Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 485/CT-BNN-BVTV | Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG TRỪ CHUỘT, BẢO VỆ MÙA MÀNG
Trong những năm gần đây chuột tái phát sinh, gây hại gia tăng trên nhiều loại cây trồng. Riêng cây lúa, hàng năm có 65 - 75 nghìn ha bị nhiễm chuột, trong đó có nhiều diện tích bị mất trắng. Vào cuối năm 2012, các tỉnh miền Trung và Nam bộ không có nước lũ lớn, khô hạn xảy ra ở nhiều diện tích đã tạo điều kiện cho chuột hại cây trồng bùng phát ở nhiều tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế; Bình Định; ... và đang có xu thế tăng trong thời gian tới.
Để chủ động phòng trừ, giảm tác hại do chuột gây ra tới mức thấp nhất, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 09/1998/CT-TTg ngày 18/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột, bảo vệ mùa màng. Tập trung vào các nội dung sau:
a) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ mùa màng ; phối hợp với Ban, Ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức, phát động đồng loạt ra quân diệt chuột vào thời kỳ chuột chưa vào mùa sinh sản, giai đoạn chuyển tiếp (khi đồng trắng) giữa các vụ sản xuất, giữa vụ gieo trồng hoặc trong các đợt lũ lụt, chuột còn đang co cụm, kết hợp với đánh bắt thường xuyên. Tùy theo tình hình cụ thể, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành từ 3 - 5 đợt chiến dịch diệt chuột/năm, mỗi đợt từ 5 - 7 ngày bằng các biện pháp, trong đó coi trọng thực hiện biện pháp thủ công như đào, bắt, bẫy chuột.., theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật.
b) Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương tuyên truyền về tác hại và các biện pháp diệt chuột hiệu quả.
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn các biện pháp diệt trừ chuột đến tận hộ nông dân; hướng dẫn các xã, HTX tổ chức thực hiện.
d) Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát việc kinh doanh thuốc BVTV ở địa phương. Nghiêm cấm sử dụng thuốc diệt chuột ngoài danh mục, sử dụng biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người, vật nuôi.
2. Đối với các đơn vị thuộc Bộ
a) Cục Bảo vệ thực vật
- Chỉ đạo các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên nắm chắc diễn biến, sự phân bố và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột; trên cơ sở đó tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Ủy ban nhân dân về phương án tổ chức cộng đồng diệt chuột bằng các biện pháp hữu hiệu;
- Tăng cường kiểm tra đôn đốc các địa phương tổ chức, thực hiện các biện pháp diệt chuột.
b) Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thông tin tuyên truyền về tác hại và các biện pháp diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện khẩn trương các nội dung trên và báo cáo thường xuyên về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) kết quả thực hiện cũng như khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chỉ thị này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Chỉ thị 09/1998/CT-TTg về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 05/1998/TT-BNN-BVTV hướng dẫn Chỉ thị 09/1998/CT-TTG-1998 về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành
Chỉ thị 485/CT-BNN-BVTV năm 2013 tăng cường phòng trừ chuột, bảo vệ mùa màng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 485/CT-BNN-BVTV
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/02/2013
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Bùi Bá Bổng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra