Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 48-TTG/VG | Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 1969 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIỮ GÌN VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ CỦA HỌC SINH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Những năm vừa qua, trong điều kiện chiến tranh phá hoại, công tác giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của học sinh ở các trường phổ thông, mẫu giáo, vỡ lòng, đã đạt được một số kết quả tốt : công tác cấp cứu phòng không đã đảm bảo được an toàn cho học sinh và thầy giáo trong các trường học; phong trào rèn luyện thân thể, vệ sinh, phòng bệnh cũng được đẩy mạnh, v.v...
Tuy nhiên, so với yêu cầu về chất lượng giáo dục, việc giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của học sinh còn có những mặt khuyết điểm và nhược điểm cần phải chú ý : một số bệnh tật có chiều hướng phát triển như bệnh vẹo cột xương sống, bệnh cận thị, bệnh mắt hột, nhiều bệnh tai, mũi, họng, răng, bệnh ngoài da, bệnh giun, sự phát triển về chiều cao và cân nặng của học sinh cũng giảm sút so với hồi trước chiến tranh, v.v...
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình đó là do các cấp chính quyền; các ngành giáo dục, y tế, thể dục thể thao, và các cơ quan có liên quan chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và nội dung của công tác giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của học sinh, và về trách nhiệm của mình đối với công tác đó. Trong điều kiện chiến tranh các trường phải sơ tán, phân tán, phải làm hầm, luỹ để bảo đảm an toàn, nhưng nhiều cơ quan có trách nhiệm thiếu chủ động, thiếu suy nghĩ, để tìm ra những biện pháp tích cực nhằm giảm bớt khó khăn, do đó trường, lớp quá thiếu ánh sáng, dầu đèn không bảo đảm, bảng đen, bàn ghế quá thiếu thốn, việc phân phối một số hàng hoá cần thiết cho việc giữ gìn sức khoẻ của học sinh (khăn mặt, xà phòng, bàn chải răng, mũ, nón, v.v...) chưa được giải quyết, công tác thể dục vệ sinh bị coi nhẹ, việc tổ chức nghỉ ngơi và giải trí cho học sinh chưa được chú ý ; bộ máy quản lý sức khoẻ học sinh từ trung ương đến cơ sở còn thiếu về số lượng, và nhất là yếu về chất lượng, chưa biết tập trung sức lực vào những biện pháp thiết thực và có hiệu quả. Các mặt thiếu sót trên một phần do chưa quan tâm đầy đủ đến đời sống vật chất, tinh thần của học sinh, mặt khác do công tác quản lý các chế độ, chính sách đối với học sinh bị buông lỏng.
Giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của học sinh là một vấn đề lớn, phải có phương hướng và kế hoạch giải quyết toàn diện, và trong một thời gian lâu dài, trên cơ sở tìm hiểu đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm sinh hoạt và phải căn cứ vào khả năng thực tế của nền kinh tế nước ta. Trong những năm trước mắt, để cải thiện một bước tình hình sức khoẻ của học sinh, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các ngành có liên quan và các địa phương cần tập trung giải quyết một số vấn đề thiết thực, theo những phương hướng, chủ trương và biện pháp lớn dưới đây :
1. Đẩy mạnh phong trào vệ sinh và thể dục yêu nước trong các trường học. Tổ chức tốt việc giảng dạy vệ sinh và hướng dẫn thực hành vệ sinh (như vệ sinh học tập, lao động, sinh hoạt, vệ sinh của các em gái, v.v...) trong các cấp học phổ thông, dần dần xây dựng những thói quen về vệ sinh trong giáo viên và học sinh. Tăng cường công tác thể dục thể thao, nhất là thể dục trong các trường học, kết hợp chặt chẽ việc bảo đảm số giờ học thể dục thể thao trong chường trình với việc tổ chức cho học sinh rèn luyện thân thể ngoài lớp, gây thói quen tập thể dục hàng ngày trong học sinh và giáo viên.
2. Tổ chức tốt việc phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh cho học sinh. Hạn chế và làm giảm dần các loại bệnh tật trong học sinh, chủ yếu là ba loại bệnh tật chính : vẹo cột xương sống, bệnh giun, bệnh mắt (mắt hột và cận thị). Cần chú ý tổ chức cho học sinh được nghỉ ngơi thích đáng và giải trí lành mạnh trong năm học và trong dịp hè.
3. Tích cực giải quyết một số điều kiện vật chất tối thiểu nhằm đảm bảo việc giữ gìn và nâng cao một bước sức khoẻ của học sinh. Cải tạo và xây dựng trường, lớp cho hợp vệ sinh, có đủ ánh sáng, có đủ bảng đen đúng quy cách, có bàn ghế hợp với các lứa tuổi. Cố gắng xây dựng sân chơi, bãi tập, phát động học sinh và giáo viên tự mình làm lấy những dụng cụ thể dục thể thao đơn giản, đồng thời Nhà nước tăng cường việc cung cấp dụng cụ thể dục thể thao. Tổ chức tốt việc ăn, ở của các trường nội trú. Bảo đảm cung cấp đủ dầu đèn và đồ dùng phục vụ giữ gìn vệ sinh cho học sinh và giáo viên.
Để đảm bảo thực hiện tốt những phương hướng, chủ trương và biện pháp lớn trên đây, Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm cho các ngành, các cấp như sau :
Ngành giáo dục là ngành chủ quản, phải chủ động đề xuất ý kiến và phối hợp với các ngành có liên quan giải quyết các vấn đề về đảm bảo sức khoẻ của học sinh. Bộ Giáo dục cần có kế hoạch thiết thực đào tạo, bồi dưỡng và ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên trách và kiêm nhiệm dạy thể dục, vệ sinh. Cần tăng cường bộ máy quản lý sức khoẻ của học sinh ở Bộ, sở, ty, phòng giáo dục và trong các trường học, hướng những cơ quan đó đi sâu vào những vấn đề thiết thực và kịp thời đề ra những chủ trương, biện pháp cụ thể, thực tế nhằm tác động rõ rệt đến sức khoẻ của học sinh.
Ngành y tế phải coi học sinh là một trong những đối tượng phục vụ chính của mình. Cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để đẩy mạnh công tác phòng bệnh và chữa bệnh trong các trường học. Bộ Y tế cần phân công rõ ràng cho một cơ quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm chăm lo công tác sức khoẻ của học sinh, ở các tỉnh và huyện, các trạm vệ sinh phòng dịch và trạm liên hợp có nhiệm vụ chăm lo sức khoẻ của học sinh, các trạm y tế ở xã cần phối hợp với nhà trường làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch. Ngành y tế có trách nhiệm cung cấp bác sĩ, y sĩ, y tá và tài liệu giảng dạy về vệ sinh phòng bệnh cho ngành giáo dục, quy định và bảo đảm thực hiện các chế độ phòng bệnh, khám bệnh, và chữa bệnh cho học sinh, giáo viên.
Ngành thể dục thể thao phải coi học sinh là một đối tượng phục vụ quan trọng của mình. Cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để điều tra, nghiên cứu sức khoẻ của học sinh, xây dựng những tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cho thích hợp với các lứa tuổi để đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể trong và ngoài trường học, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên thể dục vệ sinh, tổ chức sản xuất các dụng cụ thể dục thể thao phục vụ trường học.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, ngành nội thương, ngành công nghiệp nhẹ cần có kế hoạch bảo đảm sản xuất và phân phối những vật tư cần thiết cho việc xây dựng và sửa chữa trường lớp, đóng bàn ghế, bảng đen, v.v... bảo đảm cung cấp những dụng cụ và thiết bị thể dục thể thao, những hàng hoá cần thiết cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Ngành kiến trúc có trách nhiệm cùng với các ngành giáo dục, y tế, thể dục thể thao xây dựng quy hoạch và thiết kế mẫu các trường sở cho đúng quy cách, hợp vệ sinh.
Uỷ ban hành chính các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp các ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc các quyết định của Chính phủ và của các Bộ, các Uỷ ban hành chính về giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của học sinh, đồng thời kịp thời giải quyết những vấn đề cụ thể nảy sinh ra ở địa phương trong quá trình thực hiện những quyết định đó.
Đoàn thanh niên lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Uỷ ban thiếu niên nhi đồng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành giáo dục, y tế, thể dục thể thao để giáo dục thanh thiếu nhi về ý thức tự giác giữ gìn và nâng cao sức khoẻ trong và ngoài trường học, vận động cha mẹ, anh chị của học sinh và nhân dân địa phương tích cực chăm lo công tác vệ sinh, thể dục, giải trí cho con em mình.
Bộ giáo dục, Bộ Y tế, Ủy ban Thể dục thể thao, các Bộ, các ngành có liên quan và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này và hàng năm báo cáo kết quả lên chính phủ.
| K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư liên bộ 20-TT/LB năm 1971 về việc khám sức khỏe để tuyển học sinh, nghiên cứu sinh vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trong nước, đi học ở ngoài nước, và về việc quản lý sức khoẻ của học sinh do Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp - Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 207-HĐBT năm 1991 huỷ bỏ các văn bản pháp luật do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Chỉ thị 48-TTg/VG năm 1969 về giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của học sinh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 48-TTg/VG
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/06/1969
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 17/06/1969
- Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra