Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73-TTG-VG

Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 1965 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN DÂN LẬP Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 10 tháng 6 năm 1964, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 58-TTg để bổ sung và quy định cụ thể một số điểm về chính sách đãi ngộ đối với giáo viên dân lập ở các trường phổ thông.

Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã nghiêm chỉnh thi hành nhưng nhiều địa phương còn mắc mứu trong việc thi hành, do đó chưa thực hiện đầy đủ những điều quy định trong thông tư số 58-TTg. Giáo viên dân lập vẫn còn phải tự đi thu học phí; việc quản lý và sử dụng quỹ học phí vẫn chưa tập trung thống nhất vào Ủy ban hành chính các huyện và tỉnh. Học phí không thu được đầy đủ. Sinh hoạt phí hàng tháng không được trả đều và trả đủ, thậm chí có tỉnh để giáo viên dân lập ba, bốn tháng không được lĩnh sinh hoạt phí. Việc cung cấp lương thực cho giáo viên dân lập chưa được bảo đảm.

Tình hình trên đây đã làm cho các giáo viên dân lập gặp nhiều khó khăn về đời sống và làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh.

Trong chế độ ta, giáo viên là người đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ thành những người công dân tốt kế tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta; bởi vậy các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân và phụ huynh học sinh đều phải hết sức chăm sóc giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên làm tròn nhiệm vụ.

Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 19 tháng 5 năm 1965, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các bộ, các ngành có liên quan và Ủy ban hành chính các tỉnh thành phố thi hành những điều sau đây:

1. Đối với việc trả lương hàng tháng cho các giáo viên dân lập:

- Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trong việc trả đủ và trả đều sinh hoạt phí hàng tháng cho các giáo viên dân lập cũng như giáo viên quốc lập, tuyệt đối không được để các giáo viên dân lập không có sinh hoạt phí hàng tháng.

Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần sử dụng các Ty tài chính để quản lý chặt chẽ quỹ học phí, bảo đảm thu đủ theo đúng chính sách và chế độ để trả sinh hoạt phí hàng tháng cho các giáo viên dân lập. Trường hợp thu không đủ chi thì ngân sách địa phương phải trợ cấp, không phải chờ có thu mới chi.

- Ủy ban hành chính các huyện, khu phố phải dựa vào các tổ chức sẵn có ở địa phương như Hội phụ huynh học sinh, Ban bảo trợ nhà trường, Ban quản trị các hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức động viên, đôn đốc và thu học phí; ngoài ra các giáo viên các trường phổ thông có nhiệm vụ nhắc nhở học sinh nộp học phí đều đặn và đúng kỳ hàng tháng.

- Cần bảo đảm tận thu học phí và thống nhất quản lý quỹ học phí. Ủy ban hành chính huyện quản lý quỹ học phí trong toàn huyện. Ủy ban hành chính huyện sử dụng Phòng tài chính huyện để đôn đốc và thu nhận học phí của các xã. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quản lý quỹ học phí trong toàn tỉnh, thành phố để điều hòa giữa các huyện và khu phố. Quỹ học phí chỉ dùng để trả sinh hoạt phí cho giáo viên dân lập, nếu còn thừa Ủy ban hành chính tỉnh mới được dùng vào việc phát  triển sự nghiệp giáo dục khác. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn giúp đỡ Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố thống nhất quản lý thu, chi học phí. Bộ Giáo dục cần phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thu học phí và sử dụng quỹ học phí để bảo đảm việc trả sinh hoạt phí cho giáo viên dân lập.

2. Đối với việc cung cấp lương thực cho các giáo viên dân lập.

Việc cung cấp lương thực cho giáo viên dân lập được bảo đảm như giáo viên quốc lập, Tổng cục Lương thực cung cấp sổ mua lương thực hàng tháng cho các giáo viên dân lập như các giáo viên quốc lập.

3. Đối với chế độ gửi trẻ và trợ cấp cho nhà ăn tập thể.

Các giáo viên dân lập cũng như giáo viên quốc lập chủ yếu cần dựa vào nhân dân địa phương trong việc gửi trẻ và ăn uống. Nơi nào có tổ chức nhà gửi trẻ và ăn tập thể, giáo viên quốc lập được hưởng chế độ gửi trẻ và trợ cấp 1đ80 trả cho nhà ăn tập thể thì giáo viên dân lập cũng được hưởng chế độ đó.

4. Đối với giáo viên dân lập công tác ở vùng rẻo cao, biên giới, hải đảo.

Từ nay trở đi mỗi khi đưa giáo viên ở miền xuôi lên công tác ở vùng rẻo cao, Bộ Giáo dục cần chú ý đưa những người là giáo viên quốc lập. Những giáo viên dân lập hiện đang công tác ở vùng rẻo cao cần được chuyển dần sang quốc lập.

Các giáo viên quốc lập và dân lập công tác ở các vùng rẻo cao, biên giới, hải đảo được cấp một áo bông sử dụng trong ba năm như các cán bộ y tế, cán bộ thương nghiệp hoạt động ở các vùng đó.

5. Giáo viên dân lập phải lấy người tại địa phương để gắn bó với địa phương của mình hơn trong việc chăm lo học hành cho con em địa phương. Hết sức tránh xáo trộn lung tung không cần thiết mà còn gây thêm khó khăn trong đời sống. Bất đắc dĩ mới thuyên chuyển giáo viên dân lập từ địa phương này đến địa phương khác. Trong trường hợp đó giáo viên dân lập được hưởng chế độ di chuyển như các giáo viên quốc lập.

Đảng và Chính phủ hết sức coi trọng thầy giáo và luôn luôn quan tâm đến đời sống của thầy giáo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ Giáo dục, Nội vụ, Lao động, Tài chính, Tổng cục Lương thực và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố nghiêm chỉnh chấp hành và hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tốt chỉ thị này.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 73-TTg-VG năm 1963 thực hiện chính sách đãi ngộ đối với giáo viên dân lập ở các trường phổ thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 73-TTg-VG
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/06/1965
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản