Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 38/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 7 năm 1977

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ LAO ĐỘNG

Hiện nay, Thành phố đang tiến hành cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa, công tác của các ngành, các cấp càng ngày càng mở rộng, đòi hỏi tổ chức và biên chế lao động phải được tăng cường và phát triển nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị.

Nhưng gần đây nhiều sở, ban, ngành của Thành phố, nhiều quận, huyện còn để tình trạng lỏng lẻo trong việc quản lý tổ chức và biên chế lao động, chưa dựa trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình, và mối quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa với các ngành hữu quan, chưa xác định sự phân công phân cấp thật chặt chẽ và hợp lý. Từ đó, xu hướng phổ biến là lập mới, mở rộng tổ chức và tự ý tăng biên chế không đúng nguyên tắc, như các Sở Thương nghiệp, Giao thông vận tải, Công nghiệp, Y tế, Ngoại thương, Quận 1, 5, 8, v.v.. vượt quá mức chỉ tiêu biên chế của Hội đồng Chính phủ giao cho Thành phố năm 1977. Đến nay, số lượng lao động có mặt ở khu vực không sản xuất vật chất của nhiều sở, ban, ngành, quận, huyện đã vượt khá cao so với chỉ tiêu kế hoạch mà Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao đầu năm 1977.

Đề đưa việc quản lý tổ chức và biên chế lao động đi dần vào nền nếp theo đúng các quy định hiện hành của Hội đồng Chính phủ và nhằm thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ I ; “phải giãn chính bộ máy cấp Thành, quận, huyện, nhất là bộ máy hành chính, bớt cấp trung gian, để vừa gọn nhẹ bộ máy quản lý bên trên, vừa chọn lựa một số cán bộ có năng lực tăng cường cho cơ sở, nhất là phường, xã. Mỗi cơ quan Nhà nước, mỗi ngành cần có nội quy, nhiệm vụ, chức trách rõ ràng, có chế độ tiếp dân, ...” Để thực hiện theo hướng đó, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:

1- Các ban, ngành, sở, phải nghiên cứu xây dựng “Bản quy định” về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình, mối quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa với các ngành có liên quan, phân cấp quản lý cụ thể cho quận, huyện (căn cứ vào Bản quy định tạm thời về phân công quản lý giữa các sở, ban, ngành của Thành phố và phân cấp quản lý giữa cấp Thành phố và cấp quận, huyện mà Ủy ban nhân dân Thành phố sắp ban hành) ; trên cơ sở đó xác định cơ cấu tổ chức và định biên một cách chặt chẽ, hợp lý của cơ quan mình trình Ủy ban nhân dân Thành phố xét quyết định. Ban Tổ chức chánh quyền Thành phố hướng dẫn thực hiện và giúp Ủy ban xét duyệt.

2- Trong khu vực sản xuất kinh doanh, phải hết sức chặt chẽ trong việc lập mới các đơn vị sản xuất, kinh doanh và bố trí lao động :

- Tổ chức mới các công ty, xí nghiệp, cửa hàng, trạm trại phải được xét và cân nhắc cẩn thận về các mặt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hiệu quả kinh tế.

- Ấn định số lượng lao động phải trên cơ sở định mức lao động và chỉ tiêu năng suất lao động của ngành nghề.

- Bộ máy tổ chức phải gọn nhẹ, lao động gián tiếp không được cao quá tỷ lệ chung do Hội đồng Chính phủ quy định từ 12 – 15%.

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện không được tự ý lập mới các công ty, xí nghiệp, cửa hàng, trạm trại.., mà phải trình Ủy ban nhân dân Thành phố xét quyết định. Ban Tổ chức chánh quyền phối hợp với Sở Tài chánh, Ủy ban Kế hoạch và các cơ quan chức năng khác có liên quan, nghiên cứu giúp Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.

3- Các đơn vị, tuy tính chất hoạt động thuộc các ngành phục vụ công cộng, văn hóa, nghệ thuật, hoa học và phục vụ khoa học, nhưng nếu có đủ điều kiện hạch toán kinh doanh, thì cần chuyển sang hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, không tính vào kinh phí và biên chế sự nghiệp.

4- Riêng về số lượng cán bộ công nhân viên làm công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh cho 6 tháng cuối năm 1977, Ban Tổ chức chánh quyền phối hợp với Ban Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Ủy ban Kế hoạch, Ban Tổ chức Thành ủy, căn cứ vào chương trình kế hoạch cải tạo đã được Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua mà bố trí cho từng sở, ban , ngành, quận, huyện, trình Ủy ban xét duyệt, quỹ lương tính vào kinh phí cải tạo xã hội chủ nghĩa (số lượng 1978 sẽ điều chỉnh bổ sung theo yêu cầu công tác cải tạo 1978).

5- Ban Tổ chức chánh quyền, Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh, Sở Lao động, Ngân hàng, Sở Lương thực, Sở Thưong nghiệp, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định nêu trên về quản lý tổ chức và biên chế lao động, triệt để chống tình trạng lãnh và cấp tiền lương, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho số lượng “ma”, hoặc số lượng vượt chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố giao đầu năm 1977.

Ban Tổ chức chánh quyền và Ủy ban Kế hoạch Thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban , ngành và các quận, huyện xây dựng kế hoạch biên chế lao động năm 1978 (khu vực sản xuất vật chất - Ủy ban Kế hoạch phụ trách ; khu vực không sản xuất vật chất – Ban Tổ chức chánh quyền phụ trách) trên tinh thần chặt chẽ tiết kiệm, mỗi cán bộ, công nhân viên chức đều phải có nội dung việc làm cụ thể, làm việc có hiệu suất, năng suất cao và theo chế độ, thể lệ của Trung ương quy định về xây dựng và quản lý kế hoạch biên chế lao động.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân Thành phố.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 38/CT-UB năm 1977 về tăng cường quản lý tổ chức bộ máy và biên chế lao động do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 38/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/07/1977
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Đình Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản