Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
******

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
********

Số: 39-CT-TW

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC, PHÁT HIỆN, BỒI DƯỠNG, TỔNG KẾT VÀ NHÂN ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 03-6-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới, nhìn chung công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước trong cả nước đã có bước chuyển biến tích cực. Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp được kiện toàn, củng cố và hoạt động bước đầu có hiệu quả. Các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã tổ chức được nhiều phong trào thi đua có tác dụng thiết thực. Các cơ quan thông tin đại chúng đã chú ý hơn việc tuyên truyền biểu dương gương người tốt, việc tốt. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được các cấp, các ngành và Nhà nước khen thưởng đã có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương học tập. Thi đua, khen thưởng đã tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đối với công tác thi đua, khen thưởng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chạy theo thành tích. Việc khen thưởng có lúc còn chưa kịp thời, chưa chính xác hoặc có biểu hiện tiêu cực. Hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức thi đua chậm được đổi mới. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời và thường xuyên. Vai trò của các tổ chức trong công tác thi đua ở cơ sở chưa được phát huy mạnh mẽ. Các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức công tác bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng còn nhiều bất cập và thiếu thống nhất.

Nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong những năm tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt nội dung đổi mới công tác thi đua, khen thuởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 03-6-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác thi đua, khen thưởng; đồng thời tổ chức tốt việc hướng dẫn, thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu là hạt hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp phải phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức chỉ đạo công tác thi đua, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

2. Phong trào thi đua trong những năm tới phải đạt được yêu cầu thiết thực, sâu rộng và bao quát được toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang… Xây dựng phong trào thi đua phát triển đều khắp ở tất cả các vùng, miền, góp phần tạo được sự tiến bộ rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, tạo môi trường xã hội lành mạnh, đời sống văn hóa cao, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trước mắt, phát động phong trào thi đua đặc biệt nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày kỷ niệm và các ngày lễ lớn trong hai năm 2004 - 2005.

3. Tập trung chỉ đạo xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến. Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi đơn vị cần xây dựng và lựa chọn được những điển hình tốt, tiêu biểu toàn diện hoặc về từng lĩnh vực của địa phương, đơn vị để nêu gương học tập, đồng thời góp phần tổng kết những điển hình tiên tiến toàn quốc.

Tích cực chuẩn bị tổ chức tốt Đại học thi đua toàn quốc lần thứ VII vào năm 2005.

Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời phát hiện, tuyên truyền và nêu gương các điển hành tiên tiến; thường xuyên phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay của các điển hình tiên tiến và thông tin về việc đổi mới các hoạt động thi đua, khen thưởng.

4. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và cải tiến thủ tục, quy trình xét khen thưởng, thực hiện công khai dân chủ, kịp thời và đảm bảo tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng. Xây dựng, ban hành các quy định cụ thể để thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng và tặng thưởng Huân chương, Huy chương. Kiên quyết chống tiêu cực và bệnh hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng. Các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung giải quyết dứt điểm, hoàn thành trong năm 2005 việc khen thưởng thành tích đóng góp trong các cuộc kháng chiến.

5. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc củng cố hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (là cơ quan thường trực, giúp việc cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và Ban Thi đua - Khen thưởng ở các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng với bộ máy tinh gọn, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ban cán sự đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ



 
Phan Diễn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 39-CT-TW năm 2004 về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 39-CT-TW
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/05/2004
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Phan Diễn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản