- 1Thông tư 05NN/ĐCĐC-KTM-1996 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 660/TTg-1995 về việc giải quyết tình trạng di cư tự do đến Tây Nguyên và một số tỉnh khác do Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn ban hành
- 2Chỉ thị 39/2004/CT-TTg về chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do do Thủ tướng Chính phủ ban hành
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 660-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1995 |
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG DI CƯ TỰ DO ĐẾN TÂY NGUYÊN VÀ MỘT SỐ TỈNH KHÁC
Trong những năm qua, tình trạng di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh khác đã gây ra nhiều khó khăn cho cả địa phương có dân đến cũng như địa phương có dân đi.
Theo số liệu sơ bộ, từ năm 1989 đến hết năm 1994 đã có khoảng 113.000 hộ gồm 542.000 người di cư tự do đến các địa phương nói trên. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do đời sống của đồng bào ở các vùng có dân đi gặp nhiều khó khăn, mặt khác việc quản lý dân cư của chính quyền một số địa phương còn lỏng lẻo.
Chính quyền các cấp của các tỉnh có dân đến đã có nhiều cố gắng nhằm giúp đỡ đồng bào làm ăn sinh sống, hội nhập cộng đồng... và đồng bào di cư tự do cũng có những đóng góp ở nơi cư trú mới, đến nay đã có khoảng 30% đồng bào di cư tự do có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng của các địa phương có dân đến không cân xứng với mức tăng dân số cơ học tự phát nên đã phát sinh những vấn đề bức xúc cần giải quyết:
- Đời sống của đồng bào di cư tự do còn nhiều khó khăn, trong đó có một bộ phận rất khó khăn thường bị thiếu đói, bệnh tật, thất học... Các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút... phát triển.
- ở một số nơi đã xảy ra các vụ tranh chấp đất đai giữa đồng bào sở tại với đồng bào di cư tự do, giữa đồng bào di cư tự do với nhau.
- Nạn phá rừng đốt nương làm rẫy gia tăng.
Ngay từ cuối năm 1987 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có chỉ thị về vấn đề này; tiếp theo trong các năm 1992, 1994 Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo các địa phương, các Bộ ngành liên quan xử lý tình hình trên. Song do biện pháp tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, sự phối hợp chưa chặt chẽ... nên kết quả bị hạn chế, tình trạng di cư tự do vẫn tiếp diễn.
Trong quá trình phát triển của đất nước, tất yếu phải thực hiện phân bố lại lao động dân cư, nhưng di cư tự do là hiện tượng tự phát tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội và gây trở ngại cho việc quản lý dân cư của chính quyền các cấp. Do đó, Nhà nước phải có biện pháp tích cực, đồng bộ để chậm nhất là đến cuối năm 1998 giải quyết được tình trạng di cư tự do và điều chỉnh hoạt động di dân phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các nước, của từng vùng lãnh thổ, của từng địa phương.
Để thực hiện được yêu cầu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
Trong năm 1996 phải khắc phục về cơ bản tình trạng dân rời bỏ quê hương ra đi tự do.
1. Trước hết, các tỉnh phải tăng cường công tác quản lý dân cư, nhất là ở các cấp huyện và cơ sở, thường xuyên nắm chắc tình hình dân số, cân đối lao động, đồng thời tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách của Nhà nước. Nếu còn xảy ra các trường hợp dân di cư tự do đến các tỉnh khác thì phải phối hợp với các tính có dân đến để xử lý kịp thời, không được lẩn tránh trách nhiệm.
2. Đối với những khó khăn do tình trạng di cư tự do gây ra, các tỉnh phải bàn với các tỉnh có dân đến để phối hợp giải quyết, đóng góp với các tỉnh có dân đến để trợ giúp đồng bào ở những điểm dân cư còn quá khó khăn nhằm sớm ổn định cuộc sống.
3. Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các tỉnh miền núi tháng 9 năm 1995, các tỉnh phải có kế hoạch, biện pháp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, trong đó cần lưu ý:
- Có biện pháp mở rộng diện tích canh tác ở các địa phương, tận dụng đất chưa khai thác; nếu còn đất nhưng có bom mìn thì tiến hành rà phá, khai hoang phục hoá để đưa vào sản xuất. Đồng thời, phải đổi mới cơ cấu kinh tế, đầu tư công nghệ, kỹ thuật để phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, nghề rừng và các ngành nghề khác.
- Soát xét lại quỹ đất trong tỉnh, tổ chức đưa dân từ các địa phương khó khăn đến các vùng đất còn hoang hoá để khai thác.
- Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình định canh định cư, thực hiện chính sách giao đất giao rừng, giải quyết ngay các vụ tranh chấp đất đai để mọi người dân đều có phương tiện làm ăn sinh sống, an tâm xây dựng quê hương.
- Nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà vẫn thiếu việc làm, dư thừa lao động thì các tỉnh phải báo cáo Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm để sắp xếp di dân đi ngoài tỉnh theo kế hoạch.
1. Tạo điều kiện làm ăn sinh sống cho đồng bào di cư tự do đã đến tỉnh có nguyện vọng lập nghiệp lâu dài; không phân biệt đối xử, không bắt buộc đồng bào trở về quê cũ và coi đây là một nguồn lực quan trọng của địa phương mình.
- Tiến hành sắp xếp đồng bào vào các chương trình, dự án 327, 773, định canh định cư, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng mới và bảo vệ rừng và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương, của Trung ương trên địa bàn.
- Đối với những điểm dân cư xen ghép mà đời sống của đồng bào đã tương đối ổn định thì Nhà nước có thể trợ giúp việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu như nước sinh hoạt, trường học, bệnh xá, đường giao thông nông thôn... theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Đối với những điểm dân cư còn quá khó khăn, không sắp xếp được đồng bào vào các chương trình, dự án nói trên thì có thể xây dựng các dự án mới về sắp xếp dân cư, Nhà nước trợ giúp vốn theo chính sách, chế độ xây dựng vùng kinh tế mới.
2. Phải kết hợp chặt chẽ việc sắp xếp ổn định đồng bào di cư tự do với việc xử lý các tranh chấp đất đai, khắc phục nạn phá rừng, chống tệ nạn xã hội và xây dựng cơ sở vững mạnh.
Các nông lâm trường phải khai thác có hiệu quả đất đai được giao, sau khi đã giao đất cho các hộ gia đình theo quy định của chính sách và tình hình quỹ đất của địa phương thì phải trả lại ngay cho chính quyền địa phương phần đất không sử dụng hết để có kế hoạch đưa dân đến khai thác. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cùng Bộ Lâm nghiệp chỉ đạo thực hiện dứt điểm công việc này trong năm 1996.
3. Về lâu dài, các tỉnh phải căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để gắn việc khai thác đất đai và các tài nguyên khác với việc phân bố lại lao động, dân cư theo hướng ưu tiên bố trí công ăn việc làm cho đồng bào sở tại, nhất là đồng bào dân tộc ít người, đồng thời dành đất để lập các dự án nhân dân nơi khác đến, các dự án dự bị để có thể chủ động điều chuyển, sắp xếp dân cư khi cần thiết.
1. Đồng bào di cư tự do đã đến các địa phương nếu chấp hành sự sắp xếp dân cư của chính quyền thì được xét cho đăng ký hộ khẩu; được hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân theo pháp luật; được hưởng các ưu đãi về các mặt kinh tế, xã hội theo chính sách của Nhà nước.
2. Đồng bào phải tôn trọng pháp luật, chấp hành sự quản lý của chính quyền địa phương sở tại; bảo đảm tình đoàn kết trong cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau làm ăn sinh sống, đóng góp sức mình xây dựng quê hương mới; phải chấm dứt ngay các việc làm sai trái như phá rừng, huỷ hoại môi trường sinh thái, lấn chiếm đất và buôn bán đất...
Từ nay, người dân có nguyện vọng chuyển cư đến tỉnh khác vì những lý do riêng phải báo cáo mục đích chuyển cư, địa điểm xin chuyển đến, biện pháp bảo đảm cuộc sống ở nơi ở mới... với chính quyền địa phương đang cư trú và chính quyền địa phương xin chuyển đến. Chỉ được hưởng quyền lợi theo chính sách khi việc chuyển cư đã được chính quyền các địa phương cho phép, ngược lại nếu di cư tự do thì sẽ bị xử lý theo quy định quản lý của Nhà nước. Chính quyền các địa phương có trách nhiệm nhanh chóng xem xét đề nghị của nhân dân và hướng dẫn việc thực hiện.
3. Những kẻ lừa đảo, dụ dỗ đồng bào rời bỏ quê hương để trục lợi, lợi dung di cư để hoạt động phi pháp phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP
1. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng ở Trung ương hướng dẫn, kiểm tra các địa phương có dân đi, các địa phương có dân đến thực hiện các biện pháp nêu trên để giải quyết tình trạng di cư tự do.
Đồng thời, Bộ phải nghiên cứu lập quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm, xây dựng chính sách về di dân xây dựng vùng kinh tế mới và chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ công tác này.
2. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính bố trí kế hoạch và ngân sách hàng năm (ngoài các chương trình) để các tỉnh có dân đi, các tỉnh có dân đến có vốn thực hiện các nhiệm vụ, các dự án sắp xếp dân cư theo đề nghị của uỷ ban Nhân dân các tỉnh với sự thoả thuận của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Trước mắt cần tập trung giải quyết dứt điểm những điểm dân cư còn quá khó khăn.
3. Các Bộ ngành liên quan khác như Lâm nghiệp, Giao thông vận tải, Thuỷ lợi, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.. ... căn cứ chức năng của mình phải có kế hoạch cụ thể tham gia vào việc giải quyết tình trạng di cư tự do. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ chỉ đạo các đơn vị quân đội, cơ quan công an giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, giúp chính quyền các địa phương quản lý dân cư, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.
4. Để thực hiện chỉ thị này chính quyền các tỉnh có dân đi, các tỉnh có dân đến có trách nhiệm:
- Cùng nhau bàn ngay kế hoạch, biện pháp cụ thể để trong năm 1996 giải quyết được những khó khăn gay gắt do tình trạng di cư tự do gây ra.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc tồn tại và những vấn đề mới phát sinh tiến tới giải quyết về cơ bản tình trạng di cư tự do.
Tuỳ tình hình, các tỉnh có thể hỗ trợ nhau dưới các hình thức hợp tác sử dụng lao động để phát triển kinh tế theo tinh thần cộng động trách nhiệm nhằm tạo điều kiện giải quyết tình trạng di cư tự do.
- Các ngành, các cấp trong từng tỉnh phải đưa nhiệm vụ ổn định dân cư vào kế hoạch hàng năm. Mỗi tỉnh phải chỉ định một cơ quan đủ năng lực làm đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác này.
5. Các cơ quan thông tin báo chí ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền giải thích để đồng bào hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước về di dân và xây dựng vùng kinh tế mới, về quyền cư trú của công dân và trách nhiệm quản lý dân cư của các cấp chính quyền theo pháp luật.
Giải quyết những khó khăn do tình trạng di cư tự do gây ra, đưa hoạt động di dân, phân bố lại lao động dân cư theo quy hoạch, kế hoạch là một vấn đề bức thiết. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, các địa phương liên quan phải khẩn trương tổ chức thực hiện chỉ thị này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
- 1Thông tư 05NN/ĐCĐC-KTM-1996 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 660/TTg-1995 về việc giải quyết tình trạng di cư tự do đến Tây Nguyên và một số tỉnh khác do Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn ban hành
- 2Chỉ thị 39/2004/CT-TTg về chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 660-TTg năm 1995 về giải quyết tình trang di cư tự do đến Tây Nguyên và một số tỉnh khác do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 660-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 17/10/1995
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: 01/11/1995
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định