ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 11 năm 1990 |
CHỈ THỊ
PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THỰC HIỆN 4 CUỘC VẬN ĐỘNG LỚN.
Nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị số 278 và quyết định 240 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố (khóa 4) kỳ họp V, từ thực tiễn và yêu cầu ổn định tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phát động phong trào cách mạng quần chúng thực hiện 4 cuộc vận động lớn: Chống buôn lậu và tích cực dùng hàng nội hóa; chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải tiến thủ tục hành chánh, chống gây phiền hà nhân dân, nhằm thúc đẩy sản xuất góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, bảo vệ và ủng hộ các nhân tố mới, trừng trị các loại tội phạm, xây dựng nội bộ trong sạch vững mạnh và lành mạnh xã hội.
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
1/ Phát động phong trào cách mạng quần chúng, tạo nên khí thế cách mạng sôi nổi ở thành phố làm cho đông đảo quần chúng, các ngành, các cấp, tích cực hưởng ứng bằng hành động cụ thể tiến hành thực hiện có kết quả chống buôn lậu, chống tham nhũng, chống tệ quan liêu cửa quyền gây phiền hà cho dân, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, triệt để thực hành tiết kiệm. Trên cơ sở đó trừng trị và xử lý nghiêm khắc các đối tượng phạm pháp, đặc biệt là bọn đầu sỏ, bọn chủ mưu, giữ nghiêm liệu lực quản lý Nhà nước theo luật pháp, đồng thời biểu dương khen thưởng những cá nhân và đơn vị có nhiều thành tích trong thực hiện 4 cuộc vận động.
2/ Đẩy mạnh phát triển sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, đổi mới thiết bị và quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới cạnh tranh được trên thị trường, mở rộng lưu thông, đổi mới cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Từ đó quyết tâm thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất trong nước.
3/ Gắn 4 cuộc vận động với việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, làm trong sạch nội bộ Đảng, chánh quyền và đoàn thể các cấp.
II. NỘI DUNG PHÁT ĐỘNG
1/ Chống buôn lậu trước hết buôn lậu hàng ngoại và mở rộng phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
- Động viên khuyến khích quần chúng và cán bộ công nhân viên chức theo dõi, phát hiện và báo kịp thời cho Ban đặc nhiệm chống buôn lậu về các đối tượng, nguồn hàng, đường dây và các hình thức vận chuyển, cất giấu hàng lậu và tham gia truy quét các đối tượng phạm pháp. Chú trọng việc phát hiện bọn đầu sỏ, bọn chủ mưu, đánh trúng các băng ổ lớn nguy hiểm.
- Tiến hành một cách rộng rãi có chương trình kế hoạch vận động nhân dân phát huy tinh thần dân tộc trong việc “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Khuyến khích ủng hộ và giúp đỡ các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức các hình thức trưng bày giới thiệu sản phẩm… để từng bước hình thành tâm lý tiêu dùng hàng nội hóa, khắc phục dần tâm lý “sùng ngoại” trong tiêu dùng.
- Biểu dương khen thưởng thích đáng kịp thời các cá nhân và đơn vị có thành tích đồng thời xử lý kiên quyết, nghiêm khắc đối với các cá nhân và tập thể vi phạm, nhất là bọn đầu sỏ chủ mưu.
- Có kế hoạch xử lý đúng đắn được quần chúng đồng tình lượng hàng hóa vật tư, tiền bạc tịch thu được trong đấu tranh chống buôn lậu góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, phục vụ các công trình phúc lợi xã hội.
2/ Chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách:
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra đăng ký kinh doanh và các hoạt động của đoàn đặc nhiệm để phân loại và xác định các đối tượng trốn, lậu thuế, các trường hợp không chịu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Từ đó xác định các đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm để chỉ đạo làm dứt điểm, bảo đảm hiệu lực của luật pháp, tận thu cho ngân sách.
- Tiến hành tuyên truyền vận động, giáo dục các đơn vị các hộ tư nhân sản xuất - kinh doanh tự giác khai báo trung thực về doanh thu và số thuế phải nộp, khuyến khích đối với những đối tượng trốn thuế tự giác khai báo nộp đủ số thuế (trường hợp này có khoan hồng châm chước).
- Kiên quyết tiến hành đồng bộ việc chống tiêu cực trong nội bộ ngành thuế, bảo vệ những người phát hiện tố giác đúng và trung thực cán bộ thuế tiêu cực. Tiến hành xây dựng có hệ thống các biện pháp chống thất thu và chống tiêu cực. Kiên quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành thuế những cán bộ thoái hóa, biến chất, thâm lạm tiền thuế, kịp thời bổ sung cho ngành thuế những cán bộ có phẩm chất tốt và có năng lực.
- Phấn đấu bảo đảm chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn, ra sức khắc phục thất thu thuế công thương nghiệp-tích cực góp phần xây dựng Quỹ dự trữ thành phố.
3/ Chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm:
- Chống tham nhũng trước hết động viên vả bảo vệ quần chúng phát hiện tố giác kẻ tham nhũng bao gồm: Bọn tham ô, hối lộ ăn cắp của Nhà nước, bọn lợi dụng chức quyền gây khó khăn ức hiếp trù dập quần chúng trục lợi cho cá nhân trong các cơ quan đơn vị Nhà nước, các tổ chức Đảng và đoàn thể; các hiện tượng vô trách nhiệm làm bừa làm ẩu, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
- Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước trước hết là xử lý nghiêm khắc, kịp thời không khoan nhượng không để dây dưa kéo dài các vụ việc và cá nhân tham nhũng bất kỳ ở cấp nào.
- Gắn việc thực hiện chống tham nhũng với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của ngành, địa phương, đơn vị, qua đó xây dựng tinh thần dân chủ, tinh thần trách nhiệm - ý thức bảo vệ tài sản Nhà nước. Mạnh dạn đổi mới cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng lưu thông góp phần giải quyết việc làm cho lao động.
- Triệt để thực hành tiết kiệm một cách toàn diện:
Kiểm tra đánh giá lại các công trình xây dựng, đình chỉ xây dựng các công trình không có hiệu quả.
Chấm dứt việc nhập các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, cấm hoặc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước sản xuất được, giảm các hội nghị, các buổi liên hoan, tiệc tùng không thật cần thiết, hạn chế mua sắm chưa bức thiết… Nghiêm cấm và xử lý những trường hợp sử dụng lãng phí công quỹ của Nhà nước.
4/ Cải tiến thủ tục hành chánh và chống gây phiền hà nhân dân:
- Cải tiến các quy định thủ tục quản lý hành chánh Nhà nước phải trên quan điểm tư tưởng phục vụ nhân dân vì nhân dân mà làm việc, xây dựng thái dộ phong cách và lề lối làm việc khoa học nhanh nhạy đem lại hiệu quả về quản lý và tổ chức thực hiện.
- Cải tiến đổi mới các thủ tục lòng vòng trung gian, các loại giấy tờ hình thức, khắc phục các kẽ hở và bổ sung sửa chữa kịp thời các quy định thủ tục hiện nay để hạn chế tiêu cực gây phiền hà cho dân, gây lãng phí thời gian và tiền của của dân.
- Xử lý kiên quyết nghiêm khắc đối với những đơn vị và cá nhân đặt ra những quy định thủ tục hoặc thái độ cửa quyền hách dịch gây phiền hà khó khăn cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân.
- Cải tiến thủ tục hành chánh thống nhất và gắn với phương án kiện toàn sắp xếp lại hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn biên chế, chống tham nhũng, chống tiêu cực trong nội bộ từng ngành, từng địa phương, đơn vị.
III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1/ Trách nhiệm chỉ đạo thực hiện chỉ thị:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị cơ sở trực tiếp xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ thị, chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra đôn đốc theo dõi phát hiện và tổng hợp tình hình đề xuất các biện pháp xử lý và các hình thức khen thưởng. Công tác này phải trở thành công tác thường xuyên liên tục và lâu dài trong chương trình kế hoạch thường kỳ của quận, huyện, các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở.
b) Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức sơ kết đợt 1 vào tháng 1/1991, sơ kết đợt 2 vào 5/1991. Tổng kết 1 năm thực hiện 4 cuộc vận động vào 10/1991 Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Thi đua khen thưởng thành phố phối hợp với các ngành chức năng giúp Ủy ban nhân dân thành phố sơ kết tổng kết, đề xuất các hình thức khen thưởng.
2/ Nội dung và hình thức khen thưởng:
Ủy ban nhân dân thành phố sẽ khen thưởng kịp thời và đề nghị Nhà nước khen thưởng như sau:
- Đối với chống buôn lậu và dùng hàng nội hóa:
+ Những cá nhân và đơn vị có công phát hiện thông báo chính xác những tập thể và cá nhân buôn lậu; những cá nhân và đơn vị trực tiếp tham gia đấu tranh thắng lợi, thu giữ được hàng hóa, vật tư, tiền của… sẽ được trích thưởng vật chất theo quy định kèm theo các hình thức khen thưởng Nhà nước.
+ Những đơn vị sản xuất kinh doanh có nhiều sản phẩm cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, chiếm lĩnh được thị trường nội địa sẽ được ưu tiên bổ sung vốn, mặt bằng và các hình thức khen thưởng Nhà nước.
- Đối với chống thất thu thuế:
+ Những đơn vị và cá nhân thu vượt từ 0,1 - 5% đúng chính sách, do Cục trưởng Cục Thuế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện khen thưởng.
+ Thu vượt từ 5% - 10% đúng chính sách do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng. trên 10%, Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Trung ương khen thưởng.
- Đối với chống tham nhũng và cải tiến thủ tục hành chánh:
Ủy ban nhân dân thành phố sẽ có quyết định cụ thể về khen thưởng vật chất và tinh thần cho từng đối tượng cụ thể.
- Quỹ khen thưởng sẽ được trích phần trăm (%) trong tổng số trị giá bằng tiền số hàng hóa, tài sản tịch thu hoặc truy thu kể cả truy thu về thuế.
3/ Gắn chặt thực hiện 4 cuộc vận động với củng cố tổ chức Đảng, Nhà nước và đoàn thể:
- Chánh quyền các cấp các ngành chủ động phối hợp với cấp ủy, đoàn thể tổ chức xây dựng phong trào và qua phong trào sơ kết, tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm nhân điển hình tiên tiến, khen thưởng biểu dương người tốt việc tốt. Từ đó xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Củng cố hiệu lực quản lý Nhà nước, xây dựng nội bộ đoàn kết, chống chia rẽ bè phái trong từng đơn vị cơ quan, trong từng địa phương.
- Tiến hành đồng thời việc củng cố tổ chức Đảng theo tinh thần nghị quyết 11/TU của Thành ủy, với việc thẩm tra kết luận xử lý những vụ việc có liên quan đến cán bộ, đảng viên được quần chúng phát hiện yêu cầu giải quyết qua 4 cuộc vận động.
Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đoàn thể thành phố, các cơ quan thông tin tuyên truyền phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện kêu gọi đồng bào các giới, các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia phong trào thi đua thực hiện 4 cuộc vận động có tầm quan trọng chiến lược này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 47/CT-UB năm 1990 về việc phát động phong trào thực hiện 4 cuộc vận động lớn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 47/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 17/11/1990
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/11/1990
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực