687/CTr-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Sâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản