Hệ thống pháp luật

THÀNH ỦY HÀ NỘI
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 02-CTr/TU

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2011

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, TỪNG BƯỚC NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

Nông thôn thành phố Hà Nội với diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp trên 192 ha, dân số trên 4 triệu người, chiếm trên 60% lực lượng lao động của toàn Thành phố, là nơi cung cấp nguồn nhân lực xây dựng Thủ đô, đất đai cho phát triển, xây dựng hạ tầng và đô thị, cung cấp lương thực, thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng cho Thành phố nên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Để sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị, hiệu quả kinh tế cao; xây dựng nông thôn mới phát triển theo quy hoạch, cơ sở hạ tầng được từng bước đầu tư đồng bộ, hiện đại đảm bảo môi trường sinh thái, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn không ngừng được nâng cao, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xây dựng Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2011 – 2015, nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết XV, Đại hội Đảng bộ Thành phố với những nội dung cơ bản như sau:.

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN, GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1- Thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Đại hội XIV Đảng bộ Thành phố, 5 năm qua, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng; cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp là: 42,9% - 50,0% - 4,45% - 2,37%. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 đạt bình quân 1,75% năm; tổng sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/ năm; an ninh lương thực được bảo đảm tốt hơn; một số chỉ tiêu chủ yếu khác đều đạt và vượt kế hoạch. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả: diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng.

Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất được coi trọng; bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng cam Canh, bưởi Diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì và Mê Linh….Nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, các loại hình dịch vụ nông nghiệp, thương mại, vận tải…phát triển mạnh ở các huyện, thị xã đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động kinh tế khu vực nông thôn.

2 – Khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư và có nhiều biến đổi tích cực, các chương trình của Thành ủy về phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhiều dự án đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân được triển khai thực hiện.Các công trình thủy lợi, đê điều, kè chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đáy, sông Bùi được đầu tư cải tạo nâng cấp.

Hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, điện, nước sạch được quan tâm đầu tư. Các đường liên xã được nâng cấp, đường liên thôn và đường làng phần lớn được bê tông hóa: 100% số xã có trạm y tế (trong đó 77,6% trạm y tế xã có bác sỹ). Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn. Công trình nhà văn hóa, sân vận động thể thao ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Công tác vệ sinh môi trường bước đầu đã được quan tâm đầu tư, tỷ lệ xã, thôn được thu gom rác thải trên địa bàn Thành phố đạt trên 74%.

3- Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 5,7 triệu đồng/ năm 2006 lên trên 13 triệu đồng/ năm 2010. Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5%; tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt trên 84%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 33%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao.

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, một số nơi có chuyển biến tích cực. Hệ thống các thiết chế văn hóa từ thành phố tới nông thôn tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nông dân, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên được tổ chức đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần nông dân, hạn chế các tệ nạn xã hội. Tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội ở nhiều nơi có tiến bộ rõ rệt theo hướng đơn giản, tiết kiệm và văn minh.

II- HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM

1- Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi còn chậm. Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là ở dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa, nông sản còn thấp. Việc hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp và hộ gia đình nông dân đầu tư để tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thiết bị công nghệ mới vào sản xuất.

2- Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn nhiều yếu kém. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất một số nơi còn nhiều khó khăn. Vệ sinh môi trường khu vực nông thôn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ở các khu vực làng nghề chế biến nông sản và hộ chăn nuôi quy mô lớn trong khu vực dân cư. Quản lý đất đai ở nhiều nơi bị buông lỏng, dẫn tới lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định, có nơi còn diễn biến phức tạp.

3- Đời sống và thu nhập của một số bộ phận nông dân còn thấp, chênh lệch về thu nhập và hưởng thụ văn hóa của người dân ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị còn khoảng cách lớn; nhiều lao động nông thôn thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Chất lượng các dịch vụ về y tế, giáo dục ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch chưa nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn cao, đời sống một bộ phận nông dân, nhất là ở vùng xa trung tâm còn nhiều khó khăn. Kết quả đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là ở những nơi thu hồi đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

III- NGUYÊN NHÂN CỦA HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM

1- Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng cao còn thiếu đồng bộ, còn chồng chéo, chưa rõ trọng tâm, khó vận dụng và tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

2- Đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng nông thôn còn ở mức thấp, dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, tầm quan trọng và đóng góp của khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô. Trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở nông thôn ở nhiều nơi còn hạn chế.

3- Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, do vậy chưa quan tâm lãnh đạo, kiểm tra thường xuyên, sâu sát, quyết liệt; thiếu các giải pháp cụ thể, hiệu quả để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, TỪNG BƯỚC NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I- MỤC TIÊU

1- Mục tiêu chung

- Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Xây dựng nông thôn mới phát triển theo quy hoạch, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái, cảnh quan sạch đẹp, gắn kết hợp lý giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị.

- Từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân. Nông dân được đào tạo, tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc; chú trọng giải quyết việc làm, giảm dần khoảng cách thu nhập, hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị.

- Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn.

2- Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

2.1- Về nông nghiệp: Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 1,5-2%/ năm trở lên. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 231 triệu đồng/ha. Diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 35%, diện tích trồng rau an toàn tập trung đạt 5.500 ha, diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt 2.160 ha, diện tích trồng mới cây ăn quả chất lượng cao đạt 750 ha, bảo vệ và nâng cao chất lượng diện tích rừng 23.600 ha. Chăn nuôi ổn định với đàn lợn khoảng 1,4 triệu con, đàn gia cầm khoảng 15 triệu con, đàn trâu, đàn bò khoảng 200 ngàn con (trong đó bò sữa 15 ngàn con). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt trên 400 ngàn tấn. Mỗi năm chuyển đổi được từ 200 - 250 ha ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

2.2- Về xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu đến năm 2015, có trên 40% số xã trên địa bàn Thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Hoàn thành quy hoạch các xã xây dựng nông thôn mới trong năm 2012. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt 87%, trạm y tế được kiên cố hóa đạt khoảng 98%, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia từ 50% - 55%. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được dùng nước sạch đạt 60%. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 68%; tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa – thể thao đạt 92%. Có 100% số cơ sở giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và hoàn thành các chi tiêu về an ninh, quốc phòng.

2.3- Về nâng cao đời sống nông thôn: Thu nhập của nông dân phấn đấu đạt 25 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20% lao động xã hội; lao động nông nghiệp qua đào tạo phấn đấu đạt 55%, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 70.000 – 75.000 lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5-1,8%/năm.

II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1- Về phát triển sản xuất nông nghiệp

1.1. Hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành

Thành phố tập trung chỉ đạo, đầu tư kinh phí lập, điều chỉnh, bổ sung hoàn thành các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch thủy sản, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch đê điều… Chất lượng quy hoạch phải có tầm nhìn rộng, cơ sở khoa học và thực tiễn cao, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thời gian hoàn thành xong trong năm 2012.

Các huyện, thị xã triển khai xây dựng các quy hoạch chi tiết của địa phương, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành của Thành phố và tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.

Các cơ quan chức năng của Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với các công trình, dự án thực hiện không đúng quy hoạch để đảm bảo tính thống nhất của quy hoạch và sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

1.2. Rà soát,bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nông dân dồn điền, đổi thửa, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp

Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô hợp lý, trong đó tập trung một số vùng có điều kiện thuận lợi với quy mô sản xuất lớn tập trung, ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung hỗ trợ về giống, đào tạo kỹ thuật, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản, hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất chăn nuôi, trồng trọt tập trung, dồn điền, đổi thửa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Các cơ chế, chính sách ban hành cần cụ thể, đồng bộ, sát thực tế, thuận tiện và đơn giản trong tổ chức thực hiện; mức hỗ trợ phải đảm bảo để khuyến khích doanh nghiệp và nông dân hăng hái đầu tư sản xuất, đúng các quy định pháp luật hiện hành. Hằng năm UBND Thành phố, UBND các huyện, thị xã chủ động bố trí nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ được kịp thời, hiệu quả.

1.3. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Thành phố chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm, phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển sản xuất và tiêu thị rau an toàn, phát triển cây ăn quả đặc sản, phát triển sản xuất hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao, phát triển vùng chè chất lượng cao, chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái, cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển chăn nuôi hàng hóa xa khu dân cư, phát triển nuôi trồng thủy sản… Các chương trình, đề án xây dựng phải có tính khả thi cao, đầu tư đồng bộ, phân công rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hện để từng bước hình thành và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Thành phố bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở làm nhiệm vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất cao, chất lượng cao để đưa vào sản xuất. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất giống thương phẩm đảm bảo chất lượng theo quy định để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất đại trà, không để nông dân thiếu giống tốt hoặc mua phải giống kém chất lượng.

1.4. Xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở cơ sở và tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất

Thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án cán bộ khoa học kỹ thuật về cơ sở theo hướng mỗi xã có sản xuất nông nghiệp được bố trí 01 viên chức kỹ thuật trồng trọt và 01 viên chức kỹ thuật chăn nuôi có trình độ từ cao đẳng trở lên làm nhiệm vụ tham mưu cho UBND cấp xã về phát triển sản xuất nông nghiệp và thực hiện việc hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp cho hộ nông dân.

HĐND, UBND các cấp bố trí tăng thêm kinh phí hàng năm đầu tư đào tạo, tập huấn, dạy nghề nông nghiệp kỹ thuật cao cho nông dân theo hướng nông dân phải được học tập đầy đủ cả về kỹ thuật, quản lý sản xuất, liên kết tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với thực hành tại chỗ. Thành phố đầu tư xây dựng một trung tâm đào tạo và thực hành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô đào tạo từ 1.800 – 2.000 lao động nông nghiệp/năm theo hướng Nhà nước đầu tư xây dựng toàn bộ hạ tầng và các công trình phục vụ giảng dạy; hỗ trợ hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản….ứng dụng công nghệ để nông dân thực hành tại chỗ.

1.5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước các cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, phát triển mới các hợp tác xã ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn

Thành phố tăng cường đầu tư nguồn nhân lực cho đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và kỹ thuật ngành nông nghiệp các cấp, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để nâng cao khả năng chẩn đoán và phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng các loại vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật….để hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Tiến hành rà soát, đánh gia hoạt động của các HTX nông nghiệp để phân loại chất lượng, trình độ quản lý, điều hành của cán bộ, trên cơ sở đó xây dựng đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động để HTX nông nghiệp thực sự là một tổ chức kinh tế có vai trò thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở cơ sở. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển và thành lập mới các HTX chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, thương mại, vận tải, tiểu thủ công nghiệp…. theo luật HTX để tập hợp lao động nông thôn đoàn kết, hỗ trợ nhau sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

1.6. Tăng cường đầu tư xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân tiêu thụ nông sản

Thành phố cần chủ động có các giải pháp cụ thể tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất và chế biến nông sản với các tỉnh trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân tổ chức và tham gia các hội chợ, các triển lãm hàng nông sản và làng nghề; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề của Thủ đô.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ đầu mối nông, lâm sản ở các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và vùng phụ cận đô thị; hỗ trợ, nâng cấp xây dựng các chợ nông thôn, các cơ sở chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; đầu tư xây dựng trung tâm giao dịch và giới thiệu hàng hóa nông sản, sản phẩm làng nghề chất lượng cao Hà Nội; thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở NNPTNT làm nhiệm vụ giúp cho doanh nghiệp và nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề.

2- Xây dựng nông thôn mới

2.1. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm xây dựng nông thôn mới

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung chỉ đạo và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô. Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thành ủy, các cơ quan truyền thông, báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT xây dựng kế hoạch, nội dung công tác tuyên truyền và tổ chức tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Các cơ quan thông tin, báo chí của Thành phố tăng thêm thời lượng tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến, phương pháp hay, sáng kiến, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, kịp thời phê phán những nơi triển khai thụ động, kém hiệu quả, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước.

2.2. Thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới

Thành phố chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý và tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới cho hệ thống cán bộ cơ sở từ cấp bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn trở lên. Nội dung, thời lượng kiến thức của chương trình phải phù hợp với thực tiễn và trình độ của cán bộ cơ sở, kết hợp giữa lý thuyết với tham quan thực tế các điển hình ở trong và ngoài nước. Phấn đấu đến hết năm 2012 hoàn thành giai đoạn đào tạo kiến thức cơ bản, đến hết năm 2014 hoàn thành giai đoạn đào tạo nâng cao.

2.3. Tập trung huy dộng các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư xây dựng nông thôn mới

Ngân sách nhà nước các cấp hàng năm dành tối thiểu 35% đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 21/4/2010 của HĐND Thành phố bề xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp từ 6-8% (không kể vốn đầu tư xử lý khẩn cấp cho thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão). Trọng tâm là đầu tư, hoàn thành công tác quy hoạch, xây dựng nông thôn mới các xã trong năm 2012, xây dựng cơ sở hạ tấng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, nước sạch nông thôn, xử lý môi trường các làng nghề chế biến nông lâm sản bị ô nhiễm nặng, xây dựng các cơ sở thu gom các xử lý rác thải, hạ tầng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, thực hện các chương trình phát triển nông nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân. Tăng cường phân cấp để tạo nguồn thu và khuyến khích các huyện, thị xã tập trung ngân sách và dành nguồn thu từ đất đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông thôn.

UBND các cấp bố trí ngân sách hàng năm để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa khu vực nông thôn, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, phát triển các làng nghề, các cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nông dân.

Vận động hướng dẫn các hộ gia đình nông dân tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng đường thôn, xóm và các công trình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh và giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp. Đa dạng hóa các hình thức đóng góp bằng tiền, bằng ngày công lao động, bằng vật tư, tài sản. Tích cực vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông, chỉnh trang các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục…

2.4. Hệ thống chính trị Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đồng bộ xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan trên cơ sở Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND, ngày 21/4/2010 của HĐND Thành phố về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Thành phố, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới theo từng tiêu chí thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, đơn vị mình và phối hợp tổ chức chỉ đạo thưc hiện. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện, định kỳ sơ kết hàng năm để đánh giá kết quả và đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả.

Các đơn vị quân đội, công an Thành phố tăng cường công tác huấn luyện, giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao trình độ, năng lực và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang Thành phố, phối hợp cùng với chính quyền các cấp xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp phát sinh, giữ vững an ninh chính trị ở nông thôn. Lãnh đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ về quốc phòng và an ninh để đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính, trật tự an toàn xã hội của thành phố.

3- Từng bước nâng cao đời sống nông dân

3.1. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng nhanh năng suất, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp của Thành phố, các sở: Nông nghiệp và PTNT, KHCN phối hợp với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học của Trung ương trên địa bàn Thành phố tập trung đầu tư nghiên cứu, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến về giống, kỹ thuật thâm canh cho nông dân ứng dụng vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, an toàn vệ sịnh thực phẩm như: gạo thơm, rau an toàn, hoa, quả cao cấp, thịt, trứng, sữa…. Đồng thời cải tiến phương pháp thu hoạch, bảo quản, chế biến để tăng thêm giá trị thu nhập trên một ha đất sản xuất nông nghiệp mỗi năm từ 6-8%, nâng cao hiệu quả thu nhập cho nông dân.

3.2. Phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn

Thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng mới và mở rộng các khu, cụm công nghiệp; các làng nghề để giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đến năm 2015, hoàn thành xây dựng mới 21 cụm công nghiệp với diện tích 726 ha. Phát triển làng nghề đạt 1.500 làng, trong đó có 525 làng nghề truyền thống được công nhận để thu hút tối thiểu 50% lao động trong nông thôn vào làm việc. Việc phát triển các làng nghề, cụm công nghiệp phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề.

3.3. Phát triển hệ thống dịch vụ để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng về nông nghiệp

UBND các cấp dành kinh phí đầu tư, nâng cấp chợ nông thôn, hỗ trợ xây dựng các trung tâm thương mại cấp huyện, cấp xã, để thu hút nguồn hàng phục vụ nhu cầu nhân dân nông thôn. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, vận động, tuyên truyền và hỗ trợ thành lập, phát triển các hợp tác xã dịch vụ về vận tải, xây dựng, tín dụng…để vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân nông thôn vừa tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế và thu hút chuyển dịch lực lượng lao động. Tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng và các cơ sở dịch vụ về thông tin, văn hóa, y tế, giáo dục để thúc đẩy tăng trưởng về dịch vụ nông thôn hàng năm đạt 10% trở lên.

3.4. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với nông dân

Thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là các hộ nghèo, các hộ cận nghèo và các gia đình chính sách. Tăng đầu tư cho công tác dạy nghề cho nông dân gắn với phát triển sản xuất hàng hóa để tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực nông thôn bình quân từ 7-8%/năm.

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, các hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững, quan tâm hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình khó khăn. Ngành lao động thương binh xã hội nghiên cứu thí điểm việc tổ chức và lập quỹ hưu nông dân; ngành y tế triển khai mở rộng mô hình bảo hiểm y tế tự nguyện cho nông dân đạt 70-80% trở lên; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm sản xuất nông nghiệp để hạn chế thiệt hại và rủi ro cho nông dân.

Đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng thông tin, giải trí, thư viện để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho nông dân. Đặc biệt chú ý đầu tư các công trình vui chơi lành mạnh cho trẻ em, các khu tập luyện, thể dục thể thao cho nông dân, nhất là người cao tuổi. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kêt, xây dựng làng, khu phố, cơ quan văn hóa. Đồng thời có các giải pháp hạn chế các tiêu cực phát sinh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản vật thể và phi vật thể nông thôn.

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình, Thành ủy phân công tổ chức thực hiện như sau:

1- Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng kế hoạch Chương trình hàng năm, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện. Chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các sở, ngành xây dựng các đề án, dự án đầu tư và bố trí đủ nguồn lực để đảm bảo triển khai thực hiện các đề án, dự án đã xây dựng có hiệu quả, đúng tiến độ, đạt các mục tiêu của Chương trình đề ra.

2- Đảng đoàn HĐND Thành phố chỉ đạo HĐND Thành phố tiếp tục nghiên cứu, ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; bố trí đủ nguồn lực thực hiện đạt các chỉ tiêu của Chương trình hàng năm. Tổ chức kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ giám sát các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, HĐND và UBDN các quận, huyện, thị xã trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình.

3- Các ban đảng Thành ủy theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp và chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động cán bộ, nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình. Đồng thời tổ chức giám sát, kiểm tra cấp ủy các quận, huyện, thị xã, các cơ quan Thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

4- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái, tự giác tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân.

5- Các huyện ủy, thị ủy căn cứ nội dung Chương trình, chỉ đạo UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể của cấp mình, phù hợp với nguồn lực và điều kiện của địa phương; hàng năm bố trí ngân sách, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của cấp mình.

6- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình) phối hợp với Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình của Thành phố./.

 

 

T/M THÀNH ỦY
BÍ THƯ




Phạm Quang Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 – 2015 do Thành ủy Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 02-CTr/TU
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/08/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phạm Quang Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/08/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản