Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 25 tháng 12 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, có bước đột phá, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước. Cùng với đó, nhiều công trình xây dựng cầu đường, các khu đô thị, nhà máy, xí nghiệp, tòa nhà cao tầng dân dụng được thi công luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động. Mặc dù cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; nhận thức của chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, người lao động và nhân dân về an toàn, vệ sinh lao động từng bước được nâng cao; công tác an toàn, vệ sinh lao động được các doanh nghiệp chú trọng..., tuy nhiên có lúc, có nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình hình tai nạn lao động chết người liên quan đến lĩnh vực xây dựng vẫn diễn biến phức tạp. Trong 11 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 12 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 12 người. Trong đó, số vụ tai nạn lao động xảy ra tại các công trình xây dựng là 04 vụ, chiếm 33,33 % tổng số vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trên địa bàn thành phố; một số công trình xây dựng sử dụng cần trục tháp hoạt động vươn ra ngoài phạm vi công trình gây lo lắng trong dư luận.
Để chấn chỉnh, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Chương trình hành động số 28/CTr-TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư; Kế hoạch số 7217/KH-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Chương trình hành động số 28/CTr-TU của Ban Thường vụ Thành ủy; Chỉ thị số 01/CT-BLĐTBXH ngày 10/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường, quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông; Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 02/12/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 1806/KH-UBND ngày 27/9/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố.
- Chỉ đạo, tổ chức thông tin, tuyên truyền Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật mới, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng đến các đơn vị, doanh nghiệp và các chủ thể thi công các công trình thuộc thẩm quyền quản lý; chủ động tiến hành cung cấp, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn lao động, trật tự, vệ sinh môi trường cho các chủ thể ngay từ khâu cấp phép xây dựng; kịp thời biểu dương các tấm gương điển hình tiêu biểu, phê phán các hành vi gây mất an toàn, vệ sinh lao động hoặc nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng mà Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được giao là chủ đầu tư; đảm bảo các yêu cầu về công tác an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu xử lý, giải quyết ngay các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động. Nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý an toàn lao động trong thi công công trình được quy định chi tiết tại Điều 5, Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/03/2017 của Bộ Xây dựng; phân công và thông báo nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Xây dựng tới các nhà thầu thi công xây dựng.
- Cơ quan phê duyệt dự án, công trình xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo quy định của pháp luật; trước khi cấp giấy phép, cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư xuất trình giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với các dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
- Phối hợp, xác minh, điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người; nhanh chóng làm rõ nguyên nhân; xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu và những cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
2. Sở Xây dựng:
- Chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật mới về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng, phối hợp tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan; chủ động tiến hành cung cấp, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn lao động, trật tự, vệ sinh môi trường cho các chủ thể thuộc trách nhiệm quản lý ngay từ khâu cấp phép xây dựng.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về đảm bảo trật tự, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố, trong đó có quy định về quản lý, sử dụng cần trục tháp; phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn thành phố.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, chú trọng đến các nội dung và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn lao động, vệ sinh môi trường theo thẩm quyền. Cương quyết dừng thi công, dừng sử dụng máy, thiết bị khi phát hiện vi phạm về an toàn lao động. Việc kiểm tra, nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình phải có nội dung đánh giá về an toàn lao động.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức triển khai nội dung Chỉ thị này tới các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; chủ động hướng dẫn, tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hàng năm, tiến hành phát phiếu tự kiểm tra về pháp luật lao động, chú trọng đến các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, các nhà thầu xây dựng từ địa phương khác hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
- Thực hiện tốt công tác phối hợp điều tra, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị để xảy ra tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Những trường hợp khi để xảy ra mất an toàn, vệ sinh lao động hoặc khi thanh tra, kiểm tra vi phạm về các quy định trong an toàn lao động cần xem xét, xử lý nghiêm về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Tiến hành đánh giá, phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, từ đó rút kinh nghiệm, tổ chức, phổ biến rộng rãi, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động tương tự tái diễn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ tại một số công trình xây dựng trọng điểm, có quy mô lớn, tập trung đông lao động, sử dụng nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
4. Cảnh sát PCCC thành phố:
- Thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về PCCC trong hoạt động đầu tư, xây dựng công trình. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật PCCC và các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cho toàn dân.
- Xem xét, trả lời về giải pháp PCCC đối với hồ sơ thiết kế quy hoạch, hồ sơ thiết kế cơ sở; chấp thuận địa điểm xây dựng công trình; thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, người lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư, xây dựng, việc đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình thi công. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây mất an toàn PCCC tại các công trình xây dựng.
5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình nhằm nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình. Chủ động tiến hành cung cấp, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn lao động, trật tự, vệ sinh môi trường cho các chủ thể ngay từ khâu cấp phép xây dựng.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình thuộc thẩm quyền, chú trọng tới cả các công trình xây dựng dân dụng, quy mô nhỏ của các hộ gia đình. Khi kiểm tra cộng tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình phải có nội dung đánh giá về an toàn lao động. Xử lý nghiêm các chủ thể vi phạm quy định của pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; cương quyết dừng thi công, dừng sử dụng máy, thiết bị khi phát hiện vi phạm về an toàn lao động.
- Tổ chức giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự, an toàn lao động, vệ sinh môi trường phát sinh do hoạt động xây dựng.
- Chủ động tổ chức phổ biến, triển khai nội dung Chỉ thị này tới các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thuộc trách nhiệm quản lý trên địa bàn.
6. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình xây dựng:
6.1. Đối với chủ đầu tư các công trình xây dựng;
- Tổ chức rà soát, nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Xây dựng, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật PCCC, Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện đúng, đủ các quy trình, quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; quy định rõ trách nhiệm của, đơn vị tư vấn giám sát trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng công trình và chịu trách nhiệm về vi phạm của nhà thầu (nếu có). Kiên quyết thực hiện đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động để xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động. Yêu cầu nhà thầu khắc phục, đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động mới được tiếp tục thi công.
- Xác định rõ vai trò quan trọng, trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình. Lựa chọn các nhà thầu, đơn vị tư vấn có đủ trình độ, năng lực, uy tín, trách nhiệm để thi công và giám sát công trình. Quy định cụ thể trong hợp đồng kinh tế những điều khoản ràng buộc khi nhà thầu vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Quy định rõ trách nhiệm của tư vấn giám sát trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng công trình. Tuân thủ nghiêm các quy định về thẩm duyệt, thi công và nghiệm thu về PCCC đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt PCCC;
6.2. Đối với các nhà thầu xây dựng:
- Tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Xây dựng, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật PCCC, Thông tư số 04/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt chú ý:
- Yêu cầu các nhà thầu lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 04/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
- Thực hiện việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động; thực hiện việc ký hợp đồng lao động; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; phân công, bố trí người lao động làm việc theo đúng ngành nghề, công việc được đào tạo.
- Chấp hành đầy đủ trách nhiệm của nhà thầu thi công trong công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 4, Điều 6 Thông tư số 04/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Thực hiện nghiêm túc việc lập, trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công, biện pháp an toàn. Đối với tất cả các loại giàn giáo, giá đỡ phải được thiết kế, thi công, lắp dựng, nghiệm thu trước khi cho người lao động làm việc; nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định với phần việc do mình thực hiện.
- Thành lập bộ phận làm công tác an toàn, vệ sinh lao động - PCCC, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, bộ phận y tế, đội PCCC cơ sở. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, nghiệp vụ PCCC, cứu hộ, cứu nạn cho người lao động; Thực hiện quản lý sức khỏe; tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trang bị đầy đủ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người lao động chấp hành nghiêm việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và phương tiện PCCC.
- Tăng cường công tác quản lý máy, thiết bị: tất cả các máy, thiết bị phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng nội quy, quy trình vận hành và xử lý sự cố; công nhân vận hành phải được đào tạo về chuyên môn, được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Đối với các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (cần trục tháp, cần trục các loại, tời điện dùng để nâng tải, kéo tải theo phương nghiêng, máy khoan, máy ép cọc, đóng cọc chuyên dùng có hệ thống tời nâng...) phải có hồ sơ thiết kế, kiểm tra, nghiệm thu lắp đặt và phải được cơ quan chức năng kiểm định kỹ thuật an toàn trước khi đưa vào sử dụng; thực hiện khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thực hiện đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng; nghiêm cấm sử dụng thiết bị nâng hàng để vận chuyển người.
- Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý kỹ thuật an toàn: xây dựng đầy đảm bảo chất lượng hồ sơ thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công, quy trình công nghệ, biện pháp an toàn, phương án chữa cháy đảm bảo trong quá trình thi công; đánh giá, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ năng lực quản lý, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tay nghề công nhân để hoàn toàn làm chủ về công nghệ.
- Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo vệ sinh cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; chú trọng đến điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại cho người lao động làm việc tại các công trình xây dựng.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh công trình xây dựng.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời tổng hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai và thực hiện Chỉ thị này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 16/2015/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 2Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp vơi khu dân cư; đường giao thông do tỉnh Bình Dương ban hành
- 3Quyết định 1820/QĐ-UBND năm 2017 công bố thủ tục hành chính về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế Ninh Thuận
- 4Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 1Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 2Chỉ thị 29-CT/TW năm 2013 về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế do Ban Bí thư ban hành
- 3Luật Xây dựng 2014
- 4Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 5Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2014 về việc tăng cường thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố Hải Phòng
- 6Quyết định 16/2015/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 7Chỉ thị 01/CT-LĐTBXH năm 2015 về tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 8Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
- 9Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp vơi khu dân cư; đường giao thông do tỉnh Bình Dương ban hành
- 10Kế hoạch 1806/KH-UBND năm 2016 triển khai thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 11Thông tư 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 12Quyết định 1820/QĐ-UBND năm 2017 công bố thủ tục hành chính về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế Ninh Thuận
- 13Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Chỉ thị 39/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- Số hiệu: 39/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/12/2017
- Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Người ký: Nguyễn Văn Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra