Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 1 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH VIỆC MỜI KHÁCH NƯỚC NGOÀI VÀ NGHIÊM CẤM LÀM "DỊCH VỤ VISA"

Theo báo cáo của các ngành, hiện nay có quá nhiều tổ chức và cá nhân mời, đón và làm thủ tục cho khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có những tổ chức được lập ra chỉ để làm dịch vụ thu lợi theo kiểu "dịch vụ visa", thu tiền của khách ngoài quy định của Nhà nước gây ảnh hưởng xấu.

Các đầu mối, đại lý "dịch vụ visa" ở trong và ngoài nước phát triển bừa bãi như trên còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ như tranh giành khách, ép giá, hạn giá dịch vụ, nói xấu lẫn nhau, tiết lộ cho khách nước ngoài biết về những vấn đề thuộc nội bộ Việt Nam, và phát sinh nhiều tiêu cực, phức tạp trong các cơ quan lãnh sự, quản lý xuất nhập cảnh, tổ chức kinh doanh dịch vụ và tại các cửa khẩu quốc tế.

Để chấm dứt tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1- Các cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân và tổ chức kinh tế - xã hội có nhu cầu mới, đón tiếp, làm việc với người nước ngoài phải thực hiện đúng Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 4-12-1989 của Ban Bí thư và Quy chế quản lý đoàn ra, đoàn vào ban hành kèm theo Nghị định số 12-CP ngày 1-12-1992 của Chính phủ.

Chỉ những cơ quan, đoàn thể và tổ chức có thẩm quyền mời khách nước ngoài (theo quy định tại điều 4 Quy chế quản lý đoàn ra, đoàn vào) mới được quan hệ, giao tiếp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở trong nước và cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài để làm thủ tục cho người nước ngoài vào Việt Nam nhưng không được làm "dịch vụ thu tiền của khách" dưới bất cứ hình thức nào. Cơ quan, tổ chức mời khách phải thực sự có quan hệ trực tiếp với công việc của khách và phải chịu trách nhiệm về lời mời và sự bảo lãnh của mình với cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc đưa đón, quản lý khách từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh theo đúng mục đích, chương trình xin nhập cảnh.

2- Đối với người nước ngoài và Việt kiều xin vào Việt Nam không thuộc diện quy định tại điểm 1 nói trên (nghĩa là không có cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam mời và làm thủ tục nhập cảnh) thì cơ quan được làm đầu mối quan hệ, giao tiếp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự để giải quyết thủ tục nhập cảnh cho khách là:

- Phòng Thương mại và công nghiệp, Trung tâm giao dịch đầu tư thuộc Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và các Công ty dịch vụ tư vấn đầu tư được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp giấy phép làm dịch vụ tư vấn đầu tư với nước ngoài đã được cấp đăng ký doanh nghiệp: đối với thương nhân hoặc người nước ngoài vào thăm dò khả năng buôn bán và đầu tư...

- Các doanh nghiệp du lịch có giấy phép kinh doanh du lịch quốc tế (theo đúng Quy chế quản lý kinh doanh du lịch ban hành kèm theo Nghị định số 37-HĐBT ngày 28-1-1992): đối với người nước ngoài và Việt kiều vào theo đường du lịch.

- Ban Việt kiều Trung ương: đối với Việt kiều về nước học tập, hợp tác kinh tế - khoa học - công nghệ - văn hoá - xã hội và thăm thân nhân, quê hương.

Các cơ quan được giao làm đầu mối nói trên có trách nhiệm bảo lãnh với các cơ quan chức trách của Việt Nam trong việc đưa đón, hướng dẫn và quản lý khách theo đúng mục đích, chương trình hoặc các chuyến (tour) du lịch đã đăng ký với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh từ khi khách nhập cảnh đến khi họ xuất cảnh.

3- Tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam phải công bố công khai các thủ tục và điều kiện xin cấp thị thực của Nhà nước Việt Nam, niêm yết công khai biểu giá lệ phí lãnh sự khi cấp thị thực và phải thu đúng biểu giá đã niêm yết, tuyệt đối không một cơ quan, tổ chức và cá nhân nào (kể cả cơ quan đầu mối nói tại điểm 2 trên đây) được thu thêm tiền của khách ngoài biểu giá lệ phí đã quy định.

4- Nghiêm cấm các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền được mời khách hoặc quyền làm đầu mối giao tiếp, thu gom khách để làm "dịch vụ visa", nghĩa là chỉ biết thu tiền "dịch vụ" để chạy thủ tục nhập cảnh Việt Nam cho khách mà không bảo đảm việc đưa đón, quản lý khách, để họ tuỳ tiện nhập cảnh, đi lại, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Các Bộ Nội vụ, Ngoại giao, Thương mại, Tài chính, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Tổng cục Du lịch và Ban Việt kiều Trung ương cần tăng cường kiểm tra đối với công tác này. Những tập thể và cá nhân dù ở cương vị nào nếu vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước về việc mời, đón tiếp, quản lý khách nước ngoài và việc thu, nộp, sử dụng các loại lệ phí lãnh sự đều bị xử lý nghiêm khắc hoặc truy tố trước pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương quan tâm chỉ đạo và giám sát các đơn vị và cá nhân dưới quyền thực hiện tốt Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 9-TTg năm 1993 về chấn chỉnh việc mời khách nước ngoài và nghiêm cấm làm "dịch vụ VISA" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 9-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/01/1993
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 24/01/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản