Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 1979 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TÍCH CỰC PHÒNG CHỐNG DỊCH PHÁ HOẠI ĐÊ ĐIỀU VÀ CÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI.

Bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc đã điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược nước ta. Tại một số vùng thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc, cùng với những hành động dã man bắn giết, cướp đoạt tài sản của nhân dân, phá hoại cơ sở kinh tế, di tích lịch sử, chúng đã cố ý phá hoại các công trình thuỷ lợi. Nay mặc dù bị thất bại nặng nề, chúng tuyên bố rút quân, nhưng chưa từ bỏ âm mưu xâm lược và phá hoại nước ta.

Vì vậy, việc phòng chống địch phá hoại đê điều và các công trình thuỷ lợi cần đặt  thành một nhiệm vụ quan trọng suốt thời gian kháng chiến cứu nước, chống bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc. Ngành thuỷ lợi và các địa phương phải có biện pháp tích cực và chủ động phòng, chống, ngăn chặn và bẻ gẫy những âm mưu tội ác của chúng, quyết tâm giữ vững an toàn cho đê điều và các công trình thuỷ lợi.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho ngành, các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh những nhiệm vụ sau đây:

1. Làm cho cán bộ, nhân dân thấy được âm mưu và hành động thâm độc của địch hòng gây tai họa lớn đối với dân tộc ta và luôn luôn đề cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ đê điều và các công trình thuỷ lợi trong mọi tình huống.

2.  Bộ Thuỷ lợi chỉ đạo, đôn đốc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện kế hoạch tu bổ đê, kè, cống năm 1979,  phấn đấu hoàn thành vào đầu tháng 4 năm nay, kiểm tra đôn đốc việc tu sửa các tuyến đê dự phòng đã hình thành trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trước đây.

3. Dưới sự hướng dẫn của Bộ Thuỷ lợi, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải tổ chức kiểm tra xác định vị trí trọng điểm ở từng vùng, từng loại công trình, xét duyệt các phương án bảo vệ do Ty thuỷ lợi cùng bộ chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng. Sau khi các phương án bảo vệ đê điều và công trình thuỷ lợi được duyệt, cần tiến  hành ngay việc chuẩn bị cơ sở vật chất - kỹ thuật và các biện pháp cụ thể để khẩn trương triển khai, tổ chức thực tập rút kinh nghiệm bổ khuyết; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, dụng cụ thiết yếu, bố trí ở những vị trí cơ động để kịp ứng cứu kịp thời ngay trong giai đoạn đầu. Bộ chỉ huy quân sự địa phương phối hợp với ngành thuỷ lợi bố trí trận địa, kết hợp giữa củng cố phòng tuyến lũ với đánh địch, chấp nhận đầy đủ những quyết định trong điều lệ bảo vệ đê điều và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Nghiêm cấm việc đào công sự và giao thông hào vào thân đê và trong phạm vi lưu thông đê. Cần tổ chức nguỵ trang các công trình đầu mối của hệ thống thuỷ nông.

4. Cơ quan công an của các địa phương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ những phần tử xẩu ở những vùng ven đê, vùng phụ cận hồ chứa nước và các công trình thuỷ lợi khác, đồng thời phối hợp với ngành thuỷ lợi và dân quân tự vệ tổ chức và thực hiện thật nghiêm ngặt chế độ tuần tra canh gác trên toàn tuyến đê, đập dâng, cống lấy nước, đập tràn, xả lũ, âu thuyền… đặc biệt chú ý những vị trí trọng điểm ở các ngã ba sông, vùng đông dân, vùng giáp ranh giữa hai địa phương, nơi họp chợ, bến tàu, vùng hẻo lánh.

Ở một số vị trí cần thiết phải thiết lập các trạm gác, dựng các biển lược trích những điều cấm trong nội quy, điều lệ bảo vệ công trình đã được Nhà nước quy định.

Dựa vào lực lượng dân quân tự vệ của các xã ven đê, vùng phụ cận hồ chứa nước, công trình thuỷ lợi để tổ chức và huấn luyện việc tuần tra canh gác, bố trí lực lượng xử lý những trường hợp công trình bị hư hại, kết hợp với lực lượng thường trực chiến đấu đánh địch. Cần vận dụng chế độ huy động dân công thời chiến ở những khu vực này một cách thoả đáng, đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho tiền tuyến, cho sản xuất và cho bảo vệ đê điều và công trình thuỷ lợi.

5. Mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ sở sản xuất và vùng dân cư trong khu vực được bảo vệ hoặc ở hạ lưu các hồ chứa nước phải có kế hoạch đề phòng tình huống xấu nhất; có phương án xử lý khi đê hoặc đập ngăn nước bị vỡ. Đặc biệt chú ý việc bảo vệ người, tài sản của Nhà nước, của tập thể và của nhân dân; nhanh chóng khôi phục hậu quả do kẻ địch gây ra, bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc và chiến đấu tốt.

6. Bộ thuỷ lợi, Ủy ban nhân dân các cấp, các đồng chí thủ trưởng các ngành có liên quan cần tổ chức việc kiểm tra đôn đốc thực hiện chỉ thị này một cách nghiêm túc và khẩn trương. Đặc biệt các ngành quốc phòng, nội vụ, lao động, giao thông vận tải, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Nội thương, lương thực và thực phẩm, y tế, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh … phải phối hợp chặt chẽ với các ngành thủy lợi để hướng dẫn cơ sở, giải quyết kịp thời mọi nhu cầu của công tác phòng, chống địch phá hoại đê điều và công trình thuỷ lợi.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Phạm Hùng



HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 95-TTg năm 1979 về tích cực phòng chống dịch phá hoại đê điều và các công trình thuỷ lợi do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 95-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/03/1979
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản