Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 62-CT/TW

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2001

 

CHỈ THỊ

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

về việc tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới

Giáo dục quốc phòng toàn dân là một nội dung quan trọng của việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Ngày 28-4-1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 107-CT/TW về "Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng nhân dân, chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc". Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII) đã chỉ rõ "phải tăng cường công tác giáo dục quốc phòng cho toàn dân, trước hết là đối với cán bộ các cấp, các ngành của Đảng và Nhà nước và thế hệ trẻ học sinh, sinh viên". Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 30-7-1987 của Bộ Chính trị đã quy định đưa nội dung đường lối quân sự của Đảng và nhiệm vụ quốc phòng vào chương trình học tập chính thức của các trường đào tạo, bổ túc cán bộ của Đảng và Nhà nước; đưa nội dung giáo dục quốc phòng vào chương trình chính khoá của các trường trung học và đại học.

Những năm qua, các bộ, ban, ngành ở Trung ương, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các học viện, nhà trường đã triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết trên đạt được kết quả góp phần tăng cường và củng cố tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Tuy nhiên, một số cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành nhận thức chưa thật đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giáo dục quốc phòng toàn dân. Cơ chế tổ chức thực hiện thiếu thống nhất; chưa phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng; việc thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và đào tạo sĩ quan dự bị trong học sinh, sinh viên và giáo dục quốc phòng trong hệ thống các trường chính trị, hành chính, đoàn thể chất lượng còn thấp, thậm chí có nơi thiếu những quy chế, quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý giáo viên và bảo đảm ngân sách.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cần tăng cường thực hiện công tác giáo dục quốc phòng toàn dân sâu rộng, thường xuyên có nền nếp vững chắc. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, các tổ chức đảng, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt những việc sau đây :

1- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ các cấp và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Phải định kỳ giáo dục sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và thế hệ trẻ, làm cho mọi cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành và nhân dân có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về việc xây dựng củng cố nền quốc phòng toàn dân, thấy rõ trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.

2- Giáo dục quốc phòng toàn dân là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, việc phổ cập và tăng cường giáo dục quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, phải được chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, kết hợp giáo dục thường xuyên với giáo dục tập trung có trọng điểm. Chú trọng giáo dục ý thức, tri thức và kỹ năng quân sự cần thiết cho toàn dân, kết hợp giáo dục lý thuyết với thực hành.

3- Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và đào tạo, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính phối hợp hướng dẫn và giải thích những vướng mắc về giáo dục quốc phòng toàn dân trong học sinh, sinh viên, nhất là biên chế giáo viên và các quy định, chế độ học tập, bảo đảm cơ sở vật chất cần thiết cho công tác giảng dạy và học tập.

4- Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tư tưởng - văn hoá Trung ương, Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia và các cơ quan Đảng, Nhà nước có liên quan thống nhất việc thực hiện công tác giáo dục quốc phòng toàn dân đối với đảng viên, cán bộ các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị về đối tượng, mục tiêu, yêu cầu, nội dung chương trình, giáo trình, giáo viên và các mặt bảo đảm phục vụ.

5- Ban Tư tưởng - văn hoá Trung ương và Bộ văn hoá thông tin có kế hoạch và biện pháp tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền giáo dục quốc phòng toàn dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ Trung ương đến địa phương.

6- Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giúp Bộ Chính trị, Chính phủ chủ trì phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể có liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ kết quả thực hiện chỉ thị này.

Cấp uỷ đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp uỷ đảng thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc chấp hành chỉ thị này.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Phạm Thế Duyệt

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 62/CT-TW năm 2001 về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 62/CT-TW
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/02/2001
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Phạm Thế Duyệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/02/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản