Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/CT-BQP

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ THI HÀNH LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN TRONG BỘ QUỐC PHÒNG

Ngay sau khi Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 được ban hành, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trong Bộ Quốc phòng (kèm theo Quyết định số 5104/QĐ-BQP, ngày 07/12/2016) và Thông tư số 64/2018/TT-BQP ngày 15/5/2018 quy định thực hiện cung cấp thông tin trong Bộ Quốc phòng (viết tắt là Thông tư số 64/2018/TT-BQP). Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc đúng Kế hoạch, bám sát quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin (viết tắt là Nghị định số 13/2018/NĐ-CP) và Thông tư số 64/2018/TT-BQP. Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa ban hành và công bố công khai Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin; Danh mục thông tin theo quy định tại Thông tư số 64/2018/TT-BQP.

Để tiếp tục thi hành Luật Tiếp cận thông tin trong Bộ Quốc phòng đảm bảo thống nhất, chất lượng, hiệu quả; đồng thời chuẩn bị tốt phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá kết quả sau 3 năm thi hành Luật Tiếp cận thông tin quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục chỉ đạo quán triệt, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi cán bộ, chiến sỹ nắm vững nguyên tắc cung cấp thông tin, tiếp cận thông tin; Danh mục thông tin công dân được tiếp cận; Danh mục thông tin công dân không được tiếp cận; Danh mục thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện; những hành vi bị nghiêm cấm khi cung cấp, tiếp cận thông tin; các hình thức công khai thông tin; các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm của cơ quan, người làm nhiệm vụ cung cấp thông tin,... được quy định tại Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP và Thông tư số 64/2018/TT-BQP.

2. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc Danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, đơn vị mình; thông tin liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh; thông tin thuộc bí mật nội bộ, lưu hành nội bộ,... phân rõ từng loại danh mục thông tin (loại thông tin được tiếp cận; không được tiếp cận; được tiếp cận có điều kiện) để tổ chức quản lý và cung cấp thông tin đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, đồng thời thực hiện đúng quy định của pháp luật về Bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Các cơ quan, đơn vị được quy định tại Điều 4 Thông tư số 64/2018/TT- BQP nếu chưa ban hành và công khai Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin và Danh mục thông tin được tiếp cận, khẩn trương ban hành, công khai để tổ chức thực hiện cung cấp thông tin đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả.

4. Quan tâm trang bị phương tiện kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào việc quản lý cơ sở dữ liệu, tra cứu, tìm kiếm thông tin đảm bảo nhanh chóng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị.

5. Thường xuyên cập nhật thông tin được tiếp cận lên Cổng/Trang thông tin điện tử hoặc lựa chọn hình thức cung cấp thông tin phù hợp với đặc điểm của cơ quan, đơn vị. Khi cung cấp thông tin liên quan đến ngành, lĩnh vực có quy định về cung cấp thông tin, tiếp cận thông tin như lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý báo chí; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; hoạt động tố tụng hình sự; nhiệm vụ khoa học và công nghệ;...thì việc cung cấp thông tin, tiếp cận thông tin vừa thực hiện theo quy định chung còn thực hiện quy định về cung cấp thông tin, tiếp cận thông tin của ngành, lĩnh vực đó.

6. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của người làm nhiệm vụ cung cấp thông tin, tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin để tổ chức cung cấp thông tin được chặt chẽ, hiệu quả, đúng nguyên tắc, hình thức, trình tự, thủ tục và có biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, bí mật nội bộ, không làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, đơn vị hoặc của người khác.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật; duy trì nghiêm chế độ thống kê, tổng hợp, đánh giá kết quả cung cấp thông tin. Định kỳ hàng năm và đột xuất báo cáo kết quả thực hiện Luật Tiếp cận thông tin về Bộ Quốc phòng qua Vụ Pháp chế để nghiên cứu, tổng hợp chung.

Nhận được Chỉ thị này, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Bộ trưởng (để b/c);
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP(75);
- C20, C10, C12, C13;
- Vụ pháp chế, Cổng TTĐT/BQP;
- Lưu: VT. L83.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Chiêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 88/CT-BQP năm 2020 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành Luật tiếp cận thông tin trong Bộ Quốc phòng

  • Số hiệu: 88/CT-BQP
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/01/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Lê Chiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản