Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6621/CT-BNN-TY

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN TÔM NUÔI NƯỚC LỢ

Theo báo cáo của các địa phương trong 07 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là trên 21.000 ha, gây tổn thất lớn về kinh tế của người nuôi và ngân sách nhà nước; người nuôi còn lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng, trị bệnh cho tôm dẫn đến một số nước đã ngừng hoặc cảnh báo tôm Việt Nam có dư lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép.

Nguyên nhân do: (1) Một số địa phương chậm hoặc chưa phê duyệt và cấp kinh phí triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; (2) Cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức; tình trạng nuôi thâm canh đan xen với nuôi quảng canh dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh; (3) Chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh; (4) Nhiều cơ sở sản xuất tôm giống dương tính với các loại mầm bệnh; (5) Trên 50% số địa phương chuyển giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho ngành Thú y quản lý nhưng không chuyển giao nhân lực và trang thiết bị; (6) Chưa bố trí đủ nhân lực cấp huyện, cấp xã để triển khai công tác thú y thủy sản; (7) Báo cáo dịch bệnh từ tuyến cơ sở không đảm bảo yêu cầu và còn nhiều sai sót; (8) Công tác quan trắc cảnh báo môi trường, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm bệnh chưa đạt yêu cầu; (9) Quản lý kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nuôi tôm chưa chặt chẽ; (10) Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chưa được tổ chức thường xuyên, chưa xử lý triệt để, công khai danh tính các cơ sở vi phạm.

Để khắc phục tồn tại, bất cập nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, chú trọng một số nội dung chính sau đây:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm nước lợ chỉ đạo thực hiện các nội dung:

a) Báo cáo công tác thú y thủy sản, đề xuất nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới; thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường; giám sát dịch bệnh (tập trung vào bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và vi bào tử trùng) tại cơ sở sản xuất tôm giống và nuôi tôm xuất khẩu; kiên quyết tiêu hủy lô tôm giống dương tính với bệnh phải công bố dịch; đình chỉ hoạt động và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm nhiều lần;

b) Bố trí đủ kinh phí để triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2015 và năm 2016; gửi bản kế hoạch đã được phê duyệt về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước tháng 10 năm 2015 để phối hợp thực hiện;

c) Tại các vùng trọng điểm cần bố trí mỗi huyện có ít nhất 03 nhân viên thú y thủy sản, mỗi xã có 01 nhân viên thú y thủy sản; các địa phương chưa chuyển giao nhiệm vụ thú y thủy sản, khẩn trương chuyển giao nguyên trạng nhiệm vụ thú y thủy sản cho ngành Thú y quản lý trước tháng 9 năm 2015;

d) Đầu tư, nâng cấp Phòng thử nghiệm đạt chuẩn theo quy định; sử dụng kít xét nghiệm theo hướng dẫn của Cục Thú y hoặc Tổ chức Thú y thế giới;

đ) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư trong nuôi tôm (con giống, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học,...) và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

e) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm an toàn dịch bệnh, không xả thải tôm bệnh, nước từ ao nuôi bị bệnh ra môi trường; sử dụng thuốc thú y theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Cục Thú y chủ trì tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát và xử lý dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất tôm giống, nuôi tôm xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trực tiếp đàm phán với các nước để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản; kiểm dịch, giám sát chất lượng đối với tôm giống, tôm nguyên liệu và thủy sản nhập khẩu; tổ chức các đoàn sang nước xuất khẩu để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

b) Tổng cục Thủy sản phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương quy trình nuôi tôm an toàn dịch bệnh; Phối hợp với Cục Thú y tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện giám sát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi tôm.

c) Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản phối hợp với Cục Thú y và Hiệp hội chế biến thủy sản xuất khẩu để tháo gỡ khó khăn, rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến xuất khẩu; tổ chức thực hiện “Nói không với tạp chất”.

Đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

 

Nơi nhận:
- PTTg Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố;
- Tổng cục Thủy sản; Trung tâm KNQG;
- Cục Thú y, các Cơ quan Thú y vùng;
- Sở NN&PTNT, CCTY, CCNTTS/CCTS các tỉnh, thành phố;
- Hiệp hội có liên quan;
- Lưu: VT, TY.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 6621/CT-BNN-TY năm 2015 về tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 6621/CT-BNN-TY
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/08/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản