Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 384/CT-TCHQ

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HẢI QUAN HƯỚNG TỚI HẢI QUAN PHI GIẤY TỜ NĂM 2022

Nhằm đạt được mục tiêu cải cách hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 và hoàn thiện môi trường làm việc điện tử (phi giấy tờ) trong công tác quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng nền tảng Hải quan số dựa trên ứng dụng dữ liệu lớn (big data); hướng tới kết nối với các bên thông qua việc chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để tạo các dịch vụ Hải quan số; ứng dụng tối đa các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 để chủ động phấn đấu là đơn vị đi đầu trong kế hoạch chung về chuyển đổi số của Chính phủ, phấn đấu trở thành cơ quan Hải quan số hàng đầu trên thế giới trong giai đoạn 2026-2030; thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 2764/QĐ-TCHQ ngày 29/10/2021 của Tổng cục Hải quan về Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025; Trước mắt xác định mục tiêu và kế hoạch đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu hải quan phi giấy tờ trong năm 2022 và xây dựng thành công hải quan số, hải quan thông minh trong những năm tiếp theo, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các nội dung sau:

I. Nhiệm vụ chung

1. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngành hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa cao đáp ứng yêu cầu thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong và sau thông quan.

2. Tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan từ Hệ thống Một cửa quốc gia và hệ thống quản lý chuyên môn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các Bộ, ngành với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành Hải quan.

3. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa ASEAN; tự động kết nối, trao đổi dữ liệu giữa Hệ thống Cơ chế một cửa ASEAN với Hệ thống CNTT của ngành Hải quan.

4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

5. Nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng hệ thống máy soi, camera, seal điện tử và các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan. Trao đổi, kết nối kết quả kiểm tra, soi chiếu với Hệ thống xử lý dữ liệu trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

6. Vận hành có hiệu quả Hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia theo nhiệm vụ phân công tại các Nghị quyết của Chính phủ; tổ chức triển khai công tác cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2020 của Chính phủ và Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức điện tử; Hồ sơ hải quan được nộp cho cơ quan hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử theo dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số), doanh nghiệp không phải nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan cho cơ quan hải quan (trừ các trường hợp phải nộp chứng từ bản chính, chứng từ bản gốc theo quy định của các Bộ, ngành). Chứng từ điện tử phải đảm bảo tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

8. Thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ nội dung của các thủ tục hành chính tại nơi làm thủ tục hải quan theo quy định.

II. Nhiệm vụ cụ thể

1. Vụ Pháp chế

Chủ trì rà soát hệ thống pháp luật hải quan để xác định các văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại theo định hướng hải quan số, hải quan thông minh.

2. Cục Giám sát quản lý về Hải quan

2.1. Rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn về việc nộp chứng từ điện tử thuộc hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2.2. Phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh việc kết nối chia sẻ dữ liệu chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các đối tác thương mại theo các Hiệp định, thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt nam đã ký kết, tham gia; Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế đẩy mạnh việc xác minh tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng điện tử.

2.3. Rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; tối ưu hóa quy trình, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

3. Vụ Hợp tác quốc tế

3.1. Triển khai nội dung các Hiệp định, thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến sử dụng chứng từ điện tử trong trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

3.2. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền của các nước để đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết quốc tế về chia sẻ, chấp nhận các chứng từ điện tử trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

4. Cục Thuế XNK

4.1. Rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4.2. Rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tối ưu hóa quy trình, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

5. Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan

5.1. Xây dựng Hệ thống CNTT ngành Hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới hải quan số với mức độ tự động hóa cao, ứng dụng mạnh mẽ thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

5.2. Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, triển khai dịch vụ hạ tầng và an toàn bảo mật thông tin trong lĩnh vực Hải quan; thay thế các trang thiết bị phần cứng, hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư trước đây đã xuống cấp để đảm bảo sự hoạt động thông suốt của các hệ thống CNTT hiện tại.

5.3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin về hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; Chủ trì, phối hợp với Cục Giám sát quản lý về Hải quan triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin về mẫu chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng điện tử với các đối tác thương mại theo các Hiệp định, thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

5.4. Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát và triển khai các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

6. Vụ Thanh tra - Kiểm tra

Tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ của công chức tại các Chi cục Hải quan; trường hợp phát hiện cán bộ, công chức yêu cầu người khai hải quan nộp chứng từ, hồ sơ không đúng quy định, không đúng chỉ đạo tại điểm 7 mục I Chỉ thị này hoặc có thái độ gây khó khăn, phiền hà thì yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tạm đình chỉ công tác trong thời hạn 15 ngày để xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định.

7. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan

7.1. Đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại hướng tới thủ tục hải quan phi giấy tờ trong năm 2022.

7.2. Thường xuyên tổ chức kiểm tra trực tiếp hoặc kiểm tra thông qua hệ thống camera để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ công chức yêu cầu tổ chức, cá nhân phải nộp các chứng từ giấy, trừ các loại chứng từ giấy do các Bộ, ngành quy định.

7.3. Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục thực hiện các nhiệm vụ tại mục I và mục II Chỉ thị này.

III. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện và quán triệt đến cán bộ, công chức hải quan các cấp Chỉ thị này.

2. Cục Giám sát quản lý về Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan theo dõi tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị này; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Tổng cục những vấn đề phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng Bộ Tài chính (để b/c);
- Thứ trưởng Vũ Thị Mai (để b/c);
- Lãnh đạo TCHQ (để chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ (để t/h);
- Website Hải quan;
- Lưu: VT, GSQL (5b)

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 384/CT-TCHQ về đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022 do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 384/CT-TCHQ
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/02/2022
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản