Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 12 năm 1989 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CẤM XE Ô TÔ TAY LÁI NGHỊCH (TAY LÁI BÊN PHẢI) LƯU HÀNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH .
Trong những năm qua, nhiều đơn vị đã nhập khẩu xe ô tô cũ thuộc loại xe tay lái nghịch (tay lái bên phải) để đáp ứng nhu cầu trong nước. Việc nhập loại xe này tuy có lợi trước mắt vì giá rẻ, nhưng vừa qua các loại xe này đã gây tai nạn giao thông với tỷ lệ lớn vì không phù hợp với luật đi đường của nước ta là “xe và người lưu thông về phía tay phải”, mặt bằng đường công cộng chật hẹp, mật độ lưu thông lớn, xe thô sơ nhiều.
Căn cứ quy định về luật giao thông hiện hành của Nhà nước, và theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ thị cho các cấp, các ngành và mọi công dân lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm ngặt những việc sau đây:
1/ Các tổ chức, đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không được phép bán xe ô tô tay lái nghịch (tay lái phía phải) cho khách hàng, nếu như chưa chuyển đổi tay lái sang phía trái.
2/ Đình chỉ không thời hạn việc cấp giấy phép lưu hành mới đối với các loại xe tay lái nghịch (tay lái phía phải) nếu chưa chuyển đổi sang tay lái thuận.
3/ Đối với những xe ô tô có tay lái nghịch đang được phép lưu hành thì cho phép tiếp tục sử dụng cho đến hết ngày 31/3/1990. Trong thời gian trên, chủ phương tiện có trách nhiệm chuyển đổi tay lái sang phía trái.
Trong thời gian cho phép sử dụng, người chủ sở hữu xe phải chọn cử công nhân láo xe có kinh nghiệm, có đạo đức nghề nghiệp, có ý thức đề phòng tai nạn, để điều khiển những xe ô tô tay lái nghịch.
4/ Kể từ ngày 01/4/1990 cấm toàn bộ các loại xe ô tô có tay lái nghịch (tay lái phía phải) lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, kể cả xe ô tô tay lái nghịch của các đơn vị, tổ chức và công dân ngoài thành phố đến thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện mức phạt cao nhất theo quyết định số 285/QĐ-UB ngày 8/6/1989 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
5/ Giao Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm phối hợp với Công an thành phố và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố tổ chức việc nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm, thẩm định và quyết định việc cho phép chuyển đổi tay lái cho từng loại mác xe cụ thể trong khuôn khổ phân cấp của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ tại chỉ thị 223/TT-LBTC.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kỹ thuật và chất lượng trong việc chuyển đổi tay lái nghịch. Ngăn chặn việc chuyển đổi tay lái nghịch mang tính tự phát và cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở sửa chữa xe ô tô. Ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cho các cơ sở sửa chữa xe (được phép chuyển đổi tay lái) thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo chất lượng.
6/ Các cơ sở sửa chữa xe ô tô thuộc thành phần kinh tế quốc doanh hoặc ngoài quốc doanh muốn kinh doanh nhận chuyển đổi tay lái nghịch phải xin phép Sở Giao thông vận tải thành phố.
Công an thành phố không cấp giấy phép lưu hành cho những xe tay lái nghịch được chuyển đổi tại các cơ sở không có giấy phép hoạt động của Sở Giao thông vận tải.
Cơ sở được phép hành nghề chuyển tay lái phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do kỹ thuật và chất lượng chuyển đổi tay lái gây nên sự cố về an toàn giao thông.
Cần quy định rõ thời hạn bảo hành cho từng mác xe được chuyển đổi tay lái nghịch.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 48/CT-UB năm 1989 về cấm xe ô tô tay lái nghịch (tay lái bên phải) lưu hành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 48/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/12/1989
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/12/1989
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra