Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 457-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1961

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ MỞ RỘNG CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG GỬI TIỀN VÀO QUỸ TIẾT KIỆM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA 

Sau khi Hội đồng Chính phủ quyết định chính thức thành lập quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 313-TTg ngày 20 tháng 8 năm 1959 cho Uỷ ban hành chính các cấp, các đoàn thể, các ngành có liên quan tăng cường lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân gửi tiền nhàn rỗi vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa.

Đến nay, sau hơn 2 năm, công tác vận động gửi tiền tiết kiệm, nói chung có tiến bộ, tổ chức nhận trả tiền tiết kiệm mở rộng gấp đôi, số tiền gửi tiết kiệm từ 20 triệu cuối tháng 8 năm 1959 đã tăng lên trên 52 triệu cuối tháng 10 năm 1961 mặc dầu sinh hoạt của cán bộ công nhân viên còn có khó khăn.

Đó là một thành tích lớn, có tác dụng làm tăng thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, góp phần điều hoà lưu thông tiền tệ và quản lý thị trường; đồng thời tạo cho công nhân viên, bộ đội, cán bộ và các tầng lớp nhân dân lao động có điều kiện để dành tiền để giải quyết những khó khăn bất thường trong sinh hoạt, vừa góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nâng cao ý thức tiết kiệm, trau dồi đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, nhìn chung, cuộc vận động tiết kiệm chưa trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi chưa tiến đều và theo kịp yêu cầu của tình hình trong lúc nước nhà đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong 2 năm 1960 – 1961 số tiền gửi tiết kiệm đều không đạt kế hoạch và đặc biệt gần một năm nay tốc độc tăng rất chậm.

Nguyên nhân của tình hình trên là:

1. Về mặt lãnh đạo, nhiều nơi, các cấp chính quyền, đoàn thể, thủ trưởng các ngành chuyên môn, giám đốc các xí nghiệp, công trường, nông trường đều chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động tiết kiệm, ở các xí nghiệp, công trường, cơ quan, số người tham gia còn quá ít (khoảng 50% tổng số cán bộ công nhân viên). Ở thành thị, số người gửi tiền chỉ chiếm khoảng 40% số hộ. Đặc biệt ở nông thôn tiền lưu hành chiếm 2/3 tổng số tiền phát hành nhưng quỹ tiết kiệm lại chưa được tổ chức, tiền gửi và hợp tác xã vay mượn cũng luôn luôn không đạt kế hoạch.

Các ngành phụ trách công tác tuyên truyền giáo dục vận động quần chúng, các báo chí, đài phát thanh, … chưa chú ý đúng mức việc giáo dục nhân dân ý thức tiết kiệm, hướng dẫn tiêu dùng đề cao phong trào gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa. Một số cán bộ, công nhân và nhân dân có tiền chưa cần tiêu vẫn chưa gửi vào quỹ tiết kiệm, có người còn giữ tiền để tranh thủ mua hàng dự trữ, hoặc mua sắm những hàng chưa thật cần thiết. Tình trạng chơi họ cũng còn ở nhiều nơi.

2. Ngân hàng Nhà nước tuy có nghiên cứu đưa ra một số thể thức tiết kiệm mới, cố gắng phát triển tổ chức thu trả tiết kiệm, nhưng màng lưới vẫn còn hẹp, thủ tục vẫn còn phiền phức chưa thuận tiện cho người gửi tiền, kiểm tra theo dõi chưa chặt chẽ để xảy ra tham ô, lợi dụng.

Những thiếu sót chính trên đây cộng với những khó khăn trong việc cung cấp một số mặt hàng cần thiết không theo kịp nhu cầu, giá cả thị trường chưa thật ổn định, làm cho tiền tệ nằm đọng khá nhiều trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ở nông thôn.

Chúng ta đang phải hoàn thành tốt kế hoạch năm thứ nhất và bước vào thực hiện kế hoạch năm thứ hai của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất là công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa đòi hỏi rất nhiều vốn. Ngoài nguồn vốn Nhà nước, phần đóng góp của nhân dân qua quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa chiếm một phần quan trọng. Mặt khác, sản xuất càng phát triển, công cuộc kiến thiết càng mở rộng thì tiền mặt càng lưu hành rộng rãi, khối lượng tiền tệ ngày càng nhiều nhưng khả năng cung cấp hàng hóa vẫn có hạn, nên việc vận động nhân dân tiết kiệm tiêu dùng gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa là một việc hết sức cần thiết.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị cho Uỷ ban hành chính các cấp, các cơ quan Ngân hàng Nhà nước, thủ trưởng các ngành, các cơ quan, các đơn vị và giám đốc các xí nghiệp, công trường, nông trường, phải lãnh đạo kịp thời việc chấn chỉnh và mở rộng công tác vận động gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, vừa có lợi cho Nhà nước vừa có lợi cho người gửi tiền tiết kiệm, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ động viên vốn trong kế hoạch 5 năm.

Muốn thế, các ngành, các cấp, các đơn vị phải làm tốt mấy việc sau đây:

1. Nghiên cứu Chỉ thị số 30/CT/TƯ của Trung ương Đảng ngày 9 tháng 11 năm 1961 và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 313-TTg ngày 20 tháng 8 năm 1959, kết hợp với Chỉ thị này, kiểm điểm sự lãnh đạo đối với công tác vận động tiết kiệm trong thời gian qua, phát huy thành quả đã đạt được, khen thường kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích, khắc phục những thiếu sót đã xảy ra, vạch kế hoạch lãnh đạo tiến hành tốt trong thời gian tới, phát động rộng rãi quần chúng tham gia, làm cho việc gửi tiền tiết kiệm trở thành một ý thức giác ngộ, một vấn đề sinh hoạt bình thường của mọi thành viên trong xã hội mới, chống việc giữ tiền lại trong túi hoặc để tranh thủ mua hàng dự trữ. Mọi người đều phải có ý thức góp phần tích cực để xây dựng chủ nghĩa xã hội, không mua sắm những thứ chưa thật cần thiết, tiêu dùng dè xẻn, đề cao tác phong sinh hoạt giản dị trong cán bộ, công nhân viên…

Về tổ chức, mỗi cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp, đơn vị bộ đội cần phân công có người phụ trách vận động tiết kiệm, có uỷ nhiệm thu, trả tiền tiết kiệm.

Ở nông thôn: cần giúp đỡ Ngân hàng Nhà nước xây dựng và củng cố các hợp tác xã vay mượn để đảm bảo công tác tín dụng và huy động tiết kiệm tiến hành thuận lợi.

2. Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu những thể thức gửi tiền thích hợp với điều kiện và khả năng của mọi tầng lớp nhân dân, cải tiến tổ chức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người gửi tiền, lĩnh tiền được nhanh chóng, dễ dàng, tăng cường huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ Ngân hàng và các uỷ nhiệm thu trả tiết kiệm, có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn tránh tham ô, nhầm lẫn, mất mát.

3. Các cơ quan văn hoá, báo chí, đài phát thanh cần có kế hoạch cụ thể tuyên truyền giáo dục cán bộ và nhân dân nghĩa vụ gửi tiền chưa dùng đến vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa. Chú ý theo dõi tin tức để đăng báo và phát thanh.

4. Đề nghị Tổng Công đoàn và các đoàn thể có Chỉ thị cho các cấp cơ sở phối hợp với các cơ quan xí nghiệp, hợp tác xã tăng cường hơn nữa công tác vận động tiết kiệm.

Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa hiện nay có một vị trí quan trọng trong hệ thống tài chính xã hội chủ nghĩa, đồng thời phong trào tiết kiệm cũng có ảnh hưởng nhất định đến các mặt tư tưởng, sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên, bộ đội và mọi tầng lớp nhân dân lao đông ở thành thị và nông thôn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Uỷ ban hành chính các cấp, các ngành, nghiên cứu Chỉ thị này, đặt vấn đề lãnh đạo kịp thời và đúng mức để công tác vận động gửi tiền tiết kiệm được tiến hành tốt.

 

 

 

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 


Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 457-TTg năm 1961 về chấn chỉnh và mở rộng công tác vận động gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 457-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/12/1961
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: 16/12/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản