Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 440-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1959 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHỈNH ĐỐN CHẾ ĐỘ TỔNG HỢP VÀ QUẢN LÝ KẾ HOẠCH LAO ĐỘNG TIỀN LƯƠNG, QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG

Trong năm 1959 các cấp, các ngành đã bắt đầu chú ý đến công tác lao động tiền lương về mặt nghiên cứu thực hiện chính sách, chế độ cũng như về mặt làm kế hoạch và thực hiện kế hoạch.

Nhưng hiện nay vấn đề phân công đối với việc tổng hợp kế hoạch và quản lý kế hoạch lao động tiền lương giữa các cơ quan có trách nhiệm về vấn đề này ở các cấp, các ngành, các xí nghiệp, công trường, nông trường chưa phân định rõ. Việc theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch lao động tiền lương trong mỗi đơn vị giữa các bộ phận; kế hoạch, nhân sự chế độ, tài vụ thiếu một tổ chức có trách nhiệm tổng hợp và quản lý thống nhất toàn bộ các kế hoạch thuộc về lao động tiền lương để giúp các cấp, các ngành theo dõi được tình hình chung và chỉ đạo đối với việc tổng hợp xét duyệt kế hoạch lao động tiền lương và quản lý kế hoạch.

Tình trạng trên đây nếu không kịp thời chỉnh đốn sẽ có ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch lao động tiền lương và quan hệ trực tiếp đến việc nghiên cứu lãnh đạo công tác cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960 theo nghị quyết Trung ương lần thứ 14.

Thủ tướng Chính phủ thấy cần thiết phải chỉnh đốn chế độ tổng hợp và quản lý kế hoạch lao động tiền lương ở các cấp, các ngành theo các nguyên tắc sau đây:

1. Về trách nhiệm tổng hợp và quản lý kế hoạch lao động tiền lương:

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch cấp tỉnh, các Vụ, Phòng... kế hoạch ở các ngành, các cấp, các đơn vị công trường, nông trường, lâm trường, xí nghiệp là những tổ chức chuyên môn có trách nhiệm giúp Chính phủ, các Bộ, Ban, các Ủy ban Hành chính các cấp tổng hợp và quản lý toàn bộ công tác kế hoạch trong đó có kế hoạch thuộc lao động tiền lương. Nhưng trực tiếp lập các dự án kế hoạch lao động tiền lương cho Bộ, ngành và từng đơn vị, xí nghiệp thì sẽ do các bộ phận làm công tác tổ chức nhân sự phụ trách và gửi cho các cơ quan kế hoạch tổng hợp theo các dự án kế hoạch khác của ngành, đơn vị xí nghiệp.

Tất cả những vấn đề có liên quan đến vấn đề lập dự án kế hoạch, tổng hợp kế hoạch và quản lý kế hoạch lao động tiền lương hoặc giải quyết các vấn đề có liên quan đến các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế quốc dân và vấn đề quản lý quỹ tiền lương sẽ do Ủy ban Kế hoạch các cấp giúp các cấp ủy Đảng và Ủy ban Hành chính các cấp giải quyết theo phạm vi trách nhiệm của mỗi cấp. Khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến kế hoạch lao động tiền lương và quản lý quỹ tiền lương, các cấp chính quyền cần phải chú ý sử dụng hệ thống kế hoạch các cấp, các ngành để bảo đảm việc quản lý tập trung thống nhất kế hoạch lao động tiền lương và quản lý quỹ tiền lương của Nhà nước.

Việc tổng hợp kế hoạch lao động tiền lương của các cơ quan hành chính các cơ quan của các Đảng và Đoàn thể cấp trung ương sẽ do Bộ Nội vụ tổng hợp gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ở cấp tỉnh sẽ do Phòng tổ chức Ủy ban Hành chính tỉnh gửi Ủy ban Kế hoạch tỉnh tổng hợp. Còn các kế hoạch lao động tiền lương thuộc các ngành sản xuất kinh doanh... do Ủy ban Kế hoạch trực tiếp với các ngành làm và lên kế hoạch.

Ở các Bộ, ngành hoặc cơ quan thuộc khối nội chính, văn hóa, giáo dục, y tế ở các cấp kể cả các cơ quan đoàn thể trong điều kiện nước ta đang hưởng chế độ quỹ tiền lương của Nhà nước phân phối và các đơn vị không có tổ chức Vụ, Phòng kế hoạch thì việc lập kế hoạch lao động tiền lương sẽ do các hộ phận hoặc cán bộ phụ trách công tác tổ chức nhân sự lập kế hoạch dưới sự lãnh đạo của các cấp lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó.

Việc lập kế hoạch đào tạo công nhân lành nghề và tổng hợp kế hoạch nhân công trong kế hoạch lao động tiền lương sẽ do ngành lao động các cấp và ở huyện là cán bộ phụ trách nhân lực Ủy ban Hành chính huyện phụ trách, và ở cấp trung ương sẽ do Bộ Lao động tổng hợp gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; ở cấp tỉnh sẽ do Ty, Phòng Lao động cấp tỉnh tổng hợp cho cả cấp huyện gửi cho Ủy ban Kế hoạch tỉnh.

2. Vấn đề đôn đốc thực hiện kế hoạch lao động tiền lương và quản lý quỹ tiền lương:

Kế hoạch lao động tiền lương gồm nhiều chỉ tiêu tổng hợp và liên quan đến nhiều chế độ chính sách trực thuộc nhiều cơ quan chính quyền và đoàn thể giải quyết. Nhưng ở mỗi cấp, mỗi ngành việc tổ chức thực hiện kế hoạch lao động tiền lương lại thiếu một sự đôn đốc tập trung thống nhất.

Để khắc phục tình trạng trên:

- Ở cấp trung ương, Ban Lao động tiền lương trung ương có trách nhiệm giúp Chính phủ đôn đốc thực hiện toàn bộ kế hoạch lao động tiền lương thông qua Bộ Lao động đối với các ngành thuộc khu vực sản xuất và thông qua Bộ Nội vụ đối với các ngành hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế.

- Ở cấp tỉnh sẽ do Ủy ban Hành chính tỉnh tổ chức việc điều hòa, phối hợp giữa các ngành, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch lao động tiền lương ở địa phương theo chế độ phân công như ở cấp trung ương.

- Ở các Bộ, các ngành, các đơn vị sẽ do hệ thống tổ chức nhân sự lao động tiền lương giúp các cấp tổ chức việc thực hiện toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch lao động tiền lương của Bộ, ngành và đơn vị mình.

Việc quản lý quỹ tiền lương cần được xúc tiến theo đà cải tiến công tác kế hoạch lao động tiền lương nhằm đảm bảo tốt công tác cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương từ nay về sau.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Kế hoạch các tỉnh cần định rõ các biện pháp để tiến đến thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý quỹ tiền lương đi đôi với việc quản lý kế hoạch lao động tiền lương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 148-TTg ngày 19-03-1958.

Ngân hàng quốc gia Việt Nam cần xúc tiến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ tiền lương trong các ngành thuộc khu vực sản xuất.

Bộ Tài chính cần xúc tiến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ tiền lương trong các cơ quan hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế. Ủy ban Kế hoạch các cấp phải cùng với Ngân hàng, Tài chính nghiên cứu và đề nghị với Chính phủ các quy định về chế độ quản lý, kỷ luật báo cáo, kỷ luật quản lý quỹ tiền lương sát với trình độ tổ chức quản lý của các ngành và tình hình thực tế của ta theo đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 049-TTg ngày 14 tháng 02 năm 1959.

Để các cơ quan Kế hoạch và các tổ chức có trách nhiệm lập các dự án kế hoạch lao động tiền lương, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch lao động tiền lương và quản lý quỹ tiền lương làm tròn nhiệm vụ trên đây và nâng cao được chất lượng công tác:

- Các Bộ, Ban các Ủy ban Hành chính các cấp, các cấp lãnh đạo các cơ quan xí nghiệp cần có cán bộ chuyên trách không nên thay đổi luôn cán bộ để tạo điều kiện cho cán bộ có thể đi sâu vào công tác này.

- Các Bộ, Ban, các ngành, các đoàn thể có trách nhiệm giúp đỡ cho ngành Kế hoạch hiểu rõ tình hình bằng cách thường xuyên gửi các thông báo tình hình, các văn bản quy định chế độ, chính sách lao động tiền lương thuộc cơ quan, ngành, đoàn thể mình và chấp hành đúng chế độ báo cáo theo chế độ tổng hợp và quản lý kế hoạch của Nhà nước; thường xuyên triệu tập các cán bộ kế hoạch tham dự các hội nghị có liên quan.

Muốn làm tốt công tác lao động tiền lương cần phải làm tốt công tác kế hoạch, công tác quản lý kế hoạch, quản lý quỹ tiền lương và chỉ đạo tốt công tác xây dựng thực hiện các chính sách về lao động tiền lương.

Các Bộ, Ban và các Ủy ban Hành chính các cấp cần nghiên cứu kỹ chỉ thị này và thực hiện cho tốt những điều quy định nói trên.

 

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 440-TTg năm 1959 về việc chỉnh đốn chế độ tổng hợp và quản lý kế hoạch lao động tiền lương, quản lý quỹ tiền lương do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 440-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/12/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: 23/12/1959
  • Số công báo: Số 49
  • Ngày hiệu lực: 09/12/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản