Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/CT-BTTTT | Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN VỀ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRÊN BÁO CHÍ
Trong những năm qua, văn học - nghệ thuật nước ta tiếp tục phát triển, với dòng mạch chính là yêu nước và nhân văn, phản ánh chân thật cuộc sống; có tìm tòi về đề tài, phương pháp sáng tác, hình thức diễn đạt. Các sản phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; tăng về số lượng và bước đầu có chuyển biến về chất lượng; hình thành thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Là phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu của xã hội, báo chí đã góp phần hết sức quan trọng trong việc tạo môi trường để văn học, nghệ thuật tiếp cận rộng rãi và gần gũi với đông đảo người dân, góp phần tích cực làm phong phú đời sống tinh thần xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của nhân dân, góp phần định hướng nhân cách, thẩm mỹ, lối sống cho độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ. Cách thức thể hiện sinh động, hấp dẫn, nội dung thông tin phong phú, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí lành mạnh của nhân dân.
Các Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình và nhiều cơ quan báo in, báo điện tử trong cả nước đã sản xuất nhiều tin, bài, chương trình, xây dựng, phát triển chuyên trang, chuyên mục phản ánh đa dạng, có chiều sâu các vấn đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật; phổ biến nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị trên báo chí của mình. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật đã được các cơ quan báo chí chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Qua đó, đã có tác động tích cực đến dư luận xã hội, đến tư tưởng, tình cảm, cảm hứng sáng tạo và trách nhiệm công dân của các văn nghệ sỹ, lực lượng quyết định tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.
Mặc dù số lượng cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng chưa có nhiều ấn phẩm báo chí chuyên sâu thông tin, tuyên truyền về văn học nghệ thuật, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng, chưa quan tâm đúng mức yêu cầu xây dựng con người, phát triển văn hóa. Tỷ lệ tin, bài mang tính chất phê bình, đấu tranh với những tồn tại trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật chưa cao; một số chương trình, tác phẩm chưa có chiều sâu, chưa để lại dấu ấn trong lòng khán thính giả. Một số báo chí văn nghệ, chuyên trang, chuyên mục về văn hóa, nghệ thuật còn giới thiệu, công bố, truyền bá một số tác phẩm văn học, nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; chưa coi trọng biên tập, công bố các tác phẩm phê bình văn học, nghệ thuật có giá trị thẩm định và định hướng dư luận cho xã hội trước những vấn đề văn học, nghệ thuật đang còn tranh cãi. Việc tiếp phát, khai thác các chương trình trò chơi của truyền hình nước ngoài, nhập khẩu các chương trình ca nhạc, đặc biệt là phim của nước ngoài thiếu chọn lọc để phát sóng đã góp phần “cổ súy” cho văn hóa ngoại lai, làm giảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Việc phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị của dân tộc chưa được chú trọng. Thời lượng các chương trình, chuyên đề chuyên sâu về lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa nhiều.
Trước những đặc điểm mới của tình hình trong nước, quốc tế; sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông; quá trình toàn cầu hóa về văn hóa đã và đang đặt ra cho chúng ta những yêu cầu mới hết sức cấp bách.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; tinh thần Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và các đơn vị thuộc Bộ:
1. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 23 NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; tinh thần Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Thực hiện việc thông tin, tuyên truyền về văn học, nghệ thuật đảm bảo theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch, chống âm mưu diễn biến hòa bình, trước hết là trong lĩnh vực tư tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và bảo vệ nhân dân; phản ánh sinh động, cổ vũ động viên cán bộ, nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc... Đưa hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển lên một tầm cao mới, cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
3. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa đối với văn hóa, nghệ thuật trong nước; đấu tranh phòng chống sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại; ngăn chặn các hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ theo xu hướng thương mại hóa, buông lỏng quản lý nội dung, xã hội hóa sai nguyên tắc. Kịp thời thông tin tuyên truyền khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, biểu dương những điển hình tốt, gương tiêu biểu trong việc giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình văn hóa và trong công tác phòng, chống, bài trừ, phê phán các sản phẩm văn hóa độc hại.
4. Đẩy mạnh hoạt động phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật bằng nhiều hình thức trên báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, qua các sản phẩm ghi âm, ghi hình... Xây dựng các chuyên mục, các chương trình phát sóng định kỳ hàng tuần, hàng tháng để giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị với diện tích và thời lượng phù hợp. Tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng chương trình, tin, bài thông tin về các hoạt động văn học, nghệ thuật. Không ngừng cải tiến nội dung, hình thức thông tin, chất lượng thông tin, đảm bảo cho độc giả, khán giả, thính giả được tiếp cận với các tác phẩm văn học, nghệ thuật một cách thuận tiện nhất; đưa văn học, nghệ thuật đến mọi vùng, miền, mọi đối tượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa lành mạnh của nhân dân.
5. Thực hiện xã hội hóa, mở rộng liên kết để huy động nguồn lực xã hội trong sản xuất, phổ biến các chương trình, ấn phẩm, chuyên mục... về văn học, nghệ thuật trên báo chí một cách có chọn lọc để bổ sung, làm phong phú thêm nguồn dữ liệu về tác phẩm văn học, nghệ thuật.
6. Tăng cường các chương trình dạy tiếng Việt, truyền bá, phát huy văn hóa dân tộc đến với cộng đồng người Việt, gốc Việt ở nước ngoài; phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sỹ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước trong đó có việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam tại các quốc gia khác.
7. Các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên phải là lực lượng tiên phong trong việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.
8. Các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí tạo điều kiện để đội ngũ phóng viên, biên tập viên nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ; phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, có tác dụng xây dựng, bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người, chống suy thoái đạo đức xã hội; đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới và sự nghiệp phát triển con người Việt Nam.
9. Các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí xây dựng cơ chế quản lý và biện pháp ngăn chặn các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng không tốt, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
10. Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Báo chí, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác hướng dẫn thanh tra, kiểm tra đối với việc tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học, nghệ thuật.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có các vấn đề phát sinh, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành
- 2Công văn 1820/VPCP-KGVX năm 2014 đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng văn bản hướng dẫn đơn vị phát thanh, truyền hình tuyên truyền về văn học, nghệ thuật do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 42/CT-BTTTT năm 2014 tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về văn học, nghệ thuật trên báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- Số hiệu: 42/CT-BTTTT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/08/2014
- Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
- Người ký: Nguyễn Bắc Son
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra