Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 55-CT

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH KHAI THÁC THAN ĐỊA PHƯƠNG

Trong các năm qua, với sự giúp đỡ của Bộ Mỏ và than, các tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, Hà Sơn Bình, Hoàng Liên Sơn, Quảng Nam - Đà Nẵng... đã có nhiều cố gắng duy trì và phát triển sản xuất than đáp ứng được một phần nhu cầu của địa phương. Số mỏ than địa phương từ 5 mỏ với tổng sản lượng 50 ngàn tấn (năm 1975), tăng lên 20 mỏ với tổng sản lượng 150 ngàn tấn (năm 1980). Tuy vậy than địa phương vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng và hiệu quả của nó. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có chính sách khuyến khích phù hợp, chưa có chủ trương đầu tư và trang bị kĩ thuật thoả đáng, việc quản lí theo ngành chưa đi vào nề nếp.

Trong kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, nhu cầu than trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng, trong khi đó việc phát triển khai thác than trung ương cũng như việc vận chuyển than cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Để tăng thêm nguồn than địa phương phục vụ sản xuất và đời sống, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Các tỉnh phải tận dụng lao động tại chỗ và điều kiện sẵn có của địa phương đẩy mạnh việc khai thác than trên cơ sở thủ công kết hợp với một phần cơ giới, đặc biệt chú trọng việc khai thác than bùn và than nâu, cụ thể là:

a) Đối với các mỏ than sẵn có phải có biện pháp khôi phục, và tăng sản lượng khai thác để đạt công suất thiết kế hoặc năng lực khai thác tối đa.

b) Đối với những điểm than chưa khai thác, nếu có đủ điều kiện khai thác phải chủ động bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng để tổ chức khai thác. Đối với những điểm than chưa đủ điều kiện khai thác phải có kế hoạch thăm dò, lập báo cáo kinh tế kĩ thuật để bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng mỏ và đưa vào thiết kế khai thác.

Ở các tỉnh có nhiều điểm than chưa khai thác mà tỉnh không đủ lực lượng để tổ chức khai thác được hết thì Bộ Mỏ và than cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước bàn với tỉnh có mỏ giao cho các tỉnh lân cận đưa lực lượng đến tổ chức khai thác.

2. Các ngành ở trung ương tuỳ theo chức năng có nhiệm vụ giúp đỡ các địa phương trong việc khai thác than địa phương.

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hàng năm cân đối vốn đầu tư, thiết bị, vật tư (gồm cả vật tư chuyên dùng) cấp thẳng cho tỉnh theo đề nghị của Bộ Mỏ và than. Các tỉnh có nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả số vốn, vật tư dành cho than địa phương.

- Bộ Mỏ và than thực hiện quản lí ngành đối với than địa phương; đôn đốc, chỉ đạo và giúp đỡ các tỉnh tổ chức khai thác than, giúp các tỉnh khảo sát, thiết kế, lập phương án đầu tư, trang bị kĩ thuật, hướng dẫn chế biến, tiêu thụ, đào tạo công nhân kĩ thuật, mua sẵm thiết bị chuyên dùng, đồng thời kiểm tra theo dõi việc thực hiện kế hoạch đầu tư về than địa phương đã bố trí cho tỉnh.

- Tổng cục Địa chất có trách nhiệm thăm dò bổ sung các điểm than mới được điều tra sơ bộ để sớm xác định trữ lượng đưa vào khai thác, chú trọng tìm kiếm, thăm dò thêm các điểm than mới ở Trung bộ và Nam bộ.

- Bộ Tài chính, Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về vốn, giá cả trên tinh thần khuyến khích khai thác than địa phương.

- Uỷ ban Khoa học và kĩ thuật Nhà nước có trách nhiệm xem xét bảo vệ môi trường để việc khai thác than bùn ở các địa phương không ảnh hưởng đến nông và lâm sinh.

3. Để khuyến khích khai thác than địa phương, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép các tỉnh được ưu tiên sử dụng toàn bộ số than địa phương sản xuất được (kể cả than khai thác được ở tỉnh khác) để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương; trường hợp địa phương sử dụng không hết mới đưa vào kế hoạch cung ứng cho các nhu cầu của trung ương và các địa phương.

Nếu than địa phương sản xuất được đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì địa phương được nhờ Bộ Mỏ và than xuất khẩu một phần số than đó để lấy ngoại tệ. Từ đầu năm, các tỉnh cần đăng kí trước với Bộ Mỏ và than của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước số than sẽ xuất khẩu.

Số ngoại tệ thu được về xuất khẩu số than nói trên sau khi nộp lệ phí xuất khẩu, địa phương được quyền sử dụng ngoại tệ theo quy định hiện hành. Đối với các tỉnh khai thác than mỡ và luyện được cốc, số than này phải đưa toàn bộ vào cân đối trong kế hoạch Nhà nước. Nhà nước sẽ mua theo giá trị nhập khẩu, trả một phần ba (1/3) bằng ngoại tệ hoặc đổi bằng than antraxit tính theo giá xuất nhập khẩu của hai loại than này.

Đối với các tỉnh có điểm than đã được đầu tư khai thác mà không khai thác, thì Bộ Mỏ và than cùng Uỷ ban kế hoạch Nhà nước sẽ trừ vào chỉ tiêu than mà Nhà nước phải cung ứng cho tỉnh số than mà tỉnh có thể khai thác được.

Bộ trưởng Bộ Mỏ và than xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 55-CT năm 1982 về đẩy mạnh khai thác than địa phương do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 55-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/03/1982
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản