Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 59/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 10 năm 1977

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC BỘ PHẬN CÔNG TÁC PHÁP CHẾ CỦA CÁC BAN, NGÀNH, SỞ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC QUẬN, HUYỆN

Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là mối quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay.

Các nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng, và gần đây Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV và tiếp theo đó Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố, đã nói nhiều về vấn đề này, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phát huy chức năng và tác dụng của pháp chế xã hội chủ nghĩa để tăng cường quyền lực của chuyên chính vô sản, phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo đảm khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế.

Nhằm mục đích đó, Chính phủ đã đặt ra nhiều pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, nhìn chung, và ngay trong thành phố, pháp chế chưa phải đã gắn chặt với toàn bộ việc quản lý của Nhà nước. Trong các lĩnh vực hoạt động, những quy định cụ thể còn thiếu nhiều. Về mặt thi hành luật pháp còn tình trạng tùy tiện, vi phạm, tác hại nghiêm trọng đến quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và đến lợi ích của Nhà nước.

Do đó, việc xây dựng thêm những pháp quy trong các lĩnh vực quản lý và nhất là việc bảo đảm cho những pháp quy đó được thi hành nghiêm chỉnh, phải được xúc tiến một cách mạnh mẽ và khẩn trương.

Để làm việc này, theo tinh thần của nghị định số 190/CP ngày 9-10-1972 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố đã thành lập Ban Pháp chế, để giúp Ủy ban quản lý thống nhất việc xây dựng và ban hành văn bản pháp quy trong thành phố, quản lý việc thi hành thống nhất luật pháp và thực hiện những công tác pháp chế cần thiết khác.

Tuy nhiên muốn phát huy được đầy đủ tác dụng tích cực của pháp chế xã hội chủ nghĩa, làm cho pháp chế trở thành công cụ có hiệu lực trong toàn bộ việc quản lý Nhà nước và trong việc quản lý nền kinh tế quốc dân, cần phải có cán bộ pháp chế ở các sở, ngành và các quận, huyện, phường, xã cũng như ở xí nghiệp để giúp giám đốc sở, ngành, ủy ban nhân dân địa phương thực hiện các mặt công tác pháp chế, theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ và tình hình thành phố.

Trên tinh thần đó, căn cứ và nghị định 190-CP nói trên và nghị quyết của kỳ họp thứ hai của Hội đồng nhân dân Thành phố (khoá I), Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành và các Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức bộ phận công tác pháp chế ở ngành và địa phương mình theo hướng sau đây :

I.- VỀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

1- Ở các quận, huyện và các sở, ban, ngành thành phố, thành lập tổ pháp chế có từ 1 đến 3 cán bộ chuyên trách.

Trước mắt nếu chưa đủ cán bộ thì bố trí một cán bộ có năng lực đảm nhận và sẽ bổ sung dần.

Nơi nào đã thành lập phòng pháp chế thì tổ chức lại theo tinh thần của chị thị này.

2- Ở cơ sở (phường, xã, xí nghiệp), trước mắt bố trí cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp chế để giúp phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã phụ trách Ban tư pháp phường, xã hoặc đồng chí phó giám đốc xí nhgiệp được phân công phụ trách công tác này.

3- Tổ pháp chế của sở, ngành, quận, huyện là đơn vị trực thuộc ban giám đốc sở hoặc Ủy ban nhân dân Quận, huyện, chịu sự chỉ đạo của giám đốc hoặc Ủy ban nhân dân và sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Ban pháp chế Thành phố.

II.- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TỔ PHÁP CHẾ Ở CÁC SỞ, NGÀNH, QUẬN, HUYỆN

Đối với các sở, ngành

1- Nắm các luật lệ, quy định… về hoạt động của ngành, nghiên cứu, đề đạt với giám đốc, phân công nghiên cứu kế hoạch và biện pháp thi hành các văn bản mới đến.

2- Tham gia với các bộ phận chuyên môn dự thảo các loại văn bản pháp quy có tính chất chung thuộc trách nhiệm của sở, ngành xây dựng để thực hiện luật pháp Nhà nước và quyết định, chỉ thị của cấp trên, để giám đốc ban hành hoặc trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.

3- Đặt kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tập hợp các văn bản pháp quy liên quan đến ngành mình và trong phạm vi cơ quan mình để báo cáo cho lãnh đạo nắm.

4- Nắm tình hình thi hành pháp chế trong ngành mình và kiến nghị với giám đốc những sửa đổi hoặc bổ sung cần thiết.

5- Đặt kế hoạch phổ biến và giải thích trong cơ quan và ngoài nhân dân luật pháp hiện hành liên quan đến ngành mình.

6- Hướng dẫn cán bộ pháp chế ở các đơn vị cơ sở thực hiện công tác pháp chế.

7- Đề xuất ý kiến với giám đốc về các vấn đề có liên quan tới pháp chế trong hoạt động của ngành mình.

Đối với các quận, huyện

1- Nắm các luật lệ và những quy định, chỉ thị cấp trên phải thi hành ở địa phương và nghiên cứu đề đạt với Ủy ban nhân dân quận, huyện sự phân công, nghiên cứu kế hoạch, biện pháp thi hành ở địa phương.

2- Tham gia với phòng chuyên môn dự thảo các văn bản pháp quy của Ủy ban nhân dân quận, huyện để thực hiện luật pháp Nhà nước và quyết định, chỉ thị… của cấp trên.

3- Đặt kế hoạch phổ biến và giải thích luật pháp hiện hành ở quận, huyện.

4- Hướng dẫn và theo dõi việc thi hành luật pháp và pháp quy áp dụng ở quận, huyện mình.

5- Nắm tình hình thi hành pháp chế trong địa phương mình, kiến nghị với Ủy ban nhân dân quận, huyện những sửa đổi hoặc bổ sung cần thiết cho sát với tình hình cụ thể của địa phương.

6- Đặt kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tập hợp các văn bản có tính chất pháp quy của Ủy ban nhân dân quận, huyện trong phạm vi địa phương mình.

III. TIÊU CHUẨN CÁN BỘ PHÁP CHẾ

Cán bộ làm công tác pháp chế phải nắm đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, đồng thời am hiểu về luật pháp ; Cần chọn trong số cán bộ có tư cách đạo đức tốt, có trình độ chính trị và văn hoá khác (tốt nghiệp cấp 2 phổ thông), có kinh nghiệm về công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và công tác đoàn thể. Nếu chưa biết về pháp lý sẽ được bồi dưỡng, đào tạo về pháp chế khi được giao làm công tác pháp chế.

******

Vì yêu cầu của tình hình hiện nay, các Ủy ban nhân dân quận, huyện, các đồng chí giám đốc sở, ngành cần khẩn trương tiến hành xây dựng tổ chức pháp chế theo hướng quy định trên đây và báo cáo danh sách về Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Pháp chế Thành phố.

Ban Pháp chế Thành phố có trách nhiệm theo dõi và có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 59/CT-UB năm 1977 về tổ chức bộ phận công tác pháp chế của các ban, ngành, sở và Ủy ban nhân dân các quận, huyện do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 59/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/10/1977
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Đình Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/10/1977
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản