Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ - BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1050/CTr-BYT-BTTTT

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2014

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỐI HỢP THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất Chương trình phối hợp về thông tin, tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Phối hợp tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về y tế; tuyên truyền, vận động toàn xã hội cùng chung tay vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của toàn xã hội đối với hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Thống nhất chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp cung cấp, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để định hướng các cơ quan báo chí và truyền thông chuyển tải đầy đủ thông tin về hoạt động của ngành y tế đến các tầng lớp nhân dân và những người làm công tác hoạch định chính sách các cấp; thông tin, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và các hoạt động kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, các sự kiện và những thành tựu nổi bật của ngành y tế; giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong các phong trào, các cuộc vận động của ngành y tế.

3. Tạo cơ chế phối hợp thường xuyên, xuyên suốt và phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức, đơn vị thuộc hai Bộ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.

II. PHẠM VI CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình này quy định việc phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông về thông tin, tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014-2020, tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế; định hướng thông tin, tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội nhằm đảm bảo công tác chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; phản hồi ý kiến, kiến nghị của các nhà hoạch định chính sách, tổ chức chính trị xã hội, người dân về hoạt động y tế để điều chỉnh cho phù hợp.

III. NGUYÊN TẮC PHỐI HỢP

1. Việc phối hợp giữa hai Bộ phải bám sát khuôn khổ Chương trình và quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan trên tinh thần hợp tác hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2. Hoạt động phối hợp tuyên truyền, phổ biến về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân phải đảm bảo kịp thời, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm đúng quy định của pháp luật và đúng định hướng.

3. Chương trình phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện hàng năm, theo sự chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của lãnh đạo hai Bộ.

IV. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Nội dung thông tin tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế, trong đó chú trọng triển khai tuyên truyền về: Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030; Đề án Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020; Đổi mới cơ chế quản lý tài chính về y tế, trong đó có lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; Chính sách về Bảo hiểm y tế; Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”; Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe”; Chương trình kết hợp quân dân y; Chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình; các sự kiện quan trọng khác của ngành y tế... qua đó góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Tuyên truyền hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; các biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cung cấp thông tin, chính sách định hướng quản lý, công nghệ kỹ thuật mới về trang thiết bị y tế và sản phẩm trang thiết bị y tế sản xuất trong nước; thông tin về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ngành y tế; công tác quản lý môi trường y tế; Tuyên truyền về đổi mới cơ chế tài chính, lộ trình giá dịch vụ y tế, tập huấn phương thức triển khai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về các hoạt động nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, các kỹ thuật, thành tựu y học tiên tiến trong đó có lĩnh vực y dược cổ truyền vào công tác khám, chữa bệnh; các hoạt động tăng cường hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt nâng cao năng lực chuyên môn các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tuyến tỉnh, ứng dụng y tế từ xa nhằm từng bước hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; Tuyên truyền đề án giảm tải bệnh viện; đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình; luân phiên, luân chuyển cán bộ y tế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, xử lý thông tin về các hiện tượng tiêu cực nâng cao sự hài lòng người bệnh, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh trên toàn hệ thống.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020. Tuyên truyền, giáo dục, để mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

- Thực hiện tuyên truyền các vấn đề nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, phân bố dân số cũng như các vấn đề mới của công tác dân số trong tình hình mới.

- Tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam, an toàn tiêm chủng, áp dụng các tiến bộ khoa học và kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử ngành y tế: học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến ngành y tế.

- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, quản lý báo chí, thông tin trên mạng Internet về lĩnh vực y tế. Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ thông tin, viễn thông, hỗ trợ hạ tầng cơ sở kỹ thuật để ứng dụng trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và các hoạt động của ngành y tế đạt hiệu quả thiết thực.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền về y tế cho đội ngũ báo chí, phóng viên, biên tập viên, cán bộ truyền thông cơ sở, nhất là số cán bộ người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

2. Hình thức tuyên truyền, định hướng thông tin

- Tổ chức các tuyến thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài; thông qua hoạt động thông tin cơ sở, các đội thông tin lưu động, các cuộc thi, trưng bày, triển lãm, các chiến dịch truyền thông, lồng ghép với các phong trào, để vận động toàn dân tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

- Tổ chức cung cấp thông tin, định hướng dư luận tại Hội nghị giao ban báo chí hàng tuần và Hội nghị giao ban báo chí - xuất bản ngành Thông tin và Truyền thông hàng tháng khi có vấn đề đột xuất, nhạy cảm liên quan đến công tác y tế.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền cho đội ngũ báo chí, phóng viên, biên tập viên, cán bộ truyền thông, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông cho các cán bộ y tế.

- Tổ chức biên soạn và cung cấp các tài liệu phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó chú trọng đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, biển đảo.

3. Công tác giám sát, đánh giá, biểu dương khen thưởng

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, hai Bộ thường xuyên phối hợp tổ chức, giám sát việc thực các nội dung đã được ký kết để đôn đốc tiến độ thực hiện các công việc theo kế hoạch đề ra.

- Định kỳ hằng năm, tổ chức đánh giá, sơ kết Chương trình; biểu dương, khen thưởng đột xuất cho các tổ chức, cá nhân điển hình, nhân rộng những mô hình phối hợp hoạt động hiệu quả. Khi kết thúc Chương trình, hai Bộ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và có hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Chương trình.

V. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Bộ Y tế

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện có hiệu quả Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế.

- Chủ động cung cấp thông tin chính xác theo định kỳ hoặc đột xuất liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân để Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo kịp thời các cơ quan báo chí tập trung thông tin, tuyên truyền, nhất là tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần, hàng tháng.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân hàng năm; tổ chức hội nghị tập huấn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và cung cấp nội dung, tài liệu, hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình.

- Có kế hoạch hỗ trợ, cử chuyên gia tư vấn khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Chỉ đạo các tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế căn cứ vào Chương trình phối hợp để triển khai công tác phối hợp hàng năm tại địa phương.

- Hỗ trợ kinh phí để các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông

- Tổ chức định hướng thông tin và chỉ đạo các cơ quan báo chí, các đơn vị thông tin cơ sở tăng thời lượng, nội dung và chất lượng tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời các hoạt động của ngành y tế, tạo sự thống nhất đồng thuận của toàn xã hội để cùng ngành y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực y tế trên các cơ quan báo chí, đài truyền hình với sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ lồng ghép việc tuyên truyền về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung vào các Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Chương trình viễn thông công ích; tiêu chí phát triển nông thôn mới về bưu chính, viễn thông và internet... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

- Chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông vào công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực y tế như chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin cho các thuê bao di động khi có công bố tình trạng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh; giới thiệu, hỗ trợ Bộ Y tế trong việc chỉ đạo các hệ thống bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ứng dụng các dịch vụ tư vấn sức khỏe, tư vấn sử dụng thuốc, đặt chỗ khám chữa bệnh qua dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông và qua trang thông tin điện tử chuyên ngành...

- Tăng cường các biện pháp quản lý thông tin trên mạng Internet liên quan đến vấn đề sức khỏe, bảo đảm an toàn thông tin về lĩnh vực y tế.

- Tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng biên tập, viết tin bài tuyên truyền về các chuyên đề trong lĩnh vực y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cán bộ thông tin truyền thông cơ sở; hỗ trợ Bộ Y tế trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền, thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cho đội ngũ làm công tác thông tin, truyền thông ngành y tế.

- Tổ chức các hoạt động đưa thông tin y tế về cơ sở; chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua các đội thông tin lưu động, tổ chức các cuộc thi, trưng bày, triển lãm... ở các địa phương.

VI. PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP

1. Hai Bộ có kế hoạch triển khai Chương trình trong hệ thống tổ chức của mỗi bên từ Trung ương đến địa phương đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chung về công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này và xây dựng chương trình phối hợp trong giai đoạn tiếp theo.

2. Bộ Y tế giao Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Văn phòng là cơ quan đầu mối phối hợp và triển khai Chương trình. Lãnh đạo cơ quan đầu mối của hai Bộ có trách nhiệm tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin, góp ý kiến về các vấn đề có liên quan đến nội dung phối hợp; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình và các Kế hoạch thông tin, tuyên truyền hàng năm; tổng hợp báo cáo kết quả phối hợp hàng năm báo cáo lãnh đạo hai Bộ, xây dựng kế hoạch hoạt động và kinh phí cho năm tiếp theo.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, đơn vị phản ánh về cơ quan đầu mối của hai Bộ để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo hai Bộ có sự điều chỉnh, bổ sung Chương trình hoặc thống nhất cách giải quyết./.

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ




Nguyễn Thị Kim Tiến

BỘ TRƯỞNG
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG




Nguyễn Bắc Son

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ TTTT;
- Sở Y tế, Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ TTTT;
- Lưu: VT BYT, BTTTT.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình 1050/CTr-BYT-BTTTT năm 2014 phối hợp thông tin, tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014 - 2020 do Bộ Y tế - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 1050/CTr-BYT-BTTTT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/10/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyễn Bắc Son
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản