Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 41/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG KHÓ KHĂN VỀ VỐN CHO CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT KINH DOANH QUỐC DOANH HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ

Để thực hiện chủ trương tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sản xuất - kinh doanh và tập trung giải quyết vốn cho những đơn vị hoạt động có hiệu quả, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành văn bản số 2753/UB-CN ngày 19/6/1990 về việc phân loại các đơn vị sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó lập thủ tục giải quyết vốn cho các đơn vị sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Cho đến nay mới có khoảng 30 sở, ban, ngành, quận, huyện và đơn vị trực thuộc thành phố gởi báo cáo phân loại, trong số này còn một số nơi phân loại chưa chính xác, chưa mạnh dạn xác định thực trạng không hiệu quả của một số đơn vị sản xuất -kinh doanh. Số còn lại, hơn một nửa sở, ban, ngành, quận, huyện và đơn vị trực thuộc đến nay vẫn chưa có báo cáo phân loại, do đó việc tổng hợp tình hình chung gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở phân loại và đề nghị của các đơn vị sản xuất kinh doanh, Ủy ban nhân dân thành phố đã giải quyết cho nhiều đơn vị vay bổ sung vốn lưu động năm 1990.

Để tiếp tục giải quyết có hiệu quả những khó khăn về vốn của sản xuất kinh doanh hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các sở, ban, ngành, quận, huyện và đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các việc sau đây :

1/ Tiếp tục thực hiện công tác phân loại các đơn vị sản xuất - kinh doanh quốc doanh :

- Những nơi đã tiến hành phân loại và đã lập thủ tục đề nghị giải quyết vốn, cần rà soát lại nhu cầu vốn của từng đơn vị, xác định những đơn vị có nhu cầu cấp bách lập danh sách báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết theo thứ tự ưu tiên.

- Nơi nào chưa phân loại thì tiến hành ngay việc phân loại các đơn vị sản xuất kinh doanh quốc doanh và gởi báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố (theo văn bản 2753/UB-CN ngày 19/6/1990 của Ủy ban nhân dân thành phố). Hồ sơ phân loại gởi về Tổ Công nghiệp Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.

2/ Lập thủ tục xin vay bổ sung vốn lưu động định mức :

- Sau khi tiến hành phân loại, xác định những đơn vị hoạt động có hiệu quả và có nhu cầu bổ sung vốn, cần tiến hành lập thủ tục xin giải quyết vốn và gởi về Ủy ban nhân dân 3 văn bản sau đây :

Văn bản của đơn vị xin vay vốn gởi Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chánh, Ngân hàng, sở, ban, ngành chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

Phương án kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó nêu rõ kế hoạch tài chánh, vốn lưu động định mức và nhu cầu vốn lưu động cần bổ sung.

Do nguồn vốn tín dụng còn khó khăn nên việc giải quyết phải đúng đối tượng, tránh giải quyết tràn lan không đúng yêu cầu đề ra. Vì vậy kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị phải được các sở, ban, ngành và đơn vị chủ quản trực thuộc thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm xác nhận ghi rõ đơn vị hoạt động có hiệu quả và có nhu cầu bổ sung vốn lưu động.

Văn bản đề nghị của Sở Tài chánh về việc giải quyết vốn lưu động bổ sung cho đơn vị sau khi có kiểm tra xem xét kỹ kế hoạch sản xuất kinh doanh và nhu cầu cần bổ sung vốn cho đơn vị.

3/ Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và đơn vị trực thuộc thành phố có trách nhiệm tập hợp các hồ sơ trên gởi về Ủy ban nhân dân thành phố cùng với danh sách đề nghị theo thứ tự ưu tiên.

Tất cả các hồ sơ trên được gởi theo từng khối thuộc lĩnh vực phụ trách của các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét giải quyết, riêng các quận, huyện gởi về khối công nghiệp.

4/ Các sở, ban, ngành, quận, huyện, các đơn vị trực thuộc thành phố cần khẩn trương triển khai chỉ thị này đến tận các cơ sở sản xuất - kinh doanh quốc doanh của thành phố nhằm quán triệt nội dung và các yêu cầu của chỉ thị để thống nhất thực hiện . Ngành chủ quản, ngành tài chánh và ngân hàng cần có phối hợp chặt chẽ để giải quyết có hiệu quả những khó khăn về vốn của các đơn vị sản xuất - kinh doanh.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Văn Huấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 41/CT-UB năm 1990 về giải quyết những khó khăn về vốn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh quốc doanh hoạt động có hiệu quả do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 41/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/10/1990
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Huấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản