Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 809/CT-BNN-KHCN | Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2011 |
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng khốc liệt trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH, nước biển dâng, ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ sống còn của Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008), huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực nhằm giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.
Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm các lĩnh vực chính: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và hạ tầng nông thôn có liên quan tới cuộc sống của hơn 70% dân số cả nước, trong đó tập trung phần lớn người nghèo - là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai là những nhiệm vụ quan trọng đối với ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với BĐKH, ban hành Khung chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành (Quyết định 2730/QĐ-BNN-KHCN ngày 5/9/2008) và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 543/QĐ-BNN-KHCN ngày 23/3/2011).
Để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:
2. Việc lồng ghép BĐKH phải dựa trên các nguyên tắc
- Đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, hệ thống, ngành, vùng miền góp phần ứng phó và giảm nhẹ thiên tai;
- Có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; ưu tiên cho các hoạt động đa mục tiêu;
- Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả cao nhất nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia.
3. Lồng ghép BĐKH thực hiện theo các bước
- Đánh giá các tác động của BĐKH, xác định tình trạng dễ bị tổn thương của các lĩnh vực, vùng miền;
- Cập nhật thông tin, số liệu, xây dựng bổ sung các nội dung lồng ghép BĐKH;
- Phân tích và lựa chọn mức độ rủi ro có thể chấp nhận đối với các lĩnh vực, vùng miền;
- Lựa chọn các giải pháp giảm thiểu và thích ứng;
- Thực hiện, điều chỉnh kịp thời các giải pháp ứng phó;
- Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.
4. Nội dung trọng tâm lồng ghép BĐKH cho các lĩnh vực
a) Nông nghiệp
- Cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp đảm bảo có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng tới khả năng chịu ngập, chịu hạn, chịu mặn, chịu sâu bệnh cao, thích nghi với sự thay đổi của khí hậu, phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng; chuyển đổi cơ cấu thời vụ gieo trồng để né tránh các cao điểm dễ xuất hiện thiên tai, dịch bệnh; phát triển các loại cây năng lượng sinh học;
- Kiểm soát, áp dụng các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh thích hợp để phòng chống và dập dịch bệnh, thay đổi cơ cấu mùa vụ trong điều kiện thay đổi của khí hậu;
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng, canh tác thân thiện môi trường, thích hợp với BĐKH; chú trọng phát hiện, phòng chống các loại bệnh dịch mới do BĐKH;
- Sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi phù hợp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính; quản lý và xử lý chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
b) Lâm nghiệp
- Đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh các vùng đất trống, đồi trọc quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp; lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện BĐKH (có khả năng chống chịu hạn, chống cháy và chống chịu bệnh tốt) đối với việc trồng rừng mới, trong đó chú trọng trồng các loài cây bản địa;
- Bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên nhằm tăng cường khả năng hấp thụ và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (KNK). Tăng cường củng cố hệ thống rừng đặc dụng; hạn chế việc chuyển đổi rừng sang các mục đích khác, khuyến khích người dân và cộng đồng địa phương tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng nhằm phát triển rừng bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực do ĐĐKH gây ra và chống sa mạc hóa, suy thoái đất;
- Áp dụng các biện pháp lâm sinh, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao đồng thời giảm khí gây hiệu ứng nhà kính;
- Tăng cường hệ thống theo dõi, cảnh báo cháy rừng, cơ sở dữ liệu diễn biến tài nguyên rừng;
- Chủ động, tích cực phối hợp với các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế nghiên cứu tiềm năng, huy động nguồn lực thực hiện các dự án giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng, quản lý tài nguyên rừng bền vững (REDD+), cơ chế phát triển sạch thông qua trồng rừng và tái trồng rừng (CDM) và tín dụng các bon trong lâm nghiệp. Xây dựng các chính sách, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện REDD+, CDM và tín dụng các bon trong lâm nghiệp.
c) Thủy sản
- Quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu hướng thay đổi ranh giới nước mặn, lợ và nước ngọt do ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng;
- Lựa chọn, chuyển đổi cơ cấu giống, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến nhằm hạn chế thấp nhất các tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm thiểu phát thải KNK và thích ứng với BĐKH, nước biển dâng;
- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng các cơ sở hạ tầng thủy sản trong đó có cả việc xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão, cảng cá, bến cá; dự báo, cảnh báo bão cho ngư dân đánh bắt xa bờ;
- Duy trì hệ thống thông tin, tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nuôi trồng, khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.
d) Thủy lợi
- Tính toán các yếu tố: khí tượng, thủy văn, thủy lực, nguồn nước, có xét đến BĐKH theo các kịch bản, chú trọng đến các yếu tố cực đoan do BĐKH gây ra để làm cơ sở cho quy hoạch, thiết kế, thi công và quản lý các hệ thống công trình thủy lợi;
- Nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đến hệ thống công trình thủy lợi và công trình cấp nước sạch, đặc biệt đối với những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và khu vực ven biển;
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ và vật liệu mới, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện BĐKH, nước biển dâng;
- Xây dựng, củng cố và nâng cấp: hệ thống đê sông, đê biển; hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa phù hợp với kịch bản BĐKH, nước biển dâng;
- Rà soát hoàn thiện quy hoạch thủy lợi, quy trình quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm duy trì dòng chảy môi trường trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng.
đ) Diêm nghiệp
- Rà soát phân vùng diêm nghiệp, củng cố nâng cấp hạ tầng nghề muối để đảm bảo sản xuất ổn định đáp ứng các nhu cầu, tăng thu nhập cho người dân trong điều kiện BĐKH nước biển dâng;
- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, đảm bảo chất lượng và các tác động làm ảnh hưởng đến môi trường.
e) Phát triển nông thôn
- Rà soát quy hoạch sắp xếp dân cư; hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn kể cả các trạm cung cấp nước hợp vệ sinh và công trình vệ sinh đảm bảo cuộc sống của nhân dân cho phù hợp với quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, diêm nghiệp đảm bảo thích ứng trong điều kiện BĐKH;
- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm chất thải, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện BĐKH, nước biển dâng;
- Tuyên truyền, phổ biến các tác động của BĐKH và biện pháp thích hợp cho nhân dân, đặc biệt ở các vùng dễ bị tổn thương, vùng chịu tác động mạnh của bão, lũ, nước biển dâng và xâm nhập mặn.
5. Các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau
a) Các Tổng cục, Cục, Vụ, Thanh tra trực thuộc Bộ
- Theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được phân công tại kế hoạch hành động thích ứng BĐKH của ngành giai đoạn 2011-2015;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng phó với BĐKH;
- Tổ chức việc hướng dẫn, quản lý, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện lồng ghép BĐKH trong quá trình xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, đề án, dự án theo chức năng và nhiệm vụ được giao.
b) Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tổ chức việc hướng dẫn, quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện lồng ghép BĐKH trong quá trình xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, đề án, dự án theo chức năng và nhiệm vụ được giao của ngành và địa phương được phân công quản lý.
c) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và PTNT)
Đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 2730/QĐ-BNN-KHCN năm 2008 về việc ban hành khung chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 543/QĐ-BNN-KHCN năm 2011 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 4Chỉ thị 2220/CT-BNN-KHCN năm 2011 về quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư từ Chương trình phát triển ngành Nông nghiệp (ASDP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chỉ thị 809/CT-BNN-KHCN về lồng ghép biến đổi khí hậu vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 809/CT-BNN-KHCN
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/03/2011
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra