Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3837/CT-BNN-TCTL | Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI NỘI ĐỒNG VÀ TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC
Trong những năm qua, công tác thủy lợi đã đạt được nhiều thành tựu, đóng vai trò quan trọng trong việc cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước.
Đến nay, cả nước đã xây dựng được 904 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu từ 200 ha trở lên, với 6.336 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, gần 16.000 đập dâng kiên cố các loại (không bao gồm đập dâng nước hồ chứa), gần 12.000 trạm bơm điện có tổng lưu lượng từ 1000 m3/h trở lên, trên 290.000 km kênh mương các loại. Trong đó, công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng gồm: 3.950 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000÷500.000 m3, khoảng 15.000 đập dâng kiên cố có chiều cao nhỏ hơn 10m, gần 10.000 trạm bơm có tổng lưu lượng từ 1.000÷3.600 m3/h, trên 182.000 km kênh mương cấp 3 và nội đồng; ngoài ra, còn hàng ngàn ao, hồ có dung tích nhỏ hơn 50.000 m3, đập tạm, trạm bơm có tổng lưu lượng nhỏ hơn 1000 m3/h và các công trình trên kênh khác.
Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới cho trên 7,2 triệu ha diện tích gieo trồng lúa và 1,65 triệu ha diện tích cây trồng cạn; trong đó, có 1,25 triệu ha diện tích gieo trồng lúa và 276 nghìn ha diện tích cây trồng cạn chủ lực được áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Hiện nay, việc đầu tư xây dựng công trình đầu mối và kênh chính của các hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả công trình. Công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chủ yếu do người dân tự đầu tư xây dựng, thiếu kinh phí bảo trì và chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai nên đa phần đã xuống cấp. Trong điều kiện biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phần lớn công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng được các phương thức canh tác tiên tiến. Theo quy định của Luật Thủy lợi, việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi, Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước.
Việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tồn tại nhiều loại hình (Hợp tác xã, tổ hợp tác, Ủy ban nhân dân xã, Ban thủy lợi xã, ...), một số địa phương chưa có tổ chức quản lý, nhiều loại hình chưa phải là tổ chức thủy lợi cơ sở, năng lực không đáp ứng yêu cầu theo quy định, chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người sử dụng nước; việc bảo vệ công trình và chất lượng nước trong công trình thủy lợi chưa được quan tâm, nhiều tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động không hiệu quả, chưa đảm bảo đủ điều kiện để thực thi chính sách hỗ trợ của Nhà nước thực hiện thông qua tổ chức thủy lợi cơ sở theo khoản 2 Điều 51 của Luật Thủy lợi.
Để tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo quy định của Luật Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung sau:
a) Rà soát, đánh giá thực trạng công trình và tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn;
b) Xác định quy mô thủy lợi nội đồng, phân cấp quản lý công trình thủy lợi trong phạm vi tỉnh và vị trí điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi, trình UBND cấp tỉnh quyết định trước ngày 30/8/2019;
c) Tổ chức thực hiện việc thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở theo Điều 30 Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018; củng cố năng lực các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng năng lực theo khoản 4 Điều 8, khoản 4, khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 10 Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018, hoàn thành trước ngày 30/6/2021;
d) Bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện Nghị định 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ để hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31 tháng 3 hàng năm;
đ) Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (kênh bê tông lắp ghép cấu kiện đúc sẵn, đường ống,...); áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, phun mưa, SR1, nông lộ phơi...);
e) Bảo vệ công trình và chất lượng nước trong công trình thủy lợi; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
f) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho cán bộ quản lý nhà nước về thủy lợi ở cấp huyện, xã; các đối tượng làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi của tổ chức thủy lợi cơ sở;
g) Tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về thủy lợi, đặc biệt là thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;
h) Đảm bảo có sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
i) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tổng cục Thủy lợi
- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến tiết kiệm nước;
- Rà soát, tổng hợp, đánh giá thực trạng về công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và tổ chức thủy lợi cơ sở trên phạm vi cả nước, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 01 hàng năm;
- Phối hợp với cơ quan truyền thông, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
- Phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hoạt động hiệu quả, bền vững tại các vùng, miền để nhân rộng ra cả nước;
- Phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng cho các cán bộ thủy lợi cấp tỉnh, cấp huyện.
b) Các Tổng cục, Cục, Vụ và các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Tổng cục Thủy lợi tham mưu cho Bộ chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt công tác phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 979/TTg-QHQT kết quả đàm phán với Ngân hàng Phát triển Châu Á về Dự án Tăng cường quản lý thủy lợi và cải tạo hệ thống thủy nông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 6362/TB-BNN-VP kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị phát triển thủy lợi khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 1571/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt danh mục Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi Bình Định và Hưng Yên” sử dụng vốn của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 683/VPCP-CN năm 2020 về Đề án phát triển cảng thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 8623/BNN-TCTL năm 2020 về tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Công văn 979/TTg-QHQT kết quả đàm phán với Ngân hàng Phát triển Châu Á về Dự án Tăng cường quản lý thủy lợi và cải tạo hệ thống thủy nông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 6362/TB-BNN-VP kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị phát triển thủy lợi khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 1571/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt danh mục Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi Bình Định và Hưng Yên” sử dụng vốn của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Thủy lợi 2017
- 5Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi
- 6Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Nghị định 77/2018/NĐ-CP quy định về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
- 8Công văn 683/VPCP-CN năm 2020 về Đề án phát triển cảng thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Công văn 8623/BNN-TCTL năm 2020 về tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chỉ thị 3837/CT-BNN-TCTL năm 2019 về tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 3837/CT-BNN-TCTL
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 03/06/2019
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Hoàng Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/06/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra