Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 03/CTr-UBND

Hậu Giang, ngày 13 tháng 01 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ LOGISTICS TỈNH HẬU GIANG 5 NĂM 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm (2021 - 2025) và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025, với nội dung sau:

PHẦN MỘT

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ LOGISTICS GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. Kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển về công nghiệp

a) GRDP lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng ở mức khá đạt 12,22%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 9,51%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp đã tăng từ 13,87% năm 2015 lên 20,24% năm 2020.

b) Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8%/năm (5 năm trước là 7,1%). Nhìn chung, các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển tương đối ổn định. Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành như: sản xuất giấy, thủy sản, giày dép; may mặc, hóa chất, dược liệu, đồ uống,… quy mô nhà máy được mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm đã đóng góp cao vào giá trị công nghiệp toàn tỉnh.

c) Cơ cấu lao động khu vực công nghiệp chiếm 14,25% trong tổng số lao động của toàn tỉnh và chiếm 84% lao động khu vực II. Năng suất lao động khu vực công nghiệp đến năm 2020 là 129,1 triệu đồng/lao động/năm.

d) Toàn tỉnh có 182 doanh nghiệp và 4.967 cơ sở cá thể hoạt động sản xuất công nghiệp, tỉnh đã thành lập 02 khu công nghiệp và 08 cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 1.529,7 ha; 5 năm qua thu hút 29 dự án với tổng vốn đăng ký 4.821 tỷ đồng và 120 triệu USD; lũy kế đến nay đã thu hút được 89 dự án, có 60 dự án đi vào hoạt động, tổng mức đầu tư 75.631 tỷ đồng và 488 triệu USD; tổng diện tích đất 02 khu và 08 cụm công nghiệp đã cho thuê là 1.183 ha, tỷ lệ đất được lấp đầy 77,3% tổng diện tích; giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động.

đ) Công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có bước phát triển khá, thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về số lượng, chất lượng và quy mô sản xuất. Sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ngày càng phong phú đa dạng, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được quan tâm cải thiện, một số sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, đang từng bước xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Trong 5 năm, đã thực hiện 43 đề án hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, với tổng kinh phí trên 9,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Công nghiệp nông thôn phát triển đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

e) Hệ thống lưới truyền tải điện được cải tạo, xây dựng mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Các tuyến điện bức xúc, đứt khúc, đứt quãng được quan tâm cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện năm 2020 đạt 99,63%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt 98,62%, đưa mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân tăng 11,3%/năm (từ 492 triệu KWh năm 2015 lên 841 triệu KWh năm 2020).

g) Các dự án năng lượng mặt trời và điện gió đang được các nhà đầu tư tiếp cận, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia 03 dự án năng lượng tái tạo có quy mô công suất 200 MW. Đối với cơ sở, doanh nghiệp đăng ký điện mặt trời mái nhà có công suất nhỏ hơn 1 MW hiện nay là 96 cơ sở với tổng công suất đăng ký 211.730 KWp, trong đó 07 cơ sở, doanh nghiệp đã đóng điện hòa lưới 6.509 KWp, còn lại 89 cơ sở đang triển khai thực hiện dự án; đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ sở sản xuất và hộ dân sử dụng năng lượng mặt trời áp mái tính tổng công suất 2.044 KWp.

2. Tình hình phát triển logistics

a) Kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động logistics thời gian qua được đầu tư nâng cấp mở rộng, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước phát triển theo quy hoạch, tạo điều kiện kết nối hiệu quả mạng lưới giao thông của tỉnh với các tỉnh trong khu vực. Năm 2020 sản lượng vận tải hàng hóa đạt trên 10 triệu tấn (năm 2015 là 8,6 triệu tấn) tăng 3,06%/năm. Trong cơ cấu vận tải hàng hóa của tỉnh, vận tải thủy chiếm vị trí chủ yếu, khoảng 80% khối lượng hàng hóa vận chuyển và 91% khối lượng hàng hóa luân chuyển.

b) Đến nay có 03 dự án trung tâm logistics được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cấp giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư1. Trong đó: 01 dự án đi vào hoạt động là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (Vinalines), 02 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng, các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chủ yếu vận chuyển hàng hóa và cho thuê kho bãi.

3. Công tác xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch

Tỉnh đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực công nghiệp và logistics như:

a) Quyết định số 1185/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt đề án cơ chế thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020.

b) Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

c) Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc quy định về đơn giá dịch vụ hạ tầng trong khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, khu công nghiệp Tân Phú Thạnh - giai đoạn 1.

d) Quyết định số 1309/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc ban hành danh mục dự án thuộc ngành nghề thu hút đầu tư chung vào các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

đ) Kế hoạch số 739/KH-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

e) Kế hoạch số 1537/KH-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

g) Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

h) Kế hoạch số 1983/KH-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025.

k) Quyết định số 1980/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.

l) Quyết định số 42/2020/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước trong Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

m) Quyết định số 43/2020/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc ban hành Quy chế quản lý Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

II. Đánh giá chung

1. Ưu điểm

a) Hậu Giang có vị trí thuận lợi, là tỉnh giáp ranh với thành phố Cần Thơ, trung tâm Tiểu vùng tây sông Hậu có các tuyến đường quốc gia đi qua và mạng lưới sông rạch chằng chịt, có trục giao thông thủy quan trọng vào cảng quốc tế Cái Cui - Cần Thơ,... có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho việc giao thương phát triển công nghiệp và logistics.

b) Kinh tế của tỉnh đang trên đà phát triển, thu nhập người dân từng bước được cải thiện, tác động lên nhu cầu tiêu dùng, sức mua tăng lên cả về số lượng, chất lượng và chủng loại hàng hóa. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật có nhiều thành tựu, nguồn nhân lực ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

c) Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cải tiến máy móc thiết bị để đầu tư hoạt động sản xuất có hiệu quả góp phần gia tăng giá trị, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

d) Việc gia nhập các Hiệp định đa phương, song phương (CPTPP, EVFTA,...) tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm tăng thu nhập cho người lao động.

2. Hạn chế

a) Các doanh nghiệp của Tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực sản xuất còn yếu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất còn lạc hậu, chậm đổi mới nên dẫn đến việc chưa tạo ra được nhiều mặt hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

b) Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp và logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,.. trong Tỉnh và khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động ngành công nghiệp và logistics còn thấp.

c) Quy hoạch các khu công nghiệp chưa gắn kết đồng bộ với quy hoạch hạ tầng xã hội, quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp gây khó khăn trong công tác thành lập mới các khu công nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư chậm làm mất cơ hội đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

d) Cơ chế, chính sách và chất lượng nguồn lực để hỗ trợ nhà đầu tư chưa thật sự hấp dẫn nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp và logistics. Hạ tầng xã hội (bao gồm các khu tái định cư, nhà ở cho công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động) chưa đáp ứng nhu cầu cho người lao động.

3. Nguyên nhân hạn chế

a) Việc phát triển trung tâm logistics của tỉnh chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp và logistics còn nhiều hạn chế, chưa có chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh nên việc chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp còn chậm.

b) Chất lượng lao động ngành công nghiệp và logistics chưa cao, khoa học và công nghệ chưa thực sự đóng vai trò đột phá cho phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp. Đa phần trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ quản lý các doanh nghiệp trong Tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

PHẦN HAI

MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. Mục tiêu

1. Về lĩnh vực công nghiệp

a) Phát triển công nghiệp trên cơ sở huy động nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, để tập trung phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo; tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng phát triển khu, cụm công nghiệp có tiềm lực, các dự án đầu tư có thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây tác động đến môi trường.

b) Đẩy mạnh đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh, đầu tư phát triển hệ thống năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần ổn định năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

c) Phấn đấu đến năm 2025 huyện Châu Thành cơ bản trở thành huyện công nghiệp của tỉnh.

2. Về lĩnh vực logistics

a) Phát triển hệ thống logistics phục vụ sản xuất và tiêu dùng, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong tỉnh, liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Góp phần phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa được thông suốt làm động lực để phát triển hệ thống logistics của tỉnh.

II. Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Lĩnh vực công nghiệp

a) Tốc độ tăng trưởng (GRDP) lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 12,28%/năm. Cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp tăng từ 20,24% năm 2020 lên 25,29% năm 2025.

b) Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 12,95%/năm, quy mô ngành công nghiệp đạt 77.626 tỷ đồng vào năm 2025.

c) Cơ cấu lao động trong khu vực công nghiệp đến năm 2025 chiếm 15,93% trong tổng số lao động trên địa bàn tỉnh.

d) Năng suất lao động khu vực công nghiệp đến năm 2025 là 209 triệu đồng/lao động/năm, tăng bình quân 10,10 %/năm.

2. Lĩnh vực logistics

a) Phấn đấu đến năm 2025 hình thành 05 trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh.

b) Phấn đấu hoàn thành 100% các dự án tuyến đường giao thông thủy, bộ và đưa vào vận hành, lưu thông trong trung chuyển hành khách, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân,.. góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phát triển logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

III. Nhiệm vụ

1. Lĩnh vực công nghiệp

a) Phát triển công nghiệp theo hướng ổn định và bền vững. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

b) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp với các mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

c) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động các khu, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng mới, mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

d) Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động các dự án năng lượng, đồng thời tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án phát triển năng lượng tái tạo theo định hướng của tỉnh.

đ) Rà soát, đánh giá và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh về phát triển công nghiệp.

2. Lĩnh vực logistics

a) Phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

b) Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics đang trong giai đoạn đầu tư; đồng thời, tiếp tục mời gọi đầu tư trung tâm dịch vụ logistics tại các cụm công nghiệp trong tỉnh, hướng đến hình thành một hệ thống dịch vụ logistics liên thông, kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước.

c) Tập trung đầu tư hệ thống giao thông thủy, bộ quan trọng có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, liên kết nội bộ Tỉnh và vùng góp phần phát triển dịch vụ logistics.

IV. Các giải pháp chủ yếu

1. Nhóm giải pháp chung phát triển công nghiệp và logistics

a) Giải pháp về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

- Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông làm nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển công nghiệp và logistics.

- Sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch về phát triển công nghiệp, logistics, định hướng phát triển khu, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch về giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tranh thủ thu hút các nguồn hỗ trợ của Trung ương, vốn vay, vốn tài trợ nước ngoài (ODA) để đầu tư xây dựng mới và cải tạo hoàn chỉnh mạng lưới điện, xây dựng các khu xử lý rác thải, hệ thống cấp, thoát nước ở các đô thị trung tâm, khu, cụm công nghiệp.

- Vận dụng các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, ưu đãi đặc biệt để các doanh nghiệp tự bổ sung vốn, thu hút vốn đầu tư trong dân cư. Coi trọng thu hút cả nội lực và ngoại lực, sử dụng tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn từ đất đai, từ các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, từ các nguồn vốn đầu tư khác. Xác định các công trình, các địa bàn ưu tiên và quy mô ưu tiên để kêu gọi vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

b) Giải pháp về liên kết vùng và hội nhập quốc tế

- Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự chia sẻ, hợp tác, liên kết, giúp đỡ của các tỉnh bạn về phát triển công nghiệp và logistics; có sự liên kết và gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữa quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và logistics của tỉnh với quy hoạch phát triển khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

- Tăng cường công tác tuyên truyền và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các đối tác có kim ngạch nhập khẩu cao, chủ động quan hệ và mở rộng thị trường để tạo điều kiện thuận lợi trong cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thủy sản, đồng thời học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

2. Nhóm giải pháp về phát triển công nghiệp

a) Giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, từng bước hình thành một số ngành trọng điểm, có tốc độ phát triển cao, thuận lợi về thị trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến (rau quả, thủy sản,..), chế tạo và năng lượng (điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện,...).

- Phát triển công nghiệp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, khai thác triệt để các lợi thế có sẵn và tham gia vào mạng lưới sản xuất, đặc biệt nông nghiệp là nguồn cung nguyên liệu đầu vào như: khóm, mía, gạo, thủy sản,… cho ngành công nghiệp chế biến.

- Cụ thể định hướng phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo. Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

- Hỗ trợ để các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, các dự án có quy mô lớn như nhiệt điện, chế biến, thép,... sớm hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (Công suất 1200MW); Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 (Công suất 2120MW; Nhà máy điện rác Hậu Giang (Công suất 12 MW); Nhà máy Điện mặt trời Hậu Giang (Công suất 29MW); Nhà máy điện gió Long Mỹ 1 (Công suất 100 MW), Nhà máy điện trấu Hậu Giang (Công suất 10MW); tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh như: điện gió khoảng 200MW, năng lượng mặt trời khoảng 300MW, điện sinh khối 20MW,...

b) Giải pháp về đất đai, khuyến khích và thu hút vốn đầu tư

- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch sử dụng đất 05 năm thời kỳ (2021 - 2025) của tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 cấp Tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm trên địa bàn tỉnh.

- Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung vận động các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, có quy mô và đóng góp lớn cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

- Cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và bình đẳng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp.

- Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp.

- Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để huy động vốn từ các thành phần kinh tế tham gia sản xuất công nghiệp và xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất công nghiệp; áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng thông qua công cụ lãi suất, cơ chế thuê đất.

- Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; Cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.

c) Giải pháp về quản lý nhà nước trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp

- Nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành trong phát triển công nghiệp về vai trò, vị trí của khu công nghiệp, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện cơ chế “một cửa, một đầu mối” trong công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp.

- Phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở sản xuất công nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển công nghiệp của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý công nghiệp, tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến chính sách phát triển công nghiệp.

- Giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được niêm yết, công bố và kịp thời hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; rà soát bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, không phù hợp theo quy định của pháp luật,... Đồng thời, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp theo hướng sàng lọc dự án đầu tư.

- Tiếp tục thực hiện các Chương trình khuyến công quốc gia của Chính phủ, tăng cường nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Đồng thời, đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công hỗ trợ phát triển các ngành nghề mới, các sản phẩm mũi nhọn phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

d) Giải pháp về phát triển khu, cụm công nghiệp

- Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho khu, cụm công nghiệp; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, cần đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

- Thành lập 05 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Đông Phú - giai đoạn 1, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Đông Phú - giai đoạn 2, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Sông Hậu - giai đoạn 2; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Nhơn Nghĩa A; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Long Thạnh).

- Thành lập 05 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp (tuyến Quản lộ Phụng Hiệp); Cụm công nghiệp Tân Thành, thành phố Ngã Bảy (đường tỉnh 927C); Cụm công nghiệp Vị Bình (QL61C), huyện Vị Thủy; Cụm công nghiệp Vĩnh Viễn (đường tỉnh 931), huyện Long Mỹ; Cụm công nghiệp Phú Tân, huyện Châu Thành; Mở rộng 02 Cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp thành phố Vị Thanh, Cụm công nghiệp thị xã Long Mỹ.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp dựa trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng khu, cụm công nghiệp.

- Phát triển, thu hút đầu tư và bố trí ngành nghề vào các khu, cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch, đảm bảo hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững. Định kỳ hàng năm tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để có phương án điều chỉnh phù hợp, đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, vấn đề về xử lý môi trường, tình hình hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp không có dự án đầu tư, vị trí không thuận lợi, cơ sở hạ tầng khó khăn để tránh lãng phí tài nguyên đất, giúp người dân ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất; tiến hành rà soát và quyết liệt trong việc thu hồi các dự án đầu tư chậm, không triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Đặc biệt quan tâm tới việc thu hút các dự án đầu tư liên quan đến lĩnh vực xử lý môi trường trong các khu, cụm công nghiệp đảm bảo giải quyết triệt để các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.

3. Nhóm giải pháp phát triển logistics

a) Giải pháp về phát triển hệ thống logistics

- Logistics hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất đến khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm,…), xuất nhập khẩu, thương mại, kênh phân phối, bán lẻ,...

- Tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng logistics các trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại và phát triển hệ thống logistics phục vụ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo ra các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế, nâng cao tính hiệu quả, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

b) Giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển logistics của Chính phủ, các Bộ ngành; xây dựng kênh cung cấp thông tin logistics và phổ biến đến các doanh nghiệp logistics trên địa bàn.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, duy trì mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng; xem xét giải quyết ưu đãi đầu tư theo quy định cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh logistics.

- Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hiệp hội, nhóm doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để tăng năng lực cạnh tranh.

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong hoạch định và thực thi chính sách phát triển logistics một cách đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến khích, mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa ổn định theo hướng bền vững.

c) Giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics

- Có chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.

- Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, quan tâm công tác xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics. Rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA), từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics.

- Hỗ trợ các trung tâm logistics được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư sớm đi vào hoạt động như: Trung tâm logistics Mekong do Công ty Cổ phần Mekong logistics làm Chủ đầu tư; Khu trung tâm logistics Hậu Giang do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang làm Chủ đầu tư; Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang do Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên làm Chủ đầu tư. Đồng thời, kêu gọi đầu tư hình thành các trung tâm logistics tiềm năng tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A; Cụm công nghiệp Kho tàng bến bãi Tân Tiến, thành phố Vị Thanh; Trung tâm logistics tại cụm công nghiệp Tân Thành, thành phố Ngã Bảy.

d) Giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ

- Từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông trọng yếu của tỉnh: Mở rộng QL61C (tuyến nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ); Đường tỉnh 931 (đoạn từ Vĩnh Viễn đến Xẻo Vẹt); Đường tỉnh 926B, tỉnh Hậu Giang kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng; dự án giao thông thủy, bộ 925B và kênh Nàng Mau. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy quan trọng như: Kênh Lái Hiếu, Nàng Mau, Cái Côn, Xà No và Quản lộ - Phụng Hiệp.

- Tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư hoàn thiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ trên địa bàn tỉnh có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ vận chuyển hàng hóa, đi lại, mở rộng và nâng công suất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới.

V. Nguồn lực thực hiện Chương trình

1. Phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ

a) Đẩy mạnh phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, khoa học trong ứng dụng, nâng cao hiệu quả nghiên cứu chuyển giao ứng dụng công nghệ trong phát triển công nghiệp và logistics.

b) Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

c) Phát huy vai trò của khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển công nghiệp và logistics, đảm bảo an toàn, đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

d) Vận động khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và logistics nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế.

đ) Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và logistics để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trực tiếp tham gia cùng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề phù hợp với dịch vụ, ngành nghề sản xuất kinh doanh, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; tổ chức đào tạo nghề giúp các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong thời gian tới.

2. Nguồn kinh phí thực hiện

Tăng cường phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào phát triển công nghiệp và logistics trên địa bàn Tỉnh.

Kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác, với tổng kinh phí khoảng 115.712,161 tỷ đồng cho 5 năm, cụ thể:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ phát triển các dự án giao thông huyết mạch của tỉnh, dự kiến khoảng: 7.667,440 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh được cân đối ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp trọng điểm của tỉnh, dự kiến khoảng: 12.405,935 tỷ đồng.

- Vốn doanh nghiệp và nguồn khác: 95.638,786 tỷ đồng.

(Đính kèm Phụ lục)

PHẦN BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở Chương trình này, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị mình và phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra đôn đốc thực hiện Chương trình; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

1. Sở Công Thương

- Chủ trì, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các công việc được giao theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình.

- Nâng cao công tác quản lý các cụm công nghiệp, phối hợp với các ngành liên quan thành lập và mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng Chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện tốt các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,… Thực hiện các chính sách khuyến khích, mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp và logistics trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tham mưu lập Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, khai thác tiềm năng lợi thế, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh.

b) Tham mưu các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3. Sở Tài chính

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và khả năng cân đối ngân sách hàng năm tham mưu cấp thẩm quyền phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.

4. Sở Giao thông vận tải

a) Sau khi “Định hướng phát triển ngành giao thông vận tải và logistics của tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được duyệt, khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông hỗ trợ quá trình vận chuyển hàng hóa, dịch vụ. Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển công nghiệp và logistics của Tỉnh.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Nghiên cứu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hợp tác sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu của lĩnh vực công nghiệp chế biến và logistics.

b) Khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi máy móc, thiết bị tiên tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của Tỉnh.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Căn cứ vào Chương trình này, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường công tác phối hợp với các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và logistics để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu về lao động.

b) Hàng năm, điều tra về cung, cầu lao động để cập nhật vào dữ liệu thông tin nhu cầu nhân lực theo các cấp trình độ, ngành nghề để nhằm định hướng cung cầu lao động của tỉnh trong quản lý đào tạo sử dụng có hiệu quả.

c) Phối hợp với các sở, ngành liên quan để lồng ghép các chương trình đào tạo nghề với công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến đến các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan có liên quan lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đúng quy định.

8. Sở Xây dựng

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động xây dựng đối với các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện theo chức năng nhiệm vụ và phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra trật tự xây dựng; chất lượng công trình xây dựng và an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động tại các dự án trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy hiệu quả cổng thông tin điện tử của tỉnh; tuyên truyền các chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển công nghiệp và logistics.

b) Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát tham gia cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Khoa học và Công nghệ

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện nội dung phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hậu Giang đến năm 2025.

11. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

a) Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, đặc biệt thu hút vào ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh; các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, có tính chủ đạo để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, các dự án công nghệ cao, ít ảnh hưởng môi trường.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập mới 05 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Xây dựng đề án cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp để kêu gọi thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (thay thế Quyết định số 1185/QĐ-UBND ngày 08/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt đề án cơ chế thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020).

c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp đầu tư.

12. Chi cục Hải quan Hậu Giang

a) Thực hiện ứng dụng hiệu quả hệ thống thông quan điện tử. Đảm bảo công tác quản lý hải quan hiện đại, tiện lợi hóa tại các đơn vị, cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

b) Đẩy mạnh cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, thực hiện đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

13. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hậu Giang

a) Căn cứ nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị chỉ đạo các ngân hàng trực thuộc cân đối, bố trí nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo Chương trình này và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

b) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật đối với những Ngân hàng trực thuộc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, báo đài tỉnh thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, chính sách ưu đãi trong vay vốn đối với doanh nghiệp.

14. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập 05 cụm công nghiệp theo quy định pháp luật.

b) Căn cứ Chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, hướng dẫn nghiệp vụ của các sở, ngành chuyên môn và Nghị quyết của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân cùng cấp, xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa các nội dung của Chương trình, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả thiết thực tại địa phương.

Trên đây là Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (HN, TP.HCM);
- Bộ Công Thương;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban Đảng;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh tỉnh;
- Chi cục Hải quan Hậu Giang;
- Báo Hậu Giang;
- Đài PTTH Hậu Giang;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu VT, NCTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Cảnh Tuyên

 



1 - Trung tâm Logistics Mekong do Công ty Cổ phần Mekong Logistics làm Chủ đầu tư;

- Khu trung tâm Logistics Hậu Giang do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang làm Chủ đầu tư;

- Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang do Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên làm Chủ đầu tư.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình 03/CTr-UBND năm 2021 về phát triển công nghiệp và logistic tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025

  • Số hiệu: 03/CTr-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trương Cảnh Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản