THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 59-TTG/VG | Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 1969 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO TỒN DI TÍCH CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Trong bốn năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc do đế quốc Mỹ gây nên, quân và dân ta ở các địa phương đã phát huy truyền thống bất khuất và quật cường của dân tộc, đấu tranh anh dũng, chiến thắng vẻ vang. Ở khắp nơi trên đất nước ta đều có những di tích chiến thắng của ta và những vết tích tội ác chiến tranh của địch. Ngay từ bây giờ chúng ta cần xác minh và bảo tồn những di tích điển hình chứng minh cho giai đoạn đấu tranh chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc ta, để giáo dục truyền thống cho các thế hệ nay và mai sau.
Nhằm mục đích trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương thi hành đầy đủ những việc sau đây:
1. Các Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo vệ các điển hình di tích chống Mỹ, cứu nước ở địa phương bao gồm các di tích chiến thắng và những chứng tích tội ác chiến tranh của địch.
Các ty, sở văn hóa và các ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở các tỉnh và thành phố có trách nhiệm giúp đỡ các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nghiên cứu và đăng ký những di tích có tính chất điển hình đối với địa phương và xét cần được bảo tồn để giáo dục truyền thống cho nhân dân hoặc tố cáo tội ác chuyến tranh của địch.
Đối với những di tích chống Mỹ, cứu nước có tầm quan trọng đặc biệt thì các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố sẽ cùng các ngành sở quan nghiên cứu và đề nghị Bộ Văn hóa xếp hạng.
2. Trong tình hình hiện nay cũng như sau khi chiến tranh kết thúc, để tiếp tục phục vụ sản xuất và chiến đấu, trong nhiều trường hợp cần phải sửa chữa cả những công trình quân sự và dân sự đã được đăng ký là di tích chống Mỹ, cứu nước. Trước khi tiến hành công tác tu sửa cơ quan chủ quản phải báo cáo Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nơi có di tích biết và cho đo vẽ, chụp ảnh hoặc quay phim toàn bộ di tích và những bộ phận cần thiết để giữ làm tư liệu;
Riêng đối với các di tích chống Mỹ, cứu nước đã được xếp hạng hay đang được nghiên cứu xếp hạng thì trước khi sửa chữa phải được sự đồng ý của Bộ Văn hóa.
3. Bộ Văn hóa có nhiệm vụ hướng dẫn các ngành và các địa phương bảo tồn và phát huy tác dụng các di tích.
4. Bộ Quốc phòng căn cứ vào các điều trên đây để quy định cụ thể chế độ bảo vệ các di tích quân sự và cộng tác với Bộ Văn hóa trong việc xây dựng các khu di tích chống Mỹ, cứu nước liên quan đế những chiến công của quân đội.
5. Các ngành văn hóa, thông tin và kiến trúc có nhiệm vụ giúp các cơ quan chủ quản quay phim, chụp ảnh và đo vẽ các di tích.
6. Những việc nói trên đây được thi hành đối với những di tích là bất động sản.
Đối với những di tích chống Mỹ, cứu nước là động sản, các cơ quan, các ngành có nhiệm vụ sưu tầm, lập hồ sơ, lý lịch và bảo quản chu đáo những di tích thuộc về ngành mình để trưng bày tại phòng truyền thống của cơ quan hay giao lại cho các viện bảo tàng Nhà nước.
Tại các địa phương, các Ủy ban hành chính các cấp có nhiệm vụ sưu tầm, bảo vệ và phát huy tác dụng các hiện vật là di tích chống Mỹ, cứu nước.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 59-TTg/VG năm 1969 về bảo tồn di tích chống Mỹ, cứu nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 59-TTg/VG
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/06/1969
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 11/07/1969
- Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực