THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ LUYỆN TẬP QUÂN SỰ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Để thi hành điều 3 Nghị định số 83-CP ngày 05-03-1979 của Hội đồng Chính phủ về việc quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chế độ, giờ làm việc và luyện tập quân sự như sau.
1. Tất cả mọi cán bộ, công nhân, viên chức làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp; công trường, nông trường, lâm trường của Nhà nước và các xã viên hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ, xây dựng, vận tải, v.v… mỗi ngày đều phải làm việc 10 giờ, trong đó có 8 giờ lao động sản xuất hoặc công tác và 2 giờ luyện tập quân sự, canh gác, bảo vệ hoặc luyện tập các phương pháp phục vụ chiến đấu. Riêng đối với những công nhân làm những nghề nặng nhọc Nhà nước đã quy định, chế độ làm việc ít hơn 8 giờ, thì vẫn theo chế độ giờ làm việc đã quy định, cộng thêm 2 giờ luyện tập quân sự. Trong 8 giờ lao động sản xuất và công tác, mọi người phải làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất, hiệu quả cao và đạt chất lượng tốt.
Những người không tham gia luyện tập quân sự cần được bố trí học các môn cứu thương, cứu sập, thông tin liên lạc v.v… hoặc luân phiên canh gác bảo vệ cơ quan, xí nghiệp… để thay thế những anh chị em có điều kiện đi luyện tập quân sự.
Những người già yếu, tàn tật, có bệnh tật được cơ quan y tế xác nhận không đủ sức luyện tập, phụ nữ có thai, con nhỏ dưới một năm đang bú được miễn 2 giờ tập quân sự và canh gác, bảo vệ.
Giờ luyện tập quân sự cần bố trí ngay sau giờ làm việc buổi chiều và phải bảo đảm đủ 2 giờ. Ở những nơi có công nhân trực tiếp sản xuất ba ca thì tổ chức tập luyện quân sự sau ca 1: đối với những người làm ca chiều và ca đêm (ca 2 và ca 3) thì tùy điều kiện mà bố trí giờ luyện tập cho thích hợp vào ban ngày, có thể trước giờ sản xuất hoặc vào ngày chủ nhật, không nên luyện tập sau giờ lao động sản xuất.
2. Các cơ quan, xí nghiệp vẫn làm việc theo chế độ thông tầm như hiện nay, giờ giấc làm việc và giờ nghỉ giữa tầm theo mùa vẫn như cũ.
3. Để hoàn thành sớm chương trình huấn luyện quân sự cơ bản cho mọi người, nhanh chóng tạo điều kiện cho mọi người biết sử dụng các vũ khí hoặc khí tài kỹ thuật và nắm được một số khoa mục cần thiết trong chiến đấu, các trường học cấp III, trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường nghiệp vụ, trường đào tạo công nhân, v.v… có thể tổ chức cho học sinh nghỉ học để luyện tập quân sự trong một thời gian từ 1 đến 2 tuần. Ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp, trong một vài tuần lễ đầu của chương trình huấn luyện quân sự, có thể bố trí làm việc 4 giờ, để dành 6 giờ luyện tập quân sự. Sau thời gian luyện tập cấp tốc nói trên, việc học tập, công tác và luyện tập quân sự sẽ trở lại nề nếp bình thường như đã quy định ở điểm 1 của chỉ thị này.
4. Ở những nơi hoặc những đơn vị sau khi đã hoàn thành chương trình luyện tập quân sự do cơ quan chỉ huy quân sự địa phương quy định, có thể sử dụng 2 giờ làm việc thêm để tăng gia sản xuất tập thể tự cải thiện hoặc làm các công việc thuộc phúc lợi tập thể của công nhân, viên chức.
5. Để đảm bảo sinh hoạt bình thường của cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân, các cơ quan phục vụ phải bố trí các hoạt động của mình cho phù hợp với yêu cầu mới, cụ thể là:
a) Các nhà trẻ, mẫu giáo phải tăng thêm giờ trông nom các cháu trong thời gian bố mẹ các cháu luyện tập quân sự. Ở những nơi không đủ người phụ trách trông nom các cháu trong giờ luyện tập quân sự, thì các cô giữ trẻ, mẫu giáo được miễn luyện tập quân sự để trông nom các cháu.
b) Các cửa hàng lương thực, thực phẩm, chất đốt, bách hóa và các cửa hàng phục vụ khác phải mở cửa sớm trước giờ làm việc và bán hàng muộn sau giờ luyện tập quân sự, đồng thời phải chuẩn bị đủ những hàng thiết yếu (nhất là lương thực, thực phẩm, chất đốt, v.v…) và cải tiến cách phân phối hàng hóa để bảo đảm cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân có thể mua được và mua nhanh sau giờ luyện tập quân sự.
c) Ở các thành phố, thị xã, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đoàn thể lập các tổ phục vụ sinh hoạt của công nhân, viên chức và gia đình, như giúp mua bán, nấu ăn, nấu nước nóng, v.v… các tỉnh, thành phố phải dành một phần chất đốt cung ứng cho các tổ phục vụ này.
d) Các xí nghiệp xe điện, xe ca, xe buýt hoạt động trong các thành phố phải thay đổi giờ chạy xe cho phù hợp với giờ làm việc và luyện tập quân sự của công nhân, viên chức. Các cơ sở thông tin, văn hóa như chiếu bóng, truyền thanh, truyền hình, v.v… cũng tùy theo yêu cầu mà thay đổi giờ phục vụ cho thích hợp với nề nếp sinh hoạt mới.
6. Trong giờ cũng như ngoài giờ làm việc, luyện tập, tất cả các cơ quan, xí nghiệp, trường học, cửa hàng, v.v… đều phải tổ chức canh gác cẩn mật, luôn luôn có người thường trực ngày đêm để bảo đảm tiếp nhận, thông tin và giải quyết những công việc đột xuất cấp bách.
Phải hết sức giữ gìn an toàn các loại vũ khí, tuyệt đối không được để mất mát hoặc xảy ra tai nạn.
7. Chế độ làm việc và luyện tập quân sự này sẽ bắt đầu thực hiện trong phạm vi cả nước kể từ ngày 15 tháng 03 năm 1979. Tất cả các cơ quan phục vụ đời sống hàng ngày của công nhân, viên chức và nhân dân cũng phải chuyển phương thức và giờ giấc hoạt động của mình theo thời gian nói trên.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị quyết số 147-CP về việc cải tiến một bước chế độ làm việc của Hội đồng Chính phủ và các ngành, các cấp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 83-CP năm 1979 về việc thực hiện quân sự hoá toàn dân, vũ trang toàn dân để đánh thắng bọn phản động Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc do Hội đồng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 84-TTg năm 1979 về chế độ làm việc và luyện tập quân sự trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 84-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/03/1979
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 15/03/1979
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định