Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2013/CT-UBND

An Giang, ngày 10 tháng 4 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN DỊCH BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG Ở GIA SÚC GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Trong nhiều năm qua, trên phạm vi cả nước, dịch bệnh lở mồm long móng thường xuyên xảy ra ở nhiều tỉnh, thành; riêng năm 2011 dịch bệnh đã xảy ra ở 35 tỉnh gây bệnh 140.979 con gia súc, trong đó chết và tiêu hủy 39.228 con gia súc và năm 2012 dịch bệnh tiếp tục xảy ra ở 07 tỉnh gây bệnh 1.280 con gia súc, trong đó tiêu hủy 719 con gia súc. Nhìn chung, dịch bệnh tuy có giảm nhưng nguy cơ xảy ra dịch là rất cao do đa số gia súc vẫn chưa được tiêm phòng mặc dù Trung ương đã và đang thực hiện Chương trình khống chế và thanh toán dịch bệnh này.

Trong giai đoạn 2006 – 2012, trên địa bàn tỉnh An Giang, bệnh lở mồm long móng không xảy ra thành dịch; tuy nhiên, bệnh cũng đã xuất hiện cục bộ trên đàn heo của một số hộ dân ở Long Xuyên, Tân Châu, Phú Tân ... và đã sớm được khoanh vùng và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia nên việc vận chuyển lậu các gia súc thường xảy ra và rất khó kiểm soát phát hiện, xử lý, tiêu hủy gia súc có triệu chứng dịch lở mồm long móng nhập lậu từ Campuchia và các tỉnh. Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh gia súc tồn tại, phát tán và lây lan. Đó chính là những yếu tố tiềm ẩn, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và lây lan ra nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và sức khỏe người dân.

Trước tình hình trên, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh tái phát trên gia súc và thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch ở gia súc của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, khu dân cư và các hộ gia đình, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và quy định của pháp luật về thú y. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc và tiêm phòng bổ sung theo quy định. Xác định công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng ở gia súc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một trong những nội dung đánh giá thi đua hàng năm tại các địa phương. Kiên quyết không để dịch lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn mình quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các công việc sau:

- Chỉ đạo cơ quan thú y phối hợp với Ban quản lý chợ, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra giám sát tình hình kinh doanh sản phẩm gia súc, đảm bảo thực phẩm kinh doanh tại chợ đã qua kiểm dịch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc chưa qua kiểm dịch thú y.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy kỹ thuật viên xã, phường, thị trấn. Thực hiện tốt Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2011 – 2015, tiêm phòng cho trâu, bò ở các huyện, thị xã giáp biên giới với Vương quốc Campuchia. Trong trường hợp vaccin lở mồm long móng do Trung ương cấp không đủ thì ngân sách tỉnh sẽ ưu tiên mua để tiêm miễn phí số trâu, bò còn lại của các địa phương này. Vận động các hộ, trang trại chăn nuôi tiêm phòng vaccin lở mồm long móng trên đàn gia súc, nhất là các xã có ổ dịch cũ trước đây, chủng loại vaccin tiêm phòng phải phù hợp với chủng loại vaccin lở mồm long móng sử dụng trong Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng của Trung ương.

- Thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Chi cục Thú y phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã khu vực biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn triệt để việc vận chuyển gia súc chưa được kiểm dịch qua lại biên giới. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và các trường hợp vi phạm về vận chuyển, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc, giết mổ gia súc mắc bệnh và có dấu hiệu bệnh.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình An Giang, Báo An Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế thông tin cho người dân hiểu rõ sự nguy hại của dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, kịp thời đưa tin về diễn biến và nguy cơ bệnh dịch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chủ động, tích cực tham gia các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

5. Sở Tài chính cân đối ngân sách tỉnh ưu tiên đảm bảo đủ kinh phí cấp cho công tác phòng chống dịch theo quy định pháp luật hiện hành.

6. Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý chợ phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình vận chuyển, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc trên đường bộ, đường thủy tại các khu vực giáp ranh với vùng biên giới và các địa phương nhất là ở các vùng có dịch.

7. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý các bến xe thông báo cho chủ phương tiện vận tải công cộng chấp hành nghiêm việc không vận chuyển gia súc sống và các sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc.

8. Công an tỉnh thường xuyên cử lực lượng phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch để chặn kiểm các trường hợp nghi ngờ vận chuyển gia súc sống trên các phương tiện vận tải hành khách và xử lý nghiêm đối với các chủ phương tiện vận chuyển cố tình vi phạm hoặc tái phạm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Chỉ thị này. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị số 03/2013/CT-UBND về đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc giai đoạn 2013 - 2015 do Tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 03/2013/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/04/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản