Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/NH-CT

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ KINH DOANH VÀNG BẠC

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh vàng bạc đã thiết thực phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Từ khi Hội đồng Bộ trưởng ban hàng quyết định 139/CT ngày 24-5-1989 cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh tập thể và hộ tư nhân cá thể được kinh doanh vàng bạc, đá quý, vai trò kinh doanh của các Công ty vàng bạc thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được vị trí nòng cốt, góp phần đắc lực vào việc kìm giữ giá vàng bạc trên thị trường, điều chỉnh một phần nhu cầu tiêu dùng vàng bạc khi có diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo kinh doanh, ở một số địa phương các mặt công tác chưa được triển khai đồng bộ. Cùng với việc mở rộng kinh doanh, dịch vụ vàng bạc, có địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến việc tăng cường quản lý vốn, quản lý tài sản và quản lý cán bộ, để xảy ra mất mát vàng bạc, tiền mặt của Nhà nước. Một số Công ty tổ chức huy động và cho vay bằng vàng, do thiếu điều tra xem xét khi cho vay đã dẫn đến mất vốn, không thu hồi được nợ.

Để khắc phục kịp thời những sơ hở trong quản lý kinh doanh, tăng cường quản lý tài sản, quản lý cán bộ trong các công ty vàng bạc, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu và Giám đốc Công ty vàng bạc thực hiện ngay một số biện pháp sau:

I. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ KINH DOANH TRONG CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÂN HÀNG

1. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ vàng bạc của các Công ty vàng bạc thuộc hệ thống Ngân hàng phải đặt dưới sự chỉ đạo của Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu về mặt chủ trương, chính sách, tăng cường quản lý về mặt Nhà nước, đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, đúng quy định trên địa bàn lãnh thổ.

2. Trong quá trình kinh doanh, các Công ty, cửa hàng vàng bạc được năng động trong mua bán, trên nguyên tắc mua được, bán được, kinh doanh có lãi, gần sát giá thị trường, không được vì lợi ích cục bộ mà găm hàng không bán hoặc đẩy giá lên khi nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi nhiều.

3. Cùng với việc mở rộng mua bán vàng, bạc, các địa phương cần đẩy mạnh các dịch vụ gia công, sửa chữa cân, thử chất lượng vàng cho nhân dân. ở những nơi đã làm dịch vụ cầm đồ, nhận ký gửi tư trang mỹ nghệ bằng vàng bạc, cần tăng cường kiểm tra, việc xác định chất lượng vàng bạc, đúng giá trị vật cầm, sử dụng có hiệu quả đồng vốn cầm đồ.

4. Những địa phương đã huy động và cho vay bằng vàng từ nay không được cho vay nữa theo chỉ thị của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị chuyên đề kinh doanh vàng bạc, phải tích cực thu nợ để chi trả ... Nếu có tiêu cực trong quá trình cho vay gây thiệt hại về tài sản thì phải xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Hàng tháng các Công ty phải lập bảng kê các khoản nợ đã cho vay chưa thu hồi được, báo cáo Giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà nước để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, kiên quyết không được để thất thoát tài sản do cho vay gây nên.

II. TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA QUÁ TRÌNH KINH DOANH VÀNG BẠC

1. Các công ty vàng bạc thuộc Ngân hàng địa phương là tổ chức kinh doanh hạch toán độc lập. Giám đốc Công ty vàng bạc tỉnh, thành phố, đặc khu là người chịu trách nhiệm trước Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước về tình hình tài sản của Công ty do mình phụ trách.

a) Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật tư, tiền vốn lao động, quỹ lương ... đúng chế độ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản trong quá trình sản xuất, giao nhận, vận chuyển, bảo quản, mua bán trong Công ty và các cửa hàng trực thuộc.

b) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng trực thuộc, đảm bảo hàng hóa, tiền bạc trong kho, trong quỹ của các cửa hàng phải khớp đúng giữa sổ sách hạch toán và hiện vật. Phải tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất tình trạng tồn kho, tồn quỹ của từng cửa hàng và toàn Công ty.

c) Ngoài công tác tự kiểm tra, thanh tra kinh doanh vàng bạc, các công ty còn phải thi hành văn bản số 134/TTr ngày 7-7-1990 của tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước, các Ngân hàng

chuyên doanh tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉnh, yêu cầu thanh tra hoạt động Ngân hàng của Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trong đợt tổng thanh tra ngành Ngân hàng năm nay. giám đốc công ty vàng bạc phải tạo điều kiện thuận lợi và tiếp nhận nghiêm túc sự thanh tra của các đoàn để công tác thanh tra có kết quả.

2. Trong quá trình kinh doanh, các Công ty vàng, bạc địa phương phải tôn trọng chế độ hạch toán kế toán, nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ đối với Ngân sách. Năm 1990 các công ty phải trích nộp Ngân sách theo quy định tại công văn số 1047-CĐTC ngày 16-7-1990 của Bộ Tài chính. Việc phân phối và sử dụng các quỹ thực hiện theo đúng quy định tại quyết định 217-HĐBT ngày 14-11-1987 và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại thông tư số 78/TC-CN ngày 31-12-1987.

III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Trong tình hình hiện nay, kinh doanh vàng bạc, đá quý là một công tác quan trọng trên mặt trận tiền tệ, góp phần vào việc chống lạm phát, do đó cần được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên chặt chẽ của Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu, trên cơ sở chỉ thị số 40-NH/CT ngày 9-5-1987, công văn số 92-NH/CV ngày 21-6-1988 và chỉ thị 29-NH/CT ngày 13-4-1990 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tăng cường hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý trong hệ thống Ngân hàng nhà nước.

1. Công ty vàng bạc trung ương là đầu mối của toàn hệ thống kinh doanh vàng bạc giúp Tổng giám đốc chỉ đạo toàn ngành về kinh doanh vàng bạc có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt việc kinh doanh đúng hướng, bảo đảm có lãi, làm đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Công ty vàng bạc trung ương phải theo dõi kiểm tra và hướng dẫn tự kiểm tra hoạt động của các Công ty vàng bạc địa phương, quản lý tốt vật tư tiền vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh của hệ thống kinh doanh vàng bạc.

2. Căn cứ định hướng về kinh doanh vàng bạc của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị chuyên đề kinh doanh vàng bạc tháng 6/1990 trên tinh thần Pháp lệnh Ngân hàng, Giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu xác định nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức lao động của Công ty vàng bạc để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, an toàn tài sản.

3. Hệ thống kinh doanh vàng bạc của Ngân hàng phải phấn đấu giữ vai trò chủ đạo trong ngành kinh doanh vàng bạc. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, các công ty vàng bạc phải vươn lên mạnh mẽ, đa dạng hóa kinh doanh, đào tạo cán bộ quản lý điều hành, đội ngũ thợ lành nghề. Đồng thời phải làm tốt các công việc có liên quan như nắm chắc giá cả, thị hiếu tiêu dùng, thông tin kinh tế kịp thời giữa Trung ương và địa phương, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả nhưng đúng chính sách đúng pháp luật, góp phần đắc lực vào việc quản lý thị trường vàng bạc trong cả nước.

Các đồng chí Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố đặc khu quán triệt và kiểm tra giám đốc Công ty vàng bạc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương theo nội dung chỉ thị này. Công ty vàng bạc Trung ương nghiên cứu hướng dẫn kiểm tra uốn nắn và theo dõi tổng hợp tình hình triển khai thực hiện chỉ thị này.

 

 

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Ngọc Oánh

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 67/NH-CT năm 1990 về tăng cường quản lý kinh doanh vàng bạc do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 67/NH-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/08/1990
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Oánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản