Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 685/CT-BNN-TY

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM DỊP TRƯỚC VÀ SAU TẾT BÍNH THÂN 2016

Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian qua có diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, cụ thể: Hiện nay, cả nước có 05 ổ dịch cúm A/H5N6 (xảy ra tại 05 xã thuộc 04 huyện của 04 tỉnh, bao gồm: Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang, Lạng Sơn) và 26 ổ dịch Lở mồm long móng (xảy ra tại 14 huyện của 08 tỉnh, bao gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Tnh, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Trà Vinh) vẫn chưa qua 21 ngày. Còn đối với dịch Tai xanh ở lợn, mặc dù các ổ dịch đã được kiểm soát ngay từ đầu tháng 12/2015, nhưng nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao.

Nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh ổ dịch và dịch bệnh lây lan là do: (i) Thời tiết diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng, (ii) Mầm bệnh lưu hành rộng rãi trong môi trường, trên đàn vật nuôi; (iii) Hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại một số địa phương vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; (iv) Việc vận chuyển bất hợp pháp động vật qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, gây nguy cơ mang theo mầm bệnh vào Việt Nam; (v) Việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ; (vi) Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tại một số địa phương còn nặng về hình thức, có ban hành văn bản chỉ đạo nhưng thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện tại tuyến cơ sở; có nơi không công bố dịch, không triển khai các biện pháp quản lý ổ dịch; (vii) Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh động vật chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; (viii) Công tác giám sát, phát hiện sớm và báo cáo ổ dịch tại một số địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, chỉ báo cáo khi ổ dịch đã lây lan rộng,...

Để chủ động hơn nữa và nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong dịp Tết Bính Thân 2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các Sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo các nội dung trong Công điện số 10598/CĐ-BNN-TY ngày 28/12/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.

2. Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc, cụ thể:

a) Đối với các tỉnh, thành phố đang có ổ dịch LMLM, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc công bố dịch theo đúng quy định của pháp luật để huy động tối đa nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch;

b) Chỉ đạo đẩy nhanh công tác tiêm phòng bao vây ổ dịch, có biện pháp cưỡng chế tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp trong trường hợp cần thiết;

c) Tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc mẫn cảm với bệnh LMLM và sản phẩm của chúng trên địa bàn các xã có dịch và các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp theo quy định để hạn chế phát tán mầm bệnh;

d) Tổ chức quản lý chặt chẽ đàn gia súc mắc bệnh, đàn gia súc đã khỏi triệu chứng lâm sàng. Giao chính quyền cơ sở lập cam kết với các hộ có gia súc bị mắc bệnh LMLM thực hiện nuôi cách ly gia súc tại chỗ, bấm thẻ tai để quản lý theo quy định, không được chăn thả, giết mổ, mua bán số gia súc đang bị mắc bệnh;

đ) Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng có ổ dịch;

e) Tổ chức ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua biên giới; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ ở trong nước;

g) Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật trên địa bàn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm;

h) Chỉ đạo chính quyền cơ sở, hệ thống thú y địa phương tăng cường giám sát lâm sàng phát hiện sớm ổ dịch ở các địa bàn có nguy cơ, thực hiện báo cáo ổ dịch theo quy định để xử lý kịp thời; tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định typ vi rút gây bệnh, làm cơ sở cho việc sử dụng vắc xin phòng, chống dịch.

3. Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Tai xanh ở lợn theo các quy định hiện hành; phân công trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cơ sở và hệ thống thú y địa phương trong việc giám sát ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tuân thủ việc tiêm phòng bắt buộc các bệnh nguy hiểm ở lợn theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành văn bản để chỉ đạo chính quyền cấp dưới, các Sở, ngành của địa phương phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân có liên quan; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể về nguồn lực, dự phòng vắc xin, hóa chất khử trùng và các phương án xử lý nếu có ổ dịch bệnh động vật phát sinh; tổ chức trực phòng, chống dịch trong dịp Tết và thực hiện báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh động vật về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) để phối hợp xử lý.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Thú y: Thành lập các Đoàn đi đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại một số địa bàn trọng Điểm; thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh động vật và công tác phòng chống dịch về Bộ để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung trong Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ: Công an, Giao thông Vận tải, Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Sở NN & PTNT các tỉnh, thành phố;
- Cục TY, Cục CN, TT Khuyến nông QG;
- Lưu: VT, TY

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 685/CT-BNN-TY năm 2016 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp trước và sau Tết Bính Thân 2016 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 685/CT-BNN-TY
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/01/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản