Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ CÔNG TÁC CẦN NGAY VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Hiện nay, hoạt động bảo vệ môi trường đang được tất cả các nước trên thế giới quan tâm. Sau hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển ở Braxin tháng 6 năm 1992, nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế đã có các quyết định quan trọng để tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường. Tình hình môi trường nước ta đang có rất nhiều vấn đề phải xử lý; đặc biệt là ở các thành phố lớn và các đô thị có mật dân số cao, môi trường đang diễn biến theo chiều hướng xấu.

Trong khi đang chuẩn bị trình quốc hội xem xét và thông qua luật bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các ngành và các địa phương thực hiện tốt những công tác cấp bách sau đây:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, và một số thành phố thuộc tỉnh như Việt trì, Đà Nẵng, Biên Hoà, Cần Thơ phối hợp với các ngành hữu quan thực hiện ngay các biện pháp hạn chế ô nhiễm nước và không khí, xử lý tốt các loại chất thải. Bộ khoa học, Công nghệ và môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương nói trên xây dựng các dự án cụ thể để thực hiện tốt các biện pháp cần thiết và đưa ngay vào kế hoạch năm 1993 của các địa phương.

2. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cùng với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư liên Bộ, chậm nhất là trong tháng 4 năm 1993, hướng dẫn xây dựng kế hoạch về công tác môi trường; kế hoạch này được xây dựng và bảo vệ gắn với kế hoạch hàng năm của các ngành và các địa phương.

Riêng về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1993, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ khoa học, Công nghệ và môi trường, bổ xung kế hoạch năm 1993 của ngành và địa phương phần về các hoạt động môi trường, gửi cho Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tổng hợp và cân đối các điều kiện thực hiện.

Việc này cần làm xong trong quý II năm 1993.

3. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Y tế nghiên cứu ban hành gấp quy định về việc nhập các loại thuốc trừ sâu và các loại hoá chất dùng để sản xuất các loại thuốc trừ sâu ở Việt Nam.

Các ngành và các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉnh về đăng ký và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.

4. Từ nay mọi hoạt động kinh tế của các ngành các địa phương, kể cả các hoạt động hợp tác liên doanh với nước ngoài, phải có kế hoạch đề phòng và các biện pháp ứng cứu khi xẩy ra các sự cố môi trường; nếu có sự cố xẩy ra phải báo ngay với các cơ quan quản lý môi trường ở địa phương và Trung ương để kịp thời xử lý.

5. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì và phối hợp với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Khí tượng - thuỷ văn, Tổng công ty dầu mỏ và khí đốt Việt Nam và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức xây dựng kế hoạch phòng chống ô nhiễm biển do sự cố tràn dầu và do các nguyên nhân khác. Ngay trong năm 1993 phải bắt đầu có các công việc tổ chức xây dựng lực lượng để thực hiện kế hoạch này.

6. Các ngành, các địa phương khi xây dựng các dự án phát triển, kể cả dự án dự án hợp tác với nước ngoài, đều phải thực hiện nội dung đánh giá tác động đến môi trường trong các luận chứng kinh tế - kỹ thuật. Kinh phí để đánh giá tác động đến môi trường lấy trong kinh phí lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật của dự án. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định kết quả đánh giá tác động đến môi trường của các dự án. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành, chậm nhất là quý II năm 1993 Thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

7. Các ngành và các địa phương phải có ngay các biện pháp cụ thể để nghiêm chỉnh thi hành các Luật và Pháp lệnh về bảo vệ và phát triển rừng, đất đai, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và các quy định khác liên quan đến bảo vệ môi trường.

8. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẩn trương chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành sau khi Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường.

 

 

Nguyễn Khánh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 73-TTg năm 1993 về một số công tác cần ngay về bảo vệ môi trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 73-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/02/1993
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản