Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 1963 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN TẦU, THUYỀN VẬN TẢI VÀ NGHỀ CÁ

Để khắc phục tình trạng thiếu cân đối giữa giao thông vận tải thủy và nghề cá theo yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân, khối lượng hàng hóa bằng đường thủy và nghề cá ngày càng tăng nhưng khả năng phương tiện tăng quá chậm, thậm chí có loại bị sụt nhiều, công tác quản lý vận tải, quản lý cơ sở đóng, sửa chữa và sử dụng tầu, thuyền nói chung chưa tốt.
Căn cứ các ý kiến đã nhất trí giữa các bộ, các ngành và Ủy ban hành chính các địa phương trong hội nghị phát triển thuyền ngày 10/5/1963 và 05/7/1963 do Phủ Thủ tướng triệu tập, Thủ tướng Chính phủ thông qua về nguyên tắc đề án phát triển thuyền vận tải và nghề cá do bộ Giao thông vận tải trình bày và chỉ thị các bộ, các ngành, các địa phương chú trọng giải quyết tốt những vấn đề sau đây:
1. Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản cần tính toán kỹ để thống nhất phương hướng và yêu cầu tăng về khối lượng tầu thuyền vận tải và nghề cá so với tốc độ tăng về sản xuất và xây dựng cơ bản Nhà nước năm nay và cho những năm sau; xác định chỉ tiêu đóng tầu, thuyền để giao các ngành và các địa phương, trước mắt là kế hoạch 1963, kể cả số thuyền phải bù cho số bị hư nát và số dự trữ cần thiết để phòng kế hoạch đột xuất.

2. Tổng cục lâm nghiệp cần soát lại kế hoạch khai thác, phân phối gỗ đóng tầu, thuyền của Nhà nước từ đầu năm, đối chiếu với yêu cầu cụ thể để đóng tầu, thuyền đặt mức phấn đấu bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác, phân phối gỗ đóng tầu, thuyền cho vận tải và nghề cá.

3. Ủy ban khoa học Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản, Tổng cục lâm nghiệp nghiên cứu xác định tiêu chuẩn sử dụng các loại gỗ đóng tầu, thuyền, mở rộng chủng loại gỗ cần thiết đáp ứng yêu cầu đóng tầu, thuyền hợp với khả năng thực tế rừng của nước ta.

Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản, Ủy ban hành chính các địa phương cần tích cực lãnh đạo, hướng dẫn và đề ra chế độ quản lý chặt chẽ việc sử dụng gỗ cho các cơ sở đóng tầu,  thuyền, sử dụng bảo quản tốt, triệt để tiết kiệm gỗ và các nguyên liệu, vật liệu khác. Trước mắt phải nghiên cứu và phổ biến ngay, thiết kế mẫu cho từng loại tầu, thuyền xuống tận cơ sở, định mức sử dụng quy cách và tiết kiệm gỗ và bảo đảm an toàn cho giao thông vận tải và nghề cá. Mặt khác cần xúc tiến việc tổ chức màng lưới ngâm tầm gỗ, hiện nay cần tận dụng các cơ sở ngâm tầm sẵn có của Bộ Giao thông vận tải để áp đáp ứng nhu cầu của các ngành.

Đặc biệt cần chú trọng tận dụng các thứ gỗ đóng tầu, thuyền hiện có. Các cơ sở quốc doanh (Trung ương cũng như địa phương) sau khi đã lựa chọn các cỡ gỗ đúng quy cách để đóng tầu, thuyền lớn cho quốc doanh vận tải, cần phải sử dụng tốt các cơ sở có thể đóng thuyền được để đóng thuyền nhỏ cung cấp cho các hợp tác xã vận tải và đánh cá. Tuyệt đối cấm không được dùng các thứ gỗ ấy vào việc khác.

4. Đối với các cơ sở đóng và sửa chữa tầu, thuyền của các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh và hợp tác xã, Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản cần nghiên cứu để có quy hoạch, phân công hợp lý nhằm chuyên môn hóa việc đóng tầu, thuyền. Phải quản lý tốt và tận dụng các cơ sở hiện có,  đồng thời tùy theo điều kiện thuận lợi nhất là ở các địa phương có nhiều nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, kỹ thuật và nhân lực thì có thể phát triển thêm cơ sở mới một cách vững chắc.

Ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, các cơ sở nếu còn dư lực lượng cần phải tận dụng để phục vụ cho nhu cầu của địa phương.

5. Ủy ban hành chính các địa phương có trách nhiệm lãnh đạo và giúp đỡ các ty lâm nghiệp, giao thông vận tải, thủy sản, công nghiệp địa phương đẩy mạnh hơn nữa, việc cung cấp gỗ và việc đóng tầu, thuyền theo kế hoạch của Trung ương và địa phương. Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản, Tổng cục lâm nghiệp chỉ đạo hướng dẫn về mặt kế hoạch và nghiệp vụ chuyên môn đối với các ty và các cơ sở khai thác gỗ, các cơ sở đóng tầu, thuyền của địa phương thuộc phạm vi quản lý của mình, thường xuyên cử cán bộ chuyên môn, kỹ thuật về các cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phân phối gỗ và các nguyên liệu, vật liệu khác, bảo đảm đúng và sửa chữa tầu thuyền theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và kế hoạch của địa phương.

6. Để đảm bảo kế hoạch phát triển tầu, thuyền vận tải và nghề cá được thuận lợi, các bộ, các ngành có liên quan cần phối hợp nghiên cứu chuẩn bị các văn bản cần thiết về chế độ,  chính sách trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

a) Tổng cục lâm nghiệp phụ trách phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản, Ủy ban khoa học Nhà nước,  Bộ Nội thương , Bộ Lao động, Ban nông nghiệp Trung ương, Tổng cục lương thực nghiên cứu;

- Việc mở rộng các loại gỗ mới để đóng tầu, thuyền;

- Chính sách đối với sơn tràng, công nhân, lâm nghiệp, cung cấp lương thực, vải…

b) Ủy ban kế hoạch Nhà nước phụ trách phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản, Tổng cục lâm nghiệp, Ủy ban khoa học Nhà nước nghiên cứu:

- Chính sách tiết kiệm gỗ, xác định chủng loại gỗ ngâm tầm;

- Hướng phát triển màng lưới ngâm tầm gỗ;

- Thiết kế mẫu, bản vẽ đóng các loại tầu, thuyền để hướng dẫn cho các cơ sở, định mức sử dụng gỗ từng loại tầu thuyền.

c) Ủy ban kế hoạch Nhà nước phụ trách phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản, Tổng cục lâm nghiệp nghiên cứu:

- Quy hoạch cơ sở đóng và sửa chữa tầu, thuyền để chuyên môn hóa sản xuất và quản lý hợp lý.

- Chính sách giá cả về khai thác cung cấp gỗ, đóng tầu, thuyền, vận chuyển, cho vay.

d) Bộ Nội thương phụ trách phối hợp với Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Tổng cục lâm nghiệp, Bộ công nghiệp nhẹ, Bộ Ngoại thương, Tổng cục vật tư, Tổng cục thủy sản, Bộ Giao thông vận tải ngiên cứu:

- Chính sách thu mua, phân phối các loại nguyên liệu, vật liệu như dầu chồi, sơn, đay, gai, tre, vải buồm…

đ) Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy sản do Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu:

- Chế độ quản lý các cơ sở đóng tầu, thuyền, sử dụng bảo quản tầu, thuyền và nguyên liệu, vật liệu.

Văn phòng Công nghiệp, Tài chính thương nghiệp Phủ Thủ tướng cùng với các ngành nói trên chuẩn bị các văn bản và theo dõi công việc chấp hành chỉ thị về phát triển tầu, thuyền.

Nhận được chỉ thị này, các ngành, các cấp, cần đặt kế hoạch thi hành ngay, nếu có khó khăn trở ngại thì kịp thời báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHỈNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 94-TTg năm 1963 về đẩy mạnh phát triển tầu, thuyền vận tải và nghề cá do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 94-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/09/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: 09/10/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản