Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 8 tháng 11 năm 2023

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIỐNG CÂY ĂN QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, bước đầu phát huy hiệu quả; hệ thống cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả ngày càng phát triển, hiện có 63 cơ sở hàng năm cung ứng trên 180 vạn cây giống, chủ yếu là cây bưởi (bưởi Đoan Hùng, Diễn, Da Xanh) và các giống hồng không hạt, chuối, vải, bơ, mít… đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận; công tác nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, khảo nghiệm các giống cây trồng mới được quan tâm thực hiện, trên địa bàn tỉnh đã công nhận 221 cây ăn quả đầu dòng, khảo nghiệm đưa vào sản xuất một số giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao (táo sữa Thái Lan, vải chín sớm PH40...); nhận thức của người dân trong kinh doanh và sử dụng giống cây ăn quả đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng được nâng lên, nhất là ở các vùng sản xuất tập trung, các trang trại có quy mô lớn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 120 triệu đồng/ha/năm, tăng 13,7% (14,5 triệu đồng/ha) so với năm 2020, trong đó một số diện tích bưởi cho thu nhập cao từ 400 - 500 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý giống cây ăn quả thời gian qua cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: hệ thống cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện sản xuất kinh doanh, hồ sơ truy xuất nguồn gốc theo quy định; hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây ăn quả không có nhãn hàng hóa, không được công bố tiêu chuẩn chất lượng vẫn còn diễn ra; công tác quản lý, khai thác các cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng còn hạn chế, một số hộ sản xuất giống cây ăn quả, ghép cải tạo cây ăn quả có múi (bưởi) chưa thực hiện nghiêm việc lấy vật liệu nhân giống, ghép cải tạo từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận, do đó chưa đảm bảo được năng suất, chất lượng sản phẩm. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, triệt để, hiệu quả chưa cao.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đảm bảo chất lượng giống cây ăn quả đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông báo số 4636/TB- BNN-VP ngày 17 tháng 7 năm 2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 09/CT- UBND ngày 26 tháng 7 năm 2021; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị: tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương trong công tác quản lý chất lượng giống cây ăn quả, đảm bảo 100% cây giống đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, có chất lượng cao, sạch bệnh và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung ứng, sử dụng giống cây ăn quả đảm bảo quy trình kỹ thuật, quản lý chặt chẽ chất lượng các loại giống cây ăn quả được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn;

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, giống cây ăn quả trên địa bàn, lập hồ sơ từng cơ sở, về: Quy mô sản xuất, kinh doanh, chất lượng nguồn giống, tiêu chuẩn áp dụng, nhãn mác hàng hóa,…; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện theo quy định; nhất là các cơ sở chưa đăng ký kinh doanh, không đảm bảo các quy định về nhãn mác, túi bầu, thông tin về nơi sản xuất, chất lượng giống cây trồng chưa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, vật liệu nhân giống khai thác từ các vườn sản xuất đại trà chưa được công nhận…;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật về quản lý giống cây quả để các tổ chức, cá nhân và người dân tiếp cận và thực hiện thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý. Thường xuyên cập nhật thông tin và công bố công khai danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây cây ăn quả đủ điều kiện, uy tín; danh sách cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên địa bàn tỉnh;

- Tập trung rà soát, thực hiện tốt công tác bình tuyển, công nhận và quản lý chặt chẽ đảm bảo chất lượng các cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện quy trình quản lý, nhân giống cây ăn quả sạch bệnh; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh liên kết tổ chức sản xuất giữa các tổ chức, cá nhân có cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đảm bảo việc đầu tư chăm sóc và khai thác, sử dụng có hiệu quả;

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tích cực phối hợp với các Viện nghiên cứu, đơn vị sản xuất giống có tiềm lực để nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao các giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao, gắn với xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ khâu sản xuất giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là các cây ăn quả chủ lực có lợi thế: bưởi, chuối,... nhằm đa dạng hóa tập đoàn giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn cá nhân, tổ chức tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất, phòng trừ sinh vật gây hại tại các vườn ươm giống để đảm bảo sản xuất giống cây ăn quả chất lượng, sạch bệnh trên địa bàn;

- Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung theo chỉ đạo tại Chỉ thị này và Chỉ thị số 09/CT- UBND ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; kịp thời đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

- Đẩy mạnh thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ về thu thập, đánh giá, lưu giữ và khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn gen cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu khảo nghiệm, chọn tạo các giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu tốt với sinh vật gây hại gắn với xây dựng và xây dựng, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất phù hợp để tổng kết, đánh giá và triển khai nhân rộng trong sản xuất;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan thực hiện các nội dung liên quan đến quyền bảo hộ giống cây trồng.

3. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng chức năng, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh trong đó tập trung chủ yếu vào cây ăn quả; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về giống cây trồng; thường xuyên thông tin, tuyên truyền về các cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đảm bảo chất lượng để người dân biết và sử dụng; thông tin những tác hại của giống cây trồng kém chất lượng, giống giả, giống quá hạn sử dụng, giống không rõ nguồn gốc, giống chưa được phép sản xuất, kinh doanh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh để người dân biết và phòng tránh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý giống cây ăn quả nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người dân trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng các giống cây ăn quả đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; kịp thời cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân sử dụng giống cây ăn quả có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng;

- Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về chất lượng giống cây trồng theo phân cấp, nhất là quản lý chất lượng giống cây ăn quả; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống, các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh, các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cây giống đưa vào sản xuất; kịp thời phát hiện chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm;

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan đơn vị có liên quan trong việc thu thập nguồn gen, nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn tạo các giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, phát triển kinh tế cho người dân;

- Định kỳ hàng năm (trước ngày 05 tháng 12) tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện trên địa bàn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và chính quyền cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây ăn quả đảm bảo đúng quy định, đúng quy trình kỹ thuật; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất; tăng cường việc giám sát, tố giác, đề nghị với cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về giống cây ăn quả.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 4/CT-UBND năm 2023 tăng cường công tác quản lý giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

  • Số hiệu: 4/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/11/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản