Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/CT-UB-NCVX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 12 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC TỐT TẾT NGUYÊN ĐÁN 1996.
Thành phố ta đón Tết Bính Tý trong không khí vui tươi, phấn khởi sau một năm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thiết thực kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của dân tộc.
Năm 1996, thành phố tiếp tục phát triển đi lên trong khí thế sôi nổi chào mừng Đại hội lần thứ 8 của Đảng, phấn khởi bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục phấn đấu vượt qua thử thách, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”.
Với ý nghĩa đó, Tết Bính Tý phải được tổ chức trong tinh thần “Vui tươi -Lành mạnh - An toàn - Tiết kiệm - Đoàn kết - Phấn khởi - Làm cho Tết đến với mọi nhà”.
Để đáp ứng yêu cầu trên, nhằm phục vụ thật tốt đồng bào ăn Tết, theo chủ trương của Thường vụ Thành ủy nêu trong Thông tri số 80/TT-TU ngày 30/11/1995, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo như sau :
I.- ĐẢM BẢO NHU CẦU HÀNG TẾT, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG :
1- Các ngành Thương nghiệp, Hợp tác xã mua bán, các tổ chức sản xuất kinh doanh cần tập trung sức chỉ đạo chuẩn bị nguồn hàng bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng Tết của nhân dân thành phố và khu vực. Bảo đảm cung cấp tốt nhất các mặt hàng thiết yếu như lương thực (gạo), thực phẩm (cá, rau xanh, dưa hấu) - đặc biệt là mặt hàng thịt heo.
2- Sắp xếp việc mua bán hàng Tết trên nguyên tắc thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 36/CP của Chính phủ, Chỉ thị 50/CT-UB ngày 29/9/1995 của Ủy ban nhân dân thành phố, Kế hoạch số 2890/CT-UB ngày 29/9/1995 của Ủy ban nhân dân thành phố về cuộc vận động không xả rác nơi công cộng đợt III ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đô thị, giữ phố xá sạch đẹp, tạo mỹ quan chung cho thành phố. Đồng thời phải đẩy mạnh chống làm hàng giả, hàng kém chất lượng ; chống tệ đầu cơ, kinh doanh trái phép. Song song phải làm tốt việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
3- Tăng cường quản lý giá cả, ra sức kềm giữ giá, hàng hóa bày bán phải niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Chú ý quản lý chặt chẽ các loại giá dịch vụ như giá giữ xe hai bánh, giá may mặc, giá vào cửa các loại hoạt động vui chơi giải trí… Có thể cho tiếp tục phát triển mô hình Thanh niên xung phong trực tiếp làm dịch vụ giữ xe hai bánh tại các khu vui chơi tập trung đông khách như Đầm Sen, Kỳ Hòa, Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, Văn Thánh… Phải xử lý nghiêm các vụ vi phạm thu tiền vượt quá giá đăng ký hoặc vượt quá giá quy định của cơ quan quản lý cho phép.
4- Sở Thương mại chủ trì cùng Công an thành phố, Sở Giao thông công chánh, Sở Tài chánh, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xác định khu vực tổ chức chợ hoa kiểng, trái cây sao cho thuận tiện người mua người bán nhưng không được gây mất trật tự, không gây ách tắc giao thông, không gây thiệt hại cho những người buôn bán bên trong các chợ. Không cho phép dùng vỉa hè, lòng đường kinh doanh hàng Tết (trừ mặt hàng dưa hấu và hoa tươi). Giao cho quận, huyện chọn một số vỉa hè rộng không nằm trong các tuyến đường trọng điểm của thành phố và của quận huyện để sắp xếp cho bán dưa hấu và hoa tươi phục vụ Tết và trong ngày 30 Tết phải chấm dứt buôn bán và dọn dẹp vệ sinh. Có thể dùng một số diện tích trong các công viên để bán dưa hấu và hoa tươi, nhưng phải đảm bảo vệ sinh. Kế hoạch này phải được Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và phải bảo đảm tuân thủ dọn dẹp sạch sẽ trước 17 giờ ngày 30 Tết.
5- Sở Thương mại phải nắm chắc nhu cầu thị trường, chuẩn bị lực lượng hàng hóa, có kế hoạch chỉ đạo các Công ty quốc doanh chuẩn bị hàng hóa để bảo đảm bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu kịp thời. Phối hợp với các ngành chức năng giải quyết nhanh tiền vốn, nguồn hàng, điểm bán lẻ… cho các doanh nghiệp Nhà nước chuyên kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Cần có hàng hóa dự phòng vào thời điểm cận Tết và sau Tết để tham gia điều hòa thị trường, không để xảy ra bất kỳ biến động giá mặt hàng nào trước và sau Tết.
II. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VUI CHƠI, GIẢI TRÍ :
1- Sở Văn hóa thông tin chủ trì cùng với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thật tốt các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể thao, vui chơi, giải trí tươi vui, lành mạnh, làm phong phú đời sống tinh thần nhân dân trong ngày Tết cổ truyền. Phải rất chú ý đến các xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ.
2- Tổ chức các khu văn hóa - vui xuân cấp thành phố và các quận, huyện, ở các Nhà Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa, thể thao với nhiều loại hình đa dạng, đậm đà tính dân tộc. Các khu vui xuân có sức hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo quần chúng đến thưởng ngoạn, tạo không khí tươi vui, lành mạnh, góp phần loại bỏ các mặt tiêu cực xã hội.
3- Các đoàn nghệ thuật, hãng phim, sản xuất băng từ, Công ty Phát hành sách, Nhà xuất bản… tích cực xây dựng chương trình hay, tiết mục mới, chủ động phục vụ kịp thời trong dịp Tết. Cần phối hợp với Công ty Du lịch xây dựng các tiết mục đặc sắc phục vụ khách nước ngoài và Việt kiều đón Xuân tại thành phố. Tổ chức tháng phim Việt Nam, cung cấp bằng hình, phim hay cho các hộ dân.
4- Sở Văn hóa thông tin cùng các ngành các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, ngăn chặn những biến tướng trong hoạt động lễ hội, tổ chức lực lượng ở cấp thành phố và các quận, huyện kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực văn hóa thông tin. Đối với các sản phẩm độc hại, kiên quyết loại trừ ra khỏi đời sống tinh thần xã hội. Triệt để bài trừ cờ bạc, rượu chè, ngăn chặn tệ mê tín dị đoan.
III.- CHĂM LO CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG NGHÈO
1- Chú trọng chăm lo các đối tựơng chính sách theo khả năng hiện có của địa phương. Mức trợ cấp cho các đối tượng chính sách vẫn giữ như mức 1995, tránh việc cấp trùng lắp giữa các ngành, các cấp thành phố, quận, huyện, phường, xã. Cần tổ chức các đoàn thăm hỏi, chúc Tết các gia đình chính sách tiêu biểu, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình cách mạng neo đơn, nghèo túng. Cấp phường, xã nên tổ chức họp mặt cuối năm hoặc đầu năm mới sao cho trang trọng, thân tình nhưng không phô trương, hình thức, không tổ chức ăn uống tốn kém ngân sách Nhà nước và nhân dân.
2- Để Tết đến mọi nhà, cần nắm chắc số hộ nghèo, có kế hoạch vận động, tạo quỹ giúp đỡ người nghèo được ăn Tết, không để bất kỳ một gia đình nào vì quá nghèo mà không biết đến Tết.
IV.- VỀ TRẬT TỰ VỆ SINH VÀ AN TOÀN XÃ HỘI :
1- Ngành Giao thông công chánh phối hợp với các quận huyện bảo đảm tốt vệ sinh công cộng, xử lý rác kịp thời trước, trong và sau Tết (nhất là ở các khu chợ, khu vui chơi giải trí, khu bán hoa kiểng, dưa hấu, hàng Tết…). Sắp xếp và tổ chức hợp lý ở các nhà ga, bến xe, không để ứ đọng hành khách, chống đầu cơ, nâng giá vé, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của nhân dân. Làm vệ sinh trên tất cả vỉa hè (làm cỏ, vận chuyển hết xà bần và rác ứ đọng ở vỉa hè).
2- Ngành Công an phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và quận huyện giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tích cực truy quét, tấn công mạnh vào các loại tội phạm. Phải phát động nhân dân, các tổ dân phố đề cao cảnh giác, tự bảo vệ cộng đồng mình ở và góp sức cùng lực lượng an ninh giữ gìn an ninh, trật tự trước trong và sau Tết. Đặc biệt phải có kế hoạch cụ thể để đôn đốc tiếp tục chấp hành nghiêm chỉ thị số 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ ; Chỉ thị 36/CP của Chính phủ và Chỉ thị số 50/CT-UB của Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý an toàn giao thông và trật tự đô thị, Kế hoạch số 2890/CT-UB về tiếp tục cuộc vận động không xả rác nơi công cộng đợt III.
- Ngành Giao thông công chánh, Cảnh sát giao thông tiếp tục lập lại trật tự trên các đường phố, bảo đảm đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ… giảm đến mức thấp nhất nạn kẹt xe và tai nạn giao thông, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các vụ đua xe trái phép.
- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần chỉ đạo các đơn vị thuộc cấp kiểm tra tình hình phòng chống cháy, nổ, đặc biệt là các kho tàng, cơ sở kinh tế quan trọng.
V.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1- Thành lập Ban chỉ đạo Tết ở cấp thành phố ; các ngành các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể gởi báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15/12/1995.
2- Theo Luật lao động, thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài hơn nên các cơ quan, đơn vị phải chú ý công tác bảo vệ, phân công trực cơ quan, bảo đảm có cán bộ trực xử lý các công việc xảy ra khi cần. Yêu cầu sở ban ngành cấp thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện lập danh sách trực, lịch trực gởi về Ủy ban nhân dân thành phố.
Hết thời hạn nghỉ Tết, cần bắt tay ngay vào sản xuất, công tác; không được nhân dịp Tết kết hợp nghỉ phép kéo dài ảnh hưởng đến công tác, sản xuất.
3- Các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sản xuất kinh doanh phải bảo đảm chi trả lương, thưởng trước Tết (ít nhất là trước 01 tuần) theo đúng quy định hiện hành.
4- Khu vực các cơ quan và doanh nghiệp thuộc Nhà nước phải triệt để thực hiện tiết kiệm. Cụ thể là :
a) Không tổ chức liên hoan ăn uống tốn kém vào cuối năm và đầu năm; các cuộc hội nghị tổng kết, họp mặt chính sách, họp mặt ngành giới, cần tổ chức thiết thực, giản dị với tiệc trà, văn nghệ nhẹ nhàng. Các cuộc chiêu đãi đối ngoại dịp Tết (nếu cần) cũng phải đơn giản tiết kiệm.
b) Tuyệt đối không dùng kinh phí Nhà nước, kinh phí các doanh nghiệp thuộc Nhà nước quản lý để : mua quà tặng nhau hoặc tặng tiền dưới dạng phong thư, in lịch, in sổ tay-lịch (agenda), in báo xuân, mua hoa kiểng… làm quà tặng tốn kém.
c) Việc in thiệp chúc Tết : do yêu cầu giao tiếp và tập tục, các sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận huyện xét kỹ nhu cầu cần thiết, tính toán kỹ các đối tượng cần gởi để in đúng số lượng, hình thức trang trọng, đơn giản, tránh xa hoa lãng phí.
d) Sở Tài chánh không được chi kinh phí và duyệt quyết toán cho các khoản không được phép chi nêu trên.
đ) Các ngành các cấp cần gương mẫu vận động phong trào tiết kiệm, kiên quyết gạt bỏ các khoản chi tiêu hình thức phô trương lãng phí, tìm mọi biện pháp vận động đóng góp cho quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ bảo trợ bệnh viện miễn phí, các hoạt động từ thiện nhân đạo ; thiết thực chăm lo các đối tượng chính sách, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đặc biệt là các hộ dân đang có nhiều khó khăn gay gắt.
5- Các sở chủ quản, ngành điện, nước, đèn đường, y tế phải bảo đảm cung cấp điện, nước, chiếu sáng và trực cấp cứu tai nạn trong dịp Tết (từ 28 tháng Chạp đến 5 tháng Giêng (Âm lịch). Các đơn vị trực Tết làm nhiệm vụ phải được chăm lo bồi dưỡng chu đáo.
Thủ trưởng các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện khẩn trương triển khai chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tình hình về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Chỉ thị 406-TTg năm 1994 về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 36-CP năm 1995 về việc bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị
- 3Chỉ thị 50/CT-UB-NCVX năm 1995 về giải quyết một số vấn đề cụ thể trong quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chỉ thị 58/CT-UB-NCVX năm 1995 về việc tổ chức tốt Tết nguyên đán 1996 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 58/CT-UB-NCVX
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/12/1995
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/12/1995
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra